Ngày 27 Tháng Sáu, 2024, Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc cho biết, hội nghị trung ương 3 khóa XX sẽ nhóm họp từ ngày 15 đến ngày 18 Tháng Bảy, 2024. Gọi là “Tam Trung Hội” (“Third Plenum” hoặc “Third Plenary Session”), Hội Nghị Trung Ương 3 (HNTU3) là một trong những sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu Trung Quốc.
“Tam Trung Hội” là gì?
Như thường lệ, HNTU3 Tháng Bảy, 2024 (Bộ Chính Trị khóa XX) cũng quy tụ toàn bộ hệ thống chính trị chóp bu Trung Quốc, với sự tham dự của toàn thể Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng gồm 205 ủy viên và 171 ủy viên dự khuyết do Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Tập Cận Bình chủ trì. HNTU3 là một trong bảy phiên họp được tổ chức trong nhiệm kỳ năm năm của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Cần biết, những HNTU3 trước đây đã tạo nên tác động lâu dài và mang tính lịch sử đối với toàn bộ đất nước Trung Quốc, từ kinh tế đến chính trị.
HNTU3 vào Tháng Mười Hai, 1978, dưới sự chủ trì Đặng Tiểu Bình đã mở ra giai đoạn cải cách, thúc đẩy quá trình chuyển đổi để Trung Quốc chuyển mình từ nền kinh tế tập trung thành một nền kinh tế mở.
HNTU3 Tháng Mười Một, 2013, định hướng thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực nền kinh tế.
HNTU3 Tháng Hai, 2018, kêu gọi đảng “đoàn kết chặt chẽ” xung quanh trung ương, với Tập Cận Bình đóng vai trò “hạt nhân;” đặc biệt việc “điều chỉnh” hiến pháp về giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước, qua đó, Tập Cận Bình gần như ngồi ngai vàng suốt đời.
Không như những chiến dịch tranh cử căng thẳng ở các nền dân chủ phương Tây, khi các ứng cử viên giành sự ủng hộ công chúng với những hứa hẹn thay đổi chính sách, chương trình nghị sự của các HNTU nói chung chỉ công bố những gì Bộ Chính Trị Trung Quốc soạn sẵn từ trước. Kể từ năm 1982, mỗi Bộ Chính Trị thường tổ chức bảy HNTU trong nhiệm kỳ năm năm của họ. Chỉ có một ngoại lệ, khi Bộ Chính Trị được bầu năm 1987 tổ chức thêm hai phiên họp toàn thể do tình trạng bất ổn chính trị sau sự kiện Thiên An Môn 1989.
Trong bảy phiên họp toàn thể theo thông lệ (tức HNTU), bốn phiên họp có chương trình nghị sự ít nhiều cố định. Cụ thể, HNTU thứ nhất được tổ chức nhằm bầu các cơ quan ra quyết định của trung ương đảng; HNTU thứ hai đề cử nhân sự lãnh đạo các tổ chức nhà nước và tái cơ cấu bộ máy quản lý; HNTU thứ năm thông qua kế hoạch phát triển năm năm; HNTU thứ bảy chuẩn bị cho cuộc bầu cử lãnh đạo đảng tiếp theo. Và phiên thứ ba (HNTU3) là dịp để Bộ Chính Trị đưa ra những chính sách quan trọng.
Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Bộ Chính Trị khóa 18 đã công bố kế hoạch cải cách sâu rộng tại HNTU3 vào năm 2013. Kế hoạch chi tiết của HNTU3 năm 2013 là thành lập một ủy ban an ninh nhà nước đầy quyền lực, dẫn đến chiến dịch chấn chỉnh kỷ luật trong bộ máy đảng nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Trong HNTU3 năm 2018, đảng thành lập Ủy Ban Giám Sát Quốc Gia (Quốc Gia Giám Sát Ủy Viên Hội) với tư cách là một cơ quan nhà nước mới, có chức năng theo dõi chiến dịch chống tham nhũng và thắt chặt sự kiểm soát xã hội thông qua việc tăng cường kiểm soát bộ máy nhà nước.
Tam Trung Hội 2024
Năm nay, HNTU3 được tổ chức trong bối cảnh hàng loạt nhân vật chóp bu bị thanh trừng. Mới đây, ngày 27 Tháng Sáu, 2024, Đảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên bố khai trừ đảng cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và người tiền nhiệm Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.” Trước đó, Tần Cương đã bị hất khỏi ghế ngoại trưởng.
Không chỉ chính trị, kinh tế mới là vấn đề đang được quan tâm nhất. HNTU3 Tháng Bảy, 2024, tổ chức trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc lao đao giữa cơn bão khủng hoảng.
Tờ Asia Times ngày 2 Tháng Bảy, 2024, cho biết, các địa phương Trung Quốc đang ôm khoản nợ khổng lồ $13 ngàn tỷ. Một trong những quả bom hẹn giờ lớn nhất là lĩnh vực bất động sản, nơi từng là trụ cột của phép màu kinh tế Trung Quốc. Giá nhà mới xây đang giảm mạnh nhất trong gần một thập niên và suy giảm đầu tư bất động sản ngày càng tăng. Cần biết, một trong những yếu tố quan trọng giúp kinh tế Trung Quốc bùng nổ là lĩnh vực xây dựng, giúp mang lại sự thịnh vượng cho các địa phương và ổn định nguồn ngân sách của chính quyền địa phương khi họ bán đất kiếm tiền.
Một trong những lý do khiến kinh tế Trung Quốc suy yếu là bởi tăng trưởng ngắn hạn không còn là ưu tiên. Nhiều dấu hiệu cho thấy Tập tin rằng Trung Quốc phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột kinh tế kéo dài và cả xung đột quân sự có thể xảy ra với Mỹ. Do đó, Tập Cận Bình nhấn mạnh việc Trung Quốc theo đuổi một chiến lược lâu dài, vĩ đại hơn, hoành tráng hơn, dữ dội hơn.
Tập Cận Bình sẵn sàng hy sinh những thiệt hại nhỏ trước mắt để đạt được sự phát triển với “chất lượng cao.” Tuy nhiên, thực tế lại khác. Cuộc tấn công vào các công ty công nghệ khiến giới doanh nhân sợ hãi. Nếu Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát dai dẳng do chính quyền từ chối thúc đẩy tiêu dùng, các khoản nợ sẽ tăng giá trị thực và đè nặng hơn lên nền kinh tế. Trừ khi Bắc Kinh tiếp tục nâng cao mức sống bằng các chính sách kích thích tiêu dùng, họ sẽ tự làm suy yếu khả năng nắm quyền kiểm soát và từ đó khả năng sánh ngang Mỹ ngày càng xa vời.
Trong khi đó, Tập Cận Bình luôn dồn sức thu vén quyền lực và thay thế các nhà kỹ trị bằng những người trung thành trong các chức vụ hàng đầu. Bởi sự trấn áp thô bạo bằng hình thức “đánh tư sản,” giới tỉ phú Trung Quốc đang tẩu tán tài sản và bản thân họ cũng chạy ra nước ngoài. Số lượng người siêu giàu ở Trung Quốc đang giảm. Khảo sát mới nhất của Forbes cho biết, trong 2,640 tỷ phú ước tính trên thế giới, hiện có ít nhất 562 ở Trung Quốc, giảm so với con số 607 năm 2022.
Tháng Ba, năm 2023, Quốc Hội Trung Quốc công bố thành lập Ủy Ban Tài Chính Trung Ương, một “siêu cơ quan quản lý” có nhiệm vụ giám sát và cải tổ toàn bộ khu vực tài chính. Cơ quan mới do chính Tập Cận Bình làm chủ tịch. Đây là chỉ dấu rõ nhất rằng Tập đang kiểm soát mọi thứ một cách tuyệt đối. Tập đặt quyền lực cá nhân và vấn đề ổn định an ninh quốc gia lên trên nền kinh tế, thắt chặt sự kiểm soát của nhà nước và đưa đảng cộng sản, và bản thân Tập, vào trung tâm xã hội.
Và điều gì tồi tệ nhất?
Đã qua rồi thời Trung Quốc truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ và doanh nhân chấp nhận rủi ro dám đặt cược vào tương lai. Bây giờ, giá nhà giảm, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở mức cao kỷ lục, đầu tư tư nhân sụt giảm, hệ thống tài chính chìm trong nợ nần, giảm phát xảy ra, dân số già tăng nhanh…, Trung Quốc còn ngày càng bị tách biệt khỏi thế giới phương Tây, cả về mặt ngoại giao và kinh tế. Có quá nhiều vấn đề đối với Trung Quốc hôm nay và cả ngày mai.
Người dân trong nước lẫn giới đầu tư nước ngoài đều vỡ mộng. Lần đầu tiên sau nhiều thập niên, các công ty Mỹ tiếp tục rút khỏi Trung Quốc. Đảng ở mọi nơi. Ranh giới giữa đảng-nhà nước và khu vực tư nhân ngày càng rối rắm. Điều đó đảo ngược xu hướng vốn được thiết lập từ thời cải cách khi giới lãnh đạo lùi lại và để doanh nhân nhảy ra tuyến đầu phát triển.
Dân Trung Quốc bắt đầu không dám xài tiền. Khi thu nhập giảm và tài sản teo tóp, họ thận trọng hơn trong chi tiêu. Công ty nghiên cứu thị trường Oxford Economics ước tính rằng tiền tiết kiệm của hộ gia đình đã tăng lên 32.4% thu nhập khả dụng trong quý cuối cùng của năm 2023. Tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng, một trong những khoản đầu tư an toàn nhất hiện tại, đã tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm 2023 kể từ khi mô hình này được giới thiệu vào năm 2015.
Phân tích của Goldman Sachs vào đầu năm 2023 cho thấy ba trong những ngành công nghiệp chính mà Tập Cận Bình ưu tiên là xe điện, pin lithium-ion và năng lượng tái tạo, chỉ chiếm khoảng 3.5% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, không đủ lớn để thay thế lĩnh vực bất động sản, vốn từng chiếm hơn 20% nền kinh tế trước khi suy yếu sau trận càn quét trấn áp của Bắc Kinh. Ba ngành công nghiệp trên cũng không đủ lớn để mang lại việc làm cho hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học lẫn người lao động nhập cư.
Nhìn chung, tình hình kinh tế Trung Quốc tệ đến mức, trong một bài bình luận, tờ The Economist viết rằng bộ máy vận hành kinh tế Trung Quốc bị lỗi nghiêm trọng đến mức không thể sửa! Còn nữa, điều quan trọng không kém đối với Trung Quốc là nhận thức của Mỹ trong chính sách dành cho Bắc Kinh. Nước Mỹ đang chia rẽ cực kỳ nghiêm trọng nhưng lưỡng đảng Hoa Kỳ gần như luôn đoàn kết trong cuộc chiến đánh Bắc Kinh, trên mọi phương diện.