Trung Quốc: Khi chính quyền “làm luật” với luật sư

“Một anh luật sư ôm cặp táp có thể hốt bộn bạc hơn cả một ngàn thằng xách súng (“A lawyer with a briefcase can steal more than a thousand men with guns”) – ông trùm Vito Corleone nói với tay consigliere-luật sư Tom Hagen trong The Godfather

Luật sư các nước dân chủ như Mỹ hoặc thậm chí Hàn Quốc, trong đời thật chứ không chỉ tiểu thuyết, không chỉ hái ra tiền. Không gian pháp lý hành nghề rất rộng và Hiến pháp luôn được tuân thủ với tinh thần “thượng tôn pháp luật” đúng nghĩa đã tạo ra quyền lực vô hình lẫn hữu hình đến nỗi luật sư có thể khiến tổng thống phải kiêng dè. Đó là lý do tại sao luật sư, đặc biệt luật sư nhân quyền, tại những nước độc tài như Trung Quốc, ít nhiều trở thành “kẻ thù” của chính quyền…

Ngày 26-2-2018, luật sư nhân quyền Lý Bá Quang (Li Baiguang) được đưa vào Bệnh viện Quân y 81 ở Nam Kinh vì đau bụng dữ dội. Vài giờ sau, Lý chết, vì bệnh… gan, dù trước đó không có vấn đề gì liên quan sức khỏe. Lý mới 49 tuổi. Suốt nhiều năm, Lý là cái gai trong mắt chính quyền. Ông chuyên bảo vệ quyền lợi những nông dân bị chính quyền cướp đất và giáo dân Công giáo bị làm khó trong sinh hoạt tôn giáo. Năm 2006, Lý đến Washington DC cùng phái đoàn do ChinaAid (tổ chức nhân quyền Công giáo) hỗ trợ và gặp Tổng thống George W. Bush hai lần.

Năm 2008, trong lễ nhận Giải Dân chủ (Democracy Award) của tổ chức National Endowment for Democracy, Lý nói “sự phát triển kinh tế của Trung Quốc tương phản với sự tụt hậu về tự do tiến bộ, dân chủ, nhân quyền và thượng tôn pháp luật”. Ông là một trong những người ký vào “Hiến chương 08” (ra đời tháng 12-2008) đòi nhân quyền và dân chủ cho Trung Quốc. Hậu quả, Lý Bá Quang bị tù; giấy phép hành nghề bị tước và nhiều lần bị “quần chúng tự phát” hành hung thô bạo. Ông còn bị dọa giết; bị bắt cóc ở Chiết Giang và bị tra tấn… Cuối cùng, do quá “ngoan cố”, ông bị giết!

Câu chuyện Lý Bá Quang là một điển hình, ở một nước mà luật sư được hiểu chỉ nên làm “tư vấn” và thầy cãi” cho những vụ án ly dị hoặc tranh chấp dân sự giữa các cá nhân. Còn “tranh chấp” với chính quyền thì nên tránh né càng xa càng tốt. Tuy nhiên, nhờ vậy mà thế giới biết được diện mạo dân chủ thật sự của Trung Quốc cũng như sự can đảm của các luật sư dám sát cánh đi cùng những người thấp cổ bé họng…

Tháng 4-2020, luật sư nhân quyền Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang) được thả, sau khi bị tù gần năm năm. Như Lý Bá Quang, luật sư Vương cũng nổi tiếng chuyên đấu tranh pháp lý cho dân nghèo. Ông là một trong hơn 200 luật sư và nhà hoạt động bị vây bắt trong chiến dịch rúng động Trung Quốc gọi là “Cuộc trấn áp 709” (bắt đầu từ ngày 9-7-2015). Tháng 8-2015, nhà cầm quyền thông báo cho vợ Vương rằng chồng bà bị bắt nhưng không cho biết giam ở đâu. Suốt hơn ba năm, gia đình Vương mù tịt tin tức về ông. Hè 2017, tất cả luật sư và nhà hoạt động bị bắt trong vụ “709” được thả hoặc được mang ra xử, trừ Vương.

Tháng 4-2018, vợ ông – bà Lý Văn Túc (Li Wenzu) – đi bộ 12 ngày từ Bắc Kinh đến Thiên Tân, nơi bà tin chồng mình bị giam. Cuộc hành trình “đi tìm công lý” ở một nơi công lý chỉ là trò hề của bà Lý đã bị chính quyền cản lại. Giữa tháng 12-2018, bà Lý cùng ba phụ nữ khác cạo đầu ngay giữa đường phố Bắc Kinh để gây chú ý dư luận. Cuối cùng, ngày 26-12-2018, Vương được đưa ra xử, tội cấu kết “thế lực nước ngoài” trong đó có nhà hoạt động nhân quyền Thụy Sĩ Peter Dahlin. Báo chí nước ngoài và kể cả bà Lý đều không được dự phiên tòa. Tháng 1-2019, Vương bị tuyên án bốn năm rưỡi tù…

Liên quan vụ “709”, còn có Lý Hòa Bình (Li Heping) – luật sư nổi tiếng trong vụ bào chữa cho nhà hoạt động nhân quyền (bị khiếm thị) Trần Quang Thành (Chen Guangcheng, hiện ở Mỹ). Ngày 28-9-2007, Sở Công an thành phố Bắc Kinh yêu cầu Lý phải rời Bắc Kinh. Hôm sau, ông bị 12 an ninh thường phục bắt cóc, nhốt tám tiếng. Ông bị đánh, chích roi điện và sau đó bị vất vào một khu rừng vắng. Khi trở về nhà, Lý phát hiện giấy phép hành nghề bị mất và ổ cứng máy tính bị xóa sạch dữ liệu. Ngày 31-5-2010, Lý lại bị bắt “nguội”. Cuối cùng, ngày 10-7-2015, Lý bị bắt cóc ngay tại nhà mình. Tháng 4-2017, Lý được đưa ra tòa, tội “âm mưu lật đổ chính quyền”, “dùng mạng xã hội để kích động và bôi nhọ hệ thống luật pháp nhà nước”, cùng một số tội danh khác. Ông bị kết án ba năm tù…

Gần như cùng thời điểm vụ xử Lý Hòa Bình, tháng 5-2017, “Tòa án nhân dân” Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) cũng xử luật sư nhân quyền Tạ Dương (Xie Yang). Vụ Tạ Dương thời điểm đó được dư luận chú ý đáng kể. Đại sứ Canada, Pháp, Úc, Đức và Anh đều gửi thư đến Bộ trưởng Bộ Công an Quách Thanh Côn, đề nghị tổ chức cuộc điều tra độc lập trước các cáo buộc tra tấn Tạ Dương. Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo Tạ đã “thành khẩn cúi đầu nhận tội”, bác bỏ rằng mình bị đánh đập trong tù, và kêu gọi đồng nghiệp “ngưng bôi nhọ hình ảnh nền công lý thượng tôn pháp luật của đất nước”. Trong video clip ngắn trình chiếu tại tòa, bị cáo Tạ nói: “Không, không, tôi chưa bao giờ bị tra tấn hết!”. Tháng 12-2017, Tòa Trường Sa ra phán quyết: Tạ Dương can tội “âm mưu lật đổ chính quyền” nhưng vì “thành khẩn” và “ăn năn hối cải” nên tòa “khoan hồng” không xử phạt. Dù vậy, đến nay, Tạ Dương vẫn không được cấp phép hành nghề.

Không có sự kiện nào có thể “minh họa” rõ hình ảnh “tòa diễn” bằng loạt phiên xử vào năm 2016. Các phiên xử này được truyền thông Trung Quốc làm đậm, “lên sóng” vào giờ vàng, được “quần chúng cả nước theo dõi”. Bốn phiên xử được tổ chức trong bốn ngày và mỗi “vở diễn” chỉ kéo dài vài giờ. Các bị cáo đều có thái độ giống nhau: thành khẩn hối lỗi và xin được khoan hồng. Ngoài ra, họ đều đồng loạt lên án… “thế lực ngoại bang”.

“Chúng ta phải thấy rõ bộ mặt gớm ghiếc của các thế lực thù địch nước ngoài và những kẻ xấu trong nước luôn rắp tâm bôi nhọ quốc gia” – bị cáo Địch Nham Dân (Zhai Yanmin) nói. Địch Nham Dân là luật sư của hãng luật Phong Nhuệ (Fengrui Law Firm- “Bắc Kinh Phong Nhuệ luật sư sự vụ sở”), nơi từng đại diện cho nghệ sĩ Ngãi Vị Vị; thành viên giáo phái Pháp Luân Công; và gia đình những em bé bị tử vong trong vụ sữa nhiễm độc. Địch Nham Dân bị kết tội “âm mưu lật đổ chính quyền” và được xử ba năm tù treo…

Trong khi đó, trước tòa, bị cáo Zhou Shifeng (Chu Thế Phong), người sáng lập hãng luật Phong Nhuệ, nói: “Bị cáo chưa bao giờ ý thức được rằng “diễn biến hòa bình” của phương Tây lại nghiêm trọng như vậy. Chính sách thượng tôn pháp luật của Chủ tịch Tập Cận Bình đang giúp cho Trung Quốc thậm chí mạnh hơn”. Chu bị án tù giam bảy năm. Phần mình, bị cáo Hu Shigen (Hồ Thạch Căn), nhà hoạt động đấu tranh dân chủ và tự do tôn giáo lâu năm, thú nhận: “Bị cáo đã bị ảnh hưởng bởi tư tưởng tự do phương Tây; làm việc với các thế lực nước ngoài chống phá đất nước trong đó có việc giúp đồng nghiệp Câu Hồng Quốc (Gou Hongguo) lén lút sang Đài Loan dự một hội thảo”. Hồ bị xử bảy năm rưỡi tù giam…

Trong thời gian diễn ra bốn phiên xử, Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc phát một video lên mạng xã hội, cho thấy Mỹ và giới ngoại giao phương Tây “giật dây kích động” cuộc “biểu tình” của các bà vợ bị cáo trước pháp đình. “Đây thật sự là những kẻ được thuê mướn chuyên nghiệp và được huấn luyện nhà nghề” – đoạn video bình luận cảnh hai bà vợ kêu khóc. Video cũng chiếu lại cảnh cựu đại sứ Mỹ Jon Huntsman “can thiệp nội bộ chính trị Trung Quốc” khi đi ngang một cuộc biểu tình tại Bắc Kinh năm 2011…

“Làm luật” ở những nước như Trung Quốc là một hoạt động đặc thù, gần như khác hoàn toàn với cách hành nghề của giới luật sư các quốc gia dân chủ, đặc biệt khi luật sư dấn thân vào việc đấu tranh nhân quyền. Họ phải là những người rất can đảm. Họ là những người chấp nhận nhiều rủi ro mà đồng nghiệp phương Tây không bao giờ đối diện tương tự. Họ là những vệt sáng hiếm hoi trong một nền công lý tối đen và thậm chí mù lòa.

(Những từ phiên âm nhân vật trong bài dựa vào chữ Hoa trên trang web Chinese Human Rights Defenders – nchrd.org)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: