Mỹ – Trung Quốc – EU: quan hệ khó khăn vì đại dịch

Các nhà đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc: Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin tháng 10 năm ngoái. Reuters

Đại dịch coronavirus buộc Trung Quốc phải trả giá đắt cho vị thế của họ ở Phương Tây, quan điểm của cả Hoa Kỳ và Âu châu về hợp tác với Bắc Kinh trong mọi lĩnh vực từ thương mại tới quan hệ song phương đều đang mờ dần, các quan chức và phân tích gia cho biết.

Bất chấp lợi ích kinh tế kết nối ba châu lục, trạng thái căng thẳng vốn có từ lâu trong các nỗ lực ngoại giao của phương Tây với Bắc Kinh đã nhờ đại dịch mà nổi lên bề mặt.

Mỹ và châu Âu có nhiều điểm tương đồng và vài điểm dị biệt

Trong tuần này ở Brussels, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) công khai chỉ trích quyết định của Trung Quốc kiểm duyệt một phần bài Ý kiến (opinion) do Trưởng phái đoàn châu Âu tại Bắc Kinh viết nhân kỷ niệm 45 năm ngày hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong bài, phần nói rằng đại dịch coronavirus bắt đầu ở Trung Quốc rồi lan ra toàn cầu đã bị cắt bỏ trước khi đăng lên tờ nhật báo tiếng Anh China Daily của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ở Washington, Tổng thống Trump hôm nay bày tỏ nỗi nghi ngờ mới về thành công của thỏa thuận thương mại giai đoạn Một mà Hoa Kỳ và Trung Quốc ký kết hồi tháng Giêng; ông biểu lộ sự thất vọng với Bắc Kinh và nói ông chưa quyết định có nên hủy bỏ thỏa thuận hay không.

Nhưng có vài điểm dị biệt tế nhị trong quan điểm và tình cảm giữa Hoa Kỳ và châu Âu trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc và trách nhiệm của Bắc Kinh đối với đại dịch cúm Vũ Hán. Chính phủ của ông Trump đổ lỗi cho Trung Quốc giấu giếm thông tin trong giai đoạn đầu của đại dịch, nhưng vẫn muốn Trung Quốc thực hiện nghiêm chỉnh thỏa thuận thương mại đã ký kết, theo đó Trung Quốc phải mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ.

Tương tự, châu Âu từ năm ngoái đến nay đã coi Trung Quốc là một mối đe dọa ngày càng lớn mặc dù quan hệ chính trị và kinh doanh giữa Trung Quốc với đa số các nước châu Âu vẫn trôi chảy.

Bà Wendy Cutler, cựu quan chức thương mại Mỹ và phó chủ tịch Viện Chính sách thuộc Asia Society nhận xét: “Quan hệ Trung Quốc-EU đã xấu đi từ trước dịch Covid-19. Đại dịch thúc đẩy xu hướng này, một phần do các nhà ngoại giao Trung Quốc có thái độ ngày càng hung hăng ở nhiều nước thành viên châu Âu và sử dụng việc cung cấp trang bị chống dịch như một đòn bẩy”.

Chính phủ Trump đang áp lực đòi châu Âu ủng hộ yêu cầu của Mỹ tổ chức điều tra việc Trung Quốc xử lý khủng hoảng và căn nguyên của con virus. Nhưng các chính trị gia châu Âu chưa quyết liệt lắm trong thái độ với Trung Quốc như các cố vấn trong chính phủ ông Trump.

“Đối mặt với Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu có những lợi ích trùng nhau, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, trong cách tiếp cận thì có những khác biệt quan trọng, chung quanh chuyện nên cứng rắn tới mức nào, có tham vọng đạt được những gì,” bà Cutler nói, và thêm rằng: “Châu Âu coi trọng quan hệ thương mại với Trung Quốc và không muốn đi xa tới mức gây nguy hiểm cho mối quan hệ đó”.

Châu Âu “khấu đầu”?

Về vụ kiểm duyệt bài phát biểu, châu Âu đổ lỗi cho trưởng phái đoàn của mình, Đại sứ Nicolas Chapuis, đã cho phép Trung Quốc sửa đổi, kiểm duyệt bài Ý kiến do ông viết và đứng tên cùng với đại sứ của 27 nước thành viên EU. Báo China Daily nói bài báo cần phải được Bộ Ngoại giao Trung Quốc phê duyệt trước khi đăng. Phái đoàn châu Âu tại Bắc Kinh đồng ý như vậy. Nhưng tối thứ Năm, EU nói ông Chapuis đã không tham vấn với Brussels, các đại sứ quán thành viên cũng không được thông tin về sự kiểm duyệt đó; và quyết định đăng bài phát biểu đã bị kiểm duyệt trên báo China Daily “không phải là một quyết định đúng”.

Nhiều chính trị gia châu Âu không hài lòng. “Nói lên tiếng nói là quan trọng, nhưng nó [bài phát biểu] phải phản ánh các giá trị chung, lợi ích chung của châu Âu,” ông Norbert Röttgen, người có khả năng thay bà Angela Merkel lãnh đạo đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Đức, viết trên Twitter. “Đây đơn giản là không chấp nhận được,” Reinhard Bütikofer, nghị sĩ của Nghị viện châu Âu, đại diện Đảng Xanh, viết trên Twitter. “Nếu đại sứ châu Âu tự quyết định khấu đầu (kowtow), ông ta phải bị cách chức. Nếu ông ta được lệnh khấu đầu từ Brussels thì Nghị viện châu Âu phải khiển trách ủy viên chính sách đối ngoại EU Joseph Borrell.”

Hồi tháng Tư, các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng đã gây sức ép buộc châu Âu phải cắt bỏ những lời tố cáo trong một bản phúc trình rằng Trung Quốc đã tung tin giả về đại dịch coronavirus, khiến cho bản phúc trình được công bố có nhiều điểm khác biệt so với bản lưu hành nội bộ trong các quan chức châu Âu.

Những sự cố “kiểm duyệt” này cho thấy một cách tiếp cận nhiều mâu thuẫn của châu Âu với Trung Quốc trong thời điểm châu lục này đang lao vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất. Châu Âu vừa muốn duy trì thương mại với Trung Quốc như một cái phao cứu sinh, vừa muốn được ưu đãi nếu Trung Quốc là nước đầu tiên bào chế được vaccine ngừa coronavirus nhưng lại vừa muốn là ngọn cờ bảo vệ nền dân chủ tự do, tự do ngôn luận và quyền con người – là những thứ mà các chính trị gia châu Âu luôn chỉ trích Trung Quốc.

Thái độ lập lờ đó khiến cho vị thế của châu Âu ngày càng sa sút trong quan hệ với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Mỹ hoài nghi

Tổng thống Donald Trump và Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc ký thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1. Politico.

Trong khi đó ở Washington, mối quan tâm của chính phủ Mỹ về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc vẫn còn mạnh.

Tân Hoa xã đưa tin Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) được mời trò chuyện với Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer vào sáng thứ Sáu 08-05 giờ Bắc Kinh. Trong cuộc điện đàm hai bên cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện giai đoạn một của thỏa thuận, thúc đẩy hợp tác kinh tế và sức khỏe cộng đồng, đồng thời đồng ý duy trì thông tin liên lạc mật thiết.

Trung Quốc đồng ý mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm, so với giá trị mua hàng năm 2017. Nhưng các nhà phân tích nói rằng, đại dịch coronavirus khiến Trung Quốc khó mà hoàn thành được cam kết đó. Trong bốn tháng đầu năm nay, hàng hóa Mỹ xuất cảng vào Trung Quốc đã giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu chính thức được công bố hôm thứ Năm 07-05.

Sau cuộc điện đàm của quan chức thương mại hai nước, Tổng thống Trump nói ông rất hoài nghi cam kết của Trung Quốc. Ông xác nhận có cuộc điện đàm và nói nó “thúc đẩy” thỏa thuận thương mại – nhưng ông nói thêm: “Tôi cảm thấy khác hơn điều tôi đã từng cảm thấy”. “Tôi đã có một thời gian khó khăn với Trung Quốc,” ông Trump cho biết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Ngừng trì hoãn
Có một vấn đề trong thế giới kỹ thuật số ngày nay: Quá tải thông tin. Từ âm nhạc, trò chơi đến mạng xã hội và những giờ giải trí…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: