Trung Quốc còn lâu mới đuổi kịp Mỹ về hàng không mẫu hạm

Hàng không mẫu hạm Sơn Đông (ảnh: Li Gang/Xinhua/Getty)

Theo phân tích hình ảnh vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies-CSIS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, một hàng không mẫu hạm mới của Trung Quốc, được gọi là “Type 003”, với công nghệ gần tương đương với khả năng của các hàng không mẫu hạm Mỹ có thể hoàn thành vào ngày 23 Tháng Mười tại nhà máy đóng tàu Jiangnan ở thành phố Thượng Hải và sẽ hạ thủy vào Tháng Hai, 2022.

Bước tiến lớn?

Cũng theo phân tích của CSIS, việc lắp đặt các bộ phận chính bên ngoài, bên trong, gồm cả tổ hợp điện và hệ thống phóng máy bay đã xong hoặc sắp xong. Chỉ có một số hạng mục như hệ thống radar và vũ khí chờ lắp đặt khi con tàu chuẩn bị trượt xuống sông Dương Tử để ra biển lớn. Trong bài phân tích công bố ngày 9 Tháng Mười Một, CSIS nêu rõ: “Dựa trên thông tin có sẵn và tiến độ quan sát được tại Jiangnan, Type 003 có thể hạ thủy trong khoảng từ ba đến sáu tháng nữa để trở thành hàng không mẫu hạm thứ ba của Hải quân Trung Quốc và tàu thứ hai được sản xuất trong nước.

Hàng không mẫu hạm đầu tiên là Liêu Ninh, được nâng cấp từ một con tàu chưa hoàn thiện từ thời Liên Xô mà Bắc Kinh mua lại của Ucraina vào năm 1998 và hạ thủy vào năm 2012. Quân đội Trung Quốc đã sử dụng kiến ​​thức công nghệ lấy được từ tàu Liêu Ninh để đóng hàng không mẫu hạm nội địa đầu tiên Sơn Đông, hạ thủy Tháng Mười Hai, 2019. Liêu Ninh và Sơn Đông đều dựa vào công nghệ lỗi thời của Liên Xô nên dù chúng giúp tăng thêm sức mạnh cho hải quân Trung Quốc, khả năng của họ vẫn còn kém xa Mỹ, quốc gia có tổng cộng 11 hàng không mẫu hạm đang hoạt động. Liêu Ninh và Sơn Đông sử dụng hệ thống phóng nhảy trượt tuyết (ski-jump launching system), nơi máy bay đơn giản cất cánh từ một đoạn dốc nhẹ, trong khi các hàng không mẫu hạm của Mỹ sử dụng hệ thống máy phóng tiên tiến hơn.

Nay, khác thế hệ “đàn anh”, Type 003 có công nghệ phóng máy bay (aircraft launching technology) tương tự hệ thống máy phóng của hàng không mẫu hạm Mỹ. Loại bệ phóng mới này cho phép Trung Quốc phóng nhanh nhiều loại máy bay từ Type 003 với nhiều đạn dược hơn, lợi thế hơn so với phóng kiểu cũ, vốn dựa vào sức mạnh của chính máy bay khi cất cánh mà không có lực đẩy hỗ trợ. Matthew Funaiole, thành viên cấp cao thuộc Dự án Trung Quốc (China Project) của CSIS, nhận định: “Type 003 sẽ là bước đột phá đầu tiên của quân đội Trung Quốc trong kỹ nghệ đóng hàng không mẫu hạm hiện đại. Đây là một bước tiến khá quan trọng quyết tâm của Trung Quốc xây dựng hàng không mẫu hạm hiện đại, vượt qua những giới hạn kỹ thuật”.

Ảnh vệ tinh cho thấy chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba đang được lắp ráp (csis.org)

Chủ bài răn đe các quốc gia láng giềng

Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, và hàng không mẫu hạm được xem là “chủ bài răn đe” các nước lân bang. Về cơ bản, các con tàu khổng lồ là căn cứ không quân di động, cho phép xuất kích máy bay và vũ khí nhanh chóng đến chiến trường. “Nhưng giá trị của hàng không mẫu hạm không chỉ ở khả năng chiến đấu mà còn về uy tín ngoại giao và thể hiện quyền lực – Funaiole nói – Trung Quốc khao khát có lực lượng hải quân đẳng cấp thế giới, và với đội ngũ hàng không mẫu hạm, Trung Quốc muốn báo với thế giới rằng họ đã có một lực lượng hải quân đẳng cấp như thế và nhắc cho các quốc gia khu vực và trên toàn thế giới biết họ đã sánh vai với Mỹ. Hàng không mẫu hạm không còn là độc quyền và biểu tượng sức mạnh hải quân của Mỹ”.

Funaiole nhận định: “Type 003 dường như có công nghệ máy phóng giống như của Mỹ và thậm chí có thể tiên tiến hơn với bệ phóng điện từ thay vì dùng hệ thống phóng dựa vào hơi nước (steam-based launch systems) vẫn còn sử dụng trên tất cả các hàng không mẫu hạm mới nhất của Mỹ. Với hệ thống phóng mới, Trung Quốc có thể trang bị nhiều loại máy bay mới khác cho tàu hàng không mẫu hạm, như máy bay ​​kiểm soát và cảnh báo sớm trên không, máy bay chở nhiên liệu và máy bay gây nhiễu điện tử. Một báo cáo nghiên cứu của Quốc hội Mỹ vào Tháng Mười dự báo Type 003 có lượng choán nước khoảng 100,000 tấn, tương đương với hàng không mẫu hạm cùng lớp (class) của Mỹ.

Khi hàng không mẫu hạm Type 003 hạ thủy, sẽ cần thử nghiệm và trang bị đầy đủ trước khi được chính thức đưa vào hoạt động. Bộ Quốc phòng Mỹ đã lùi ngày Type 003 có thể sẵn sàng hoạt động vào năm 2023 sang năm 2024. Tàu Sơn Đông cũng mất hai năm kể từ khi hạ thủy năm 2019. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu vệ tinh nào cho thấy kế hoạch đóng hàng không mẫu hạm thứ tư của Trung Quốc đang được triển khai, dù có tin đồn, mà chỉ thấy nhà máy đóng tàu Jiangnan đang chuyển nhanh từ đóng tàu quân sự sang đóng tàu thương mại, gồm cả tàu chở hàng và tàu chở dầu. Nhưng làm thế cũng là cách tạo doanh thu để có tiền đóng thêm hàng không mẫu hạm và hiện đại hóa lực lượng Hải quân.

Còn lâu mới đuổi kịp Mỹ

Tuy nhiên, Funaiole nhận định: “Bất chấp hệ thống phóng tiên tiến, nhiều dấu hiệu cho thấy hàng không mẫu hạm Trung Quốc vẫn thua xa các hàng không mẫu hạm Mỹ. Hàng không mẫu hạm Trung Quốc có ít máy phóng hơn, đường băng nhỏ hơn và ít thang máy (elevator) hơn để xuất kích máy bay nhanh hơn. Tất cả hàng không mẫu hạm của Mỹ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi Type 003 được cho là chạy bằng động cơ đẩy hơi nước thông thường, khiến tầm hoạt động của nó bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nếu Type 003 sử dụng công nghệ phóng điện từ cho các máy phóng, nó có thể gặp khó khăn về vận hành.

Ngay cả hải quân Mỹ cũng gặp khó khăn khi sử dụng cùng một hệ thống trên hàng không mẫu hạm mới nhất USS Gerald R. Ford, dẫn đến việc kéo dài ngày hoàn thành. Tiếp theo là câu hỏi về loại máy bay cho hàng không mẫu hạm mới. Nhưng, do chủ yếu dùng để răn đe tại các vùng biển lân cận nên Trung Quốc không xem trọng những yếu kém này”. Theo các nhà phân tích, một yếu tố quan trọng giúp hạm đội Mỹ tiếp tục vượt trội Trung Quốc trong tương lai gần. Đó là… thực hành! Mỹ đã vận hành thường xuyên hàng không mẫu hạm cả trong chiến đấu và thời bình từ trước Thế chiến thứ hai, nên có nhiều kinh nghiệm đóng tàu cũng như cách hội nhập tốt nhất hạm đội hàng không mẫu hạm với phần còn lại của hải quân.

Funaiole nói: “Chúng ta đã vận hành hàng không mẫu hạm qua nhiều thế hệ và có nhiều chuyên viên khai thác, kỹ sư, kỹ thuật viên tuyệt hảo, có thể đưa kiến ​​thức và trải nghiệm của họ vào thế hệ hàng không mẫu hạm mới. Trong khi đó, Trung Quốc mới trải nghiệm với hàng không mẫu hạm từ năm 2012. Khoảng cách đó không hề nhỏ để bám đuổi Mỹ”. Theo Alessio Patalano, giáo sư chiến tranh và chiến lược tại Đại học King’s College ở London: “Các hàng không mẫu hạm hiện đại có khả năng phức tạp không dễ gì bắt chước một sớm một chiều.

Nghiên cứu và phát triển các công nghệ này là thách thức rất lớn và càng lớn hơn nữa khi kết hợp hài hòa chúng với nhau, từ công nghệ vận hành máy bay đến di chuyển tàu và xây dựng đội tàu chuyên dụng hỗ trợ và bảo vệ hàng không mẫu hạm”. Trung Quốc có ít kinh nghiệm bố trí các tàu hỗ trợ mà Hải quân Mỹ gọi là “nhóm tấn công tàu sân bay” (carrier strike group), gồm các tàu khu trục và tàu khu trục nhỏ (để bảo vệ, chống tập kích từ tàu ngầm, từ trên không) và các tàu phục vụ, tiếp liệu. Patalano nhấn mạnh: “Rất ít quốc gia có hàng không mẫu hạm, nhưng còn ít hơn nữa số hàng không mẫu hạm có thể duy trì nhịp độ hoạt động cao trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, cả đêm lẫn ngày như Mỹ”.

Carl Schuster, cựu Giám đốc hoạt động tại Trung tâm tình báo chung của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nói:  “Thách thức trong việc đánh giá một chương trình hàng không mẫu hạm là nhìn xa hơn cấu tạo của con tàu. Đó là máy bay. Theo dự tính, máy bay chiến đấu dùng cho Type 003 sẽ là J-31 thế hệ thứ năm, tương đương F-35 của Hải quân Mỹ. Loại máy bay này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2026, tức là trước khi Type 003 chính thức gia nhập hải quân Trung Quốc”.

ĐỌC THÊM:

Trung Quốc sắp hạ thủy hàng không mẫu hạm thứ ba

Quân đội Trung Quốc mạnh cỡ nào?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: