Sau khi tự bôi bẩn, Trung Quốc mở chiến dịch “sát trư bàn” để lấy lại uy tín

Trung Quốc đang cùng Myanmar mở chiến dịch “mổ lợn” (ảnh: Zhou Mu/Xinhua via Getty Images)

Trung Quốc (TQ) đang tung ra chiến dịch “Pig Butchering” (mổ lợn – “shāzhūpán”, 殺豬盤, sát trư bàn), một động thái có vẻ bất ngờ với nhiều người sau một thời gian quốc gia này dung dưỡng cho những kẻ lừa đảo hành nghề bên ngoài đất nước.

Mục tiêu truy quét là các “công xưởng lừa đảo” (scam mill) hoạt động bên trong các khu phức hợp bí mật, đen tối để lừa đảo những người cả tin trên toàn thế giới. Inshik Sim, một nhà phân tích chính của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UN Office on Drugs and Crime) nhận xét: “Có lẽ TQ đang ra tín hiệu với bọn tội phạm cùng quốc tịch: Thế là đủ rồi”.

Toàn cầu hóa hoạt động lừa đảo

Đội quân lừa đảo thường bám trụ tại những nơi vô luật pháp ở Đông Nam Á và thường do các trùm tội phạm TQ kiểm soát. Chúng tìm cách tiếp cận với các mục tiêu trên khắp thế giới thông qua tin nhắn và các chiêu lừa trực tuyến trong đó có cả giới thiệu các mối quan hệ phức tạp, và sau đó đưa nạn nhân vào những “cái bẫy” đầu tư (và việc làm lương cao) không có thật. Thoạt đầu, chúng cho các khoản đầu tư sinh lời để nạn nhân nảy lòng tham và gửi nhiều tiền hơn nữa; và khi thấy đã đủ, chúng ôm tiền biến mất.

Những tháng gần đây, TQ đã triển khai một chiến dịch mạnh mẽ nhất nhằm xóa sổ các “công xưởng lừa đảo” ngày càng đông đúc. Chiến dịch vượt ra ngoài đại lục và đã bắt giữ hàng ngàn người trong các vụ cộm cán. Mục tiêu chính của chiến dịch là đường biên giới khét tiếng với Myanmar do những kẻ buôn ma túy và lãnh chúa kiểm soát. Trong nhiều thập niên, khu vực biên giới luôn là thiên đường cho cờ bạc và buôn bán mọi thứ, từ ma túy, động vật hoang dã đến con người. Bây giờ, chúng là những trọng điểm “mổ lợn”.

Những kẻ lừa đảo hoạt động trong các băng nhóm bí mật hắc ám mà đa số được điều hành bởi những kẻ đào tẩu TQ trốn khỏi đất nước mình đến những nơi dễ lách luật và dễ “làm ăn” hơn. Chúng lừa gạt hàng tỷ đôla của công dân TQ mỗi năm cũng như công dân các quốc gia khác trên toàn cầu.

“Thật đáng xấu hổ khi TQ là xuất phát điểm của các đường dây lừa đảo người dân trên toàn thế giới – Jason Tower, Giám đốc phụ trách Myanmar của Viện Hòa bình Hoa Kỳ (United States Institute of Peace), một tổ chức nghiên cứu độc lập chuyên giảm thiểu xung đột do Quốc hội Hoa Kỳ thành lập, nhận định – Các nhóm tội phạm TQ đã tác quái trong nhiều năm nhưng chính phủ TQ chỉ làm rất ít để ngăn chặn chúng”.

Tháng Chín qua, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã cảnh báo người Mỹ về những trò lừa đảo liên quan đến tội phạm TQ. Ngoài các thị trấn núi đồi xa xôi ở Myanmar được bảo vệ nghiêm ngặt, bọn tội phạm còn lập chốt tại các trung tâm cờ bạc ở Sihanoukville và Poipet của Campuchia. Chính quyền Campuchia đã thực hiện các cuộc đột kích lẻ tẻ với sự hỗ trợ của TQ, nhưng không giải quyết được vấn đề.

Bọn lừa đảo phát triển mạnh trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi thương mại biên giới dừng lại và việc sử dụng internet tăng vọt. Chúng cũng gây ra cuộc khủng hoảng buôn người. Nhiều kẻ lừa đảo gài bẫy các nạn nhân, dụ họ ra nước ngoài bằng những công việc không có thật rồi giữ lại tiền lương và hộ chiếu để họ không thể thoát thân.

Theo ước tính của Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc, hiện có hơn 120,000 người bị buộc phải tham gia đường dây lừa đảo ở Myanmar và 100,000 người khác ở Campuchia. Một nạn nhân người Malaysia trở thành “cộng tác viên” buôn người nói với tờ Wall Street Journal anh ta được huấn luyện cách bỏ ra một tuần, thậm chí cả tháng để lấy lòng tin của nạn nhân trước khi “làm thịt” họ.

Campuchia từ nhiều năm nay đã trở thành mảnh đất màu mỡ của bọn tội phạm Trung Quốc (ảnh: Flach JJ/Andia/Universal Images Group via Getty Images)

“Sau khi kết nối với một quảng cáo trên một trang web tuyển dụng việc làm, tôi đã nhận lời làm công việc dịch vụ khách hàng ở Campuchia. Nhưng đến đó, tôi bị đưa đến một khu phức hợp giống như nhà tù ở Sihanoukville và bị buộc phải làm nghề lừa đảo dưới sự đe dọa bạo lực. Người quản lý đào tạo đã đưa cho tôi một chiếc điện thoại thông minh cài sẵn các tài khoản mạng xã hội giả mạo, một ‘danh sách nạn nhân’ chứa thông tin liên hệ của các mục tiêu tiềm năng và nhiều tập tin hướng dẫn cách đánh tan sự nghi ngờ và tạo niềm tin với con mồi. Sau vài tuần, tôi thuyết phục được người lái xe chở người và vật tư đến khu nhà giúp tôi trốn thoát” – anh kể lại.

Câu chuyện này tương tự với câu chuyện của những người bị dụ vào làm việc trong các “công xưởng lừa đảo”.  Các nhà nghiên cứu di cư bất hợp pháp trong khu vực cho biết các nạn nhân đến từ hàng chục quốc gia, từ Đông Nam Á đến Brazil và cả Kenya.

Bắc Kinh buộc phải “sát trư” vì có quá nhiều tai tiếng

Đến Tháng Tám, 2023, TQ mới phát động một chiến dịch phối hợp đặc biệt với ba quốc gia lân cận đồng thời áp lực các nhóm vũ trang ly khai thân TQ kiểm soát các vùng đồi núi biên giới của Myanmar, thuyết phục họ giúp truy lùng, vây bắt và hồi hương gần 5,000 công dân TQ bị nghi ngờ hoạt động tội phạm.

Trọng điểm là một số khu vực biên giới thu hút đầu tư lớn từ công dân TQ. Nhiều người TQ, gồm cả những kẻ đào tẩu khét tiếng đến sống ở đây, nơi tiếng Phổ thông và tiền tệ TQ rất phổ biến. Lãnh thổ tự quản Wa nằm dọc biên giới Tây Nam Trung Quốc được đặc biệt quan tâm, một phần vì Bắc Kinh có quá nhiều “ân nghĩa” đối với khu vực này.

Đây là nơi sinh sống của người dân tộc thiểu số Wa và là quê hương của tổ tiên họ. TQ là ân nhân chính của họ trong nhiều thập niên từ khi người Wa giúp đảng Cộng sản TQ đánh đuổi kẻ thù Quốc Dân đảng chạy trốn vào thập niên 1950 và 1960. Khu vực này sau đó trở thành cửa ngõ kinh tế lớn của Myanmar giàu tài nguyên.

Theo các nhà nghiên cứu độc lập, lãnh đạo thực tế của lãnh thổ khu vực là Quân đội Nhà nước Wa thống nhất (UWSA) có hơn 20,000 chiến binh được trang bị các vũ khí hiện đại của TQ như hỏa tiễn di động đất đối không và xe bọc thép. Wa cũng là nguồn cung cấp thuốc phiện chính trong gần hai thế kỷ, và những thập niên gần đây đã trở thành nơi sản xuất hàng đầu các loại ma túy tổng hợp như methamphetamine.

Năm 2003, Bộ Tài chính Mỹ đưa UWSA vào “danh sách đen” theo Luật Kingpin và đã cấm vận hàng chục cá nhân và doanh nghiệp có liên quan đến “tổ chức buôn bán ma túy lớn nhất và quyền lực nhất ở Đông Nam Á này. Nay UWSA và các mạng lưới tội phạm khác làm thêm nghề lừa đảo thay vì chỉ buôn bán ma túy.

Lực lượng UWSA, “đồng minh” Trung Quốc trong lịch sử lẫn hiện tại (ảnh: Thierry Falise/LightRocket via Getty Images)

Theo báo cáo năm 2022 của truyền thông nhà nước TQ, chính quyền TQ đã chặn 2.1 triệu trang web lừa đảo và khoảng $51.6 tỷ giao dịch đáng ngờ trong năm trước. Bắc Kinh cảnh báo người dân nên đề phòng các đề nghị giảm giá đáng ngờ, các chương trình đầu tư và liên hệ bất minh từ bất kỳ ai tuyên bố đại diện cho một công ty hoặc cơ quan thực thi pháp luật.

Phát súng đầu tiên báo hiệu chiến dịch truy quét của chính phủ TQ xuất hiện vào đầu Tháng Chín, khi TQ hợp tác với UWSA để tiến hành cuộc đột kích kéo dài hai ngày, với hơn 1,000 nghi phạm bị bắt và áp giải qua biên giới về chờ xử ở TQ. Sau đó TQ tập trung truy quét các lãnh đạo băng nhóm tội phạm.

Ngày 12 Tháng Mười, Bộ Công an TQ ra lệnh truy nã hai quan chức cấp cao của UWSA bị cáo buộc cầm đầu các mạng lưới lừa đảo: Bộ trưởng xây dựng Chen Yanban và thị trưởng Xiao Yankui. Bốn ngày sau, UWSA bãi chức cả hai người (không ai biết họ đang ở đâu). Cùng ngày, chính quyền TQ di lý về nước 2,349 nghi phạm “lừa đảo viễn thông”, vụ di lý lớn nhất giữa hai nước.

TQ cho biết đã có 4,666 nghi phạm được đưa từ Myanmar về nước kể từ khi chiến dịch “mổ lợn” bắt đầu. Richard Horsey, Cố vấn cấp cao về Myanmar tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group) có trụ sở ở Brussels (Bỉ) cho biết: “Đây là một chiến dịch lớn xét về mọi mặt.

Nó cho thấy hoạt động lừa đảo toàn cầu đã tác động xấu thế nào đối với uy tín của chính phủ TQ và công dân TQ. Tình hình đã quá nghiêm trọng không thể chần chừ được nữa!” Một số chuyên gia tin rằng những băng nhóm tội ác TQ không dễ dàng biến mất. Chúng có nguồn vốn khổng lồ và có rất nhiều nơi luật pháp lỏng lẻo trên thế giới để chúng thao túng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: