HIẾU CHÂN
Theo một chính sách mới của Bộ Nội an, các phóng viên Trung Quốc hành nghề tại Mỹ sắp tới chỉ được cấp giấy phép làm việc có thời hạn 90 ngày thay vì giấy phép không thời hạn như hiện nay.
Chính sách này là đòn trả đũa vụ chính phủ Bắc Kinh trục xuất khỏi Trung Quốc các nhà báo Mỹ thuộc ba cơ quan truyền thông lớn là The New York Times (NYT), The Washington Post (WaPo) và The Wall Street Journal (WSJ) mới đây. Chính sách hạn chế sẽ làm gia tăng xung đột với Trung Quốc trong lĩnh vực truyền thông và chắc chắn sẽ bị Bắc Kinh tìm cách phản pháo.
Bộ Nội an (Department of Homeland Security- DHS) hôm qua thứ Sáu 08-05 cho biết, phóng viên Trung Quốc có hộ chiếu Trung Quốc, có visa nhập cảnh và làm việc không phải cho các tổ chức truyền thông Mỹ, chỉ được cấp giấy phép làm việc thời hạn 90 ngày, có thể gia hạn nhưng mỗi lần gia hạn cũng chỉ kéo dài 90 ngày. Quy định này không áp dụng với các phóng viên có hộ chiếu Hong Kong hoặc Macau.
Động thái mới này là một phần trong cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng giữa Mỹ và Trung Quốc trên mặt trận truyền thông, và ngày càng quyết liệt cùng với đà xấu đi của quan hệ ngoại giao từ trước khi xảy ra đại dịch cúm Vũ Hán.
Khi công bố chính sách hạn chế mới, các quan chức Mỹ nói rằng quy định này là cần thiết để cân bằng lại “sự đàn áp báo chí độc lập” ở Trung Quốc, có thể hiểu như một cách trả đũa “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”.
Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng rút ngắn thời hạn visa và giấy phép làm việc của phóng viên nước ngoài như một biện pháp để buộc các nhà báo thường trú tại Trung Quốc phải tự kiểm duyệt, tránh những đề tài mà Bắc Kinh coi là nhạy cảm. Giấy phép làm việc của phóng viên nước ngoài, trước kia thường có thời hạn một năm, được ra vào nhiều lần, nay chỉ còn từ một đến sáu tháng, và nhiều phóng viên không được gia hạn khi giấy phép của họ hết hạn.
Trong khi đó, phóng viên Trung Quốc tại Mỹ – số lượng đông gấp bảy lần so với số phóng viên Mỹ tại Trung Quốc – lại được hưởng ưu đãi giấy phép làm việc không thời hạn, chỉ cần cấp một lần là có thể hành nghề suốt đời. Sự khác nhau này là rất bất hợp lý, chưa kể rằng hầu hết phóng viên Mỹ làm việc cho các tổ chức truyền thông tư nhân, độc lập với chính phủ; còn tất cả phóng viên Trung Quốc là viên chức của đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc, không có báo chí độc lập.
Để điều chỉnh bất hợp lý này, hồi tháng 02-2020, Bộ Ngoại giao Mỹ xếp các tổ chức truyền thông của nhà nước Trung Quốc vào loại hình cơ quan chính phủ nước ngoài, chịu sự chi phối của pháp luật về cơ quan đại diện nước ngoài. Ngay ngày hôm sau, Trung Quốc trả đũa bằng cách trục xuất ba nhà báo của báo The Wall Street Journal, trong đó có hai người mang quốc tịch Mỹ.
Ngày 24-02, hội nghị liên bộ tại Tòa Bạch ốc do Phó cố vấn an ninh quốc gia Matthew Pottinger chủ trì đã thảo luận và chấp nhận đề nghị của David R. Stilwell, Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương sự vụ, theo đó năm tổ chức truyền thông chính của nhà nước Trung Quốc tại Mỹ phải giảm số lượng nhân viên từ 160 người xuống còn 100 người. Ông Pottinger từng là phóng viên báo The Wall Street Journal tại Trung Quốc nhiều năm, thông thạo tiếng Quan Thoại, nhiều lần bị hành hung và bị cản trở trong công việc.
Hai tuần sau đó, Bắc Kinh trả đũa bằng việc trục xuất các nhà báo Mỹ đồng thời gây khó khăn cho các nhân viên người Trung Quốc làm việc cho các báo này. Trung Quốc giải thích việc trục xuất này là “cần thiết và có đi có lại”.
Chính sách hạn chế của Bộ Nội an có hiệu lực thi hành từ thứ Hai 11-05, dẫn chiếu vụ trục xuất hồi tháng 03 của Trung Quốc để biện minh cho quy định hạn chế của Hoa Kỳ. Phía Mỹ cho rằng, vụ Bắc Kinh trục xuất các nhà báo của NYT, WSJ và WaPo “không đơn giản là có đi có lại như họ nói, mà thay vì vậy là một sự leo thang các biện pháp thù địch nhắm vào báo chí tự do bên trong biên giới của họ.”
*
Bill Bishop, chủ bút trang báo mạng Sinocism, nhận định rằng những biện pháp của Mỹ áp đặt hạn chế lên các phóng viên Trung Quốc là vô ích bởi vì theo ông đảng Cộng sản Trung Quốc không quan tâm nhiều tới các phóng viên làm việc cho họ tại nước ngoài. “Đảng gần như không quan tâm tới các phóng viên nhiều bằng quan tâm tới hệ thống phát hành và các nền tảng trực tuyến cho phép họ nhắm tới mục tiêu gia tăng sức mạnh tuyên truyền toàn cầu của Trung Quốc, cho phép họ quảng bá các thông điệp của họ ra toàn cầu,” ông Bishop nói.
Tuy nhiên, “nhắm tới các nền tảng trực tuyến và hệ thống phát hành lại đụng đến Tu chính án thứ Nhất [về quyền tự do ngôn luận]”, ông Bishop nói thêm.
Chính sách mới của Mỹ, tất nhiên đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Trung Quốc và chính phủ Hoa Kỳ cũng đã dự báo Bắc Kinh sẽ có biện pháp trả đũa.
Có điều, hạn chế giấy phép làm việc mà Washington đưa ra hôm thứ Sáu không phải là điều bất ngờ bởi vì suốt mùa đông và mùa xuân này chính phủ Mỹ đã thảo luận những biện pháp khắc nghiệt hơn nhắm vào các tổ chức báo chí Trung Quốc.
Các cơ quan tình báo Mỹ từ lâu đã coi các phóng viên của các tổ chức truyền thông nhà nước Trung Quốc có thể là gián điệp và sau vụ Trung Quốc trục xuất các nhà báo Mỹ hồi tháng Ba, một số quan chức đã yêu cầu trấn áp mạnh tay hơn những nhân viên khả nghi của Trung Quốc trên đất Mỹ. Chính phủ của ông Trump có thể sẽ hành động trong tương lai khi các cơ quan tình báo ủng hộ việc trấn áp giành được sự đồng thuận của các bộ ngành khác trong chính phủ.
(NYT)