Theo một báo cáo mới, Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) đã mở hàng chục cái mà họ gọi là “110 Overseas Police Service Centers-OPSC” (Trung tâm Dịch vụ Cảnh sát Nước ngoài)…
Giám sát toàn cầu
Cuộc điều tra của nhóm nhân quyền Safeguard Defenders cho biết trong khi các OPSC có thể giúp người Hoa và du khách giải quyết các vấn đề giấy tờ thông thường, chúng cũng là một phần của mạng lưới giám sát và kiểm soát toàn cầu phức tạp, cho phép Đảng Cộng sản TQ vươn ra ngoài biên giới. Dựa vào các dữ liệu chính thức có sẵn miễn phí, một báo cáo mới của Safeguard Defenders (Những người bảo vệ an toàn) khẳng định lực lượng cảnh sát khu vực TQ đã thiết lập ít nhất 54 văn phòng trên năm lục địa. Các trạm dịch vụ cảnh sát này được đặt tên theo số điện thoại khẩn cấp 110 của cảnh sát TQ và kết nối với các Hiệp hội Nhà Hoa kiều ở Nước ngoài (Chinese Overseas Home Associations) có liên hệ với Đảng Cộng sản TQ cầm quyền.
Các tác giả báo cáo cho biết phương pháp quan trọng được chính quyền TQ sử dụng để truy tìm và hồi hương những nghi phạm được gọi là hoạt động “thuyết phục trở về”, gồm cả theo dõi gia đình của đối tượng ở quê nhà để gây áp lực thông qua đe dọa, gây rối, thậm chí bỏ tù để buộc họ thuyết phục người thân tự nguyện trở về. Đối tượng có thể được tiếp cận trên mạng hoặc dùng các đặc vụ bí mật ở nước ngoài để đe dọa và sách nhiễu đến nỗi họ phải “tự nguyện” hồi hương. Báo cáo nhấn mạnh: “Những hoạt động ngầm này luôn tránh phối hợp với cảnh sát và tư pháp quốc gia sở tại, vi phạm luật pháp quốc tế và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước thứ ba khi thiết lập một cơ chế chính sách song song sử dụng các phương pháp bất hợp pháp”.
TQ có vẻ không làm gì nhiều để che giấu các hoạt động mờ ám của họ. Một đoạn video do văn phòng công tố ở thành phố Lệ Thủy (Lishui – Chiết Giang) sản xuất năm 2020 cho thấy cảnh sát đang thực hiện một cuộc gọi video từ xa với một nghi phạm ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, người bị buộc tội gây ô nhiễm môi trường tại thành phố quê hương của ông ta. Có một đại diện của gia đình nghi phạm ngồi bên cạnh cảnh sát và công tố viên. Đoạn video nói rằng nghi phạm đã được thuyết phục trở về nhà để ra trước toà. Các bức ảnh sau đó cho thấy đối tượng bị còng tay khi xuống một sân bay ở TQ. Sau khi có báo cáo của Safeguard Defenders về video này, chính phủ Tây Ban Nha mới bắt đầu mở cuộc điều tra. Bà Laura Harth, đồng tác giả của báo cáo, tuyên bố: “Đảng Cộng sản TQ từ lâu đã cố gắng kiểm soát và giám sát Hoa kiều thông qua những cái gọi là ‘Công tác Mặt trận Thống nhất’ (United Front Work-UFW – “Trung Cộng Trung ương Thống nhất Chiến tuyến Công tác Bộ”).
230,000 người hồi hương “tự nguyện”
Chính quyền TQ “khoe” trong khoảng thời gian từ Tháng Tư 2021 đến Tháng Bảy 2022, họ đã “thuyết phục” hơn 230,000 công dân TQ về nước để đối mặt với quá trình tố tụng hình sự. Nhiều người bị cáo buộc lừa đảo qua mạng và lừa đảo qua điện thoại. Tuy nhiên, bà Laura Harth, đồng tác giả của báo cáo, khẳng định TQ còn nhắm mục tiêu vào các cá nhân khác. Bà nói: “Đó là những nhà bất đồng chính kiến đang sống ở nước ngoài, những người chỉ trích chế độ, các nghi can tôn giáo và dân tộc thiểu số ở mọi nơi trên thế giới. Chế độ TQ và các cơ quan chức năng của nó ngày càng trơ trẽn trong việc theo đuổi không che giấu những phương pháp phi pháp trên toàn cầu”.
Harth nói với VOA: “Một thực tế đáng lo ngại không kém là các chính phủ dân chủ dường như chưa nhận thức rõ hoặc thậm chí không lo ngại về việc TQ vi phạm chủ quyền lãnh thổ của họ, làm xói mòn các quyền tự do cơ bản, nhân quyền của các cá nhân đang cư trú trong lãnh thổ mình”.
Từ các tài liệu chính thức tiếp cận được, báo cáo liệt kê ba OPSC ở Anh. Tại một cơ sở ở phía Bắc London mà VOA ghé thăm có ba doanh nghiệp hoạt động cùng địa chỉ: một công ty bất động sản, một trường cao đẳng ngôn ngữ và một công ty luật chuyên về TQ. Cả ba phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với chính phủ TQ và không cho phỏng vấn. Hầu hết cộng đồng người Hoa tại địa phương nói với VOA họ không biết các cơ sở này và không muốn bị phỏng vấn trước ống kính. Chính phủ Anh cho VOA biết: “Nước ngoài hoạt động trên đất Anh phải tuân thủ luật pháp Anh” nhưng lại không xác nhận có đang điều tra những nghi vấn hay không.
Phản ứng của phương Tây
Chính phủ Hà Lan cho biết họ đang điều tra thông tin việc cảnh sát TQ điều hành bất hợp pháp các văn phòng ở Hà Lan để theo dõi công dân TQ ở nước ngoài mà không thông báo và không được chấp thuận từ phía Hà Lan. Tuy nhiên, trong một tuyên bố, đại sứ quán TQ tại Hà Lan chối là “không biết”, “không liên quan” đến các văn phòng mô tả trong báo cáo, đồng thời khẳng định “TQ tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc quốc tế và hoàn toàn tôn trọng chủ quyền tư pháp của các quốc gia khác”.
Vụ tranh cãi diễn ra sau khi đài truyền hình Hà Lan RTL Nieuws và tờ báo điều tra Follow the Money công bố bài điều tra về hai văn phòng cảnh sát trá hình của TQ ở Amsterdam và Rotterdam. Chính phủ Hà Lan chưa xác nhận sự tồn tại của hai văn phòng này. Maxime Hovenkamp, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hà Lan nói: “Chúng tôi không bao giờ được thông báo về chúng nhưng thông tin là rất đáng lo ngại”. Theo Công ước Viên, một hiệp ước quốc tế mà cả TQ và Hà Lan đã ký kết, các vấn đề hành chính sẽ do các cơ quan lãnh sự giải quyết chứ không phải các “trạm dịch vụ”.
The New York Times cho biết, cảnh sát ở các thành phố Phúc Châu và Lệ Thủy đảm nhiệm việc giám sát những nơi có nhiều người Hoa sinh sống ở Hà Lan. Văn phòng Amsterdam ra đời từ năm 2018 và văn phòng Rotterdam có sự tham dự một cựu thành viên quân đội TQ. “Cả hai văn phòng đều không có sự hợp tác chính thức của cảnh sát và tư pháp hai nước và vi phạm nguyên tắc luật pháp quốc tế” – báo cáo của Safeguard Defenders nêu rõ.
Mới đây, chính quyền Canada cho biết họ cũng đang điều tra các hoạt động tương tự của TQ ở Canada và nhận định rằng các mối đe dọa đối với an ninh của những người sống ở Canada là “rất nghiêm trọng”. Các nhà lập pháp ở một số quốc gia, gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh và Úc đã bày tỏ lo ngại về vấn đề này. Nhà bất đồng chính kiến Wang Jingyu, người trốn sang Hà Lan sau khi công khai chỉ trích chính phủ TQ trên mạng, nói ông đã nhận được những lời dọa giết khi bày tỏ ủng hộ nền dân chủ ở Hong Kong. Đám cảnh sát Trung Quốc trá hình từ văn phòng Rotterdam đã “khuyên” ông nên nghĩ đến cha mẹ ở quê nhà và trở về TQ. Wang đã báo cáo vụ việc cho cảnh sát địa phương nhưng vẫn rất lo lắng. “Tôi sợ chính phủ TQ cử đặc vụ đến giết tôi. Tôi không biết họ sẽ làm gì trong tương lai” – Wang nói với hãng tin RTL.