Bất chấp chính quyền treo thưởng bằng vé xổ số, vé vào công viên giải trí và thậm chí cả phần thưởng bằng tiền mặt, những người Mỹ chưa tiêm phòng COVD-19 vẫn không chịu vén tay áo lên, để hàng chục triệu liều vaccine chưa sử dụng “mốc meo” trong tủ lạnh.
- “Nếu bạn nằm trong số 20% không muốn tiêm vaccine COVID-19, thì thông điệp này dành cho bạn”
- 3,5 tỷ liều vaccine COVID-19 cho các nước nghèo
Hãng tin ABC News tường thuật, các quan chức liên bang Hoa Kỳ nói với các thống đốc tiểu bang rằng tính đến đầu tuần này, có tới 53 triệu liều vaccine vẫn chờ được các tiểu bang đặt hàng – một số lượng đáng kinh ngạc, đủ để phòng ngừa virus cho khoảng 25 triệu người.
Đó là chưa kể một số lượng vaccine không xác định đang chờ đợi tại các điểm tiêm chủng và hiệu thuốc ở các bang Wyoming, Idaho, Mississippi, Louisiana và Alabama – những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất.
Trong khi đó nhiều nước nghèo trên thế giới vẫn mỏi mòn chờ đợi vaccine để bảo vệ các nhân viên chăm sóc sức khỏe và người cao tuổi của họ. Chỉ 0,3% nguồn vaccine đã bào chế được cung cấp cho các nước có thu nhập thấp.
Thống đốc tiểu bang Arkansas Asa Hutchinson nói với Tòa Bạch ốc trong cuộc điện thoại truyền hình hôm thứ Ba cùng với các thống đốc khác: “Chúng tôi hiện đang có nguồn vaccine có thể chia sẻ được mà chúng tôi đang lo hết hạn sử dụng”, theo bản ghi âm cuộc họp mà đài ABC News có được.
Chính quyền Biden khẳng định số liều vaccine “bị lãng phí” ở Mỹ là cực kỳ thấp và phần lớn nguồn cung không có nguy cơ hết hạn.
Nhưng tình trạng dư thừa vaccine ngày càng tăng là một tình thế khó xử mới đối với Tòa Bạch ốc, vốn đã nắm quyền kiểm soát khi nguồn cung khan hiếm và chính phủ liên bang vẫn chưa mua đủ vaccine cho mọi người Mỹ. Hiện nay, gần 60% người Mỹ đủ điều kiện đã được tiêm ít nhất một mũi nhưng tốc độ tiêm chủng đã giảm một nửa trong sáu tuần qua, chỉ đạt 1,7 triệu mũi tiêm một ngày.
Stephen Morrison, Giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định: “Chúng ta đang có một sự tích lũy thặng dư đáng xấu hổ”. Ông Morrison dự đoán có tới 30% dân số Mỹ sẽ hoàn toàn từ chối vaccine và mối quan tâm chính của chính quyền Biden là bảo đảm sự phục hồi của Hoa Kỳ là “lâu dài” trước khi chuyển hướng nguồn cung. “Chúng ta đồng thời chứng kiến trận cháy rừng hoành hành bên ngoài biên giới của chúng ta mà các nước sẽ phải giải quyết, nếu không nó sẽ quay trở lại và tấn công chúng ta”, ông Morrison nói.
Chính quyền Biden đã cam kết đóng góp 4 tỷ USD cho Covax, nỗ lực toàn cầu về vaccine, và hứa tài trợ 20 triệu liều vaccine hiện có ở Mỹ vào cuối tháng Sáu – một phần trong số 800 triệu liều vaccine mà Mỹ đã mua từ Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Chính quyền cũng có kế hoạch xuất cảng 60 triệu liều AstraZeneca, một loại vaccine được sử dụng ở nước ngoài nhưng chưa được các cơ quan quản lý Hoa Kỳ cho phép.
Vấn đề phức tạp là chương trình vaccine quốc tế Covax đang bị bế tắc vì phụ thuộc quá nhiều vào Ấn Độ để sản xuất vaccine cho thế giới mà Ấn Độ hiện đang bị bùng phát COVID dẫn tới quyết định cấm xuất cảng vaccine của chính quyền New Delhi.
Khi được hỏi về vấn đề dư thừa vaccine, Andy Slavitt, cố vấn của tổng thống về phản ứng với COVID-19, cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay là chủng ngừa cho mọi người Mỹ bằng cách sử dụng các phòng khám di động và biến các trung tâm thương mại và trường học thành điểm tiêm chủng. Hoa Kỳ cũng cần nhiều loại vaccine để thực hiện các mũi tiêm nhắc lại và chủng ngừa cho trẻ em từ 11 tuổi trở xuống khi chúng đủ điều kiện.
Ông Slavitt nói với các phóng viên hôm thứ Ba: “Mục tiêu đầu tiên và hy vọng chính là người dân ở đất nước này sử dụng hết liều lượng vaccine mà chúng tôi đã mua và đó rõ ràng là con đường của chúng ta để bảo đảm sức khỏe tốt hơn và cuộc sống trở lại bình thường.”
Nếu người Mỹ vẫn tiếp tục từ chối tiêm chủng thì chính phủ phải làm gì với số vaccine của Hoa Kỳ, có khả năng ngày càng lớn hơn?.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus, gọi sự mất cân bằng nguồn cung vaccine toàn cầu là “một thảm họa đạo đức” và kêu gọi các quốc gia giàu có tặng số vaccine dư thừa cho các nước nghèo thay vì tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên vì chúng có nguy cơ mắc bệnh tương đối thấp.
Arthur Caplan, người điều hành một chương trình đạo đức vaccine và chính sách tại Grossman School of Medicine, Đại học New York, cho rằng khi một nước lo tiêm phòng cho người dân của mình trước khi hỗ trợ nước ngoài không phải là điều sai trái. Mỹ không thể giúp đỡ nước khác nếu Mỹ vẫn còn sa lầy trong đại dịch, và việc tiêm chủng cho thanh thiếu niên để ngăn chặn lây lan của virus là rất có ý nghĩa .
Tuy nhiên, ông Caplan đồng ý rằng thặng dư ngày càng tăng của Hoa Kỳ là một thách thức. Ông dự đoán các doanh nghiệp và trường học của Mỹ cuối cùng sẽ bắt buộc học sinh và nhân viên tiêm chủng sau khi vaccine được cấp phép đầy đủ. Caplan nói: “Điều tồi tệ nhất là chúng ta không tìm thấy người tiêm vaccine trước khi chúng hết hạn sử dụng”.
Về phần mình, các thống đốc vẫn đang cố gắng vận động cư dân của họ tiêm vaccine theo những cách gần như độc nhất của người Mỹ: rút thăm trúng thưởng tiền mặt, tặng học bổng đại học, tặng vé trò chơi và các trò hấp dẫn khác.
Nhưng ngay cả những nỗ lực đó dường như đang mất dần sức thu hút và các thống đốc có thể cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa.