Người nghèo Trung Quốc có nguy cơ mất trắng tiền gửi tiết kiệm

Hệ thống ngân hàng phát triển quá nóng của Trung Quốc đang dẫn đến những thiệt hại kinh tế lẫn xã hội (ảnh: Xu Jingbai / Costfoto/Future Publishing via Getty Images)

Các ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc đang gặp khó khăn. Người gửi tiền tiết kiệm có thể mất tất cả. Tham nhũng và câu kết tư nhân-nhà nước để ăn cắp tiền của người dân có vai trò rất lớn.

Nguy cơ mất trắng tiền gửi tiết kiệm

Peter (tên giả vì lý do an ninh) đã gửi khoản tiết kiệm cả đời khoảng $6 triệu vào tài khoản tại ba ngân hàng nhỏ ở tỉnh Hà Nam. Nhưng ông than thở là không thể truy cập được chúng kể từ Tháng Tư. Mỗi khi cố gắng truy cập các tài khoản của mình, một thông báo xuất hiện trên trang chủ nói rằng trang web đang được bảo trì và các dịch vụ sẽ không có sẵn trong một thời gian nữa. Hai tháng sau, những dịch vụ đó vẫn chưa được khôi phục. Doanh nhân 45 tuổi đến từ thành phố Ôn Châu này chỉ là một trong số hàng ngàn người gửi tiền phải vất vả đấu tranh để lấy lại khoản tiền tiết kiệm từ ít nhất sáu ngân hàng ở các tỉnh nông thôn thuộc miền Trung Trung Quốc.

CNN cho biết, rắc rối bắt đầu vào Tháng Tư, khi bốn ngân hàng ở Hà Nam bất ngờ đình chỉ hoạt động rút tiền mặt. Ở Trung Quốc, các ngân hàng địa phương chỉ được phép nhận tiền gửi từ khách hàng gia đình gần đó, nhưng nhà chức trách cho biết “(đối tác) bên thứ ba” cũng thường được sử dụng để huy động tiền từ những người gửi bên ngoài khu vực muốn hưởng lãi cao. Ví dụ trường hợp của Peter, quê hương ông cách bờ biển Hà Nam hơn 700 dặm.

Mới đây, cơ quan quản lý Ngân hàng Quốc gia cáo buộc một cổ đông tư nhân lớn của bốn ngân hàng “làng” (Yuzhou Xinminsheng Village Bank, Shangcai Huimin County Bank, Zhecheng Huanghuai Community Bank, New Oriental Country Bank of Kaifeng) đã gom tiền không đúng qui định của những người gửi tiết kiệm.

Ảnh: Budrul Chukrut/SOPA Images/LightRocket via Getty Images

Cụ thể, cổ đông Henan New Fortune Group đã cấu kết nội bộ và bên ngoài, thông qua nền tảng của bên thứ ba và các nhà môi giới quỹ, theo Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc. Cuộc chạy đua gom tiền của các ngân hàng nhỏ tại Trung Quốc đã trở nên thường xuyên hơn trong những năm gần đây và không ít ngân hàng bị tố cáo có hành vi sai trái hoặc tham nhũng tài chính. Nhưng các chuyên gia lo ngại một vấn đề tài chính lớn hơn nhiều có nguy cơ sắp xảy ra mà nguyên nhân sâu sa là sự sụp đổ của thị trường bất động sản và các khoản nợ xấu tăng cao liên quan đến đại dịch Covid-19.

Hiện chưa có ước tính chính thức về tổng số tiền mà người gửi tiền ngân hàng không thể rút. Cảnh sát địa phương và cơ quan quản lý ngân hàng quốc gia không cung cấp thông tin nào. Theo Sanlian Lifeweek, một tạp chí thuộc sở hữu nhà nước, từ Tháng Tư, có tới 400,000 người gửi tiền ngân hàng trên khắp Trung Quốc không thể rút tiền tiết kiệm của họ. Đây là một vấn nạn nghiêm trọng trong “biển” ngân hàng của Trung Quốc, nơi khoảng một phần tư tổng tài sản của ngành ngân hàng được nắm giữ bởi khoảng 4,000 chủ thể cho vay nhỏ.

Các chuyên gia cho biết những ngân hàng nhỏ này thường có bộ máy điều hành và sở hữu “lem nhem” nên rất dễ bị tham nhũng và dễ “chết” khi kinh tế đi dần vào suy thoái. Frank Xie, giáo sư tại Đại học South Carolina Aiken chuyên nghiên cứu về kinh doanh tại Trung Quốc, nhận định: “Phạm vi của các vụ bê bối ngân hàng tại Trung Quốc với các quan chức ngân hàng biển thủ và ăn cắp tiền từ người gửi tiền là đáng báo động cho nền kinh tế. Những gì bị phanh phui chỉ là phần nổi của tảng băng”. Ông nói: “Khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, tình trạng thiếu hụt tài chính càng trầm trọng thì số công ty vướng vào nợ xấu sẽ nhiều hơn, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Hệ quả là nguy cơ phá sản ngân hàng hàng loạt ngày càng rõ hơn”.

Tuyệt vọng!

Cuối tháng trước, hàng trăm người gửi tiền đã đến thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, để phản đối bên ngoài văn phòng cơ quan quản lý ngân hàng tỉnh và đòi lại tiền. Nhưng tất cả đều vô ích. Một cuộc biểu tình khác được lên kế hoạch vào Tháng Sáu nhưng khi những người gửi tiền đến Trịnh Châu, họ vô cùng sửng sốt khi thấy mã số sức khỏe của họ từ màu xanh khi khởi hành chuyển sang màu đỏ, tức là bị nhiễm Covid hoặc bị chính quyền xem là có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngay lập tức họ bị cấm đến tất cả địa điểm, lên các phương tiện giao thông công cộng và bị xét nghiệm hàng tuần.

Khi những người nhận được mã đỏ khiếu nại, Ủy ban Y tế tỉnh Hà Nam hứa với trang tin nhà nước thepaper.cn sẽ “điều tra và xác minh”. Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc đổ lỗi cho Henan New Fortune Group (công ty đầu tư tư nhân này nắm phần lớn cổ phần lớn tại cả bốn ngân hàng). Tuần trước, cảnh sát Hà Nam cho biết một băng nhóm tội phạm do người kiểm soát công ty đầu tư cầm đầu bị nghi sử dụng các ngân hàng nhỏ địa phương để phạm tội. Một số nghi phạm đã bị bắt. Henan New Fortune Group đã đóng trang web nhưng không đưa ra tuyên bố công khai nào.

Cuối ngày Thứ Hai, bốn ngân hàng liên quan cho biết đã bắt đầu nhận đơn kê khai của những khách hàng bị ảnh hưởng sau khi có yêu cầu của các cơ quan quản lý tài chính. Người gửi tiền như ngồi trên lửa. Theo nguyên tắc, tiền gửi từ 500,000 nhân dân tệ (gần $75,000) sẽ được đảm bảo hoàn lại nếu ngân hàng gặp vấn đề, nhưng chừng đó là không đủ đối với những người như nạn nhân Peter. Ngoài ra, nếu cuộc điều tra của chính phủ phát hiện ra khoản tiền gửi tiết kiệm của họ là “giao dịch sai nguyên tắc tài chính”, họ có thể mất tất cả!

“Tôi khá lo lắng về cách chính quyền xử lý tiền gửi của chúng tôi” – Ye (tên giả) nói. Là một công nhân công nghệ 30 tuổi đến từ thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông cách ngân hàng gửi tiền ở Hà Nam khoảng 1,500 km, nạn nhân này cho biết đã gửi 160,000 tệ (khoảng $24,000). “Khi gửi tiền, chúng tôi được các ngân hàng cam kết tiền gửi hợp pháp sẽ được bảo vệ bởi chương trình bảo hiểm tiền gửi. Nay chúng tôi chỉ muốn lấy lại tiền của mình”.

Các chuyên gia cho biết những ngân hàng nhỏ này thường có bộ máy điều hành và sở hữu “lem nhem” nên rất dễ bị tham nhũng và dễ “chết” khi kinh tế đi dần vào suy thoái (ảnh: Costfoto/Future Publishing via Getty Images)

Phát triển quá nóng

Đầu năm 2021, Bắc Kinh đã cấm các ngân hàng bán các sản phẩm tiền gửi (deposit products) thông qua các nền tảng trực tuyến của bên thứ ba, vì lo ngại có thể làm tăng rủi ro trong hệ thống tài chính. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gọi cách làm này là “hoạt động tài chính bất hợp pháp”. Vậy tại sao các ngân hàng địa phương nhỏ ở Hà Nam dường như phớt lờ lệnh cấm mà vẫn huy động tiền gửi từ những người như Ye, sống ở rất xa?

Cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm quốc gia của Trung Quốc cho biết các nền tảng trực tuyến của bên thứ ba được phép vượt giới hạn địa lý để phát triển kinh doanh trên toàn quốc. Trong vụ Hà Nam, nhiều phương tiện truyền thông nhà nước tiết lộ các sản phẩm tiền gửi được bán thông qua các nền tảng liên kết hoặc thuộc sở hữu của những gã khổng lồ công nghệ như Baidu (BIDU) và JD.com. Frank Xie giải thích: “Các cơ quan quản lý của chính phủ trung ương dường như không có khả năng thực thi những quy định ngăn chặn tình trạng kinh doanh ngân hàng kiểu này. Tham nhũng vẫn tràn lan ở các tổ chức tài chính địa phương. Bọn xấu ăn cắp hàng triệu đôla từ người gửi tiền thường được che chắn bởi những đồng bọn trong chính quyền và quản lý cấp cao của các ngân hàng”.

Logan Wright, Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group, nhận định: “Vấn đề cốt lõi là hệ thống tài chính của Trung Quốc mở rộng quá nhanh so với quy mô nền kinh tế trong thập niên trước”. Theo thống kê của chính phủ, lĩnh vực ngân hàng đã tăng gấp sáu lần về quy mô kể từ 2008, với tổng tài sản vượt quá $50 ngàn tỷ. Các chuyên gia cho biết cơ cấu tài chính của các ngân hàng nhỏ cũng khiến họ gặp nhiều rủi ro hơn. So với các ngân hàng lớn, họ phụ thuộc nhiều hơn vào tiền gửi để cho vay.

Hệ quả là nhiều ngân hàng nhỏ đưa ra mức lãi suất cao để thu hút tiền gửi. Nhưng khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, đồng nghĩa với việc người đi vay phải vật lộn để trả nợ ngân hàng, các ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền lãi cho người gửi tiết kiệm. George Magnus, một cộng sự tại Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford, kết luận: “Hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng khu vực và ngân hàng nhỏ của Trung Quốc dễ bị tổn thương khi nền kinh tế xấu đi và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Nạn nhân cuối cùng là người gửi tiền tiết kiệm”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: