Thành phố Mariupol bị bao vây của Ukraine đã bị bắn phá dữ dội vào hôm nay Chủ Nhật 20 Tháng Ba. Các lực lượng Nga đã mở rộng cuộc bắn phá bằng cách ném bom từ trên không, bắn nhiều hỏa tiễn từ đất liền và từ chiến hạm ở Biển Azov.
Mariupol kiên cường
Nga ra tối hậu thư buộc chính phủ Ukraine phải hạ vũ khí đầu hàng và giao thành phố Mariupol trước 5 giờ sáng hôm nay Chủ Nhật, đổi lấy việc quân Nga mở một hành lang an toàn cho cư dân thành phố di tản nhưng tối hậu thư đã bị chính phủ Ukraine bác bỏ ngay lập tức. Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk khẳng định “không thể có chuyện đầu hàng”.
Hàng ngàn người dân Mariupol bị quân Nga cưỡng bức phải rời bỏ nhà cửa, theo các quan chức thành phố và các nhân chứng.
Báo The New York Times đưa tin trong số những cơ sở dân sự mới bị tàn phá có một trường nghệ thuật, nơi có khoảng 400 cư dân đang ẩn náu. Các quan chức thành phố Mariupol nói ngôi trường đã bị ném bom khi lực lượng Nga nhắm vào dân thường. Con số thương vong hiện chưa được biết.
Vào tuần thứ tư sau khi Nga mở cuộc tấn công vào Ukraine, thành phố ven biển Mariupol – một hải cảng chiến lược kiểm soát phần lớn bờ biển phía Nam của Ukraine – ngày càng trở thành một biểu tượng cho sự thất bại của người Nga; nhân lực và vũ khí vượt trội của họ đã không thể buộc Ukraine phải đầu hàng nhanh chóng. Và thành phố cũng trở thành biểu tượng cho sự tàn bạo của Nga, khi các lực lượng Nga ngày càng nhắm vào các địa điểm dân sự bằng hỏa tiễn tầm xa, gây ra tàn phá và thương vong khủng khiếp để hạ gục tinh thần của công chúng và phá vỡ sự kháng cự của quân đội Ukraine.
Mariupol – thành phố của Đức Mẹ Maria – đã không có thực phẩm, nước, điện hoặc khí đốt từ những ngày đầu cuộc xâm lược ngày 24 Tháng Hai vừa qua. Nhưng tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn vào cuối tuần này, các trận chiến trên đường phố diễn ra dữ dội và quân Nga đã chiếm được ba khu vực lân cận. Vào sáng nay Chủ Nhật, Tiểu đoàn Azov, một đơn vị Ukraine thu hút các tay súng cực hữu từ khắp nơi trên thế giới và chịu trách nhiệm bảo vệ thành phố, cho biết bốn tàu hải quân Nga đã nã pháo vào thành phố. Gần như bị cắt đứt với thế giới bên ngoài, thiệt hại của dân thường ở Mariupol hiện rất khó đánh giá.
Tuần trước, một nhà hát ở Mariupol, nơi trú ẩn của hàng trăm người đã bị biến thành đống đổ nát. Để đề phòng bị ném bom, người ta đã viết từ “TRẺ EM” bằng những chữ cái lớn trên sân trước và vườn sau của nhà hát, có thể nhìn thấy rõ ràng từ trên không; nhưng việc đó cũng không ngăn được phi cơ Nga ném bom xuống nhà hát. Đến bây giờ, số phận của hầu hết những người trú ẩn ở đó vẫn là một ẩn số.
Trong một bài phát biểu trước quốc gia vào tối Thứ Bảy, Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine nói: “Mariupol bị bao vây sẽ đi vào lịch sử trách nhiệm về tội ác chiến tranh. Sự khủng bố mà những kẻ chiếm đóng gây ra cho thành phố yên bình này sẽ được ghi nhớ trong nhiều thế kỷ tới.”
Theo Pyotr Andryuschenko, Cố vấn của Thị trưởng Mariupol, khi lực lượng Nga tiến vào trung tâm Mariupol, khoảng 4,500 cư dân đã bị cưỡng bức đưa qua biên giới Nga gần đó.
Tổng thống Zelensky phản đối Israel, chấp nhận đàm phán với Nga
Trong một video phát biểu hôm nay Chủ Nhật với các nhà lập pháp Israel, ông Zelensky dường như đã so sánh sự đau khổ của người dân Ukraine với người Do Thái trong thảm họa diệt chủng người Do Thái của phát-xít Đức (Holocaust). “Người dân của chúng tôi hiện đang lang thang trên thế giới, tìm kiếm sự an toàn, như các bạn đã từng trải qua,” Tổng thống Ukraine nói trong bài phát biểu được phát trước đám đông tại một quảng trường công cộng ở thủ đô Tel Aviv.
Ông Zelensky là người Do Thái, nhưng bị Tổng thống Vladimir V. Putin của Nga gọi là “tên Đức quốc xã nhỏ”, và tuyên bố sai sự thật rằng chính phủ Ukraine thân phát-xít Đức. Ông Putin coi việc “phi phát xít hóa” Ukraine là lý lẽ biện minh cho cuộc xâm lược.
Israel đã cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga, cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine và tiếp nhận người tị nạn, nhưng từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Vòm Sắt (Iron Dome) nổi tiếng của Israel. Lập trường “ba phải” của Israel đã khiến ông Zelensky tức giận. “Có thể làm trung gian giữa các quốc gia, nhưng không thể trung gian giữa thiện và ác”, ông Zelensky nói trong bài phát biểu kéo dài mười phút.
Bất chấp bốn ngày đàm phán giữa Ukraine và Nga vào tuần trước, có rất ít dấu hiệu cho thấy có tiến triển trong việc tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình. Tuy vậy, ông Zelensky vẫn mong muốn tương tác ngoại giao với người Nga, thậm chí ông sẵn sàng đối thoại trực tiếp với ông Putin. Ông nói với CNN hôm Chủ Nhật rằng “nếu không đàm phán, chúng ta không thể kết thúc cuộc chiến này”.
Cuộc chiến tranh hủy diệt
Trong một diễn biến khác ở Ukraine, Nga cho biết họ đã sử dụng hỏa tiễn tầm xa tiên tiến để tấn công ba cơ sở quân sự, bao gồm một trung tâm huấn luyện ở thị trấn phía Bắc Ovruch và một kho nhiên liệu lớn gần thành phố Mykolaiv, miền Nam nước này.
Thiếu tướng Igor Konashenkov, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, hôm Chủ Nhật cho biết Nga đã sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal – bay nhanh đến mức có thể tránh được sự đánh chặn – để tấn công kho nhiên liệu. Đó là loại tên lửa mà Nga tuyên bố đã sử dụng lần đầu tiên vào hôm Thứ Bảy để tấn công một kho đạn dược ở miền Tây Ukraine. Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Ukraine, hôm Chủ Nhật thừa nhận rằng Nga đã sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal, nhưng không nói rõ ở đâu hoặc khi nào.
Tướng Konashenkov cho biết hỏa tiễn hành trình được phóng từ Biển Đen hôm Chủ Nhật cũng đã phá hủy các phân xưởng của một nhà máy quân sự ở thị trấn Nizhyn, miền Bắc nước này.
Giới phân tích quân sự nhận định Nga đã bắt đầu thay đổi chiến thuật, sử dụng hỏa tiễn và ném bom thay cho xe tăng và trọng pháo, để thoát ra khỏi thế bế tắc trên chiến trường và gây ra nhiều thương vong, tàn phá khiến người dân Ukraine phải khiếp sợ.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Lloyd J. Austin III, nói với đài CBS “Face the Nation” rằng chiến dịch quân sự của Nga “về cơ bản đã bị bế tắc” sau khi chịu thương vong nặng nề, cho đến nay nét đặc trưng cho chiến lược của Nga là đẩy binh lính của họ “vào một máy băm gỗ”.
Các chỉ huy Nga ban đầu đã lên kế hoạch thực hiện các chiến dịch cơ giới và đường không để nhanh chóng chiếm giữ Kyiv, Kharkiv, Odessa và các thành phố lớn khác của Ukraine. Hy vọng của họ là lật đổ chính phủ Ukraine hiện nay và lập ra một chính quyền trung thành với Moscow. Nhưng sau hơn ba tuần giao tranh, rõ ràng là kế hoạch của họ đã thất bại.
Cơ quan tình báo quốc phòng của Anh hôm Chủ Nhật cho biết các lực lượng Nga vẫn cố bao vây các thành phố và vùng lãnh thổ ở phía Nam xung quanh Kherson. Tuy nhiên, họ cho biết Nga đã gia tăng “pháo kích bừa bãi vào các khu vực đô thị dẫn đến tàn phá trên diện rộng và số lượng lớn dân thường thương vong.”
Ông Ben Hodges, Cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, nói rằng hành động như vậy của người Nga là có chủ ý.
Cuộc di cư nhanh nhất ở châu Âu
Chiến tranh xâm lược của Nga đã dẫn đến cuộc di cư nhanh nhất của người tị nạn châu Âu kể từ Thế chiến thứ Hai. Theo Marek Magierowski, Đại sứ Ba Lan tại Hoa Kỳ, hơn hai triệu người Ukraine đã tràn vào Ba Lan, nơi chính phủ đã nỗ lực hết mình để hỗ trợ.
Ông Đại sứ nói với CNN “State of the Union” vào Chủ Nhật rằng Ba Lan đã đưa hàng chục nghìn trẻ em Ukraine vào hệ thống trường học của mình, một phần nhờ vào luật mới cho phép người Ukraine đăng ký thẻ căn cước Ba Lan, giấy phép kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm.
Những nỗ lực này thể hiện bước chuyển biến mạnh mẽ của chính phủ Ba Lan, vốn sử dụng các biện pháp ngày càng cực đoan để ngăn người di cư da màu chạy trốn khỏi các cuộc xung đột ở châu Phi và Trung Đông băng qua biên giới của mình. Tuy nhiên, các quan chức Ba Lan đang thảo luận về những nỗ lực lâu dài hơn để tái định cư phần lớn người Ukraine da trắng đến các nước châu Âu khác, đại sứ Ba Lan cho biết. “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để tiếp nhận những người tị nạn Ukraine, để họ tiếp nhận họ trong nhà của chúng tôi. Nhưng, tất nhiên, hai triệu người là một con số khổng lồ,” Đại sứ Magierowski nói.
Đọc thêm: