HIẾU CHÂN
Phương Phương (Fang Fang) – một nữ văn sĩ ở Vũ Hán, Trung Quốc, người đã viết nhật ký những suy nghĩ và cảm xúc trong những ngày thành phố bị phong tỏa vì dịch Covid-19, thu hút rất nhiều người đọc cả trong và ngoài Trung Quốc – đã trở thành “đối tượng” phê phán nặng nề sau khi có tin bài viết của bà được tập hợp và xuất bản ở phương Tây.
Có người Trung Quốc ví “Nhật ký Vũ Hán của Phương Phương là lưỡi dao trao cho người ngoại quốc, một viên đạn bắn vào người Trung Hoa” .
Tuy không phải là một nhà văn nổi tiếng nhất còn sống ở Trung Quốc, nhưng bà Phương Phương (tên thật là Uông Phương), sinh năm 1955, là một cây bút được người đọc mến mộ, do bà có nhiều tác phẩm miêu tả sinh động cuộc sống của người dân nghèo của thành phố Hoàng Hạc Lâu, từ những công nhân đô thị đổ mồ hôi trong các xưởng máy tới cuộc sống tù hãm về tinh thần của người trí thức trung lưu. Bà là một trong những nhà văn thuộc trào lưu “tân hiện thực”, ra đời sau khi Trung Quốc mở cửa kinh tế và nới lỏng kiểm soát xã hội dưới thời Đặng Tiểu Bình. Bà đã nhận được một vài giải thưởng văn nghệ, kể cả Giải Văn chương Lỗ Tấn có uy tín nhất Trung Quốc năm 2010, và tới gần đây bà còn đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh Hồ Bắc.
Nhưng bà Phương Phương chỉ thật sự được biết tới nhiều từ khi những ghi chép của bà về thành phố Vũ Hán bị phong tỏa được đăng tải trên mạng xã hội và trên tạp chí Caixin từ cuối tháng 01 đến cuối tháng 02-2020 , qua đó người bên ngoài biết được phần nào sự thật về cuộc sống của người dân trong thành phố bị phong tỏa. Hàng triệu người trong và ngoài Trung Quốc đã đọc, chia sẻ và bình luận các bài viết của bà, gọi chung là “Nhật ký Vũ Hán”, hay “Nhật ký phong thành”.
Nhật ký của bà ghi lại những nỗi thống khổ không thể tả hết của người dân Vũ Hán trong hoàn cảnh vừa bị dịch bệnh hoành hành vừa bị giam hãm trong cô đơn, tù túng. Đêm ngày 07-02, bác sĩ Lý Văn Lượng – người sớm cảnh báo về thảm họa và bị chính quyền trù dập – qua đời vì virus Vũ Hán thì ngày hôm sau trang nhật ký đầu tiên của bà Phương Phương xuất hiện trên mạng WeChat trước khi bị kiểm duyệt xóa bỏ chỉ vài giờ sau đó. Tài khoản của bà trên mạng xã hội Weibo, có 3,8 triệu người theo dõi, cũng bị khóa từ cuối tháng 02-2020 nhưng sau đó được mở lại. Nhưng các bài viết của bà đã được nhiều người khác sao chép lại và đăng lên rất nhiều tài khoản mạng xã hội khác, có người bình luận rằng đó là tiếng nói của lương tâm Vũ Hán.
“Phương Phương thể hiện tâm trạng thất vọng về vụ phong tỏa, thương xót cho nhiều người bị ảnh hưởng, bị rời bỏ nhà cửa vì virus, ca ngợi các nhà báo dũng cảm đã cố gắng khám phá sự thật giữa cuộc tuyên truyền và đòi hỏi những người để cho tình trạng này xảy ra phải chịu trách nhiệm”, tờ China Digital Times tại California nhận xét khi dịch và đăng những bài viết trên mạng của bà Phương Phương. Ở Việt Nam, một số trang báo mạng cũng nhanh nhẩu dịch và đăng một số trích đoạn của các bài viết này.
Tập hợp các bài nhật ký này được nhà xuất bản Harper Collins cho dịch sang tiếng Anh và tiếng Đức, dự kiến in thành sách vào tháng 06-2020.
Vì việc in sách đó, bà Phương Phương bị dân mạng Trung Quốc cáo buộc là đã giúp cho nước ngoài tấn công Trung Quốc, trao cho nước ngoài “một lưỡi gươm lớn”.
Trên mạng Weibo, một người viết: “Nhật ký Vũ Hán là lưỡi dao trao cho người ngoại quốc, một viên đạn bắn vào người Trung Hoa”. Một người khác viết: “Một người đàn bà chỉ viết một blog nhỏ, không hiểu biết gì về tình cảnh chung của đất nước. Có thể bà ta không thừa nhận rằng bà ta không ái quốc; bà ta nghĩ chúng ta là những kẻ cực đoan trong khi thực tế bà ta chỉ là một bà già ngu ngốc.”
Lý Viễn (Li Yuan) – một bỉnh bút của báo The New York Times, nhận xét: “Cuộc tấn công Phương Phương thật kịch liệt và đầy thù hận đến mức thật sợ hãi khi xem và đọc. Bà Phương Phương nói rằng, nó gợi cho bà nhớ lại thời Cách mạng Văn hóa”.
Không chỉ cư dân mạng ảo mà hôm thứ tư bản tiếng Anh của tờ báo chính thức của nhà nước Trung Quốc đăng bài xã luận nói “thật xấu hổ” khi thấy bà Phương Phương được tôn vinh trên truyền thông phương Tây – vốn thường xuyên nói xấu nỗ lực ứng phó với đại dịch của Trung Quốc. Trích dẫn “các nhà quan sát” bài xã luận nói nhật ký của bà Phương Phương “là thiên kiến và chỉ phô bày mặt tối của Vũ Hán mà bỏ qua những nỗ lực của nhân dân địa phương và sự hỗ trợ của cả đất nước.