Không thể bác bỏ tất cả thành tích kinh tế đưa quốc gia trở thành cường quốc, nhưng sau 70 năm, Trung Quốc cũng đã trở thành một quái vật giẫm đạp tàn bạo chữ “Nhân”. Trong lịch sử phát triển các quốc gia thế giới thời hiện đại, gần như không nước nào xây dựng sự thịnh vượng khi cùng lúc nghiền nát tuyệt đối những giá trị nhân bản như Trung Quốc…
Để chào mừng 70 năm ngày quốc khánh (1-10), ngày 22 Tháng Chín 2019, Cơ quan thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố “bạch thư” mang tựa “Mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân: 70 năm tiến bộ nhân quyền ở Trung Quốc” (“Vi nhân dân mưu hạnh phúc: Tân Trung Quốc nhân quyền sự nghiệp phát triển 70 niên”).
Tuy nhiên, thế giới đã và tiếp tục thu thập những hồ sơ dày cộm về “thành tích bất hảo” của Trung Quốc về vi phạm nhân quyền. Tổ chức Phóng viên không biên giới “chấm” Trung Quốc hạng 177/180 quốc gia về tự do báo chí trong bảng xếp hạng 2019. Luật sư bị bỏ tù, internet bị kiểm soát, xã hội bị theo dõi, giáo dục bị nhồi sọ, tôn giáo bị “đảng hóa”, chính trị bị tham nhũng…, tất cả đều tồn tại cùng lúc với những thành phố bóng lộn ngạo mạn đắc ý. Không chỉ nhân quyền hiểu theo nghĩa liên quan những quyền căn bản con người, mọi chữ “nhân” khác, từ nhân đạo, nhân bản, đến nhân tính, đều bị phá hủy.
Cùng với cơn lốc “trí phú quang vinh” (làm giàu là vinh quang) – theo chủ trương Đặng Tiểu Bình – là sự đổ nát giá trị đạo đức. Cái xấu được nhân rộng. Cái ác tràn lan. Người ta sẵn sàng giết nhau không gươm giáo bằng mọi thủ đoạn gian trá trên con đường làm giàu. Không lĩnh vực nào có thể thấy rõ điều đó bằng vệ sinh thực phẩm.
Không có gì mà không bị đầu độc. Bà bán thịt đầu độc ông bán trái cây và ngược lại. Mọi thứ đều bị nhiễm độc: từ bột sữa chứa melamine; thịt heo “phát sáng” (phát… dạ quang trong bóng tối); mì sợi “ướp” mực in; bánh bao chỉ nhồi nhân thịt thối; giá đỗ nhiễm sodium nitrite, urea, thuốc kháng sinh và hormone 6-benzyladenine (giúp tăng trưởng cấp tốc); bánh bao nhiễm… nhôm; gạo cao su; trái cây “ướp” formol; đến “dầu ăn” vớt từ cống thải…
Đó là chưa kể nạn thuốc giả. Năm 2007, thế giới từng bàng hoàng khi biết sản phẩm thuốc ho Trung Quốc chứa diethylene glycol (DEG, loại hóa chất kịch độc dùng trong công nghiệp chống đông lạnh và dung môi) khiến gây tử vong hàng trăm trẻ em thế giới!
Trong quyển sách của mình, tác giả Chu Thanh (Zhou Qing) thậm chí tiết lộ: nước tương chứa tóc nhiễm thạch tín; bánh chiên dòn (snack) chứa hormone đến mức làm mọc lông mặt trên những bé trai 6 tuổi và ngực trên các bé gái 7 tuổi; nhiều hóa chất “quái đản” dùng nuôi lợn để thịt lợn trông “tươi ngon”…
Các bà nội trợ Nga từng “thất kinh hồn vía” khi phát hiện thủy ngân trên chảo sau khi chiên thịt lợn nhập từ Trung Quốc! Cũng trong quyển sách của ông Chu, người ta còn biết rằng nhiều nông trại hải sản Trung Quốc từng đổ thuốc ngừa thai vào hồ để vật nuôi mập ninh ních! Trong một vụ tai tiếng từng gây chú ý năm 2001 tại cảng Chu San (tỉnh Chiết Giang), một số viên chức địa phương cho rằng nhiều hóa chất độc phát hiện trong tôm nhập vào châu Âu là do thuốc khử trùng mà một số nữ công nhân dùng rửa vết thương…
Ít nhất 300 triệu người Trung Quốc bị bệnh do ngộ độc thực phẩm mỗi năm – theo báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức y tế thế giới (WHO). Và điều này vẫn đang xảy ra, ngay thời điểm hiện tại! Song hành với nạn đầu độc thực phẩm là tình trạng ô nhiễm môi trường. Hơn ½ nguồn nước ngọt nước này (khảo sát tại 198 điểm ở 4.229 thành phố) đã bị ô nhiễm trầm trọng trong đó có 5 trong 10 lưu vực sông lớn nhất và 25 trong 60 con hồ.
Và trong 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, Trung Quốc chiếm đến 16 thành phố! Ô nhiễm không khí đang nằm vị trí thứ tư các nguyên nhân gây chết người (với trung bình 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm). Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ vỏn vẹn 1% trong 560 triệu cư dân đô thị Trung Quốc là được hít thở không khí trong lành theo chuẩn EU. Ngay ở thời điểm này, ô nhiễm vẫn bao phủ toàn bộ thành phố Bắc Kinh.
Tháng Hai 2013, Bộ môi trường Trung Quốc đã phải đề cập đến hiện tượng “những ngôi làng ung thư” trong Bản kế hoạch 5 năm. Đây là lần duy nhất mà một cơ quan cấp bộ tại Trung Quốc thừa nhận vấn đề này kể từ khi nó được giới nghiên cứu xã hội ghi nhận lần đầu tiên từ năm… 1998. Tỉ lệ tử vong do ung thư tại Trung Quốc đã tăng 80% trong 30 năm qua – ở thành phố, thủ phạm là không khí; ở vùng quê, thủ phạm là nguồn nước.
Câu chuyện sau đây là một phiên bản làm giàu đặc sệt “phong cách Trung Quốc”. Khi tập đoàn khoáng sản Tử Kim (Zijin Mining Group) dọa dời trụ sở khỏi Thượng Hàng để đến Hạ Môn cách đó 270 km, tay bí thư địa phương đã lập tức đến gặp chủ tịch tập đoàn Trần Cảnh Hà và nói rằng: “Nếu muốn đi, ông cũng phải dời cả ngọn núi ở đây đến Hạ Môn!”. Với giới chức địa phương, tập đoàn Tử Kim – nhà sản xuất vàng lớn nhất Trung Quốc và là nhà khai thác đồng lớn thứ hai nước này – là nguồn doanh lợi không thể mất được. Là một trong những tập đoàn nhà nước lớn nhất Trung Quốc, với các dự án khai thác khoáng sản tại 20 tỉnh nước này và 7 quốc gia, tập đoàn Tử Kim cũng là nơi mang nhiều tai tiếng liên quan tàn phá môi trường.
Chỉ riêng tại Thượng Hàng, một dòng chất thải khổng lồ 9.100 m3 từ mỏ vàng của Tử Kim đã chảy vào một con đập và tràn vào con sông địa phương, làm chết khoảng 4 triệu con cá. Mất đến 9 ngày Tử Kim mới thừa nhận vụ việc. Tuy nhiên, Tử Kim cũng là công ty chiếm đến 70% nguồn thu của Thượng Hàng, mang lại công ăn việc làm cho dân địa phương. Nhờ Tử Kim, chính quyền Thượng Hàng mới có tiền xây xa lộ nối với phần còn lại của tỉnh Phúc Kiến. Mất Tử Kim, Thượng Hàng không chỉ thất thu ngân sách mà còn thiệt hại về “chỉ tiêu phát triển”!
Một phần của câu chuyện cho thấy rằng Trung Quốc vĩnh viễn không thể trở thành một quốc gia giàu có tử tế khi cơ chế phát triển của nó dựa vào mô hình thành tích. Đảng Cộng sản Trung Quốc tạo ra một mô hình phát triển chụp giật bất chấp hậu quả. Họ khai sinh một mô hình bị lỗi ngay từ căn bản. Họ “phát triển” cái sai đến mức nó đã trở thành hệ thống của những cái sai. Họ đẻ ra và nuôi những con quái vật cho chính họ. Con rắn độc cộng sản đã sinh ra hàng triệu triệu con rắn độc khác. Một đảng cai trị lưu manh đã tạo ra một xã hội lấy lưu manh làm tôn chỉ sống. “Xã hội hóa” lưu manh xảy ra ngay cả trong giáo dục, trong sinh hoạt tôn giáo… và nó còn phát triển đến mức trở thành “quốc tế hóa” sự lưu manh trong đường lối ngoại giao.
Tháng Tư 2015, tổ chức Hòa bình Xanh Đông Á (Greenpeace East Asia) nói rằng trong 360 thành phố Trung Quốc, hơn 90% không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường quốc gia của chính nước này. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn giấu giếm và che đậy thông tin. Tháng Ba 2015, khi một phim tài liệu dài về ảnh hưởng sức khỏe của không khí ô nhiễm được phát trên mạng, cơ quan kiểm duyệt trung ương lập tức yêu cầu các website rút xuống. Hệ thống chính trị cộng sản Trung Quốc không chỉ là một hệ thống lỗi. Nó là hệ thống có khả năng “kiến tạo” ra những hệ thống dối trá để lừa bịp nhau, lừa bịp dân cũng như lừa bịp thế giới.
Ngày 17 Tháng Chín 2019, một video lọt lên YouTube đã gây chấn động thế giới như một bằng chứng, về cái mà các chính trị gia Mỹ cáo buộc Trung Quốc, rằng Bắc Kinh đang cố xóa sạch văn hóa hồi giáo ở Tân Cương. Sự đối xử của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là man rợ ngoài sức tưởng tượng. Không chỉ “Hán hóa” bằng công cụ văn hóa và đưa người Hán vào Tân Cương, Trung Quốc còn biến Tân Cương thành chuỗi trại giam khổng lồ.
Không chỉ bị theo dõi bởi hàng triệu camera, tất cả người Duy Ngô Nhĩ còn bị lấy mã di truyền (ADN). Ngày 23 Tháng Tám 2019, Ủy ban điều hành Quốc hội Hoa Kỳ đặc trách Trung Quốc đã gửi thư cho chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass bày tỏ lo ngại về khoản cho vay 50 triệu USD mà WB dành cho chương trình huấn nghệ Tân Cương mà thật ra được dùng để mua thiết bị đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Cụ thể, Trường kỹ thuật Yarkand đã dùng khoảng 30.000 USD để mua 30 khẩu súng bắn khí cay, 100 gậy chống bạo động, 400 bộ quân phục, 100 bộ áo giáp, 45 nón bảo hiểm…
Tân Cương chỉ chiếm khoảng 1,5% dân số toàn quốc nhưng khu vực này chiếm hơn 20% các vụ bắt bớ toàn quốc trong năm 2017 (New York Times 8-9-2018). Trong hai năm qua, Trung Quốc đã giam từ 1-2 triệu người Duy Ngô Nhĩ, tức 11,5% dân số sắc dân này từ 20 đến 79 tuổi, trong những nhà tù bí mật khổng lồ khắp Tân Cương, nơi ngày càng nghẹt thở từ khi Bắc Kinh đưa Trần Toàn Quốc (cựu bí thư Tây Tạng) về cai trị từ tháng Tám 2016.
Tù nhân Duy Ngô Nhĩ buộc phải từ bỏ đạo Hồi và ngôn ngữ mình cùng lúc phải học tiếng Hán và thuộc lòng các ca khúc tuyên truyền. Cuối năm 2018, theo AP, Trung Quốc đã đưa 1,1 triệu cán bộ đảng viên đến sống chung trong các ngôi nhà người dân địa phương để giám sát họ ngày đêm. Và để tiêu diệt tận gốc văn hóa Duy Ngô Nhĩ, Bắc Kinh cũng khuyến khích các giải pháp đồng hóa toàn diện. Từ năm 2014, các cặp vợ chồng Hán-Duy Ngô Nhĩ được tặng 10.000 tệ (1.442 USD)/năm, trong 5 năm, kể từ khi đăng ký kết hôn.
Đàn áp tôn giáo là hành động bất nhân nữa của một chế độ phi nhân. Dữ liệu tù nhân chính trị (Political Prisoner Database-PPDB) – dẫn lại từ báo cáo Tự do Tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ 2019 – cho biết, tính đến cuối năm 2018, Trung Quốc đã giam 310 tín đồ Tin Lành, 205 tín đồ Chúa Toàn Năng (Giáo hội “Đông Phương Thiểm Điện”), 136 tín đồ Hồi giáo (không kể người Hồi giáo ở Tân Cương), 22 tín đồ Phật giáo, và 9 tín đồ Cơ Đốc giáo.
Từ tháng Tư, các trang mua sắm trên mạng như Taobao, JD.com và Dangdang đã cấm bán sách Kinh Thánh Cơ Đốc giáo. Tồi tệ hơn nữa, Kinh Thánh cũng bị “biên tập” lại! Tại Liêu Ninh, công an văn hóa đã đưa ra mức phạt 400.000 tệ (58.200 USD) cho bất kỳ nhà thờ nào dùng bản Kinh Thánh “không chính thức”!
Bỏ tù, bắt cóc giám mục, phá sập nhà thờ…, không gì mà Bắc Kinh không làm đối với giáo dân Cơ Đốc giáo. Bắc Kinh không công nhận quyền Vatican đối với giáo dân nước họ. Chăn dắt hàng chục triệu con chiên là nhiệm vụ của Đảng, dưới lớp áo các tổ chức tôn giáo trá hình.
Trung Quốc đã không ngần ngại nêu vấn đề “quốc hữu hóa” Cơ Đốc giáo, khi trích lời Vương Tác An (Wang Zuoan), giám đốc Cơ quan quản lý tôn giáo (“Quốc gia tôn giáo sự vụ cục”) tại hội thảo Thượng Hải với chủ đề “Trung Quốc hóa Cơ Đốc giáo” (Sinicization of Christianity). Tất cả nhà thờ Trung Quốc đều phải đăng ký hoạt động và được giám sát chặt bởi ba cơ quan: Phong trào ái quốc Tam Tự (Three-Self Patriotic Movement; “Tam tự ái quốc vận động”; còn gọi là “Tam Tự giáo hội”); Hội đồng Cơ Đốc giáo Trung Quốc; và Hiệp hội Cơ Đốc giáo ái quốc Trung Quốc.
Ba cơ quan này “chăn dắt” con chiên Thiên Chúa giáo lẫn Tin Lành. Tôn giáo, dưới lăng kính Bắc Kinh, “phải phù hợp với “đặc tính Trung Quốc” và “tương ứng với con đường XHCN của đất nước” – phát biểu của Vương Tác An tại hội thảo Thượng Hải nói trên vào năm 2014. Bốn tháng trước phát biểu của Vương Tác An đã xảy ra một sự kiện cho thấy rõ hơn “đặc tính Trung Quốc” trong vấn đề tôn giáo tại Trung Quốc: Giáo đường Tam Giang tại huyện Vĩnh Gia thuộc Ôn Châu (Chiết Giang) bị giật sập! Ôn Châu là nơi tập trung đông nhất giáo dân Cơ Đốc giáo, một Jerusalem của người Công giáo Trung Quốc.
Khó có thể kể hết mặt trái của sự phát triển Trung Quốc sau 70 năm kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền. Mức độ tàn độc và phi nhân của chế độ cộng sản Trung Quốc ngày càng khủng khiếp dưới thời Tập Cận Bình. Sự phát triển Trung Quốc đã không mang lại những giá trị mới nào cho đất nước họ lẫn thế giới mà còn thảm sát tất cả giá trị nhân bản cũ từng tồn tại hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn năm. Trung Quốc càng đi tiến lên cao trên bậc thang phát triển kinh tế thì họ càng xuống dốc không phanh về mặt đạo đức.
Chẳng có sự phát triển nào có ý nghĩa nếu nó không được đặt trên căn bản lợi ích nhân loại. Thế giới đáng lý cần phải nhận thức sớm hơn điều này nhưng tất cả đã bị cuốn vào ma lực hấp dẫn làm giàu từ tư duy làm giàu bất nhân của Trung Quốc. Nếu thế giới bất lực trước sự tàn phá vô nhân của Trung Quốc, tương lai thế giới sẽ là một ngày tận thế. Khi những dòng này được viết ra, ngay trước mắt, người ta đã có thể thấy ngày tận thế đang đến rất gần với những quốc gia hạ lưu Mekong, bởi vô số con đập thủy điện Trung Quốc. Và con quái vật này vẫn chưa buông tha nhân loại, vẫn chưa ngừng sự phi nhân trên móng vuốt của nó, bấu nát vào mọi ngóc ngách thế giới…