H.C.
Bắt đầu từ ngày 25 tháng Chín, tất cả hàng hóa Hong Kong xuất cảng sang Mỹ phải ghi xuất xứ là “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc) thay vì “Made in Hong Kong” như hiện nay, theo một thông báo mới của chính phủ Mỹ. Điều đó cũng có nghĩa là sản phẩm của Hong Kong cũng phải chịu mức thuế nhập cảng bằng với sản phẩm từ Hoa Lục.
Sự thay đổi quy định này phù hợp với sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump đình chỉ quy chế ưu đãi thương mại với Hong Kong sau khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia Hong Kong, thủ tiêu trong thực tế quy chế bán tự trị của vùng lãnh thổ này và biến Hong Kong thành một thành phố “thuần Trung Quốc” như Thượng Hải, Vũ Hán hay Quảng Châu.
Thông báo của chính phủ Mỹ, đăng trên Công báo Liên bang (Federal Register) ngày hôm qua 10-08, nói rằng “sau 45 ngày kể từ ngày đăng thông báo”, hàng hóa “phải được dán nhãn nói rõ xuất xứ của chúng là Trung Quốc”. Sự thay đổi này “thể theo xác định rằng Hong Kong không còn đủ tự trị để được đối xử ưu đãi trong quan hệ với Hoa Kỳ”.
Các quan sát viên nhận định thay đổi này là một đòn giáng vào nền kinh tế đang chao đảo của Hong Kong, vào các công ty xuất cảng tuy số lượng ít nhưng đạt giá trị cao của thành phố này. Hàng hóa Hong Kong dán nhãn “Made in China” sẽ phải chịu thuế nhập cảng ít nhất 10% khi đi vào thị trường Mỹ.
Tối thứ Ba 11-08 chính quyền Hong Kong ra tuyên bố nói họ đang tính tới việc kiện ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cáo buộc chính phủ Mỹ “gieo rắc sự rối loạn và gây hại cho quyền lợi của tất cả các bên, kể cả Hoa Kỳ”.
Đáng chú ý, trong tổ chức WTO, Hong Kong là một thành viên riêng, độc lập với Trung Quốc – và đây là một kẽ hở pháp lý được Trung Quốc ra sức lợi dụng trong nhiều năm qua. Tuyên bố của Hong Kong nói hành động của Mỹ “phản ánh việc Hoa Kỳ không đếm xỉa tới thực tế Hong Kong là một thành viên độc lập của WTO và quyết định của Hoa Kỳ không phù hợp với quy định của WTO”. “Nếu cần thiết, chính quyền đặc khu hành chánh Hong Kong sẽ không loại trừ việc có những hành động phù hợp với luật lệ của WTO để bảo vệ lợi ích của Hong Kong,” tuyên bố viết.
Trong quan hệ buôn bán với Mỹ, Hong Kong luôn được thặng dư cao – nghĩa là Hong Kong bán sang thị trường Mỹ nhiều hơn mua từ Mỹ. Năm ngoái 2019, thặng dư của Hong Kong bị giảm 16% so với năm trước nhưng vẫn còn đạt hơn 26 tỷ đô la. Từ tháng Giêng đến tháng Năm năm nay, xuất cảng của Hong Kong sang Mỹ giảm hơn 22,3% so với cùng kỳ ngăm ngoái.
Hong Kong nhập cảng từ Mỹ không nhiều nhưng chủ yếu là các mặt hàng công nghệ cao – đặc biệt là hàng công nghệ lưỡng dụng, vừa dùng trong đời sống thường nhật vừa dùng trong quân sự mà Trung Quốc lục địa bị cấm vận. Bắc Kinh vẫn thường thông qua các công ty nhập cảng của Hong Kong để mua sắm nhiều thiết bị và công nghệ cần thiết cho việc canh tân quân đội Trung Quốc.
Hong Kong có vai trò quan trọng như là một trung tâm xuất nhập cảng hàng hóa từ Trung Quốc và tới Trung Quốc chứ không phải là một cơ sở sản xuất hàng xuất cảng như trong các thập niên 1970-1980. Hàng hóa sản xuất tại Hong Kong chỉ chiếm chưa tới 1% tổng lượng hàng hóa xuất cảng của thành phố này. Số liệu của Hội đồng Phát triển và Thương mại Hong Kong cho biết, năm 2019, giá trị hàng hóa sản xuất tại Hong Kong bán sang Mỹ chỉ vào khoảng 471 triệu đô la, đại bộ phận còn lại là hàng Trung Quốc dán nhãn “Made in Hong Kong”.
Gần một nửa (48,5%) giá trị hàng hóa sản xuất tại Hong Kong bán sang Mỹ trong nửa đầu năm nay là đồ trang sức; thực phẩm chiếm tỷ lệ khoảng 10,7%.
Quy định mới của Mỹ về dán nhãn xuất xứ “Made in China” đối với hàng hóa Hong Kong, theo các nhà phân tích, không có nhiều ý nghĩa do giá trị của lượng hàng hóa này không lớn. Nhưng việc đối xử với Hong Kong giống như với Trung Quốc về thương mại sẽ dẫn tới việc Mỹ kiểm soát xuất cảng hàng hóa sang lãnh thổ này, các công ty nhập cảng của Hong Kong sẽ không còn được mua những mặt hàng công nghệ nhạy cảm của Mỹ. Và đó mới là điều làm cho Trung Quốc phải lo ngại.
(SCMP)