Ngày 1 Tháng Mười, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo-cheng) đã tiên đoán như thế chỉ vài ngày sau khi số lượng kỷ lục máy bay chiến đấu Trung Quốc bay vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của hòn đảo này. “Trung Quốc có khả năng lên kế hoạch tấn công Đài Loan, dù họ phải trả giá” – ông Khâu Quốc Chính nhận định.
Bắc Kinh tăng cường vờn dọa
Kể từ ngày 1 Tháng Mười, Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã điều 150 máy bay (gồm máy bay chiến đấu, máy bay ném bom có khả năng hạt nhân, máy bay chống tàu ngầm và máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không) đi vào ADIZ. Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA), tại cuộc họp Quốc hội Đài Loan hôm thứ Tư, ông Khâu đánh giá “Căng thẳng quân sự xuyên eo biển là nghiêm trọng nhất trong hơn 40 năm tôi gia nhập quân đội”. Quân đội Đài Loan cũng đệ trình một báo cáo cho Quốc hội, trong đó dự báo “Khả năng chống can thiệp và phong tỏa của Trung Quốc xung quanh eo biển Đài Loan sẽ trở nên chín muồi vào năm 2025”. Quốc hội Đài Loan bắt đầu thảo luận ngân sách quốc phòng đặc biệt lên đến $8.6 tỷ để tăng cường kho vũ khí hiện đại do chính Đài Loan sản xuất như tên lửa và tàu chiến.
Bắc Kinh vẫn xem Đài Loan là “phần lãnh thổ không thể tách rời”, dù Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ cai quản hòn đảo dân chủ chỉ có 24 triệu dân này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chối khả năng không dùng vũ lực chiếm Đài Loan nếu cần, đồng thời đổ lỗi cho cái gọi là “Sự thông đồng giữa Đài Loan và Hoa Kỳ” đã làm gia tăng căng thẳng xuyên eo biển. “Mỹ bán nhiều vũ khí và tăng cường quan hệ chính thức, hợp tác quân sự với Đài Loan, như kế hoạch bán $750 triệu vũ khí, cho máy bay quân sự đáp xuống Đài Loan và thường xuyên di chuyển tàu chiến Mỹ qua eo biển” – Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói. Ngày 6 Tháng Mười, Trung Quốc thông báo rằng Ngoại trưởng Dương Khiết Trì và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan sẽ gặp nhau tại Zurich để trao đổi quan điểm về quan hệ Mỹ-Trung và các vấn đề liên quan” nhưng chưa xác định ngày dù truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết phái đoàn Trung Quốc đã đến Zurich hôm thứ Ba.
Phân tích của các chuyên gia phương Tây
Theo các nhà phân tích phương Tây, Trung Quốc đưa một lượng lớn máy bay chiến đấu vào khu vực nhận điện phòng không của Đài Loan trong bốn ngày qua là “mũi tên nhắm hai đích”: vừa phô trương sức mạnh quân sự vừa gửi đi những thông điệp mạnh mẽ về chủ quyền đối với Đài Loan. Máy bay Trung Quốc không áp sát không phận chủ quyền của Đài Loan – cách bờ biển 12 hải lý – nhưng chúng đã đi vào ADIZ, bất chấp việc Đài Bắc dùng cảnh báo vô tuyến, cho tên lửa phòng không theo dõi và dùng máy bay ngăn chặn. Ngày 4 Tháng Mười, Không quân Trung Quốc (PLAAF) đã gửi lượng máy bay chiến đấu lớn nhất, 56 chiếc vào ADIZ của Đài Loan; và Bộ Quốc phòng Đài Loan vẫn chỉ phản ứng ở mức giám sát và cảnh báo.
Ngày 5 Tháng Mười, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) khẳng định hòn đảo này sẽ không bao giờ khuất phục trước áp lực. “Dù PLA có xâm nhập hàng ngày vào ADIZ, quan điểm của chúng tôi về quan hệ hai bờ eo biển vẫn không thay đổi. Đài Loan sẽ không cúi đầu trước áp lực, nhưng cũng sẽ không trở thành kẻ mạo hiểm, ngay cả khi có sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế” – bà Thái nhấn mạnh trong bài xã luận đăng trên tạp chí Foreign Affairs của Mỹ.
Jacob Stokes, nhà phân tích của Chương trình an ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương tại Trung tâm an ninh Tân Mỹ (Center for a New American Security) nhận định:
“Chiến thuật răn đe đã được Bắc Kinh nghiền ngẫm kỹ trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Đầu tiên là phát tín hiệu chính trị-quân sự đe dọa Đài Loan và đưa ra yêu sách đối với hòn đảo tự quản. Thứ hai là huấn luyện các phi công và các nhân viên hỗ trợ quân sự, tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu chuẩn bị cho cuộc xâm lược trong mọi tình huống (chẳng hạn như vào ban đêm) nếu phải làm như thế. Thứ ba là buộc quân đội Đài Loan phải điều máy bay lên ứng phó, làm hao mòn lực lượng nhỏ không quân và phi công của hòn đảo”. |
Các nhà phân tích khác cho rằng PLA cũng muốn cảnh báo những người bạn của Đài Loan (Hoa Kỳ, Nhật Bản và Anh) là sự ủng hộ của họ đối với Đài Bắc sẽ chẳng thể khiến Trung Quốc chùn bước. Theo Carl Schuster, cựu giám đốc phụ trách các hoạt động tại Trung tâm tình báo chung (Joint Intelligence Center) tại Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (US Pacific Command), Bắc Kinh đang cố phát một thông điệp mạnh mẽ mang tính đe dọa theo kiểu “chúng tôi có thể tấn công bất cứ lúc nào chúng tôi muốn!”. Trung Quốc đưa dồn dập máy bay vào ADIZ của Đài Loan sau khi Đài Bắc chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định thương mại tự do toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP), điều đáng ra không nên làm vì Trung Quốc đã xin gia nhập rồi và Đài Loan là phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Không thể xem nhẹ toan tính của Bắc Kinh
Nếu Bắc Kinh quyết định tiến hành chiến dịch quân sự toàn diện chống lại Đài Loan, PLA sẽ cần thêm thông tin chi tiết các phản ứng có thể có từ lực lượng bảo vệ Đài Loan. “Việc gửi hàng chục máy bay chiến đấu vào ADIZ là để thăm dò và đánh giá khả năng sẵn sàng ứng phó của Đài Loan trước các mối đe dọa trên không; thời gian, chiến thuật và quy trình đánh chặn – Carl Schuster nói – Ngoài ra Trung Quốc cần diễn tập khả năng phối hợp giữa lượng lớn máy bay từ các căn cứ xa vị trí tác chiến giống như quân đội Mỹ làm hàng năm. Đài Bắc không có nhiều máy bay quân sự như Trung Quốc và đội bay của họ cũng cũ hơn. Hầu hết chiến đấu cơ của Đài Loan có tuổi đời gần 30 và dễ phát triển các vết nứt do mệt mỏi kim loại”.
Chiến lược răn đe của Trung Quốc thường xảy ra sau khi các quốc gia ủng hộ Đài Bắc làm điều gì đó khiến Bắc Kinh tức giận. Ví dụ, cuộc xâm nhập ADIZ vào Tháng Tư xảy ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố “Washington cam kết bảo vệ Đài Loan”. Cuộc xâm nhập Tháng Sáu diễn ra sau khi các lãnh đạo Nhóm G7 ra tuyên bố chung nhấn mạnh “Tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”. Cuộc xâm nhập tuần trước được làm sau khi Mỹ, Nhật Bản, Anh, New Zealand và Hà Lan mở cuộc tập trận hải quân đa phương gần Okinawa, chỉ cách Đài Loan 730 km với sự tham gia của hai tàu sân bay Mỹ và một hàng không mẫu hạm Anh.