Còn đúng ba tuần nữa là Tết Nhâm Dần 2022, một cái tết dự đoán là buồn não ruột. Cùng với nỗi khó khăn vì đại dịch COVID-19, người nông dân Việt Nam còn phải gánh chịu tổn thất nặng nề do nông sản xuất cảng sang Trung Quốc bị ách tắc ở biên giới, phải bán đổ bán tháo, thậm chí đổ bỏ vì hư hỏng. Thiệt hại mà vụ ách tắc này gây ra có thể lên tới $174 triệu, theo ước tính của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh ở Hà Nội. Cho dù ách tắc vì lý do gì thì nông dân và người buôn Việt Nam cũng là nạn nhân chính.
Đài VOA dẫn thống kê của các cơ quan Việt Nam cho biết, đến ngày 8 Tháng Một, ở các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn vẫn còn 3,600 xe container đang chờ thông quan sang Trung Quốc, so với 5,700 xe cách nay hơn hai tuần; con số xe bị kẹt ở các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh hiện là 1,260 xe. Sau các cuộc điều đình giữa chính quyền hai nước, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc bắt đầu mở thêm ba cửa khẩu ở thành phố Đông Hưng, đối diện thành phố Móng Cái của Việt Nam từ ngày 5 Tháng Một 2022; tuy vậy đến nay trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung chỉ có 8 trong 76 cửa khẩu, lối mở còn hoạt động; số còn lại đã ngừng hoạt động từ lâu do phía Trung Quốc cấm nhập cảng và siết chặt kiểm soát để phòng chống sự lây nhiễm của COVID-19.
Tuy mở thêm vài cửa khẩu nhưng Bắc Kinh lại đặt ra các quy định khó khăn mới như buộc công ty Việt Nam phải “đăng ký” và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã hàng mới được thông quan. Bạn hàng Trung Quốc nhập cảng nông sản bằng đường biển cũng thông báo cho các đối tác Việt Nam tạm nhập hàng vì các hải cảng Trung Quốc đang bị ùn ứ và công nhân cảng sắp nghỉ tết sớm. Báo Tiền Phong ở trong nước cảnh báo xuất cảng nông sản sang Trung Quốc có dấu hiệu ách tắc nặng hơn những ngày tới.
Xuất cảng nông sản sang Trung Quốc bị ách tắc ở biên giới năm nào cũng diễn ra vào lúc nông dân Đồng Bằng Sông Cửu Long thu hoạch sản phẩm, nhưng năm nay ách tắc đặc biệt nghiêm trọng khi Bắc Kinh thực hiện chính sách “zero-COVID”, đóng cửa khẩu và ngừng nhập cảng hàng hóa để đề phòng sự thâm nhập của coronavirus.
Tình trạng ách tắc nghiêm trọng trong năm nay phần lớn là do phía Trung Quốc. Báo Vietnamnet cho biết: “Bộ Công Thương cho rằng nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu dẫn đến hiện tượng ùn tắc hàng hóa là do phía Trung Quốc dừng hoàn toàn hoạt động thông quan tại gần như tất cả các cửa khẩu, trong đó có những cửa khẩu quan trọng, lượng hàng hóa xuất khẩu thông thường rất lớn như Kim Thành (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh). Với những cửa khẩu còn tạm thời mở cửa (như Hữu Nghị, Chi Ma, Hoành Mô), quy trình giao nhận hàng hóa được kiểm soát rất chặt để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh, dẫn đến ùn tắc trên diện rộng.”
Trang mạng VNExpress ngày 11 Tháng Một đưa tin: “Trung Quốc quyết định cho đóng cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu như “ngồi trên lửa”… Chưa dừng lại ở đó, ngay cả nông sản xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển cũng đột ngột bị tạm ngưng do chính quyền Trung Quốc siết chặt quy định phòng chống Covid-19 khiến thông quan chậm.”
***
Trung Quốc có lý khi đóng cửa biên giới, kiểm soát hàng hóa để ngăn chặn dịch bệnh. Luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên làm như vậy. Việt Nam không thể than phiền Trung Quốc mà cũng không có giải pháp nào khác ngoại trừ “năn nỉ” để phía bạn mở cửa mua hàng. Tuy vậy, cần để ý trong lúc chặn hàng hóa Việt Nam xuất cảng sang, chủ yếu là nông sản, thì Bắc Kinh vẫn ra sức xuất cảng hàng hóa vào Việt Nam, tận dụng hiệp định thương mại tự do khu vực RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) vừa có hiệu lực thi hành ngày đầu năm nay.
Vụ ách tắc cho thấy mối nguy của sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nói đúng hơn là vào các chính sách đỏng đảnh sớm nắng chiều mưa của nhà chức trách Bắc Kinh.
Những người quan sát tình hình Trung Quốc không lạ khi thấy chính quyền nước này thường xuyên sử dụng thương mại làm vũ khí địa chính trị, mở cửa hoặc đóng cửa biên giới đối với hàng hóa nước ngoài tùy thuộc vào mục tiêu chính trị từng thời điểm của đảng Cộng sản Trung Quốc, thường là để trả đũa một chính sách hoặc gây áp lực để ảnh hưởng tới một chính sách nào đó của nước ngoài.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng vũ khí thương mại với hàng loạt quốc gia, hạn chế, tăng thuế hoặc cấm nhập cảng một số hàng hóa chủ lực của các nước để trả đũa những quyết định chính trị mà Bắc Kinh không thích. Danh sách các “nạn nhân” của chính sách thương mại của Bắc Kinh hiện đã khá dài, chẳng hạn như Trung Quốc đã tăng thuế cao chót vót hàng hóa nhập cảng từ Úc, khi Úc đề nghị điều tra quốc tế về nguồn gốc COVID-19, cấm nhập cảng dầu cải Canada, khi Canada bắt giam công dân Trung Quốc, cấm vận các công ty Nam Hàn, khi Seoul cho phép Hoa Kỳ đặt hệ thống phòng thủ hỏa tiễn, cấm nhập cá hồi Na Uy, khi nước này trao giải Nobel Hòa Bình cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba hoặc cấm mua chuối của Philippines, khi Manila kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về tranh chấp Biển Đông.
Nạn nhân mới nhất bị cưỡng bức kinh tế gây xôn xao dư luận hiện nay là Cộng hòa Lithuania, một nước nhỏ ở vùng biển Baltic phía Bắc châu Âu mà người Việt Nam thường gọi là Cộng hòa Litva trong Liên Bang Xô Viết cũ. Mới đây Lithuania tăng cường quan hệ với Đài Loan, cho Đài Loan đặt một văn phòng đại diện thương mại ở thủ đô Vilnius làm Bắc Kinh nổi giận, dọa “ném Lithuania vào sọt rác của lịch sử”. Ngoài việc rút đại sứ khỏi Vilnius, hạ cấp quan hệ ngoại giao và ngừng mọi giao dịch thương mại với Lithuania, Trung Quốc đã buộc các tập đoàn đa quốc gia ngừng nhập cảng hàng hóa, nguyên liệu của nước này.
***
Vụ Trung Quốc đóng cửa biên giới với hàng hóa Việt Nam hiện nay có dấu hiệu của một vụ cưỡng bức kinh tế mà phòng chống COVID-19 chỉ là cái cớ. Cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia chưa xác nhận trường hợp coronavirus truyền nhiễm qua hàng hóa xuất nhập cảng và thế giới không có nước nào cấm xuất nhập cảng hàng hóa vì dịch bệnh, ngoại trừ những mặt hàng chiến lược được các chính phủ kiểm soát chặt như vaccine.
Trong thời gian gần đây Việt Nam có xu hướng đi gần với các nước phương Tây. Các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam đã liên tục công du các nước châu Âu, Nga, Nhật; đón tiếp nhiều nguyên thủ nước ngoài như Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong khi quan hệ với Trung Quốc có vẻ không nồng ấm như trước. Đã thế, Việt Nam còn giữ thái độ ỡm ờ, không ra mặt hoan nghênh nhưng cũng không phản đối những kế hoạch an ninh lớn của Mỹ trong khu vực, như sự ra đời liên minh quân sự Anh-Úc-Mỹ (AUKUS) và gia tăng mua vũ khí của Nga. Hành động của Việt Nam không làm cho Trung Quốc hài lòng và Bắc Kinh muốn có biện pháp nhắc nhở để Hà Nội phải biết mình là ai, đang phụ thuộc vào ai trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.
Người nông dân và thương lái vô tình bị biến thành nạn nhân trong trò chơi chính trị và nỗi đau khổ của họ là rất thật. Dẫu vậy, vụ ách tắc biên giới hiện nay là tiếng chuông cảnh báo, dù muộn màng, thôi thúc người dân, doanh nghiệp và chính quyền Việt Nam phải nhanh chóng tìm cách thoát ra khỏi sự phụ thuộc quá đáng vào Trung Quốc, đa dạng hóa thị trường xuất cảng để người nông dân có thể yên tâm sản phẩm mồ hôi nước mắt của họ sẽ không bị đổ bỏ vì một quyết định bất ngờ nào đó của một ông quan ở bên kia biên giới’
Đọc thêm: