Những ông trùm ăn cướp của Bắc Kinh

Phân tích nghịch lý của Trung Quốc: tham nhũng lan tràn mà kinh tế vẫn tăng trưởng mạnh. Cách xử lý tham nhũng khác nhau giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Đó dường như là một câu chuyện điển hình về nạn tham nhũng của Trung Quốc. Một doanh nhân mang một vali chứa đầy cổ phiếu công ty đi hối lộ các quan chức có ảnh hưởng để đổi lấy các khoản vay giá rẻ cho các dự án đường sắt của ông ta. Mục tiêu hối lộ của ông, những quan chức phụ trách cơ sở hạ tầng công cộng và ngân sách, là bạn bè và cộng sự kinh doanh. Các thành viên gia đình của họ điều hành các công ty trong ngành thép, vốn được hưởng lợi từ việc xây dựng tuyến đường sắt mới. Theo thời gian, khi mối quan hệ giữa các quan chức và doanh nhân ngày càng khăng khít, các quan chức đã tăng gấp đôi sự hỗ trợ tài chính cho các dự án kinh doanh của ông ta, khiến ông thổi phồng chi phí lên và bỏ qua nguy cơ thua lỗ. Tuy nhiên, chậm mà chắc, một cuộc khủng hoảng tài chính đã âm thầm được ươm mầm.

Những câu chuyện như thế là đặc hữu của Trung Quốc: các nhà lãnh đạo doanh nghiệp câu kết với các quan chức lợi dụng các dự án phát triển để làm giàu cá nhân, tham nhũng nhiễm vào tất cả các cấp chính quyền, và các chính trị gia khuyến khích các nhà tư bản chấp nhận rủi ro lớn. Không có gì ngạc nhiên khi một số nhà quan sát khẳng định từ những năm 1990 rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ sớm sụp đổ dưới sức nặng của sự thái quá của chính nó, và kéo chế độ hạ bệ cùng với nó. Nhưng đây mới là chỗ lắt léo: doanh nhân nói trên không phải là người Trung Quốc mà là người Mỹ, và câu chuyện diễn ra ở Hoa Kỳ chứ không phải ở Trung Quốc. Câu chuyện mô tả ông Leland Stanford, một ông trùm đường sắt thế kỷ 19, người đã giúp thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của Hoa Kỳ. Nhưng con đường dẫn đến khối tài sản kếch xù của ông ta lại được trải bằng các giao dịch tham nhũng. (Gia đình Leland Stanford là chủ sáng lập Đại học Stanford mang tên ông ở California – ND)

Thời Đại Vàng Son – bắt đầu ở Hoa Kỳ vào những năm 1870 – là thời đại của chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism) cũng như sự tăng trưởng và chuyển đổi phi thường. Sau sự tàn phá của cuộc Nội chiến, Hoa Kỳ đã tái thiết và phát triển vượt bậc. Hàng triệu nông dân chuyển từ đồng ruộng sang nhà máy, cơ sở hạ tầng mở ra giao thương đường dài, công nghệ mới tạo ra các ngành công nghiệp mới, và dòng vốn không bị kiểm soát được luân chuyển tự do. Trong quá trình này, những doanh nhân sành sỏi biết nắm bắt đúng cơ hội vào đúng thời điểm — như Stanford, J. P. Morgan, John D. Rockefeller — đã tích lũy được mức độ giàu có khổng lồ, trong khi một tầng lớp lao động mới chỉ kiếm được một mức lương khá thấp. Các chính trị gia câu kết với các tài phiệt, và các nhà đầu cơ thao túng thị trường. Tuy nhiên, thay vì dẫn đến tan rã, sự thối nát của Thời đại Hoàng Kim đã mở ra một làn sóng cải cách kinh tế, xã hội và chính trị – Thời đại Tiến Bộ. Cùng với sự thâu tóm đế quốc, thời đại này đã mở đường cho Hoa Kỳ vươn lên thành siêu cường của thế kỷ 20.

Trung Quốc hiện đang ở giữa Thời đại Hoàng Kim của riêng mình. Các doanh nhân tư nhân đang trở nên giàu có một cách đáng kinh ngạc nhờ sự tiếp cận đặc biệt tới các đặc quyền của chính phủ, cũng như tới các quan chức đã ban phát các đặc quyền đó một cách bất hợp pháp. Nhận thức được sự nguy hiểm của chủ nghĩa tư bản thân hữu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cố gắng tạo dựng kỷ nguyên Tiến bộ của chính Trung Quốc — kỷ nguyên ít tham nhũng hơn và bình đẳng hơn — thông qua vũ lực tàn bạo. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, đây không phải là cách bảo đảm cải cách thực sự được duy trì. Ông Tập đang triệt tiêu nguồn năng lượng từ dưới lên – vốn là chìa khóa giải quyết các vấn đề nan giải hiện nay của Trung Quốc — và khi làm như vậy, ông ta có thể sẽ khiến chúng thậm chí còn tồi tệ hơn.

Lỗi hệ thống

Đối với những người nghiên cứu về tham nhũng, Trung Quốc đặt ra một câu đố khó hiểu. Thông thường, các quốc gia tham nhũng đều nghèo và cứ giữ nguyên như vậy. Các công trình nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa tham nhũng và nghèo đói. Nhưng Trung Quốc đã duy trì được bốn thập niên tăng trưởng kinh tế bất chấp mức độ tham nhũng mà ngay cả ông Tập cũng đã mô tả là “trầm trọng” và “gây sốc”. Tại sao Trung Quốc dường như đã đi ngược xu hướng?

Ông Tập đang triệt tiêu nguồn năng lượng từ dưới lên – vốn là chìa khóa giải quyết các vấn đề nan giải hiện nay của Trung Quốc — và khi làm như vậy, ông ta có thể sẽ khiến chúng tồi tệ hơn

Câu trả lời nằm ở loại hình tham nhũng đang thịnh hành ở Trung Quốc. Các chỉ số đo lường thông thường về tham nhũng bỏ qua các loại tham nhũng khác nhau. Chỉ số phổ biến nhất, Chỉ số Nhận thức về Tham nhũng (Corruption Perceptions Index, CPI) do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) đưa ra hàng năm, đo lường tham nhũng như một vấn đề một chiều, biến động trên thang điểm phổ quát từ 0 đến 100. Vào năm 2020 , Trung Quốc đạt 42 điểm, xếp hạng là nước tham nhũng nhiều hơn Cuba, Namibia và Nam Phi. Ngược lại, các nền dân chủ có thu nhập cao luôn được xếp trong số các nước trong sạch nhất trên thế giới, củng cố niềm tin phổ biến rằng tham nhũng là một tệ nạn chỉ có riêng ở các nước nghèo.

Mặc dù sự đơn giản của nó thật hấp dẫn, nhưng quan niệm về tham nhũng như vậy là sai lầm. Trên thực tế, tham nhũng có nhiều hương vị khác nhau, mỗi loại gây ra những tác hại kinh tế và xã hội khác nhau. Công chúng quen thuộc với ba loại tham nhũng chính. Đầu tiên là hành vi trộm cắp vặt: chẳng hạn như cảnh sát giao thông bắt người đi đường để lấy tiền mãi lộ. Thứ hai là hành vi trộm cắp lớn: giới tinh hoa của quốc gia bòn rút những khoản tiền khổng lồ, chuyển chúng từ kho bạc công vào các tài khoản cá nhân ở nước ngoài. Thứ ba là tiền bôi trơn: những khoản hối lộ lặt vặt trả cho các quan chức chính quyền để bỏ qua thủ tục nhiêu khê, sự chậm trễ cũng như bôi trơn bánh xe của bộ máy quan liêu. Cả ba loại tham nhũng này đều bất hợp pháp, bị lên án nặng nề và tràn lan ở các nước nghèo.

Nhưng tham nhũng lại xuất hiện một cách khác, khó nắm bắt hơn: tiền tiếp cận (access money). Trong loại giao dịch này, nhà tư bản đưa ra mức thưởng cao giá cho các quan chức có quyền lực không chỉ để bôi trơn mà để tiếp cận các đặc quyền sinh lợi, độc quyền, bao gồm tín dụng giá rẻ, quyền sử dụng đất, các quyền độc quyền, hợp đồng mua sắm, giảm thuế v.v. Tiền tiếp cận có thể biểu hiện dưới các hình thức bất hợp pháp, chẳng hạn như những khoản hối lộ lớn và tiền lại quả (kickback), nhưng nó cũng tồn tại ở các hình thức hoàn toàn hợp pháp. Vận động hành lang chẳng hạn là một phương thức hợp pháp về đại diện chính trị ở Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác. Để đổi lấy ảnh hưởng đối với luật pháp và chính sách, các nhóm quyền lực tài trợ cho các chiến dịch chính trị và hứa hẹn với các chính trị gia các vị trí béo bở sau khi họ rời nhiệm sở.

Các loại tham nhũng khác nhau gây hại cho các quốc gia theo những cách khác nhau. Trộm cắp vặt và trộm cắp lớn giống như thuốc độc; chúng gây tổn hại trực tiếp và rõ ràng cho nền kinh tế bằng cách tiêu hao của cải công và tư trong khi không mang lại lợi ích gì. Tiền bôi trơn thì giống như thuốc giảm đau; nó có thể làm giảm cơn đau đầu nhưng không cải thiện sức khỏe của một con người. Trái lại, tiền tiếp cận thì giống như thuốc kích thích; nó thúc đẩy sự phát triển cơ bắp và cho phép một người thực hiện những kỳ công siêu phàm, nhưng nó đi kèm với các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm khả năng bị suy sụp hoàn toàn.

Một khi đã giải mã được các loại tham nhũng thì nghịch lý của Trung Quốc sẽ không còn khó hiểu nữa. Trong bốn thập niên qua, tham nhũng ở Trung Quốc đã trải qua một quá trình phát triển có tính cơ cấu, chuyển từ hành vi côn đồ và trộm cắp, tiến tới phương thức dùng tiền tiếp cận. Bằng cách thưởng cho các chính trị gia phục vụ cho lợi ích của nhà tư bản và làm giàu cho các nhà tư bản chịu trả tiền tiếp cận các đặc quyền, phương thức tham nhũng tiền tiếp cận trở nên chiếm ưu thế và nó đã kích thích thương mại, xây dựng và đầu tư, tất cả đều đóng góp vào tăng trưởng tổng sản lượng quốc gia GDP. Nhưng nó cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và gây ra những rủi ro hệ thống. Ví dụ, các khoản vay ngân hàng được chuyển một cách không cân xứng sang các công ty có liên hệ chính trị, buộc các doanh nhân thiếu tiền phải vay từ tín dụng đen với lãi suất cao ngất ngưởng. Các công ty có liên kết chính trị thì dư thừa tín dụng cho nên họ có đủ khả năng chi tiêu một cách vô trách nhiệm và đầu cơ vào bất động sản. Hơn thế nữa, bởi vì các chính trị gia được hưởng lợi cá nhân từ các dự án đầu tư mà họ đưa vào địa bàn quản lý của mình, nên họ năng nổ đi vay và xây dựng một cách sốt sắng, bất kể các dự án đó có bền vững hay không. Kết quả là, nền kinh tế Trung Quốc không chỉ là một nền kinh tế tăng trưởng cao mà còn là một nền kinh tế có rủi ro cao và mất cân bằng.

Cuộc tiến hóa của tham nhũng

Cuộc tiến hóa ngoạn mục của tham nhũng và chủ nghĩa tư bản này bắt đầu từ Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping), người đã lái Trung Quốc theo một hướng mới sau ba thập niên thảm họa dưới thời Mao Trạch Đông (Mao Zedong). Không nói rõ ràng như vậy, Đặng đã đưa ra một tôn giáo mới: chủ nghĩa thực dụng (pragmatism). Ông ta nhận ra rằng tự do hóa kinh tế và tự do hóa chính trị cùng một lúc sẽ gây bất ổn cho Trung Quốc. Với một quốc gia đang lung lay bởi sự hỗn loạn, ông nói trong một bài phát biểu lịch sử năm 1978, “ổn định và thống nhất là điều quan trọng hàng đầu.”

Vì vậy, Đặng đã chọn con đường tự do hóa kinh tế từng phần. Thay vì lao thẳng vào chủ nghĩa tư bản, ông ta đưa ra các cải cách thị trường trong giới hạn của nền kinh tế kế hoạch hóa và phân quyền cho các chính quyền địa phương. Khi làm như vậy, ông ta đã đặt ra các nguyên tắc cơ bản cho việc chia sẻ lợi nhuận trong bộ máy hành chính: đó là, giới quan chức sẽ được hưởng lợi cá nhân từ chủ nghĩa tư bản chừng nào họ còn trung thành với đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ). Không có gì ngạc nhiên khi quan chức các cấp nhiệt tình chấp nhận các cải cách thị trường. Khi những cải cách được tiến hành, nhiều quan chức cũng trở thành doanh nhân đại diện – điều hành các doanh nghiệp tập thể, tuyển dụng các nhà đầu tư thông qua mạng lưới cá nhân và điều hành các doanh nghiệp sân sau.

Nhưng khi thị trường mở cửa bắt đầu từ những năm 1980, tham nhũng phát triển mạnh mẽ. Nó xuất hiện dưới những hình thức đặc biệt riêng có ở một quốc gia còn lạc hậu với nền kinh tế hỗn hợp và một chính phủ ít có khả năng giám sát hàng triệu quan chức. Ví dụ, chính quyền địa phương nắm giữ cái được gọi là “kho bạc nhỏ”, tức là các quỹ đen chứa các khoản phí thu trái phép, tiền phạt thu từ người dân và doanh nghiệp. Bởi vì các cơ quan quản lý trung ương giám sát lỏng lẻo ngân sách địa phương, nên tình trạng tham ô và biển thủ công quỹ gia tăng. Hối lộ lặt vặt cũng vậy, tầng lớp doanh nhân tư nhân mới nổi buộc phải trả tiền cho các quan chức địa phương để né tránh thủ tục hành chính nặng nề. Ngay cả những tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như McDonald’s cũng không được tha; có thời điểm các cơ quan địa phương đã buộc nhà hàng của McDonald’s ở Bắc Kinh phải đóng tới 31 khoản phí, hầu hết là bất hợp pháp. Ở nông thôn, tình trạng tham nhũng như vậy đã dẫn đến những lời phàn nàn rộng rãi về gánh nặng của nông dân, làm dấy lên các cuộc biểu tình khắp vùng nông thôn Trung Quốc.

Đặng Tiểu Bình đã đặt ra các nguyên tắc cơ bản cho việc chia sẻ lợi nhuận trong bộ máy hành chính: đó là, giới quan chức sẽ được hưởng lợi cá nhân từ chủ nghĩa tư bản chừng nào họ còn trung thành với đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ)

Sau đó là cuộc đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, giáng một đòn nặng nề vào phong trào cải cách. Tại thời điểm đó, Trung Quốc có thể dễ dàng quay trở lại với chủ nghĩa Mao. Nhưng thay vì vậy, Đặng đã nhen nhóm ngọn lửa của chủ nghĩa tư bản thông qua “chuyến tuần du phương Nam” nổi tiếng của ông ta năm 1992, trước khi truyền lại quyền lực cho người kế nhiệm, Giang Trạch Dân (Jiang Zemin). Ban lãnh đạo mới đã đưa các cải cách thị trường một phần của Đặng Tiểu Bình vào những năm 1980 lên một tầm cao mới. Cam kết của Bắc Kinh thiết lập “một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” có thể chỉ là những lời sáo rỗng trong lỗ tai của nhiều người phương Tây, nhưng nó đã sớm mở ra một cuộc cách mạng về thể chế.

Về mặt nào đó, thời kỳ hậu Đặng có thể được ví như Kỷ nguyên Tiến Bộ của Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã loại bỏ các yếu tố chính của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung (ví dụ, bãi bỏ kiểm soát giá cả và hạn ngạch sản xuất) và giảm mạnh sở hữu nhà nước trong nền kinh tế. Từ năm 1998 đến năm 2004, khoảng 60% công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã bị sa thải. Đồng thời, chính quyền trung ương Trung Quốc theo đuổi những cải cách táo bạo về ngân hàng, hành chính công, tài chính công và hệ thống quy định luật lệ. Những nỗ lực này đã đặt nền tảng cho một giai đoạn tăng trưởng nhanh – nhưng không hề có tự do hóa chính trị.

Đứng đầu chiến dịch tiến bộ này là Chu Dung Cơ (Zhu Rongji), thủ tướng Trung Quốc từ năm 1998 đến năm 2003. Nổi tiếng với những bài phát biểu nảy lửa, trong đó ông mắng mỏ các quan chức địa phương vì sự kém cỏi của họ, Chu đã thực hiện một loạt các cải cách hành chính. Bắc Kinh đã hợp nhất các tài khoản ngân hàng công để loại bỏ các quỹ đen bất hợp pháp và theo dõi chặt chẽ hơn các giao dịch tài chính, rút các cơ quan chính phủ khỏi các doanh nghiệp sân sau để ngăn họ lạm dụng quyền quản lý nhà nước. Và nó đã thay thế việc thanh toán lệ phí và tiền phạt bằng tiền mặt bằng việc thanh toán điện tử để ngăn chặn các quan chức tống tiền công dân hoặc ăn cắp từ kho bạc công.

Các cuộc cải cách đã có kết quả. Bắt đầu từ năm 2000, số vụ án tham nhũng liên quan đến biển thủ và lạm dụng công quỹ giảm dần. Việc đề cập trên các phương tiện truyền thông về “phí tùy tiện” và “quan chức tống tiền” – một chỉ số cho thấy mối quan tâm của công chúng về những vấn đề này – cũng giảm. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi vào năm 2011, khi Tổ chức Minh bạch Quốc tế hỏi những người Trung Quốc liệu họ có phải trả tiền hối lộ để tiếp cận các dịch vụ công trong năm qua hay không, thì chỉ có 9% trả lời là có, so với 54% người Ấn Độ và 84% người Cambodia. Ở Trung Quốc, ít nhất là ở các khu vực duyên hải phát triển hơn, các hình thức tham nhũng cản trở tăng trưởng có vẻ như đã được kiểm soát.

Cuộc chơi bất động sản

Tuy nhiên, tiền tiếp cận lại bùng nổ. Sau năm 2000, số vụ án hối lộ tăng vọt, số tiền hối lộ ngày càng lớn và liên quan đến các quan chức ngày càng cao cấp hơn. Báo chí đăng lên trang nhất những câu chuyện về các vụ bê bối tham nhũng, đầy rẫy các chi tiết tồi tệ về lối sống đồi bại và tham lam. Một cựu bộ trưởng đường sắt bị buộc tội nhận hối lộ 140 triệu USD, chưa kể hơn 350 căn hộ mà ông ta được tặng. Người đứng đầu một ngân hàng quốc doanh bị cáo buộc có riêng một hậu cung với hơn 100 tình nhân và bị bắt với ba tấn tiền mặt được giấu trong nhà. Một cảnh sát trưởng ở Trùng Khánh (Chongqing) đã tích lũy một bộ sưu tập bảo tàng tư nhân bao gồm nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá và những quả trứng khủng long hóa thạch.

Tại sao tiền tiếp cận lại bùng nổ? Bởi vì những cải cách mà Trung Quốc thực hiện không làm giảm quyền lực của nhà nước đối với nền kinh tế mà ngược lại. Trong khi vào những năm 1980, vai trò chủ yếu của các quan chức nhà nước là lập kế hoạch và chỉ huy, thì trong nền kinh tế tư bản toàn cầu hóa của những năm 1990, quan chức chính quyền có thêm các chức năng mới – thu hút các dự án đầu tư có giá trị cao, vay và cho vay vốn, cho thuê đất, phá dỡ và xây dựng với một tốc độ điên cuồng. Tất cả những hoạt động này đã mang lại cho các quan chức chính quyền những nguồn quyền lực mới mà trước đây không thể tưởng tượng được trong một hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Sự thay đổi có thể bắt nguồn từ một vấn đề dường như ít người biết đến: sự mất cân bằng tài khóa giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Năm 1994, như một phần trong nỗ lực hiện đại hóa của họ, các ông Giang và Chu đã tập trung doanh thu thuế, chuyển phần lớn tiền thuế thu được cho chính quyền trung ương ở Bắc Kinh và giảm đáng kể tỷ lệ phân bổ cho các địa phương. Các chính quyền địa phương bị hạn chế về tài chính ngay cả khi họ phải đối mặt với áp lực liên tục phải thúc đẩy tăng trưởng và cung cấp các dịch vụ công. Thế là một nguồn thu nhập thay thế đã được tìm thấy: đất đai. Tất cả đất đai ở Trung Quốc đều thuộc sở hữu nhà nước và do đó không thể bán được, nhưng chính quyền có thể cho thuê quyền sử dụng đất. Bắc Kinh cho phép chính quyền địa phương cho các công ty thuê các quyền sử dụng đó đó để tăng thu nhập.

Đội quân các quan chức địa phương của Trung Quốc bắt đầu rút lui khỏi hoạt động công nghiệp hóa và hướng tới đô thị hóa

Từ thời điểm đó trở đi, đội quân các quan chức địa phương của Trung Quốc bắt đầu rút lui khỏi hoạt động công nghiệp hóa và hướng tới đô thị hóa. Thay vì dựa vào sản xuất công nghiệp làm động lực tăng trưởng chính, các chính quyền địa phương đã chuyển sang việc cho các nhà đầu tư bất động sản thuê đất nông nghiệp để làm khu dân cư và thương mại. Trong hai thập niên sau năm 1999, doanh thu thu được từ việc cho thuê quyền sử dụng đất đã tăng hơn 120 lần. Các chủ đầu tư bất động sản đã thu lợi rất lớn từ sự sắp xếp này, họ thu về giá cắt cổ sau khi được thuê đất nông nghiệp với giá bèo và biến nó thành những dự án bất động sản phù phiếm. Trong một ví dụ mà một quan chức kể cho tôi nghe, giá trị của một mảnh đất đã được nhân lên 35 lần chỉ đơn giản là thông qua việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất đô thị.

Các quan chức địa phương kiểm soát quyền đất đai cũng làm giàu cho chính họ, họ nhận khoản tiền lại quả khổng lồ để hỗ trợ bạn bè của họ trong việc giành được các lô đất quý giá. Họ giúp các nhà đầu tư bất động sản dàn dựng các cuộc đấu giá để mua các lô đất với giá rẻ, và họ dùng quyền lực của nhà nước để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa một cách giả tạo. Các cơ quan chức năng địa phương đã dồn nông dân vào các căn hộ chúng cư ở ngoại ô để giải tỏa đất đai ở nông thôn, và họ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng đô thị, chẳng hạn như lưới điện, tiện ích công cộng, công viên và đường giao thông để làm tăng giá trị của những khu dân cư mới.

Tất cả cơ sở hạ tầng mới này được tài trợ không chỉ bằng tiền bán quyền sử dụng đất mà còn thông qua các khoản vay. Luật Trung Quốc cấm các chính quyền địa phương chi nhiều hơn thu và bị thâm hụt ngân sách, nhưng các quan chức đã vượt qua quy định đó bằng cách lập ra các công ty con được gọi là “công ty tài trợ của chính quyền”. Các công ty này đã vay tiền để huy động vốn, số tiền mà các quan chức sau đó sử dụng để tài trợ cho các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng mà họ thích.

Chính nguồn tín dụng kép – tiền cho thuê đất và tiền vay  – đã tài trợ cho sự bùng nổ cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc. Trong mười năm từ 2007 đến 2017, Trung Quốc đã tăng gấp đôi chiều dài mạng lưới đường bộ cao tốc, từ 34.000 dặm lên 81.000 dặm – “đủ để chạy vòng quanh thế giới ba lần”, một trang web của chính phủ khoe khoang. Việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm cũng điên cuồng như vậy; Trung Quốc hiện tự hào có 8 trong số 12 hệ thống tàu điện ngầm dài nhất thế giới.

Mặc dù nó đẩy nhanh quá trình đô thị hóa của Trung Quốc, nhưng sự bùng nổ cơ sở hạ tầng đã tạo ra những rủi ro mới. Chính quyền địa phương và các công ty tài chính của họ đã tích lũy các khoản nợ ngày càng lớn. Ngay cả các cơ quan quản lý trung ương ở Bắc Kinh cũng không biết quy mô của các khoản nợ này cho đến năm 2011, khi họ thực hiện cuộc kiểm toán đầu tiên; kết quả cho thấy chính quyền các địa phương đã vay khoảng 1,7 nghìn tỷ USD. Bất chấp các sắc lệnh liên tục từ Bắc Kinh chống lại việc vay nợ, các khoản nợ địa phương vẫn tiếp tục tăng, lên tới 4 nghìn tỷ USD vào năm 2020, gần tương đương với tổng thu nhập mà chính quyền các địa phương kiếm được trong năm đó. Đây là quả bong bóng mà rất nhiều người sợ sẽ nổ tung.

Để hiểu rõ về cuộc hôn nhân của tăng trưởng và tham nhũng, hãy xem trường hợp của một quan chức tên là Quý Kiến Nghiệp (Ji Jianye). Năm 2004, Quý trở thành bí thư thành ủy thành phố Dương Châu (Yangzhou). Định vị lại thành phố như một địa điểm du lịch lịch sử, ông ta đã phát động một chiến dịch phá dỡ và xây dựng quy mô lớn khiến ông ta có biệt danh là “Quý Máy Ủi”. Những nỗ lực này đã được đền đáp: các phương tiện truyền thông ca ngợi Quý đã làm hồi sinh thành phố, Liên Hiệp Quốc công nhận thành phố của ông ta qua việc trao một giải thưởng, du lịch phát triển mạnh và giá bất động sản cao cấp tăng chóng mặt. Năm 2010, Quý được chuyển đến một vị trí nổi bật hơn: thị trưởng Nam Kinh (Nanjing), thành phố thủ phủ của tỉnh Giang Tô (Jiangsu).

Nhưng như các nhà điều tra sau này phát hiện ra, Quý đã chia sẻ trực tiếp lợi nhuận từ các kế hoạch tái phát triển đô thị đầy tham vọng của mình. Giống như các quan chức Trung Quốc khác, lương chính thức của ông ta rất thấp; thu nhập thực sự của ông ta đến từ tiền lại quả của các công ty. Trong một thành phố đang trải qua quá trình tái thiết lớn, Quý đã chuyển gần như tất cả các hợp đồng của chính quyền cho một công ty xây dựng tư nhân tên là Gold Mantis, thuộc sở hữu của những người bạn lâu năm của ông ta và công ty này đã đền ơn ông ta bằng hình thức lại quả. Trong nhiệm kỳ của Quý ở Dương Châu, lợi nhuận của công ty đã tăng gấp 15 lần chỉ trong sáu năm và sau đó khi công ty niêm yết cổ phiếu, Quý đã nhận được một số phần trăm cổ phần của công ty.

Những câu chuyện như chuyện của Quý gợi ý rằng những miêu tả chính quyền Trung Quốc như một kẻ săn mồi hoặc hung hãn đã bỏ sót bản chất thực sự của chủ nghĩa tư bản thân hữu Trung Quốc. Các quan chức như Quý đã tự nhét đầy túi mình, nhưng ông ta cũng đã chuyển hóa thành công thành phố Dương Châu. Trong những thập niên gần đây, đã có nhiều quan chức như ông ta, những nhà lãnh đạo tham nhũng nhưng cũng tạo ra thương mại, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công. Không giống như các chính trị gia ở các quốc gia khác chỉ đơn giản là ăn cắp của công hoặc gây trở ngại cho các doanh nhân, các quan chức Trung Quốc thu tiền hối lộ bằng cách giúp các nhà tư bản kinh doanh dễ dàng hơn, chứ không phải khó hơn.

Những lời miêu tả chính quyền Trung Quốc như một kẻ săn mồi hoặc hung hãn đã bỏ sót bản chất thực sự của chủ nghĩa tư bản thân hữu Trung Quốc.

Nói như thế không có nghĩa là phương thức tham nhũng tiền tiếp cận là tốt cho nền kinh tế. Ngược lại, giống như thuốc kích thích, nó tạo ra sự tăng trưởng không cân bằng, giả tạo. Do quyền lực to lớn của các quan chức Trung Quốc đối với đất đai, sự thông đồng giữa các doanh nghiệp và nhà nước đã chuyển hướng nguồn vốn đầu tư quá mức vào một lĩnh vực cụ thể là bất động sản, mang lại lợi nhuận không gì sánh nổi cho những người có quan hệ chính trị. Kết quả là, các doanh nghiệp Trung Quốc phải đối mặt với những động lực tiêu cực, phải chuyển nỗ lực của họ khỏi các hoạt động sản xuất, đặc biệt là chế tạo công nghiệp, và hướng tới đầu tư đầu cơ. Ví dụ, một số công ty đường sắt quốc doanh và các nhà thầu quốc phòng hiện nay nhận thấy hoạt động đầu tư bất động sản mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ. Bắc Kinh nhận ra mối đe dọa của một sự thay đổi như vậy: vào năm 2017, họ đã đưa ra cảnh báo chống lại việc “từ bỏ các hoạt động sản xuất và tham gia các hoạt động đầu cơ”.

Tiền tiếp cận cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Trong thế giới kinh doanh, các nhà tư bản có liên hệ chính trị có thể dễ dàng giành được các hợp đồng của chính phủ, các khoản vay giá rẻ, được cấp đất hoặc được cho thuê đất với giá bèo, mang lại cho họ lợi thế to lớn so với các đối thủ cạnh tranh. Trong xã hội nói chung, những người siêu giàu thâu tóm các căn hộ cao cấp như một tài sản đầu tư, chờ tăng giá để kiếm lời, trong khi nhà ở đô thị vẫn còn xa tầm với của nhiều người Trung Quốc bình thường. Kết quả là một tình trạng tồi tệ, trong đó thiểu số người Trung Quốc sở hữu nhà thường không sống trong các căn nhà đó trong khi đa số những người cần nhà thì không thể mua được.

Tập Cận Bình vào cuộc

Năm 2012, ông Tập Cận Bình nhận được vai trò lãnh đạo trong những tình huống đáng ngại. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt với vụ bê bối chính trị lớn nhất trong một thế hệ: ông Bạc Hy Lai (Bo Xilai), một ủy viên Bộ Chính trị đảng CSTQ từng được coi là ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo cao nhất, bị cách chức và ngay sau đó đã bị bắt với tội danh tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Đây không chỉ là một vụ bê bối tham nhũng. Bạc, con trai của một nhà lãnh đạo nổi tiếng của đảng CSTQ, cũng dính líu đến vụ sát hại một doanh nhân người Anh, và có lời đồn đại là ông ta có âm mưu đảo chính lật đổ ông Tập.

Tình tiết đầy kịch tính này chắc chắn đã giúp hình thành thế giới quan của Tập, để lại cho ông ta cái cảm giác bất an sâu sắc không chỉ về tương lai của đảng CSTQ mà cả về sự sống còn của chính ông ta. Đối với ông Tập, sự liều lĩnh của Bạc cho thấy đồng tiền tiếp cận trong một nền kinh tế quá phát triển đã tạo ra các phe phái mạnh hơn nhiều so với những nhóm mà các nhà lãnh đạo trước đây phải đối đầu. Và đối với công chúng Trung Quốc, cú ngã ngựa của Bạc mang lại một cái nhìn hiếm có vào thế giới của sự câu kết giữa doanh nghiệp với nhà nước và lối sống xa hoa của giới thượng lưu chính trị.

Bây giờ rõ ràng là Trung Quốc đầy rẫy tham nhũng, bất bình đẳng, suy đồi đạo đức và rủi ro tài chính. Kể từ khi các cải cách của Đặng bắt đầu, đảng này đã thành công trong việc đưa khoảng 850 triệu người thoát khỏi đói nghèo nhờ tăng trưởng kinh tế bền vững, nhưng một thiểu số nhỏ đã được hưởng lợi một cách không cân xứng, đặc biệt là những kẻ đủ may mắn để kiểm soát tài sản. Năm 2012, hệ số Gini của Trung Quốc (thước đo bất bình đẳng thu nhập, với số 0 đại diện cho bình đẳng và số 1 đại diện cho bất bình đẳng hoàn toàn) đạt 0,55 điểm, vượt quá con số 0,45 của Hoa Kỳ. Đây là một sự khác biệt đặc biệt gây choáng ở một quốc gia có danh nghĩa là cộng sản. Một doanh nhân ở Thượng Hải đã mô tả điều đó với tôi như thế này: “Khi tôi lớn lên, sách giáo khoa đã cố làm chúng tôi tin rằng chủ nghĩa tư bản là suy đồi bằng cách cho thấy hình ảnh những con chó cưng của những người Mỹ giàu có được ở phòng máy lạnh, một thứ xa xỉ mà trong những ngày đó ít người Trung Quốc dám mơ ước. Hôm nay, con chó của hàng xóm của tôi chỉ uống nước suối Evian.

Không có gì ngạc nhiên khi ông Tập đã chọn việc xác lập di sản của mình là chiến đấu ở hai cuộc chiến then chốt: một chống tham nhũng và một chống đói nghèo. Trong bài phát biểu đầu tiên trước Bộ Chính trị đảng CSTQ, ông Tập đã không tiếc lời nói về mối đe dọa mà trường hợp của Bạc đại diện. Ông tuyên bố: “Tham nhũng sẽ hủy diệt đảng và nhà nước”. Kể từ đó, Tập đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng dài nhất và rộng nhất trong lịch sử của đảng CSTQ. Đến năm 2018, có 1,5 triệu quan chức Trung Quốc đã bị kỷ luật, một con số đáng kinh ngạc. Không giống như các chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc trước đây, chiến dịch này không chỉ thanh trừng các quan chức cấp thấp mà còn cả những quan chức cấp cao – cả “ruồi” và “hổ”, theo cách nói của Tập.

Cuộc đàn áp của Tập chỉ là cái cớ để thanh trừng kẻ thù của ông ta hay là một nỗ lực giảm thiểu tham nhũng thực sự? Câu trả lời là cả hai. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy Tập sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để loại bỏ tận gốc những mối đe dọa cá nhân, bao gồm các quan chức được cho là liên quan đến âm mưu lật đổ sự cai trị của ông ta. Tuy nhiên, ông ta cũng đặt ra mục tiêu tăng cường đạo đức của bộ máy quan liêu – ví dụ, ông ban hành một danh sách tám quy định cấm “thói quen sống xa hoa và làm những việc không mong muốn”, chẳng hạn như uống rượu trong khi làm việc. Chiến dịch của ông cũng diễn ra rất toàn diện, vượt ra ngoài các cơ quan chính quyền, vươn đến các công ty quốc doanh, trường đại học và thậm chí cả các cơ quan truyền thông chính thức. Doanh số bán hàng xa xỉ giảm đột ngột sau khi chiến dịch bắt đầu cho thấy có một sự kiềm chế tạm thời hành vi hối lộ và tiêu dùng đáng ngờ. Tuy nhiên, nhận thức của công dân Trung Quốc rất trái ngược nhau. Trong khi nhiều người có ấn tượng tốt với cuộc đàn áp mạnh mẽ, những người khác lại bị vỡ mộng khi biết tới những chi tiết quái dị về lối sống và lòng tham của giới quan chức mà các cuộc điều tra tham nhũng phơi bày. Hơn nữa, chiến dịch không làm được nhiều điều về bất bình đẳng. Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, mặc dù hệ số Gini của nước này giảm liên tục từ năm ông Tập lên nắm quyền đến năm 2015, nhưng kể từ đó hệ số này đã tăng trở lại.

Tập đã thành công khi đánh vào nỗi sợ hãi của các quan chức tham nhũng, nhưng vẫn chưa loại bỏ được nguyên nhân gốc rễ của nạn tham nhũng – cụ thể là quyền lực to lớn của chính phủ đối với nền kinh tế và hệ thống ô dù trong bộ máy hành chính.

Còn quá sớm để nói liệu chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập có làm giảm đáng kể mức độ phổ biến của phương thức tiền tiếp cận hay không. Nhưng có hai điều rõ ràng. Đầu tiên, chiến dịch mạnh mẽ của ông Tập khiến các quan chức phải cảnh giác cao độ. Phân tích của tôi về nhóm 331 ông chủ của các đảng bộ thành phố cho thấy 16% trong số họ đã bị loại bỏ vì tham nhũng từ năm 2012 đến năm 2017, một tỷ lệ làm cho các nhà lãnh đạo địa phương có lý do chính đáng để tạm ngưng hành vi tham nhũng. Thứ hai, yếu tố quan trọng duy nhất báo trước việc một vài quan chức nào đó có sống sót sau cuộc đàn áp hay không là liệu người bảo trợ của họ – quan chức cấp trên giám sát việc bổ nhiệm họ – còn sống sót hay không. Hiệu suất làm việc là không quan trọng, cho thấy dưới thời ông Tập, hệ thống chính trị vận hành theo quan hệ cá nhân hơn là dựa trên luật lệ. Nói tóm lại, chiến dịch của ông Tập đã có một thành tích hỗn hợp. Nó đã thành công khi đánh vào nỗi sợ hãi của các quan chức tham nhũng, nhưng nó vẫn chưa loại bỏ được nguyên nhân gốc rễ của nạn tham nhũng – cụ thể là quyền lực to lớn của chính phủ đối với nền kinh tế và hệ thống ô dù trong bộ máy hành chính.

Con đường không đi

Tất nhiên, Trung Quốc không tồn tại trong môi trường chân không. Bên kia Thái Bình Dương, đối thủ chính của Trung Quốc cũng đang trải qua một Thời đại Hoàng Kim mới. Lần này, công nghệ mới mà Hoa Kỳ đang vật lộn không phải là sức mạnh của động cơ hơi nước mà là các thuật toán, nền tảng kỹ thuật số và các đổi mới tài chính. Cũng như Trung Quốc, Hoa Kỳ bị vây bủa bởi tình trạng bất bình đẳng sâu sắc. Chính phủ Hoa Kỳ cũng đang lo ngại phản ứng của chủ nghĩa dân túy từ những kẻ thua cuộc trong công cuộc toàn cầu hóa, và đất nước này cũng đang đấu tranh để hóa giải những mối căng thẳng giữa chủ nghĩa tư bản và hệ thống chính trị của nó. Theo ý nghĩa đó, ngày nay thế giới đang chứng kiến ​​một hình thức lạ lùng của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc: không phải là cuộc đụng độ của các nền văn minh mà là cuộc đụng độ của hai Thời đại Hoàng Kim. Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều đang đấu tranh để chấm dứt sự thái quá của chủ nghĩa tư bản thân hữu.

Nhưng hai nước theo đuổi mục tiêu này bằng những cách rất khác nhau. Ở Hoa Kỳ, các đòi hỏi minh bạch, các nhà báo chống tiêu cực, và các công tố viên dấn thân là thành phần trọng tâm trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng trong Thời kỳ Tiến Bộ. Ngày nay, chương trình nghị sự tiến bộ của Tổng thống Joe Biden dựa vào sự khôi phục tính liêm chính của nền dân chủ. Ngược lại, ông Tập đã chọn cách dập tắt bất bình đẳng và tham nhũng bằng cách thắt chặt kiểm soát chính trị.

Cam kết xóa đói giảm nghèo ở nông thôn của ông Tập chẳng hạn được thực hiện theo cách thức của một chiến dịch quốc gia. Các nhà hoạch định ở trung ương đã áp đặt các mục tiêu cứng cho các quan chức địa phương, và toàn bộ bộ máy hành chính, thậm chí toàn bộ xã hội, đã được huy động để hoàn thành các mục tiêu đó, bất kể cái giá phải trả. Mặc dù nguyên nhân là cao cả, nhưng các phương pháp là cực đoan. Mệnh lệnh từ các quan chức cấp cao nhất gây áp lực cho các quan chức địa phương phải xóa bỏ đói nghèo bằng cưỡng bức — ví dụ, bằng cách di dời hàng triệu cư dân vào các vùng ngoại ô, bất kể họ có muốn di chuyển hay không. Trong số những người bị di dời bây giờ rất nhiều người không có đất canh tác mà cũng không có công ăn việc làm.

Chương trình nghị sự tiến bộ của Tổng thống Joe Biden dựa vào sự khôi phục tính liêm chính của nền dân chủ. Ngược lại, ông Tập đã chọn cách dập tắt bất bình đẳng và tham nhũng bằng cách thắt chặt kiểm soát chính trị.

Tương tự như vậy, cuộc thập tự chinh chống tham nhũng của Trung Quốc cũng thực hiện từ trên xuống. Ngoài việc bắt giữ một số lượng lớn các quan chức tham nhũng, ông Tập khuyến khích các quan chức thể hiện lòng trung thành và tuân theo hệ tư tưởng của đảng. Những biện pháp này đã dẫn đến sự bất lực và tê liệt của bộ máy hành chính – “quản trị lười biếng”, như cách người Trung Quốc nói – trong đó các quan chức đầy âu lo đã chọn cách không làm gì cả để tránh bị đổ lỗi thay vì đưa ra các sáng kiến ​​có thể gây tranh cãi. Việc ông Tập khăng khăng nhấn mạnh vào tính đúng đắn chính trị cũng dập tắt những lời phản hồi trung thực trong bộ máy hành chính. Một ví dụ, nỗi lo sợ của các quan chức địa phương phải báo cáo lên trên các tin tức xấu có thể đã góp phần vào việc làm chậm phản ứng của Trung Quốc khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Không nhất thiết phải theo cách này. Trung Quốc có thể đã đi một con đường khác trong nhiệm vụ kiểm soát tham nhũng. Trên thực tế, trước ông Tập, đất nước Trung Quốc đã có những tiến bộ đều đặn về hướng nền quản trị mở. Một số chính quyền địa phương đã tăng cường tính minh bạch và bắt đầu thu hút ý kiến ​​của công chúng về các chính sách. Bất chấp sự kiềm chế của kiểm duyệt, các tờ báo điều tra như Tài Kinh (Caixin)Phương Nam Cuối tuần (Southern Weekend) thường xuyên phanh phui những vụ bê bối và thúc đẩy cải cách. Một số địa phương đã thử nghiệm việc báo cáo tài sản và thu nhập của các quan chức chính phủ, một động tác được các nhà hoạt động hợp pháp ủng hộ. Năm 2012, các cơ quan quản lý trung ương đã xem xét biến những thử nghiệm này thành luật pháp của quốc gia. Tuy nhiên, ngay sau khi chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập bắt đầu, những nỗ lực từ dưới lên này đã bị dập tắt và chính phủ thắt chặt kiểm soát đối với xã hội dân sự.

Theo nhiều cách, việc tập trung quyền lực cá nhân của ông Tập đã đặt ông vào một vị trí đặc biệt để thách thức các nhóm lợi ích và thúc đẩy những cải cách khó khăn. Ông ta có thể giảm bớt sự kiểm soát độc quyền đối với các doanh nghiệp nhà nước và trao quyền cho các công ty tư nhân mà tính đến năm 2017 đã chiếm hơn 90% số việc làm mới được tạo ra. Một khu vực tư nhân mạnh sẽ thúc đẩy một kiểu tăng trưởng có nền tảng rộng rãi nhằm giảm bớt sự bất bình đẳng. Hoặc ông Tập có thể chỉnh lại cho đúng sự mất cân đối tài khóa giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương để các địa phương không bị buộc phải cho thuê đất và vay tiền để tăng nguồn thu. Ông cũng có thể hợp lý hóa các yêu cầu đang gia tăng do các nhà hoạch định trung ương áp đặt lên chính quyền địa phương, một động tác vừa giảm bớt nhu cầu thực thi quyền quản lý của trung ương và giảm bớt áp lực ngân sách của địa phương.

Tuy nhiên, ông Tập tỏ ra không mấy quan tâm đến những cải cách như vậy. Thay vào đó, trong nỗ lực chấm dứt chủ nghĩa tư bản thân hữu, ông đã làm hồi sinh hệ thống chỉ huy, chính là cách tiếp cận đã thất bại thảm hại dưới thời Mao. Sau khi kiểm soát thành công đợt bùng phát COVID-19, ông ta tỏ ra tin tưởng hơn bao giờ hết rằng việc huy động toàn quốc làm theo các mệnh lệnh từ trên xuống dưới sự lãnh đạo chuyên chế của ông ta là con đường duy nhất để tiến tới. Nhưng bằng việc bác bỏ cách tiếp cận từ dưới lên, ông Tập đang kìm hãm khả năng thích ứng và tinh thần kinh doanh của người Trung Quốc — chính các phẩm chất đã giúp nước này vượt qua rất nhiều trở ngại trong nhiều năm qua. “Nó giống như chạy xe đạp. Càng nắm chặt tay lái thì càng khó giữ thăng bằng,” một quan chức Trung Quốc nói với tôi. 

(*) YUEN YUEN ANG là Phó giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Michigan và là tác giả cuốn Thời đại Hoàng Kim của Trung Quốc: Nghịch lý của sự bùng nổ kinh tế và tham nhũng lan tràn”.

Nguyên văn: The Evolution of Corruption in China | Foreign Affairs

Bài liên quan: Canh bạc của Tập Cận Bình

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: