Bất chấp việc Bắc Kinh và Washington thận trọng tiến tới khôi phục các cuộc trao đổi cấp cao, lãnh đạo Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh nỗ lực chuẩn bị đối phó với cuộc xung đột tiềm tàng. Kể từ cuối Tháng Năm 2023, Tập Cận Bình đã hai lần kêu gọi quân đội và người dân chuẩn bị cho điều mà ông mô tả “các tình huống cực đoan trong leo thang căng thẳng Mỹ-Trung”.
Tại một cuộc họp cấp cao tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia ngày 30 Tháng Năm 2023, nhà lãnh đạo TQ cảnh báo: “Chúng ta phải chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, đồng thời sẵn sàng đương đầu với gió lớn, nước đục, thậm chí cả những cơn bão nguy hiểm”. Một tuần sau, ông Tập mở rộng luận điệu đó sang lĩnh vực kinh tế. Đến thị sát một khu công nghiệp ở Nội Mông, Tập nói: “Những nỗ lực xây dựng thị trường nội địa là nhằm đảm bảo hoạt động bình thường của nền kinh tế quốc gia trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất”.
Những kịch bản cực đoan được ông Tập nhai đi nhai lại khi TQ đang từng bước hàn gắn quan hệ với Washington cho thấy ông Tập không từ bỏ nỗ lực bảo vệ nền kinh tế và đất nước trước những căng thẳng kéo dài với phương Tây.
Ngôn từ chuẩn bị chiến tranh của ông Tập được đưa ra khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang lên kế hoạch công du TQ trong Tháng Sáu 2023 như một phần trong nỗ lực của cả hai chính phủ nhằm xây dựng lại các tuyến liên lạc bị bế tắc sau khi một khinh khí cầu do thám TQ bay qua nước Mỹ vào đầu năm nay. Để vấn an dư luận, Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu, 刘鹏宇) phát ngôn viên của Đại sứ quán TQ tại Washington phát biểu: “Chủ tịch Tập đã nói rõ hai bên nên làm việc cùng nhau để đưa quan hệ song phương tiến lên đúng hướng, nhanh và ít xảy ra va chạm”.
Về phần mình, chính quyền Biden muốn thiết lập các điểm giảm sốc xung quanh mối quan hệ song phương để ngăn căng thẳng phát triển thành xung đột toàn diện. Nhưng Bắc Kinh có vẻ ít quan tâm đến các chi tiết cụ thể hơn là các nguyên tắc làm nền tảng cho mối quan hệ. Đặc biệt, TQ muốn Hoa Kỳ cam kết không vượt qua làn ranh đỏ đối với các vấn đề mà TQ xem là “không thể thương lượng”, chẳng hạn vấn đề Đài Loan. Họ Tập hiện có được địa vị chính trị ngang ngửa với Mao Trạch Đông, nay bắt chước phong cách của Mao với các tuyên bố kịch tính hóa các mối đe dọa từ nước ngoài để củng cố quyền lực. Việc Chủ tịch TQ chỉ trích Mỹ tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của TQ tại phiên họp Quốc hội TQ vào Tháng Ba qua đã làm dấy lên những báo động mới.
Kim Xán Vinh (Jin Canrong, 金灿荣) một học giả chính sách đối ngoại có ảnh hưởng, nói với tờ Hoàn Cầu thời báo: “Các kịch bản cực đoan mà Chủ tịch Tập đề cập ám chỉ một cuộc chiến tranh”. Bill Bishop, chủ bản tin Sinocism chuyên về TQ, lưu ý: “Bằng cách sử dụng ngôn ngữ khác thường, Tập Cận Bình đã thể hiện sự nâng cấp đáng kể về cảm giác rủi ro, nguy hiểm và sự cần thiết phải chuẩn bị. Khi tuyên bố chủ quyền và quân sự hóa các vùng lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông, TQ đã gây thiệt hại cho các nước láng giềng, cho nền kinh tế Mỹ và các quốc gia trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khiến Hoa Kỳ không thể làm ngơ”.
Lời nói không đi đôi với việc làm
Từ khi giành được nhiệm kỳ thứ ba vào Tháng Mười 2022, hết lần này đến lần, ông Tập cảnh báo quan hệ của TQ với phương Tây (đặc biệt với Mỹ) “có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều” đồng thời lưu ý mục tiêu phát triển chính trong năm năm tới của TQ là “xây dựng một mối quan hệ địa chính trị, nền kinh tế bền vững ít phụ thuộc vào thị trường và công nghệ nước ngoài”.
Các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo địa phương tại TQ được khuyến cáo hãy tăng gấp đôi nỗ lực đó dù không hề dễ dàng cho một nền kinh tế vừa xem xuất khẩu là động lực tăng trưởng vừa phụ thuộc vào công nghệ cao của phương Tây. Các trợ lý cấp cao của ông Tập, gồm cả cố vấn kinh tế lâu năm, cựu Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He, 刘鹤), và người kế nhiệm Hà Lập Phong (He Lifeng, 何立峰) đã được giao nhiệm vụ vạch ra kế hoạch giữ cho nền kinh tế TQ tiếp tục phát triển trong trường hợp Hoa Kỳ và phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt nếu có xung đột.
Từ ngữ “cực đoan” nổi lên như một khẩu hiệu phổ biến mới tại TQ cũng xuất hiện ở các cấp chính quyền địa phương. Các nhà lãnh đạo địa phương từ thành phố ven biển Thượng Hải đến tỉnh Hồ Nam bên trong đất liền đều tuyên bố chuẩn bị sẵn sàng những tình huống xấu. Ryan Hass, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings và là cựu cố vấn của tổng thống Biden về TQ và châu Á, cho biết: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của ông Tập trong nhiệm kỳ mới là làm sao để TQ không bị tổn thương do tác động từ bên ngoài. Nhìn từ lăng kính đó, ông Tập có vẻ đúng khi nâng cao cảm giác cấp bách và tầm quan trọng của sức mạnh nội tại và rèn luyện khả năng chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt khi xảy ra xung đột”.
Có rất ít dấu hiệu TQ sắp xâm chiếm Đài Loan, dù đã có rất nhiều cử chỉ khiêu khích mang tính răn đe. Trong những cuộc gặp gần đây với các nhà ngoại giao và giám đốc điều hành doanh nghiệp phương Tây, ban lãnh đạo TQ dường như cố gắng thuyết phục họ là chính Hoa Kỳ tìm cách kích động TQ chiếm Đài Loan, trong khi Bắc Kinh đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.
Nói vậy để thấy, chính sách của TQ có những mâu thuẫn. Cùng ngày Tập nói về “các kịch bản cực đoan” tại cuộc họp an ninh quốc gia, tỷ phú Tesla Elon Musk đã được đón tiếp nồng hậu ở Bắc Kinh. Lãnh đạo TQ sử dụng chuyến thăm này và các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu khác để phản công những hạn chế của chính quyền Biden đối với việc đầu tư vào TQ. Cần biết, gần đây, Bắc Kinh cố bắt các doanh nghiệp nước ngoài phải khuất phục bằng các cuộc truy quét, giam giữ và điều tra các công ty tư vấn và các công ty khác của Hoa Kỳ.
Hành động này khiến nhiều công ty đa quốc vốn đã lo lắng về căng thẳng địa chính trị nay cảnh giác hơn nữa nếu muốn mở rộng hoạt động ở TQ. Cách tiếp cận không nhất quán “vừa trải thảm đỏ vừa dọa” cho thấy Tập Cận Bình không hề muốn nắm lấy cơ hội để hồi phục nền kinh tế và làm dịu quan hệ với Hoa Kỳ. Trong khi thị sát quân đội khi ông thị sát Nội Mông vào tuần trước, nhà lãnh đạo TQ, trong trang phục màu xanh quân đội đã kêu gọi quân đội “xây dựng Vạn Lý Trường Thành Thép để bảo vệ đất nước và bảo vệ biên giới” – Wall Street Journal cho biết.