Twitter chống chiến dịch thông tin giả của Trung Quốc

Twitter – mạng truyền thông được sử dụng rộng rãi ở Mỹ nhưng bị cấm ở Trung Quốc. Nhưng nhiều quan chức và nhà ngoại giao Trung Quốc sử dụng Twitter để tương tác với thế giới phương Tây. Ảnh Unsplash

H.C.

Bắc Kinh đã lợi dụng mạng truyền thông Twitter – bị cấm ở Trung Quốc – để thực hiện chiến dịch phát tán thông tin giả ra toàn cầu, ca ngợi cách chính phủ Trung Quốc ứng phó với đại dịch Covid-19, lên án phong trào biểu tình dân chủ ở Hong Kong và phản bác các tuyên bố của chính phủ Hoa Kỳ, tường thuật của báo The New York Times.

Công ty quản lý mạng Twitter sáng nay thứ Năm 11-06 cho biết, họ đã phát giác và loại bỏ 23.750 tài khoản (account) “can dự mật thiết” vào một nỗ lực phối hợp để phát tán thông tin giả (misinformation), đồng thời gỡ bỏ hơn 150.000 tài khoản được dùng để quảng bá các thông điệp của Trung Quốc bằng cách “thích” (like) và “đăng lại” (retweet) nội dung của các tài khoản nói trên. Phát hiện của Twitter phù hợp với một phân tích gần đây của báo The New York Times đối với 4.600 tài khoản Twitter liên can tới giới lãnh đạo Trung Quốc; hàng trăm tài khoản đó chỉ làm công việc khen ngợi và quảng bá thông điệp của các quan chức ngoại giao hàng đầu và các tờ báo quốc doanh của Trung Quốc.

Trước đây, các chiến dịch thông tin giả của Bắc Kinh tập trung chủ yếu vào việc phản bác và bôi nhọ người biểu tình Hong Kong, triệu phú lưu vong Quách Văn Quý (Guo Wengui) – người vừa cùng ngôi sao bóng đá Hác Hải Đông (Hao Haidong) tuyên bố thành lập Liên bang Tân Trung Hoa lưu vong – và lãnh đạo Đài Loan, nhưng gần đây Twitter phát hiện có thêm nội dung mới là ca ngợi cách xử lý đại dịch của chính phủ Trung Quốc.

Khi chính phủ của Tổng thống Trump tranh cãi với Bắc Kinh về đại dịch bắt nguồn từ Vũ Hán, phê phán việc Trung Quốc xử lý kém cỏi để dịch phát tán ra toàn cầu, các quan chức Trung Quốc đã lên mạng Twitter lập tài khoản để phản bác lại, đồng thời tuyên truyền không có chứng cứ rằng con virus bắt nguồn từ Hoa Kỳ.

Nhưng những tài khoản này hoạt động chưa bao lâu thì bị Twitter phát hiện, và Twitter đánh giá các tài khoản đó không đủ tinh vi để lừa người đọc rằng chúng do những con người thật vận hành. Một ví dụ, Twitter phát hiện nhiều tài khoản được đăng nhập (log-in) từ cùng một địa chỉ web, chứng tỏ chúng là một hoạt động được điều khiển, nhiều tài khoản Twitter đăng nhập từ những kênh Internet không bị chặn ở Trung Quốc, chứng tỏ chúng được chính phủ Bắc Kinh chấp thuận hoặc chỉ đạo.

Báo The New York Times cho rằng, mặc dù Bắc Kinh sao chép thủ đoạn tung tin giả mà người Nga đã sử dụng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, nhưng cách làm của Trung Quốc còn thô thiển, thiếu người có trình độ vận hành, dẫn tới việc các tài khoản giả dễ bị phát hiện. Năm ngoái 2019, hai mạng Twitter và Facebook đã loại bỏ hàng trăm ngàn tài khoản như thế. Tuy vậy, Trung Quốc chứng tỏ họ rất kiên trì và ngày càng quyết đoán trong việc lợi dụng các nền tảng truyền thông xã hội của Mỹ để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền.

Các phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc như Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), Cảnh Sảng (Geng Shuang), các đại sứ quán và đoàn ngoại giao Trung Quốc ở nước ngoài thường xuyên sử dụng Twitter và Facebook để truyền bá các quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc ra thế giới, trong khi hầu như không có chính khách phương Tây nào sử dụng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc để thông tin tới người dân nước này, mà nếu có thì thông điệp của họ cũng nhanh chóng bị bộ máy kiểm duyệt khổng lồ của Bắc Kinh xóa bỏ. Sự bất cân xứng về nền tảng truyền thông là một lợi thế của Trung Quốc trong hoạt động tuyên truyền hiện nay.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: