Chủ nghĩa dân tộc gia tăng và các chính sách nặng tay đã khiến Bắc Kinh bị cô lập và dẫn tới một tương lai mờ mịt, nhận định của báo Nikkei Asia Review.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã kêu gọi xây dựng một quốc gia và quân đội mạnh, đồng thời theo đuổi tham vọng giành lại vị thế của Trung Quốc như là bá chủ của thế giới, là vương quốc trung tâm của “thiên hạ” như thời đế chế Trung Hoa xưa. Ông Tập gọi đây là “xu thế lịch sử không thể đảo ngược”.
Trung Quốc dưới quyền điều hành của ông Tập ngày càng trở nên độc tài, với chính sách kiểm soát và đàn áp ở trong nước đi cùng với thái độ hung hăng ở nước ngoài, thể hiện một tư tưởng dân tộc cực đoan là chủ nghĩa Đại Hán.
Trong mấy mươi năm qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng phần lớn nhờ một nền kinh tế toàn cầu cởi mở, dòng vốn đầu tư và công nghệ được tự do luân chuyển qua các biên giới quốc gia. Không quốc gia nào được hưởng nhiều lợi ích như Trung Quốc, và Bắc Kinh không thể sống biệt lập với phần còn lại của thế giới. Ông Tập nên nhận ra điều này.
Tuy nhiên, các chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc, nhấn mạnh vào sức mạnh, đã tạo ra bầu không khí lo ngại, trong đó Bắc Kinh sẵn sàng đối đầu với các chính phủ mà họ từng có quan hệ tốt trong quá khứ như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Chính sách đối ngoại ẩn nhẫn giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình đã bị thay thế bởi phương thức “ngoại giao chiến lang” – sẵn sàng trả đũa những ai không thần phục Trung Quốc.
Điều đáng lo ngại là các chính sách kinh tế và văn hóa “cải cách và mở cửa” của Đặng Tiểu Bình đã bị xếp xó. Tập đã khôi phục vai trò của ĐCSTQ cả trong khối doanh nghiệp tư, đã ưu ái phân bổ nguồn lực cho thành phần kinh tế quốc doanh và gia tăng sự kiểm soát của nhà nước đối với kinh tế tư nhân. Tập cố vượt qua những thành tựu của Đặng, người đã thực sự mang lại sự thịnh vượng cho Trung Quốc nhưng thực tế những chính sách nặng tay của Tập đã khiến kinh tế Trung Quốc bị giảm tốc độ: Tăng trưởng GDP khi Tập lên cầm quyền năm 2012 là 7.9%/năm, rơi xuống dưới 3%/năm hiện nay và hôm 18 Tháng Mười, Bắc Kinh đột ngột thông báo hoãn công bố các số liệu về tăng trưởng kinh tế – có thể do tình hình quá xấu cho không khí của đại hội đảng.
Đã có nhiều ý kiến phản đối chính sách của ông Tập đưa Trung Quốc quay trở lại con đường xã hội chủ nghĩa, tái lập chế độ cai trị sắt máu thời Mao Trạch Đông.
Chính sách “không COVID” nghiêm ngặt của Bắc Kinh đã dẫn đến sự kiệt quệ về kinh tế và cô lập với thế giới bên ngoài, làm giảm sự giao lưu với các nước khác. Chừng nào Trung Quốc tiếp tục đóng cửa, tương lai của đất nước sẽ không có gì tươi sáng.
Hong Kong, từng là một cửa sổ mở ra thế giới rộng lớn hơn, đã bị tước đoạt tự do nhân danh an ninh quốc gia. Tại đại hội, ông Tập hô hào “Hong Kong phải được lãnh đạo bởi những người yêu nước”, nhưng chỉ những người yêu nước theo định nghĩa của ĐCSTQ, trung thành với đảng và lãnh tụ Tập Cận Bình. Một Hong Kong tự do đã chết và điều đó làm cho mô hình “một quốc gia, hai chế độ” trở thành khẩu hiệu rỗng tuếch!
Về vấn đề Đài Loan, ông Tập nói, “Thống nhất đất nước là sứ mệnh lịch sử vững chắc của đảng”, nhấn mạnh rằng “Chúng ta sẽ không bao giờ hứa hẹn từ bỏ việc sử dụng vũ lực. Chúng ta bảo lưu lựa chọn thực hiện mọi biện pháp cần thiết…. Chúng ta kiên quyết tiến hành một cuộc đấu tranh lớn chống lại chủ nghĩa ly khai và can thiệp, thể hiện quyết tâm và khả năng mạnh mẽ của chúng ta trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhà nước và phản đối Đài Loan độc lập.” Ngay cả những người vẫn kỳ vọng Trung Quốc sẽ nỗ lực để đạt được sự thống nhất một cách hòa bình, thì những tuyên bố này của ông Tập cũng hết sức đáng lo ngại.
Bản sửa đổi điều lệ của ĐCSTQ dự kiến sẽ bao gồm cụm từ “Hai Thiết Lập” – thiết lập “vị trí cốt lõi” của ông Tập trong lãnh đạo đảng và thiết lập hệ tư tưởng của ông làm kim chỉ nam cho ĐCSTQ.
Những tuyên ngôn như vậy trong một đảng chính trị ở Trung Quốc nhìn bề ngoài gần như không liên quan gì đến phần còn lại của thế giới. Nhưng ĐCSTQ là một đảng cầm quyền trong một chế độ độc tài đảng trị đang điều hành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và 1.4 tỷ dân. Những quyết định của đại hội ĐCSTQ do vậy sẽ có tác động lớn trên toàn cầu, cho nên thế giới không có lựa chọn hơn là phải theo dõi một cách cẩn thận. Việt Nam là nước có chung biên giới, có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc, lại cần phải cảnh giác.
Ông Tập đã có một số thành công trong việc chống tham nhũng và cải tổ quân đội. Nhưng thành tựu kinh tế liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân Trung Quốc trong thập niên qua là rất mờ nhạt. Sự bất mãn của công chúng đã xuất hiện ở một số vùng của đất nước.
Lẽ ra ông Tập và ĐCSTQ nên xem xét những thực tế này một cách nghiêm túc và nên hiểu rằng Trung Quốc sẽ có tương lai tươi sáng hơn nếu không có những thay đổi chính sách mạnh mẽ. Đại hội 20 của ĐCSTQ tiếc thay lại không tỏ dấu hiệu thay đổi như vậy.
Đọc thêm: