Trung Quốc không gia hạn thẻ hành nghề, dọa trục xuất nhà báo Mỹ

US-China
Nhà báo Mỹ và Trung Quốc làm việc trên lãnh thổ của nhau thường bị kẹt vào cuộc đối đầu giữa hai nước. Ảnh minh họa Pixabay

H.C.

Bắc Kinh trì hoãn việc gia hạn giấy phép hành nghề của các nhà báo thuộc đài CNN, báo The Wall Street Journal, hãng tin Bloomberg và công ty hình ảnh Getty Images đang làm việc ở Trung Quốc và cho biết số phận của họ tùy thuộc vào cách Hoa Kỳ đối xử với các nhân viên truyền thông của Trung Quốc.

Nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc còn cho biết, các nhà báo Mỹ sẽ bị trục xuất nếu chính phủ Trump có thêm hành động chống lại các cán bộ truyền thông của Trung Quốc tại Mỹ. Hiện các nhà báo Trung Quốc tại Mỹ cũng đang chờ xem visa làm việc của họ có được gia hạn hay không. Theo một quy định mà chính phủ Mỹ ban hành hồi tháng Năm, thực thi từ tháng Chín, nhà báo Trung Quốc tại Mỹ được cấp visa 90 ngày thay vì vô thời hạn như trước kia và sẽ đáo hạn vào tháng Mười Một tới.

Tuần trước năm nhà báo thuộc các tổ chức truyền thông Mỹ kể trên đã đến bộ Ngoại giao Trung Quốc để gia hạn thẻ hành nghề báo chí, vốn có hiệu lực một năm, nhưng được thông báo rằng thẻ của họ sẽ không được gia hạn. Thẻ hành nghề báo chí là tài liệu phải có để xin giấy phép tạm trú và visa ra vào Trung Quốc. Một trong các nhà báo này cho biết, quan chức ngoại giao Trung Quốc nói với ông rằng số phận của ông phụ thuộc vào quyết định của Hoa Kỳ có gia hạn visa cho các phóng viên Trung Quốc làm việc tại Mỹ hay không. Nếu chính phủ Mỹ quyết định không gia hạn visa cho các phóng viên Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng sẽ trục xuất các nhà báo Mỹ để trả đũa. Các nhà báo Mỹ khác cũng nhận được thông điệp tương tự.

Trong số các nhà báo không được gia hạn visa có phóng viên nổi tiếng Jeremy Page người Anh làm việc cho báo The Wall Street Journal, phóng viên David Culver người Mỹ làm việc cho đài CNN và hai phóng viên của Bloomberg không phải người Mỹ. Tuy không được gia hạn visa nhưng các nhà báo này vẫn tiếp tục được làm việc tại Trung Quốc thêm hai tháng nữa. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) sáng nay thứ Hai viết trên Twitter: “Chúng tôi rất vui được tiếp tục hợp tác tốt với các nhà báo Mỹ ở đây nếu như các nhà báo Trung Quốc được đối xử công bằng ở Hoa Kỳ”.

Trung Quốc không có báo chí tư nhân và tự do như hầu hết các nước khác nên nhà báo Trung Quốc thực chất là những cán bộ thông tin tuyên truyền của đảng Cộng sản. Đó là lý do tại sao bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng Hai đã quyết định đưa năm tổ chức truyền thông quốc doanh của Trung Quốc ở Mỹ vào quy chế ngoại giao, phải báo cáo thường kỳ cho Bộ Ngoại giao chi tiết về nhân sự và danh sách các bất động sản mà họ sở hữu, không được tự ý tiếp xúc, thăm viếng các cơ sở giáo dục đại học, các phòng thí nghiệm và nhiều cơ quan khác của chính phủ Mỹ khi chưa có sự đồng ý của Bộ Ngoại giao.

Quyết định của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nhằm đáp trả việc Trung Quốc trục xuất ba nhà báo của báo The Wall Street Journal sau khi báo này đăng một bài bình luận có nhan đề gọi Trung Quốc là “người bệnh của châu Á”.

Từ đó, một lần nữa các nhà báo và tổ chức truyền thông lại bị kẹt trong chuỗi hành động đấu đá giữa Bắc Kinh và Washington, trong lúc quan hệ giữa hai nước liên tục xấu đi trong tất cả các lĩnh vực thương mại, công nghệ, giáo dục, ngoại giao, vấn đề Đài Loan, Biển Đông và đặc biệt là đại dịch coronavirus xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Đáp lại việc thay đổi quy định của Hoa Kỳ về các tổ chức truyền thông Trung Quốc tại Mỹ, Bắc Kinh tiếp tục trục xuất 13 nhà báo Mỹ làm việc cho The Wall Street Journal, The Washington Post The New York Times hồi tháng Ba.

Hai bên tiếp tục cuộc đấu đá khi Mỹ quyết định buộc Trung Quốc phải giảm số nhân viên truyền thông tại Mỹ từ 160 người xuống còn 100 người và thay đổi quy chế về visa của các nhân viên này. Hồi tháng Năm, Bộ Nội An Hoa Kỳ thay đổi chính sách, người Trung Quốc vào Mỹ hành nghề báo chí, nếu không làm việc cho các tổ chức truyền thông Mỹ mà làm việc cho chính phủ Trung Quốc thì chỉ được cấp visa có hiệu lực 90 ngày.

Từ trước đến nay, Trung Quốc sử dụng chính sách cấp visa và giấy phép làm việc để gây sức ép với các phóng viên nước ngoài, buộc họ phải tự kiểm duyệt hoặc tránh đề cập tới các đề tài mà Trung Quốc cho là nhạy cảm. Visa vào Trung Quốc của phóng viên nước ngoài đã bị giảm từ thời hạn bình thường là một năm nay chỉ còn ba tháng, thậm chí một tháng, và từ chối gia hạn visa cho những nhà báo mà họ không ưa.

Chưa rõ ngoài việc không gia hạn visa và dọa trục xuất các nhà báo làm việc cho truyền thông Mỹ nói trên, sắp tới Bắc Kinh sẽ có biện pháp nào khác để trả đũa.

(theo Reuters, NYT)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: