Phát bệnh với “Mã Khắc Tư ngộ kiến Khổng Phu Tử”

Cảnh trong “Mã Khắc Tư ngộ kiến Khổng Phu Tử”

Bộ máy tuyên truyền của các chế độ cộng sản luôn bày ra những trò lố không nhịn được cười. Trong khi Chánh án Tòa án tối cao Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cổ động cuộc thi sáng tác vinh danh tòa án, nơi tai tiếng với những vụ án bỏ túi, thì “người anh em” Trung Quốc lại tung ra bộ phim “Đương Mã Khắc Tư ngộ kiến Khổng Phu Tử” (当马克思遇见孔夫子, When Marx Met Confucius).

“Tác phẩm điện ảnh” tuyên truyền này đã cho Marx và Khổng – sống cách nhau khoảng 2,400 năm – gặp nhau, cùng thảnh thơi tản bộ trong khuôn viên một học viện cổ xưa, trong khu rừng tre ngập nắng, không phải bàn luận thế thái nhân tình mà kiến giải với nhau về đường lối chủ trương của Đảng cộng sản.

Có cảnh một nhóm họa sĩ sinh viên mời hai nhà triết học Đông-Tây lừng lẫy cổ kim ngồi… làm mẫu vẽ cho họ. Và trong khi bọn trẻ vẽ, Marx và Khổng đàm luận. Cả hai đều tỏ ra rất ấn tượng với hệ thống tàu cao tốc cùng vô số thành tựu kinh tế khác. Sau đó, khi các em hậu bối trình lên tác phẩm, Marx và Khổng đều ngạc nhiên thích thú: Marx trong chiếc áo thời Đường; trong khi Khổng vận bộ vest và thắt cà vạt phương Tây. Cả hai tiền bối vuốt râu cười khoái trá. Marx nói: “Tôi đã ở Trung Quốc hơn một trăm năm. Thực ra tôi đã là người Trung Quốc từ lâu rồi.” Khổng Tử khúc khích, gật gật đầu ra vẻ đồng ý.

“Đương Mã Khắc Tư ngộ kiến Khổng Phu Tử” là sản phẩm của cơ quan tuyên truyền tỉnh Hồ Nam sản xuất và phát hành vào Tháng Mười. Ngay sau khi phim được lên sóng, nó đã trở thành chuyện cười của công chúng Trung Quốc. Trên trang web phim Douban (豆瓣, Đậu Biện), hầu hết người xem đều để lại ý kiến: Coi phát bệnh; Phát gớm; Quá tởm…

Với những người sản xuất phim, “Đương Mã Khắc Tư ngộ kiến Khổng Phu Tử” được làm ra không chỉ để tuyên truyền mà còn để… nịnh Tập Cận Bình. Tháng Mười 2023, thời điểm “Marx gặp Khổng”, Trung Quốc tung ra cái gọi là Tư tưởng Văn hóa của Chủ tịch Tập Cận Bình”, mang nội dung kết hợp niềm tự hào truyền thống Trung Quốc với lòng trung thành dành cho Đảng. Nguyên lý quan trọng nhất trong “hệ tư tưởng” này là “hai kết hợp” – giữa tiếng nói của Đảng về quá trình kéo dài hàng thập niên để làm cho chủ nghĩa Marx trở nên “thuần” Trung Quốc hơn.

Sự kết hợp đầu tiên đề cập đến những nỗ lực ban đầu nhằm điều chỉnh chủ nghĩa Marx sao cho phù hợp với “thực tế cụ thể” của Trung Quốc. Sự linh hoạt về hệ tư tưởng như vậy đã cho phép Đặng Tiểu Bình theo đuổi cải cách kinh tế những năm 1980.

Sự kết hợp thứ hai là ý tưởng của Tập: Hán hóa chủ nghĩa Marx bằng cách kết hợp nó với văn hóa truyền thống Trung Quốc. Với Đảng cộng sản Trung Quốc, nỗ lực này thể hiện đỉnh cao của một bước chuyển mình căn bản, vốn từng coi những giá trị văn hóa truyền thống là kẻ thù. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1966-1976, Hồng vệ binh đã thi nhau nghiến răng tiêu diệt văn hóa. Họ đập phá các đền thờ Nho giáo, đốt các văn bản tài liệu Nho giáo. Kể cả lăng mộ của chính Khổng Tử cũng bị đập thành gạch vụn. Chưa kể những cuộc đấu tố và đàn áp trí thức. Oan khốc dậy trời…

Sau cái chết của Mao năm 1976, Đảng bỗng thay đổi, với việc “xét lại” những lời dạy của Khổng, đặc biệt chú ý đến luận điểm của Khổng gia: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Quan điểm này rất phù hợp chủ trương cai trị của Đảng: Đảng nói chết thì phải chết và Đảng chỉ đúng chứ không có sai; mà Đảng có sai thì sửa sai chứ không có tội. Đặng Tiểu Bình bắt đầu cho tổ chức long trọng ngày sinh tưởng niệm Khổng.

Tiếp đó, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, những người kế nhiệm Đặng, cũng đẩy mạnh cổ xúy tư tưởng Nho giáo theo phiên bản được điều chỉnh phù hợp với lý thuyết cộng sản. Đầu những năm 2000, các học giả Trung Quốc tranh luận ỏm tỏi trong không khí “tự do học thuật” rằng liệu Nho giáo có thể thay thế chủ nghĩa Marx trong vai trò hệ tư tưởng chỉ đạo của Trung Quốc hay không. Thế rồi Tập Cận Bình xuất hiện, khoát tay bảo ngưng. Tập nói, chẳng có gì phải bàn cãi, đơn giản chủ nghĩa Marx là “linh hồn” và Nho giáo là “gốc rễ” của văn hóa Trung Quốc. Không hệ tư tưởng nào bị bỏ rơi. Thay vào đó, chúng được hợp nhất.

Cảnh trong “Mã Khắc Tư ngộ kiến Khổng Phu Tử”

“Mã Khắc Tư ngộ kiến Khổng Phu Tử” là thể hiện của “tư duy mới mẻ” này. Bộ phim được dựng với năm tập. Hiện đại và quá khứ “giao thoa” nhau. Trong một cảnh, người ta thấy một cô gái trẻ mặc trang phục truyền thống hanfu (Hán phục), khi gảy đàn tranh khi gảy tam thập lục ở hậu cảnh, trong khi hai tiền bối trò chuyện rôm rả, với ảnh ba chiều của các nhân vật như Vladimir Lenin và Mao Trạch Đông, xuất hiện để giải thích rõ hơn văn hóa Nho giáo “ăn rơ” với lý thuyết Marx như thế nào. Sau đó, người dẫn chương trình sẽ giải thích kỹ hơn tại sao sự kết hợp Marx-Khổng lại phù hợp với Tư tưởng Tập Cận Bình.

Nói cách khác, “Mã Khắc Tư ngộ kiến Khổng Phu Tử” giúp “làm sáng tỏ” những khác biệt lớn giữa Khổng Tử, với luận thuyết rằng hệ phân cấp là cần thiết để duy trì trật tự xã hội; và Marx, với chủ trương cách mạng vô sản. Marx nói với Khổng: “Ông đang cố duy trì sự ổn định và tôi thì tìm kiếm sự giải phóng cho toàn nhân loại. Chẳng phải cả hai chúng ta đều tìm kiếm điều tốt đẹp nhất cho tất cả nhân loại đó sao?” Khi Marx đề cập đến viễn kiến về một xã hội không giai cấp, Khổng Tử nói ông cũng có một khái niệm có thể so sánh được. Đó là đại đồng (đại đoàn kết). “Vậy là chúng ta có nhiều điểm giống nhau!” Khổng Tử nói với Marx. Các môn đệ thời hiện đại ngồi bên dưới vỗ tay rào rào.

Cách mạng Văn hóa cũng được nhắc đến – một lần duy nhất. Người dẫn chương trình cho biết sự kiện đã gây ra “tổn hại lớn” nhưng đó không phải là lỗi của Mao! Thậm chí “tinh thần của Mao” cũng được đề cập, nhắc nhớ Marx lẫn Khổng rằng Mao là một người cộng sản trung thành và là người bảo vệ văn hóa truyền thống Trung Quốc. Khổng Tử gật đầu tán thành. Cuộc “trò chuyện” Marx-Khổng dành khá nhiều thời gian để chỉ trích phương Tây. Hai tiền bối đều đồng ý với nhau rằng sự bắt nạt của ngoại bang đối với Trung Quốc vào thế kỷ 19 là nguyên nhân gây ra “phức cảm thấp kém về văn hóa kéo dài”.

Một vấn đề thời sự lớn cũng xuất hiện trong “Mã Khắc Tư ngộ kiến Khổng Phu Tử”. Trong tập cuối, một sinh viên xin lời khuyên của Khổng Tử về Đài Loan. Cậu sinh viên nói: “Chúng ta thực sự có một nền văn hóa truyền thống hòa bình, nhưng một số nước phương Tây chỉ tin vào luật rừng. Nếu họ bắt nạt chúng ta hoặc cản trở sự thống nhất đất nước của chúng ta, chúng ta có nên nói chuyện hòa bình với họ không?”

Khổng Tử nhíu mày trả lời: Lòng tốt phải được đáp lại bằng lòng tốt, nhưng hận thù phải được đáp lại bằng công lý. Người dẫn chương trình bổ sung: Trung Quốc tìm kiếm hòa bình, nhưng nếu phẩm giá và lợi ích của dân tộc bị tổn hại, Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để theo đuổi sự thống nhất đất nước. Câu này vừa dứt thì màn hình đầy hình ảnh máy bay chiến đấu và tàu chiến.

Cuộc diện kiến vô tiền khoáng hậu giữa Marx và Khổng kết thúc với kết luận rằng, Tập đang khôi phục lại niềm tin cho dân tộc Trung Quốc. Không những vậy, “Người” đã cùng Đảng đang theo đuổi lợi ích chung trên toàn thế giới, trái ngược với chủ trương của các nước phương Tây hèn hạ. Mỹ xuất khẩu bom chùm, trong khi Nhật xả nước thải hạt nhân xuống đại dương. Trung Quốc, một “cường quốc có trách nhiệm”, sẽ không bao giờ làm như vậy. Khi nghe người dẫn chương trình nói đến những điều đó, Marx tỏ ra rất ấn tượng và ông chúc mừng Trung Quốc đã hồi sinh chủ nghĩa xã hội và hoàn thành tầm nhìn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: