Trung Quốc: “Bế quan tỏa cảng” hòng bảo vệ đảng

Đã gần hai năm trôi qua, kể từ khi Trung Quốc đóng cửa với thế giới như một phần trong nỗ lực ngăn chặn triệt để Covid-19, “chủ nghĩa tự cô lập” và “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi” vẫn đang thắng thế nên việc mở cửa lại biên giới gần như không thể diễn ra lúc này, bất chấp biến chủng Delta đang làm phá sản từng mảng “học thuyết zero-Covid” và “sự kiêu hãnh về ưu thế độc đảng trong ngăn chặn đại dịch”.

Kiêu hãnh là “nước đầu tiên trên thế giới khống chế được đại dịch”

Trung Quốc đã khống chế thành công bùng phát đại dịch  đầu tiên ở Vũ Hán bằng cách đóng cửa thành phố hơn 10 triệu dân này, nhốt người trong nhà nhiều tuần và đình chỉ các phương tiện giao thông công cộng. Kể từ đó, Bắc Kinh luôn vận dụng “kịch bản không khoan nhượng” để dập tắt sự bùng phát trở lại của coronavirus. 

Khai thác uy lực của một nhà nước độc tài và sức mạnh giám sát, chính quyền áp đặt nhanh lockdown, truy vết các F, cách ly hàng chục nghìn người và xét nghiệm hàng triệu người mà không gặp phản ứng gì. 

Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại và cuộc sống bình thường trước các nước bị đại dịch tấn công khác, truyền thông Trung Quốc kiêu hãnh về một “bong bóng” được tạo ra để bảo vệ 1.4 tỷ dân trước một đại dịch tàn phá và cướp đi sinh mạng hàng triệu người trên trái đất. 

Đảng Cộng sản cầm quyền không cần biết đại dịch xuất xứ từ đâu, lập tức xem đây là “Bằng chứng về sự vượt trội của hệ thống độc đảng” so với các nền dân chủ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Nhưng đó chỉ là “những quả bom nổ” trước khi có biến thể Delta. 

Khi biến thể Delta xuất hiện, các đợt bùng phát địa phương tái đi tái lại khiến bom nổ có thể thành “bom xịt”. Chiến thuật loại bỏ virus trong biên giới Trung Quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc được nhiều nhà quan sát nước ngoài xem như “một thất bại chỉ còn chờ thời gian”. Quá trình truy, nhốt và cô lập không còn hiệu nghiệm và mất rất nhiều công sức, thời gian. 

Tuy nhiên, khi phần lớn thế giới học được “bài học Delta” và bắt đầu mở cửa trở lại để “sống chung trong an toàn” với Covid, thì Trung Quốc vẫn giữ vững chiến thuật cũ, kiên quyết hướng nội. Lãnh đạo tối cao, chủ tịch Tập Cận Bình chưa bao giờ rời Trung Quốc trong gần 22 tháng và nay vẫn thế! Kể cả Thủ tướng Lý Khắc Cường và 5 thành viên khác trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị chịu trách nhiệm ra các quyết định hàng đầu của đảng. 

Chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông Tập là vào Tháng Một, 2020 dài hai ngày tới Myanmar để quảng bá Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative), một chương trình đầy tham vọng nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng và thương mại tại châu Á, châu Âu và châu Phi nhưng đã mất nhiều “sức hấp dẫn” từ lúc đại dịch bắt đầu. 

“Tự tôn dân tộc” ngóc đầu dậy

Giao lưu giữa người dân Trung Quốc và thế giới cũng bị ảnh hưởng nặng. Dòng chảy du lịch, học tập và công tác chậm lại. Các chuyến bay quốc tế bị hạn chế. Quy định xét nghiệm và cách ly khi nhập cảnh trở lại rất khắc nghiệt và kéo dài. Trung Quốc đã ngừng cấp hoặc gia hạn hộ chiếu cho tất cả, trừ số ít trường hợp thiết yếu. 

Tinh thần tự tôn dân tộc đã được làm nổi bật hơn trong đại dịch và nhiều người Trung Quốc bắt đầu nghi ngờ, chỉ trích hoặc thậm chí là thù địch hoàn toàn với phương Tây và bất kỳ ý tưởng, giá trị nào liên quan đến phương Tây. Khép kín biên giới để “ngăn chặn các thế lực thù địch làm băng hoại đất nước” đã trở thành biểu tượng của “Trung Quốc siêu cường mới”, từ nhà lãnh đạo cao nhất đến tận đáy xã hội. 

Hiện tại, học thuyết “zero-Covid” của Bắc Kinh vẫn nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dân. Chính phủ Trung Quốc không cho thấy bất cứ dấu hiệu nào sẽ mở cửa biên giới trở lại trong tương lai gần dù nhiều chuyên gia y tế đặt câu hỏi về khả năng duy trì lâu dài chính sách này đối với sức khỏe cộng đồng. 

Có vẻ, Bắc Kinh đã tạm yên tâm vì lực lượng đông đảo du học sinh và “di dân mới” trên toàn cầu của nó đã tạm đủ cho một “lực lượng nằm vùng”, vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc chờ sự “kích hoạt” từ Bắc Kinh để thực thi nhiệm vụ mới. Vào thời điểm này, Trung Quốc không cần đưa thêm người ra nước ngoài. Du lịch nước ngoài được du lịch nội địa thay thế. Tiền bạc của dân luân chuyển ngay trong nước chứ không đi sang Mỹ và phương Tây. 

Phần lớn du khách nước ngoài, kể cả du học sinh bị cấm đến Trung Quốc. Ai được nhập cảnh và công dân Trung Quốc trở về phải chịu ít nhất 14 ngày cách ly tập trung nghiêm ngặt (chính quyền địa phương có thể tăng lên 28 ngày). Nhiều địa phương xây dựng các cơ sở cách ly cho người nước ngoài đến, ví dụ tại Quảng Châu có trung tâm cách ly 5,000 phòng trên diện tích rộng bằng 46 sân bóng đá. 

Cảnh báo ảnh hưởng phương Tây và chiến dịch “về nguồn”

Carl Minzner, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations) cho biết, việc đóng cửa biên giới diễn ra khi Trung Quốc đang hướng nội về mặt tư tưởng dưới thời ông Tập, đang tự cô lập hơn so với thời kỳ cải cách và mở cửa trong hai thập niên 80, 90 và được xem là một dấu ấn của “kỷ nguyên Tập Cận Bình”. 

Trong những năm gần đây, sự phục hưng văn hóa truyền thống đã diễn ra khắp xã hội Trung Quốc, đặc biệt là trong thế hệ trẻ để thúc đẩy lòng tự hào về cội nguồn văn hóa của họ. Chiến dịch “về nguồn” này được Đảng Cộng sản thúc đẩy mạnh mẽ và Minzner gọi là “âm mưu dùng truyền thống làm lá chắn ý thức hệ chống lại các giá trị ngoại lai, đặc biệt là giá trị phương Tây”. 

Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Tập đã nhiều lần cảnh báo về sự “xâm nhập” của các giá trị phương Tây như dân chủ, tự do báo chí và tư pháp độc lập, đồng thời tăng cường kiểm soát các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nhà thờ, sách giáo khoa phương Tây và tất cả “các phương tiện có thể gây ảnh hưởng xấu từ nước ngoài”. 

Kết quả là “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi” ngày càng phổ biến, dẫn đến nghi ngờ mọi mối quan hệ với bên ngoài, và xem “nữ quyền”, LGBTQ, và thậm chí “chủ nghĩa bảo vệ môi trường” là “những sản phẩm ám ảnh phương Tây nhưng được dùng để làm suy yếu Trung Quốc”. 

Đại dịch đến, “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi” và “không khoan dung” được thêm cú huých. Tháng Sáu, gần 200 trí thức Trung Quốc từng đi đến Nhật Bản tham gia chương trình trao đổi do chính phủ Nhật tài trợ đã bị tấn công trên mạng xã hội như “những kẻ phản bội”! Tháng Bảy, các phóng viên nước ngoài đưa tin về trận lũ lụt chết người ở miền bắc Trung Quốc bị quấy rối trên mạng và ngay tại hiện trường bởi các cư dân địa phương. 

Các phóng viên đài BBC và tờ The Los Angeles Times bị dọa giết! (theo Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Trung Quốc- Foreign Correspondents’ Club of China). Đến Tháng Tám, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm bị gọi là “kẻ phản bội, kẻ tôn thờ ý tưởng phương Tây một cách mù quáng” khi ông ta gợi ý “Trung Quốc nên học cách chung sống với Covid”. Một số người thậm chí còn cáo buộc ông “cấu kết với thế lực nước ngoài để phá hoại cách ứng phó với đại dịch của đất nước”. 

Loại bỏ ảnh hưởng nước ngoài không dễ

Dù không rõ dân tộc chủ nghĩa này đại diện cho người dân đến mức độ nào, nhưng chúng đã được tôn vinh tại các diễn đàn công khai do chính phủ quản lý, nơi không có tiếng nói phản biện. 

Victor Shih, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học California, San Diego, nhận định: “Trái với những người tiền nhiệm cởi mở có mức độ với các phóng viên phương Tây, các tổ chức phi chính phủ, thậm chí hoan nghênh các học giả đến thăm Trung Quốc, ông Tập xem họ là “những kẻ gây ảnh hưởng thâm độc và làm ô nhiễm các giá trị nội tại”. Covid là phương tiện quá tốt để ngăn chặn và lọc ra hầu hết các đối tượng trên. 

Thậm chí ngay cả sau khi biên giới được mở lại, vẫn còn phải xem chính phủ Trung Quốc sẽ cho phép du khách nước ngoài nào quay trở lại và liệu sẽ có thêm danh sách cấm bổ sung, ví dụ các nhà nghiên cứu nước ngoài nghiên cứu những chủ đề mà chính phủ Trung Quốc cho là “nhạy cảm về chính trị”. 

Nhưng Shih lưu ý; “Những nỗ lực loại bỏ ảnh hưởng của nước ngoài rất khó thành công hoàn toàn khi Trung Quốc mở cửa giao lưu lại với thế giới”. Thực tế cho thấy, bất chấp quan hệ xấu đi giữa Bắc Kinh và Mỹ, Anh, Úc cùng các nước phương Tây khác, nhiều sinh viên Trung Quốc vẫn thích học ở đó. 

Khi Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ tại Trung Quốc cấp lại thị thực du học cho công dân Trung Quốc vào Tháng Năm, số đơn xin tràn ngập. Tháng Tám, trước khi khai giảng năm học mới tại Mỹ, sân bay quốc tế Pudong ở Thượng Hải đã thấy ​​hàng dài hơn trăm mét sinh viên và phụ huynh kéo vali chờ làm thủ tục. 

“Trung Quốc sẽ không thể phát triển như hiện nay nếu không có các du học sinh ưu tú. Một số quay lại Trung Quốc, sẽ yêu Trung Quốc hơn nữa; nhưng số khác chọn ở lại phương Tây và hoài nghi về hệ thống chính trị Trung Quốc” – Shih. Hiện tại, chính quyền các địa phương vẫn trung thành với “học thuyết zero-Covid”, thậm chí tăng gấp đôi quyết tâm loại bỏ nó bằng cách sử dụng các biện pháp ngày càng khắc nghiệt hơn. 

Các chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng nếu Trung Quốc miễn cưỡng nới lỏng chính sách zero-Covid thì một phần là do hiệu quả của vaccine nội kém với biến thể Delta lây nhiễm cao.

Kiên trì bảo vệ “thành tích” của Đảng

 Nhưng các cân nhắc chính trị cũng có vai trò khi đưa ra quyết định. Cái gọi là “Thành công và chiến thắng của ý thức hệ và đạo đức trước Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây” không dễ bị bỏ đi trong một sớm một chiều. Ngoài ra còn sự ủng hộ của đa số người dân. 

Ở Trung Quốc, sự khoan dung đối với người mang virus là rất thấp, và nỗi sợ hãi về coronavirus vẫn còn cao, một phần do “ám ảnh tàn phá” từ Vũ Hán, nhưng cũng được nuôi dưỡng bởi các phương tiện truyền thông nhà nước về những gì đang xảy ra ở nước ngoài. 

Bắc Kinh nhiều lần đổ lỗi các đợt bùng phát mới là do coronavirus “nhập khẩu” từ hành khách đi máy bay, từ thực phẩm đông lạnh…Trên các phương tiện truyền thông xã hội, ra rả lời kêu gọi chính quyền hãy mở rộng thời gian cách ly đối với những người về hay đến từ nước ngoài. 

“Thực tế cho thấy, Covid-19 vẫn là bệnh cực kỳ nguy hiểm. Dù không chết vì nó, bạn cũng phải chịu một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong suốt quãng đời còn lại. Vì vậy, ai cũng lo lắng” – Lucas Li, một kỹ sư phần mềm đến từ tỉnh Quảng Đông nói. 

Li hiện làm việc ở California, đã gặp nhiều khó khăn khi đi lại giữa Trung Quốc và Mỹ trong hai năm qua. Sau khi về nước vào dịp Tết Nguyên Đán 2020, anh đã bị kẹt lại 8 tháng do lệnh cấm đi lại của Mỹ. Qua được Mỹ, Tháng Năm anh lại phải gấp rút về nước vì lý do gia đình, nhưng mua vé rất khó. Cuối cùng, anh phải trả $4,800 cho vé một chiều, cao gấp bảy lần giá vé khứ hồi lúc bình thường và phải cách ly hai tuần tại khách sạn chỉ định. 

Li cho biết dù không nhất thiết đồng ý với zero-Covid, anh hiểu lý do tại sao chính phủ Trung Quốc lại kiên trì theo đuổi nó. “Việc đóng cửa biên giới có tác động rất hạn chế đối với nền kinh tế Trung Quốc. Trao đổi quốc tế cũng không phải mối quan tâm của hầu hết dân chúng. Trong khi du lịch nước ngoài đã trở thành một phần cuộc sống của tầng lớp trung lưu đông đảo, thì sự rộng lớn và đa dạng phong phú cảnh quan của đất nước cũng cung cấp nhiều lựa chọn cho du lịch trong nước như một giải pháp thay thế. Vì vậy, tôi tin đa số người dân ủng hộ tiếp tục  đóng cửa biên giới”. 

Nhưng các chuyên gia cho rằng đóng cửa có thể phải trả giá bằng chính trị, khi Trung Quốc đã chứng kiến ​​hình ảnh quốc tế của mình bị giảm mạnh trong đại dịch. “Theo các cuộc khảo sát của Pew Research Service, những ý kiến không có lợi về Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục so với hầu hết các nước phát triển khác. 

Chính quyền của ông Tập dường như không quan tâm hoặc xem nhẹ cảnh báo này – Shih nói – Nếu Trung Quốc muốn thuyết phục thế giới mình là một ‘cường quốc nhân từ’ … thì họ cần phải tham gia trở lại vào thế giới thay vì cô lập. Nhưng với tình hình như hiện nay, điều đó có vẻ còn lâu mới xảy ra”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: