TikTok đến hồi “tan tác”?

Một người dùng ứng dụng TikTok trên điện thoại iPhone. Ảnh minh họa Unsplash.com

H.C.

Chỉ trong hai năm từ khi mua lại ứng dụng Musical.ly của Mỹ, TikTok – ứng dụng chia sẻ video ngắn của Trung Quốc, đã trở thành một mạng xã hội hình ảnh toàn cầu được giới trẻ ưa chuộng. Nhưng triển vọng của mạng TikTok không còn sáng sủa nữa khi nó bị loại khỏi thị trường Ấn Độ và có thể bị cấm cửa ở Mỹ, vì lạm dụng dịch vụ để thu thập thông tin người dùng, xâm phạm quyền riêng tư và những lỗ hổng về bảo mật lộ liễu của nó.

Tập đoàn Amazon.com Inc. hồi giữa buổi chiều nay (thứ Sáu 10-07-2020) đã rút lại thông báo yêu cầu nhân viên xóa bỏ ứng dụng TikTok trong các thiết bị di động mà công ty trang bị cho nhân viên để làm việc, đảo ngược một quyết định phát ra giữa buổi sáng với lý do lo ngại về an ninh của ứng dụng này và quan hệ giữa TikTok với chính phủ Trung Quốc.“Do những rủi ro an ninh, ứng dụng TikTok không còn được phép chạy trên các thiết bị có quyền truy cập vào email của Amazon. Nếu bạn đã cài đặt TikTok trên thiết bị của mình, bạn phải gỡ bỏ nó ngay trong ngày 10-07 để có thể tiếp tục truy cập vào email Amazon từ máy di động,” thông báo gửi cho 800.000 nhân viên Amazon viết. Cuối buổi chiều nay thứ Sáu, giờ miền Tây Hoa Kỳ, phát ngôn viên của Amazon nói rằng, thông báo phát ra vào buổi sáng là “do nhầm lẫn” và khẳng định“vào lúc này không có thay đổi nào trong chính sách liên quan tới TikTok”.

Việc đảo ngược thái độ của Amazon đã bị chậm. Ngay sau khi thông báo “gỡ bỏ TikTok” được phát ra vào buổi sáng nhiều mạng truyền thông đã đăng tải và bình luận, và có ít nhất hai thượng nghị sĩ Mỹ tỏ ý tán đồng. Trên Twitter, Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa, Montana) viết: “Giờ đây cả chính phủ liên bang cũng nên làm theo”.

TikTok là một phần mềm tạo và chia sẻ trực tuyến các video-clip ngắn, thuộc sở hữu của công ty ByteDance Ltd. có trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc – là một trong số ít mạng xã hội của Trung Quốc có đông đảo người dùng ở nước ngoài.

“Sự cố Amazon” là vụ mới nhất liên quan tới số phận của mạng video này.

Hồi đầu tuần, công ty ByteDance, chủ của TikTok thông báo quyết định rút TikTok ra khỏi thị trường Hong Kong giữa lúc mọi người lo ngại về luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt lên vùng lãnh thổ này. Trước đó mấy ngày, TikTok bị loại ra khỏi thị trường Ấn Độ – nơi có tới 200 triệu người dùng ứng dụng này – sau khi chính phủ Ấn quyết định cấm cài đặt và sử dụng 59 phần mềm của Trung Quốc vì lo ngại an ninh mạng và phản ứng với cuộc xung đột đang leo thang trên biên giới Ấn-Trung.

Ngay tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều nói trên truyền hình rằng chính phủ liên bang đang xem xét hạn chế người Mỹ sử dụng TikTok và có thể cấm hẳn ứng dụng này. Các nhà lập pháp của cả hai đảng trong Quốc hội thì đòi cấm ngay lập tức vì cho rằng dữ liệu cá nhân người dùng mà ứng dụng này thu thập sẽ được chuyển cho chính quyền Bắc Kinh, một cáo buộc mà TikTok luôn phủ nhận. Ủy ban về Đầu tư Nước ngoài của Mỹ đang xem xét những rủi ro về an ninh quốc gia mà ứng dụng này có thể đặt ra, chẳng hạn như Bắc Kinh có thể sử dụng nền tảng mạng xã hội này để thu thập dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ.

Trước đó nữa, ngay từ cuối năm 2019, Bộ Quốc phòng đã cấm quân nhân Mỹ cài đặt và sử dụng ứng dụng TikTok, kể cả trên máy điện thoại cá nhân vì ứng dụng này có thể thu thập, lưu trữ và chuyển cho các bên khác dữ liệu vị trí của người dùng; nếu người dùng là quân nhân thì vị trí của các đơn vị chiến đấu có thể bị lộ.

*

Để xoa dịu nỗi lo ngại của chính quyền Mỹ, hồi tháng Năm, TikTok đã thuê ông Kevin Mayer, một cựu giám đốc của công Walt Disney Co. làm CEO mới của TikTok. Ông Mayer không phải chuyển sang Bắc Kinh làm việc mà vẫn ở Los Angeles.

Vấn đề an ninh của TikTok đã được giới công nghệ thông tin cảnh báo từ lâu. Cuối năm ngoái, công ty an ninh mạng Check Point đã cảnh báo những lỗ hổng trong phần mềm TikTok cho phép tin tặc dễ dàng “hack” vào tài khoản người dùng để lấy cắp thông tin, đăng tải hoặc xóa bỏ các video của chủ tài khoản mà chủ tài khoản không hề hay biết.

Hồi tháng Ba, các nhà nghiên cứu an ninh mạng phát hiện TikTok là một trong vài ứng dụng trên điện thoại iPhone âm thầm truy cập các dữ liệu được chép vào bộ nhớ tạm (clipboard) của điện thoại mà chủ nhân không hề hay biết. Bộ nhớ tạm là một khu vực bộ nhớ của thiết bị mà người dùng sử dụng để sao chép (copy) thông tin trước khi đưa (paste) nó sang một ứng dụng khác; bộ nhớ tạm sẽ tự động xóa khi tắt thiết bị nhưng điện thoại là thứ hầu như ít khi bị tắt nguồn điện. Lỗ hổng an ninh này cho phép TikTok tiếp cận những thông tin nhạy cảm như mật khẩu, thư điện tử, thông tin ngân hàng, theo ông Tommy Mysk, một trong những người phát hiện ra vấn đề này.

Ông Mysk còn phát hiện các video truyền tải trên ứng dụng TikTok không sử dụng giao thức mã hóa tiêu chuẩn – một lỗi thiết kế cho phép tin tặc (hacker) tiếp cận và sửa đổi các video, chèn vào đó những hình ảnh mà người phát đi không mong muốn. Ông Mysk kết luận rằng, những vấn đề như vậy, theo ông, là dấu hiệu cho thấy độ an toàn của TikTok này nằm dưới mức tiêu chuẩn.

Một phát ngôn viên của TikTok cho biết hiện công ty đang xem xét một số lời phàn nàn về mức độ an ninh của ứng dụng và cho rằng nhiều lời phàn nàn đó là không chính xác hoặc đã lỗi thời vì công ty đã sửa đổi.

*

TikTok – mua lại ứng dụng Musical.ly của Mỹ năm 2017 và phát triển nó, nổi tiếng là một mạng chia sẻ các video ngắn, vui nhộn, gồm các trò chơi, trò đùa, thú cưng… do người dùng tạo ra. Từ đầu, TikTok kiểm soát chặt nội dung và cố tránh những đề tài gây tranh cãi nhưng gần đây TikTok cũng đã bắt đầu cho đăng những video có nội dung chính trị.

Theo công ty nghiên cứu Sensor Tower, TikTok là ứng dụng có số người tải xuống nhiều thứ hai tại Mỹ trong nửa đầu năm nay, sau ứng dụng trò chuyện trực tuyến của Zoom Video Communications Inc. Cho đến nay TikTok đã có khoảng 184,7 triệu lượt tải xuống ở Mỹ từ các cửa hàng ứng dụng của Google và Apple; Mỹ trở thành thị trường lớn thứ ba của TikTok, chỉ sau Ấn Độ và Brazil.

Một cuộc khảo sát mới đây ý kiến của 2.200 người Mỹ trưởng thành do công ty thông tin dữ liệu Morning Consult thực hiện với câu hỏi liệu có nên cấm ứng dụng TikTok hay không thì có 29% trả lời nên, 33% không nên và 38% không chắc chắn. Trong số người trẻ – nhóm người dùng đông đảo nhất của TikTok –  có 25% nói rằng họ vẫn muốn dùng TikTok, chỉ có 9% sẽ không muốn dùng nó nữa. Trước khả năng TikTok bị cấm tại Mỹ, nhiều người dùng đã lên mạng kêu gọi “cứu” nó; hashtag #savetiktok được tạo ra sáng nay đã có đến 170 triệu người xem vào buổi chiều.

Xem ra, ở một đất nước quyền tự do thông tin được tôn trọng cao như Mỹ, chính quyền khó mà ban hành và thực thi một lệnh cấm TikTok quyết liệt và hiệu quả như quốc gia độc tài Trung Quốc từng cấm Facebook, Twitter và các ứng dụng tương tự của người Mỹ.

TikTok thu thập dữ liệu gì?

Nếu bạn tải và cài đặt TikTok trong điện thoại, ứng dụng này sẽ thu thập hàng loạt thông tin của bạn như vị trí, địa chỉ internet, loại thiết bị mà bạn dùng. Nó lưu trữ lịch sử duyệt web và tìm kiếm của bạn, cũng như nội dung bạn trò chuyện với người khác trên nền tảng của ứng dụng.

TikTok có thể thu thập họ tên, số điện thoại của những người có trong sổ danh bạ (contact) của bạn, vị trí của bạn theo hệ thống định vị toàn cầu GPS, tuổi tác, giới tính và số điện thoại của bạn cũng như tất cả những gì bạn đăng trên TikTok, hình ảnh và video của bạn. TikTok cũng thu thập và lưu trữ thông tin về thanh toán (payment), xác định sở thích của bạn, theo dõi những video mà bạn “thích” (like), “chia sẻ” (share) “xem đi xem lại” (watch and rewatch)….

Có gì bất thường ở đây?

Khi cài đặt vào điện thoại một ứng dụng nào đó để sử dụng các dịch vụ của nó, người dùng bị buộc phải cung cấp một số thông tin cá nhân và cho phép ứng dụng đó truy cập vào một số tính năng của điện thoại, như được dùng microphone, máy ảnh, dữ liệu vị trí… Các mạng xã hội của Mỹ như Facebook, Twitter còn đòi hỏi nhiều hơn thế, chẳng hạn như thông tin ngày sinh, nơi học tập, làm việc, tình trạng hôn nhân… của người dùng.

Nhưng TikTok bị nghi ngờ bởi vì các ứng dụng hoặc phần mềm nói chung của Trung Quốc thường mang tai tiếng thu thập dữ liệu nhiều hơn mức cần thiết để vận hành dịch vụ và thường cung cấp những dữ liệu nhạy cảm cho chính quyền Trung Quốc.

“Hãy xóa TikTok ngay bây giờ. Nếu bạn biết ai đó sử dụng ứng dụng này, hãy giải thích với họ đây là phần mềm theo dõi do chính phủ Trung Quốc tạo ra”, nội dung đoạn tweet mới đây của nhóm tin tặc ẩn danh lớn nhất thế giới Anonymous viết.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, chỉ nên tải về và sử dụng ứng dụng này “nếu bạn muốn thông tin riêng tư của bạn rơi vào tay Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Tại sao chính phủ Mỹ lo lắng?

Washington ngày càng lo lắng chuyện chính phủ cộng sản Trung Quốc đang thu thập dữ liệu nhân thân của công dân Mỹ trong một kế hoạch lâu dài và tinh vi, gồm cả tấn công mạng vào các cơ quan quản lý dữ liệu công dân của Mỹ lẫn thu thập bí mật qua các phần mềm, ứng dụng mà Trung Quốc tạo ra. Tổng giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) ông Christopher Wray nói tại Viện Hudson tuần trước: “Nếu bạn là một người Mỹ trưởng thành, rất có thể dữ liệu cá nhân của bạn đã bị Trung Quốc ăn cắp”.

Theo giáo sư Susan Ariel Aaronson của Đại học George Washington chuyên nghiên cứu về thu thập dữ liệu và an ninh quốc gia thì chính phủ Mỹ lo Trung Quốc đang xây dựng cơ sở dữ liệu khổng lồ về công dân Mỹ để dùng cho công việc gián điệp, chẳng hạn như xác định các công chức chính phủ Mỹ nào có thể mua chuộc được. TikTok có thể là một là một kênh để thu thập thông tin cho cơ sở dữ liệu đó.

Phát ngôn viên của TikTok nói rằng chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu công ty cung cấp dữ liệu người dùng, mà nếu yêu cầu thì công ty cũng từ chối. “TikTok là một công ty tư nhân, có CEO là người Mỹ và được nhiều nhà đầu tư nổi tiếng nhất của Mỹ hỗ trợ,” phát ngôn viên này nói.

Ngoài ra, TikTok cũng quảng bá việc công ty đặt máy chủ ở Mỹ và Singapore, có kế hoạch dời đại bản doanh ra khỏi Trung Quốc v.v… như là bằng chứng cho thấy TikTok không phải là tay chân của đảng Cộng sản như nhiều công ty Trung Quốc khác.

Tuy nhiên, theo thông tin trên website của công ty, TikTok chia sẻ dữ liệu với công ty mẹ là công ty ByteDance Ltd. mà ByteDante là một công ty thuần túy Trung Quốc, đặt trụ sở ở Bắc Kinh và chưa rõ ai là chủ sở hữu thật sự của “công ty khởi nghiệp” (start-up) này.

(theo WSJ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: