WTA vẫn quyết định rút khỏi Trung Quốc, bất chấp các “dàn dựng” của Bắc Kinh

Hiệp hội Quần vợt Nữ Thế giới (WTA) vừa ra thông báo đình chỉ ngay lập tức tất cả các giải đấu ở Trung Quốc, gồm cả Hong Kong, để đáp lại việc Bắc Kinh im lặng trước việc ngôi sao quần vợt Trung Quốc Peng Shuai (Bành Suý) tố cáo một quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản, cựu Phó thủ tướng Zhang Gaoli tấn công tình dục cô. Ngày 2 Tháng Mười Một, trên mạng xã hội Trung Quốc, Peng (vận động viên ba lần Olympic) tố Zhang ép cô quan hệ tình dục tại nhà riêng của ông ta ba năm trước đó.

WTA kiên trì với các yêu sách và không tin Bắc Kinh

Ngày 1 Tháng Mười Hai, trong một tuyên bố, ông Steve Simon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WTA cho biết quyết định rút khỏi Trung Quốc phát sinh từ phản ứng “không thể chấp nhận được” của nước này trong vụ bê bối #MeToo, trong đó có việc kiểm duyệt vội vàng cáo buộc của Peng và phớt lờ lời kêu gọi của quốc tế tiến hành cuộc điều tra “minh bạch và đầy đủ” về vụ việc. 

“Xét về mặt lương tâm, tôi không hiểu làm thế nào chúng tôi có thể yêu cầu các tay vợt nữ thi đấu ở đó khi Peng Shuai không được phép giao tiếp tự do và có vẻ bị áp lực để rút lại cáo buộc tấn công tình dục của chính mình? – Simon nhấn mạnh – Trong tình hình hiện nay, tôi cũng rất lo lắng về những rủi ro mà các tay vợt và nhân viên của chúng tôi có thể gặp phải nếu WTA tiếp tục các giải đấu ở Trung Quốc vào năm 2022”. 

Sau khi bài tố cáo bị vô hiệu hóa chỉ trong một thời gian ngắn, ngay lập tức những gì liên quan đến Peng đều bị kiểm duyệt và không thấy cô công khai xuất hiện trong hơn hai tuần, buộc giới quần vợt nữ thế giới phải yêu cầu Bắc Kinh trả lời về nơi ở của cô cũng như mở cuộc điều tra đầy đủ về những cáo buộc. 

Khi thấy sự phản đối toàn cầu ngày càng tăng, truyền thông do nhà nước kiểm soát và hệ thống thể thao nhà nước cho công bố một số hình ảnh và video “bằng chứng sống” về Peng. Thật không may, độ tin cậy của chúng không có mà chỉ làm dấy thêm về nỗi nghi ngờ. 

“Mặc dù hiện biết Peng đang ở đâu, nhưng thành thật mà nói tôi không tin cô ấy được tự do, an toàn; không bị kiểm duyệt, ép buộc và đe dọa – Simon nói – Không thể chấp nhận được việc những người có quyền lực trấn áp tiếng nói của phụ nữ và xoá sạch cáo buộc tấn công tình dục. WTA được thành lập trên cơ sở bình đẳng cho phụ nữ nên sẽ là thất bại lớn nếu chúng tôi để điều đó xảy ra với các vận động viên của mình. Chúng tôi đại diện cho một tổ chức không cho phép tấn công tình dục xảy ra!”. 

Thông báo của WTA được xem là “hiện thực hoá” lời đe dọa được Simon đưa ra vào ngày 18 Tháng Mười Một, trong đó thề “sẵn sàng mất hàng trăm triệu đôla kinh doanh ở Trung Quốc nếu vụ Peng không được điều tra đầy đủ và chính xác”. Simon nói thêm: “Chúng tôi tin là Peng không có lỗi và rất tự hào về cô ấy”. 

Phản ứng trước quyết định của WTA

Quyết định rút khỏi Trung Quốc của WTA ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của nhiều tên tuổi lớn trong làng quần vợt nữ thế giới, trong đó có nhiều người từng lo lắng cho sự an toàn và nơi ở của Peng trên Twitter, thông qua hashtag #WhereIsPengShuai. 

Trong một tuyên bố, cựu tay vợt Mỹ nổi tiếng Billie Jean King có tên trong “Ngôi đền Quần vợt Quốc tế” (International Tennis Hall of Fame) ca ngợi quyết định của WTA là “thể hiện quan điểm mạnh mẽ trong việc bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc và trên toàn thế giới. WTA đã chọn đứng về phía đúng của lịch sử khi quyết tâm bảo vệ quyền lợi của các tay vợt của mình”. 

Tay vợt Martina Navratilova, người từng 18 lần vô địch Grand Slam lưu ý về thái độ im lặng của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) về Thế Vận Hội mùa Đông Bắc Kinh 2022. Trong một tuyên bố đăng trực tuyến, bà nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao lập trường dũng cảm của ông Simon và WTA, đặt nguyên tắc lên trên đồng tiền khi ủng hộ phụ nữ ở mọi nơi và hiện nay là Peng Shuai. Bây giờ, đến lượt @IOC?!? #IOC lên tiếng, vì cho đến thời điểm này tôi hầu như không thể nghe thấy bạn!!!”.  

Ngày 21 Tháng Mười Một, IOC ra thông báo cho biết Chủ tịch Thomas Bach, đã có cuộc gọi video dài 30 phút với Peng, một quan chức thể thao Trung Quốc và một đại diện bổ sung của IOC. “Peng có vẻ ổn và thoải mái nhưng muốn được tôn trọng quyền riêng tư của mình”. 

IOC không giải thích làm cách nào gọi điện video với Peng và cũng không công khai đoạn video. Thành viên IOC lâu năm Dick Pound nhận định: “Kết luận kiểu ‘nhất trí cao và cô ấy ổn’ trong cuộc gọi điện của IOC với Peng làm tôi bối rối”. Một số tay vợt quốc tế cũng có phản ứng tương tự về cuộc gọi. 

Phản ứng từ Bắc Kinh

Trung Quốc không thừa nhận các cáo buộc của Peng đối với Zhang, người đã nghỉ hưu vào năm 2018. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc điều tra đã được tiến hành và không rõ Peng có làm đơn tố cáo gửi cảnh sát. 

Cuối Tháng Mười Một, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố viết: “Chính phủ hy vọng những suy đoán ác ý liên quan đến hạnh phúc và nơi ở của bà Peng sẽ dừng lại. Trường hợp của bà không nên bị chính trị hóa!”. Hiện phía Trung Quốc chưa phản hồi về quyết định rút khỏi Trung Quốc của WTA. 

Tuyên bố của WTA cũng không thấy đăng trên tài khoản chính thức của tổ chức có hơn 400,000 người theo dõi trên Weibo (phiên bản Twitter bị kiểm duyệt gắt gao của Trung Quốc). Tài khoản WTA vẫn truy cập được trên Weibo, nhưng không xuất hiện trên kết quả tìm kiếm. Một số người dùng Weibo lên tiếng ủng hộ quyết định của WTA nhưng đều bị kiểm duyệt. 

Quần vợt nữ Trung Quốc đã phát triển nhanh trong vài chục năm qua. Một số tay vợt nữ Trung Quốc lọt vào bảng xếp hạng toàn cầu, như Li Na (nay đã về hưu), trở thành nhà Vô địch Đơn nữ Grand Slam đầu tiên của châu Á vào năm 2011 khi cô đoạt giải Vô địch giải Pháp mở rộng và năm 2014 đoạt tiếp danh hiệu Grand Slam thứ hai tại giải Úc mở rộng. 

Trong những năm gần đây, WTA tăng cường hoạt động tại Trung Quốc. Năm 2019, Vòng chung kết WTA bắt đầu chuyển từ Singapore đến thành phố Thâm Quyến, phía Nam Trung Quốc theo một thỏa thuận kéo dài 10 năm với chính quyền Thâm Quyến. 

Năm 2018, trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, Simon tiết lộ thỏa thuận gồm cả việc xây dựng một sân vận động quần vợt mới trị giá hàng triệu đôla và “tạo thêm cơ hội cho các tay vợt nữ Trung Quốc”. 

Tuy nhiên, WTA không tổ chức giải đấu nào ở Trung Quốc trong hai năm qua vì đại dịch coronavirus, và WTA vẫn chưa công bố lịch các giải đấu năm 2022. Tuy vậy, trung bình có 10 giải quần vợt chuyên nghiệp mỗi năm tại Trung Quốc, mà nổi bật nhất là Vòng chung kết WTA (WTA Finals) kết thúc mùa giải WTA của năm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: