Khi bất đình đẳng gia tăng, thế hệ thứ hai của giai cấp cực giàu (phú nhị đại) của Trung Quốc muốn tránh trở thành mục tiêu trấn áp của chính phủ.
Nhiều năm qua, nói tới những cậu ấm cô chiêu – những con cái nhà cực giàu của Trung Quốc, là nói tới chuyện phô trương của cải một cách lố bịch: họ chụp hình bên những siêu xe Bentley hoặc Lamborghini, khoe trên mạng xã hội từng cọc tiền và đeo cho thú cưng những chiếc đồng hồ Apple mạ vàng. Đó chỉ là vài ví dụ.
Nhưng những ngày này, sự phô trương đó chỉ còn là ngoại lệ. Họ vẫn tích trữ xa xỉ phẩm, vẫn đặt mua những chai sâm banh giá hơn 500 Mỹ kim, và thỉnh thoảng có người vẫn chọc tức thiên hạ bằng việc lái xe Mercedes vào Tử Cấm Thành. Nhưng nói chung, họ bắt đầu hiểu ra rằng, tốt hơn hết là cúi đầu xuống, nhất là sau khi chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình trong vài năm qua đã nhắm mục tiêu vào các tỷ phú nước này.
Thay đổi quan điểm từ Đặng sang Tập
Từ Hạo Nhiên (Tu Haoran), 32 tuổi, người sáng lập công ty Fantasy Entertainment – một trong những đơn vị DJ (chỉnh nhạc) lớn nhất Trung Quốc – nói: “Chúng tôi đã học cách cư xử khi thấy gia đình của bạn bè chúng tôi bị trấn áp và bị bỏ tù. Có quá nhiều trường hợp như vậy quanh tôi kể từ năm 2016. Bây giờ, mọi người đều chơi nước cờ ẩn mình. Bạn không cần cho thế giới biết bạn kiếm ra tiền. Nổi tiếng thì có ích lợi gì chứ?”
Cuộc sống đang bắt đầu trở nên bấp bênh với những người cực giàu ở Trung Quốc, từ Jack Ma (Mã Vân) trở xuống. Trong khi Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong một thập niên nữa, đó cũng là nơi bất bình đẳng nhất thế giới – và vấn đề còn tệ hại hơn do đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Còn ông Tập đang thúc đẩy những nỗ lực nhằm bảo đảm của cải được phân chia công bằng hơn cho 1.4 tỷ người dân trước năm 2022, khi diễn ra cuộc thay đổi lãnh đạo năm năm một lần mà ông kỳ vọng sẽ giành được chức chủ tịch thêm nhiệm kỳ thứ ba.
Tại một hội nghị quan trọng của Đảng Cộng sản hồi tháng Mười để thảo luận các kế hoạch kinh tế tương lai, ông Tập đã bảo các quan chức sự phát triển của Trung Quốc là “không cân bằng và không đầy đủ”. Ông nói thêm rằng “sự thịnh vượng chung” là mục tiêu tối hậu mà ông nhắm đến cho dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2049.
Tuyên bố của ông Tập đánh dấu một bước chuyển dịch khỏi tư tưởng của nhà lãnh đạo quá cố Đặng Tiểu Bình; ông Đặng nói rằng để cho một số người “giàu lên trước” là điều tốt khi ông ta khởi sự các cuộc cải cách theo hướng thị trường trong thập niên 1980 nhằm đưa Trung Quốc thành một cường quốc về sản xuất công nghiệp. Nhưng ông Đặng cũng nói rõ, là một nước xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc không thể mãi mãi có giai cấp giàu và giai cấp nghèo, theo nhà kinh tế trưởng Diana Choyleva của công ty Enodo Economics chuyên dự báo tình hình kinh tế chính trị của Trung Quốc có trụ sở tại London, Vương quốc Anh.
Dưới thời ông Tập, “Trung Quốc không còn chấp nhận một số người trở nên giàu có và ngày càng giàu hơn trong khi người nghèo vẫn mãi nghèo hoặc nghèo hơn,” bà Diana nói.
Đó chính là vấn đề của những đứa con của giới tinh hoa cực giàu, nói theo người Trung Quốc là “phú nhị đại” (fuerdai). Cha mẹ của họ đã giàu lên trong thời kỳ bùng nổ của Trung Quốc nhờ được tiếp cận sớm các thị trường nước ngoài, được độc quyền làm chủ các ngành công nghiệp mới hoặc xây dựng những danh mục đầu tư khổng lồ trong ngành chứng khoán mới manh nha và thị trường bất động sản. Đó là thời kỳ ai cũng giàu có hơn, gia đình của họ chỉ vượt lên trước.
Giờ đây đã có nhiều chứng cứ cho thấy các giai cấp xã hội rõ ràng đang đặt ra thách thức mới cho Đảng Cộng sản.
Bất bình đẳng tăng nhanh
Theo bản chỉ số cơ động xã hội do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố hồi tháng Giêng, Trung Quốc xếp thứ 45 trong 82 quốc gia, dưới Hoa Kỳ, Nga và phần lớn châu Âu. Một báo cáo của ngân hàng Credit Suisse Group AG hồi tháng Mười cảnh cáo rằng bất bình đẳng về tài sản đã “tăng rất nhanh” sau khi Trung Quốc chuyển sang nền kinh tế thị trường; đến cuối năm 2019, Trung Quốc có 5.8 triệu phú (đô la) và 21.100 người có tài sản trên 50 triệu Mỹ kim – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào ngoài Mỹ.
Đối với đại đa số người Trung Quốc không sinh trưởng trong các gia đình thượng lưu, ngày càng khó khăn hơn trong việc leo lên bậc thang xã hội. Như thường thấy khi quốc gia phát triển, cha mẹ giàu thì con cái có điều kiện học hành tốt hơn và họ trao cho con tài sản – hai trong những con đường phổ thông nhất để đi lên vị thế xã hội cao hơn.
Một báo cáo năm 2018 của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) phát hiện rằng, phải mất bảy thế hệ thì một người Trung Quốc sinh ra trong nhóm 10% dưới đáy xã hội mới vươn tới được mức thu nhập cỡ trung, trong khi ở Nam Hàn con số này là năm thế hệ, và ở Nhật Bản là bốn thế hệ. Dù điểm đánh giá về tiếp cận giáo dục ở Trung Quốc là khá tốt trên bảng chỉ số của WEF nhưng phẩm chất giáo dục ở Trung Quốc bên ngoài các khu vực đô thị vẫn còn rất tệ hại, còn tiền lương của phần lớn dân chúng vẫn tương đối thấp so với các nước khác.
Tình hình đó đặt ra một vấn đề chính trị ngày càng gay gắt cho ông Tập: đạt được mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người so với mức năm 2010 trước khi Đảng Cộng sản kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 vào năm 2021. Gần đây chính phủ Bắc Kinh đã công bố Trung Quốc xóa được nạn nghèo khó cùng cực ở vùng nông thôn bất chấp đại dịch làm sâu thêm hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo. Nhưng hồi tháng Năm năm nay Thủ tướng Lý Khắc Cường nói với các quan chức của đảng Cộng sản rằng có 600 triệu người Trung Quốc, tức gần một nửa dân số, đang sống với thu nhập hằng tháng chỉ 1,000 tệ (150 Mỹ kim). Lời thú nhận của ông gây sốc cho nhiều công dân ở một nước mà mỗi tuần lại có thêm một tỷ phú đô la.
Trong khi việc Trung Quốc sớm khống chế được con virus Vũ Hán giúp cho nền kinh tế hồi phục nhanh hơn, hàng chục triệu người lao động thu nhập thấp vẫn chịu khổ cực không tương xứng. Tiêu pha xa xỉ thì được bù đắp trở lại nhanh hơn là tiền mua những thứ thiết yếu như thực phẩm và đồ dùng gia đình, chứng tỏ người giàu đang bật lên trở lại nhanh hơn nhiều.
Người giàu trở thành mục tiêu
Đối mặt với sự thù địch ngày càng tăng của nước Mỹ, giờ đây ông Tập tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy kinh tế nội địa. Một phần của nỗ lực này nhắm mục tiêu vào sự tập trung tài sản trong khu vực công nghệ – là khu vực kinh tế quy tụ nhiều người cực giàu của Trung Quốc nhất.
Khi Mã Vân trở thành tỷ phú đô la năm 2014, ông ta được các mạng xã hội Trung Quốc ca ngợi vì đã làm ra của cải và tạo công việc làm. Thế nhưng cư dân mạng Trung Quốc tháng trước lại rất hân hoan khi nghe tin chính phủ đã ngăn chặn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu, có giá trị tới 35 tỷ Mỹ kim, của công ty tài chính Ant [thuộc tập đoàn Alibaba của Mã]. Họ lên án Mã đã dám thách thức chính phủ Trung Quốc.
Nhiều người trẻ và giàu có của giới phú nhị đại biết rõ rằng gây rắc rối với đảng Cộng sản Trung Quốc là cách nhanh nhất để mất hết mọi thứ, còn có thể bị tù tội hoặc bị biến mất khỏi xã hội như cô đào điện ảnh nổi tiếng Phạm Băng Băng (Fan Bingbing), người đã bí mật bị giam giữ suốt mấy tháng năm 2018 vì bị tình nghi trốn thuế. Nhưng họ không nghĩ rằng chính quyền sẽ nhanh chóng tịch thu tài sản và thu nhập của họ, nhiều người để ý tới các bài diễn văn gần đây của ông Tập đề cao giá trị của tinh thần doanh thương trong việc thúc đẩy tăng trưởng.
“Lập trường của tôi là thực sự đi theo con đường mà chính quyền dẫn dắt – tôi biết số phận của chúng tôi là song hành với con đường đó”, anh Vương, con của một đại gia tỷ phú ngành truyền thông, tâm sự trong lúc nhấm nháp rượu sâm banh trong một bữa ăn mới đây ở Thượng Hải.
“Ở Trung Quốc, văn hóa căm ghét người giàu đã tồn tại từ lâu, từ thời Cách mạng Văn hóa,” anh Vương nói thêm và đề cập tới cuộc đảo lộn chính trị nhắm mục tiêu vào giới thượng lưu Trung Quốc trong những năm 1960 và tàn phá nền kinh tế. “Với tôi và bạn bè tôi, thế hệ này, chúng tôi có một điểm chung là chúng tôi muốn tạo ra của cải vật chất cho chính mình thay vì lo sợ tài sản của cha mẹ chúng tôi bị tước đoạt,” Vương nói thêm.
Cha của Vương muốn anh ta luôn ẩn mình, không lộ diện. Không một công ty nào trong đế chế kinh doanh của ông ta có liên kết với danh tính của Vương và hai cha con rất cẩn thận không tiết lộ mối quan hệ của họ trên internet. Vương nói, cha anh cho anh một khoản tiền trợ cấp “hạn chế” và không cho phép anh mở thẻ tín dụng để đề phòng anh tiêu xài hoang phí và thu hút sự chú ý vào mình.
Không thuế tài sản, không công khai của cải
Trong những năm đầu nhiệm kỳ của ông Tập, một chiến dịch chống tham nhũng đã bỏ tù hàng ngàn quan chức, kể cả các một ủy viên Thường vụ Bộ Chính Trị của đảng – cơ quan cấp cao nhất trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Tuy vậy, các quan chức chóp bu của đảng vẫn cự tuyệt những lời kêu gọi thỉnh thoảng được cất lên yêu cầu công khai tài sản của họ, và công khai tài sản cá nhân của các quan chức cao cấp là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của những người đang nắm quyền lực.
Những đề nghị đánh thuế lên tài sản thừa kế, bất động sản hoặc của cải đã từng được đem ra thảo luận nhiều năm qua nhưng không bao giờ được thực hiện một phần vì sợ gây tổn thương cho giai cấp trung lưu đang nổi lên của Trung Quốc. Theo ông Tạ Phúc Chiến (Xie Fuzhan), chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc – một cơ quan nghiên cứu hàng đầu của chính phủ, đánh thuế các loại tài sản như vậy cũng không giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng của Trung Quốc. “Trong quan điểm của tôi, thách thức lớn nhất vẫn là làm cách nào để cái bánh to lớn hơn và cách nào để phân chia tốt hơn miếng bánh đó,” ông Tạ nói.
Mọi biện pháp thuế nhằm phân phối lại thu nhập và tài sản đều có thể gây tổn thương hoặc phơi bày của cải của các nhân vật của công chúng, luật sư Roberta Chang của hãng luật Hogan Lovells ở Thượng Hải, nhận xét. “Chúng ta biết những người giàu Trung Quốc, đặc biệt là các quan chức chính phủ, rất thích mua bất động sản. Vì thế đã có sự xem xét kỹ lưỡng về chính trị đối với biện pháp thuế.”
Tuy vậy, chính phủ của ông Tập theo dõi người giàu kỹ càng hơn trước đây. Đặc biệt chính phủ đã thiết lập các hệ thống tự động giám sát sự luân chuyển của dòng tiền và yêu cầu phải khai báo rõ hơn việc chuyển tiền ra nước ngoài, làm cho các đại gia cực giàu của Trung Quốc khó khăn hơn khi chuyển tài sản ra hải ngoại.
Thế nhưng cũng có những khe hở. Người giàu Trung Quốc có thể thiết lập những quỹ tín thác (trust) với cơ cấu chỉ có trên danh nghĩa, chuyển hàng tỷ Mỹ kim tài sản cho thân nhân và mua quốc tịch nước ngoài. Một phương pháp sáng tạo là các chủ nhân của các công ty Trung Quốc để cho các chi nhánh của họ ở Hồng Kông liên tục khai báo kinh doanh thua lỗ, hết tiền mặt, đòi các ông chủ phải bơm thêm tiền để vực dậy đơn vị ở Hồng Kông, theo miêu tả của một cựu nhân viên một ngân hàng quốc doanh Trung Quốc ẩn danh.
Ngày ngay, việc chuyển tiền ra hải ngoại cũng trở nên rủi ro hơn do các nước phương Tây từ Mỹ sang châu Âu tới Úc châu nghi ngờ Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng. Với nhiều phú nhị đại như Từ Hạo Nhiên của công ty Fantasy Entertainment, con đường an toàn nhất là “chỉ làm công việc của mình, đóng thuế và cư xử đúng mực”. Giấc mơ thành lập công ty DJ (chỉnh nhạc) của anh phát triển từ sở thích đi bar thời còn học đại học, bây giờ anh chỉ muốn biết tới như là người tạo ra một công ty có lợi nhuận. “Trong những ngày này, điều tôi lo sợ nhất là ‘cây cao thì gió mạnh’,” Từ nói, dẫn một câu tục ngữ Trung Quốc khuyên nên cẩn trọng, đừng thu hút quá nhiều sự chú ý vào mình. “Phải có của cải, nhưng đừng nên quá giàu, thế là an toàn nhất,” Từ nói.
(Nguồn Bloomberg)