Phê phán Tập Cận Bình, một doanh nhân Trung Quốc mất tích

Ông Nhậm Chí Cường, doanh nhân Trung Quốc bị mất tích vì dám phê phán ông Tập Cận Bình. AP

HIẾU CHÂN

Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) – một nhà kinh doanh bất động sản, đã trở thành nạn nhân mới nhất bị đảng Cộng sản Trung Quốc bắt giam hoặc đưa đi đâu không ai biết vì đã dám viết bài phê phán Tập Cận Bình trong việc phòng chống dịch cúm Vũ Hán.

Ông Nhậm Chí Cường, 69 tuổi, nguyên chủ tịch và nhà sáng lập tập đoàn địa ốc Hoa Viễn (Huayuan) có biệt danh là “Đại Bác” vì ông thường viết những bài bình luận dữ dội. Trong bài bình luận mới nhất ông Nhậm cho rằng những hạn chế mà đảng Cộng sản áp đặt lên quyền tự do ngôn luận đã làm trầm trọng đại dịch cúm Vũ Hán.

Trên đài Á châu Tự do (RFA), nhà báo Kiều Long (Qiao Long) tường thuật ông Nhậm đã biến mất và có thể bị giam giữ liên quan tới một bài được cho rằng ông đã viết để phê phán chính phủ vì cách ứng phó với dịch COVID-19 ở Vũ Hán. Một người hoạt động dân chủ cho Trung Quốc ở hải ngoại nói ông Nhậm bị bắt hôm thứ Năm và hiện bị giam giữ trong một trại tù ở ngoại ô Bắc Kinh.

Theo đài RFA, có một bài viết lưu hành rộng rãi trên mạng trong và ngoài Trung Quốc dưới nhan đề “Cuộc sống của người dân đang bị hủy hoại vì virus và vì một hệ thống bệnh tật trầm trọng ký tên Nhậm Chí Cường nhưng chưa biết có phải do ông Nhậm viết ra hay không.

Bài báo tập trung phê phán bài diễn văn của ông Tập Cận Bình tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về chống dịch cúm Vũ Hán ngày 23-02 vừa qua, trong đó ông Tập tự đề cao mình như một người anh hùng dẫn dắt nhân dân Trung Quốc đi tới chiến thắng trong “cuộc chiến tranh nhân dân” chống lại coronavirus. Tuy nhiên, người dân Trung Quốc đã rất phẫn nộ và hiện nhiều người vẫn còn bực bội với hành vi che giấu nạn dịch của chính phủ trong những ngày dịch mới bùng ra.

Trong bài bình luận, tuy không nêu đích danh ông Tập, nhưng ông Nhậm viết “tôi thấy không phải một hoàng đế đứng đó khoe khoang bộ áo mới của mình, tôi chỉ thấy một thằng hề bị lột truồng mà vẫn cứ đòi tôn vinh mình là hoàng đế. Dù giăng nhiều tấm vải cố che giấu tấm thân lõa lồ của mình, nhưng ngươi đã không che giấu chút nào cái tham vọng tuyệt đối được làm hoàng đế, cái quyết tâm hủy diệt tất cả những ai ngăn cản tham vọng đó của ngươi”.

*

Đây không phải là lần đầu tiên ông Nhậm phê phán ông Tập Cận Bình. Năm 2016, khi ông Tập huấn thị báo chí Trung Quốc phải trung thành với đảng Cộng sản, làm theo ý chí của đảng và bảo vệ lợi ích của đảng, ông Nhậm đã lên tiếng phản đối. Trên trang blog Weibo có 38 triệu người theo dõi của ông, ông Nhậm viết: “Chính phủ của nhân dân biến thành chính phủ của đảng từ hồi nào vậy? Đừng dùng tiền người dân đóng thuế để làm những thứ không phục vụ cho người đóng thuế”.

Bây giờ ông nhắc lại trong bài bình luận mới: “Vụ bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán đã chứng minh một thực tế: khi báo chí khoác lên cái áo ‘nhân danh Đảng’ thì nhân dân ‘bị bỏ rơi’. Không có báo chí đại diện lợi ích của nhân dân bằng việc đăng tải công khai những dữ kiện thực tế thì cuộc sống của người dân bị hủy hoại bởi cả con virus lẫn bộ máy đầy bệnh tật”.

Hồi năm 2016 bài viết của ông Nhậm nhanh chóng bị kiểm duyệt xóa bỏ, bản thân ông bị Đảng kỷ luật vì ông “đã phai nhạt tính đảng”, đã “trở thành tên tư bản phản bội” và bị án tù treo một năm.

Ông không bị trừng phạt nặng hơn như những người bất đồng chính kiến khác một phần vì ông là đảng viên cao cấp, là con của một nhà cách mạng tiền bối từng phụ trách bộ thương mại dưới triều Mao Trạch Đông, là bạn từ thời hàn vi của Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) – người cầm đầu chương trình đả hổ diệt ruồi của Trung Quốc và hiện là Phó chủ tịch, chỉ dưới ông Tập – và cũng một phần do những bình luận của ông được giới trí thức và doanh nhân Trung Quốc ủng hộ, hàng ngàn người đã bênh vực ông trên khắp các diễn đàn.

Sau vụ đó ông Nhậm chẳng những không im miệng mà vẫn lên tiếng mạnh mẽ trước những vấn đề bức xúc của xã hội, chẳng hạn như chính sách của chính phủ Trung Quốc hạn chế đà gia tăng dân số ở đô thị; hay vụ bùng phát dịch cúm Vũ Hán hiện nay.

*

Nhưng lần này, đảng Cộng sản Trung Quốc đang phát động một chiến dịch tuyên truyền tổng lực để đối phó với làn sóng phê phán cả trong và ngoài nước về sự ứng phó chậm chạp của nhà cầm quyền Trung Quốc, giấu giếm thông tin và đàn áp những tiếng nói cảnh báo ngay trong những tuần lễ đầu bùng phát dịch cúm Vũ Hán – đại dịch đã làm chết hơn 4.000 người và hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh trên khắp thế giới hiện nay.

Một trong những nội dung quan trọng của chiến dịch tuyên truyền là ca ngợi thành tích chống dịch cúm Vũ Hán của chính phủ Trung Quốc, tập trung vào “tài chỉ huy” của ông Tập Cận Bình, tới mức “thế giới phải cảm ơn Trung Quốc” (sic). Những người nào nói ngược lại nội dung tuyên truyền đó đều phải bị “xử lý”.

Trước ông Nhậm, giáo sư Từ Chương Nhuận (Xu Zhangrun) của trường Đại học Thanh Hoa (Tsinghua) danh tiếng, thầy học của Tập, còn bị cấm cố tại gia từ ngày 10-02 sau khi viết bài phê phán thất bại của ông Tập trong cuộc ngăn chặn dịch cúm Vũ Hán.

Một trí thức Trung Quốc khác, nhà hoạt động nhân quyền Từ Chí Dũng (Xu Zhiyong) bị bắt giam ngày 16-02 cũng vì viết bài đăng trên mạng với nội dung tương tự.

Rất nhiều nhà báo, luật sư đã bị bắt giam vì đã đưa tin thực tế tại Vũ Hán.

Các nhà quan sát chính trị Trung Quốc nói sự biến mất đột ngột của ông Nhậm Chí Cường là một dấu hiệu đáng lo ngại, cho thấy chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh cuộc đàn áp tự do ngôn luận. “Dịch cúm Vũ Hán đã phơi bày sự tệ hại của Tập Cận Bình. Ông ta đã quyết không nhường một tấc, vì hiểu rõ rằng nhường một ly có thể mất đi một dặm”, Yang Jiangli (Dương Giang Lệ), nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc tại Mỹ, nhận xét.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: