“Để đồng hành hỗ trợ thanh niên về việc làm, tôi cho rằng tổ chức Đoàn nên coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và đây là giải pháp để nâng cao trình độ, tay nghề. Chỉ tiêu thứ 8 của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII có đặt chỉ tiêu hỗ trợ thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, trong đó nên đặt riêng chỉ tiêu giới thiệu 500.000 lao động đi xuất khẩu lao động”
Đó là phát biểu của Trần Kim Phẳng (Tỉnh đoàn Bến Tre) tại diễn đàn: Tổ chức Đoàn – người bạn đồng hành với thanh niên, diễn ra chiều 14 Tháng Mười Hai, tại Hà Nội mà báo chí đăng lại trong mấy ngày qua. Bài báo này mở ra một làn sóng phẫn nộ chen lẫn châm biếm về cách mà một chức sắc trong Đại hội Đoàn công khai cho khắp nước với thông điệp: Thanh niên là tài sản của chúng ta.
Vâng, thay vì nói “Thanh niên là tài nguyên của đất nước” không rõ nghĩa mấy, “tài sản của chúng ta” sẽ minh họa chân thực nhất phát biểu của ông Phẳng. Chúng ta là ai? Dĩ nhiên không có nhân dân trong đó, chúng ta là bọn chúng nó, những Đảng, những Đoàn, những mặt trận này tổ chức nọ. “Chúng ta” là bọn cầm quyền, là lực lượng vũ trang, là công an nhân dân là những dư luận viên nồng cốt. Trong thế giới “chúng ta” ấy con người không được mưu cầu hạnh phúc mà chỉ có bổn phận “lao động là vinh quang” câu chữ của thế kỷ trước vẫn âm thầm làm bạc nhược tinh thần quần chúng nhưng lại tô hồng thêm cách mà Đảng, Đoàn kêu gọi.
Từ vài chục năm qua Việt Nam vươn dần lên với số vốn đến từ nước ngoài, ban đầu là kiều hối từ đồng bào hải ngoại rồi dần dần từ số phận của những nữ nô ra đi trong những chương trình lấy chống Hàn Quốc, Đài Loan… kéo theo đó là làn sóng xuất khẩu lao động sang các nước kể cả những đất nước có nền văn hóa trù dập con người. Đồng tiền xương máu đổ về cho gia đình họ gián tiếp kéo nền kinh tế “làm thuê, bán sạch tài nguyên” ra khỏi đầm lầy kinh tế xã hội chủ nghĩa, tạo ra khuôn mặt son phấn của những tên hề trên sân khấu hay lộng lẫy phút chốc của những tập đoàn lấy tham nhũng lót tay làm chuẩn thay vì đào tạo một lớp người có kiến thức và tay nghể để tự làm chủ trong đất nước của mình.
Ông Phẳng còn nhấn mạnh: “xuất khẩu lao động rõ ràng giúp thanh niên có thu nhập cao, thoát được nghèo và quan trọng hơn là học hỏi được nhiều kỹ năng, ý thức kỷ luật và nâng cao tay nghề lao động hơn so với làm việc ở trong nước. Nhưng ở các địa phương hiện nay, vấn đề lao động xuất khẩu là công việc của ngành lao động, thương binh và xã hội và tổ chức Đoàn có rất ít để hoạt động để đồng hành hỗ trợ thanh niên.”
Thói quen ăn tạp của Bộ Lao Động và Thương binh – Xã hội đã bị ông Phẳng “cạnh tranh” và nhấn mạnh. Thói quen này nhiễm vào thói tự mãn của nhà nước gây cho chúng những hưng phấn giả, những ngạo nghễ trẻ con và tạo thành tâm lý ăn xổi ở thì. Đồng tiền kiếm được từ lúc thành lập hồ sơ cho tới đưa một lao động xuất khẩu lên máy bay đã tạo cho nhà nước này một thứ “mãi lộ” không hơn không kém. Trung bình 7 ngàn đô la cho một hồ sơ đã làm cho ý tưởng mang 500 ngàn thanh niên xuất khẩu lao động trở thành háo hức, thành nghị quyết và thành chỉ tiêu như ông Phẳng công khai trong một đại hội lẽ ra phải bàn bạc làm cách nào để thanh niên tiến thân bằng chính kiến thức, nghể nghiệp của mình lại nói thẳng chỉ có con đường xuất khẩu lao động là tốt nhất.
Mối lợi này vốn bị Bộ Lao Động và Thương Binh Xã Hội chiếm đoạt, nay ông Phẳng kêu gọi Đoàn phải lấy lại vì thanh niên là tài sản của “chúng ta”.
Mà xuất khẩu lao động là gì hở ông Phẳng? Là ở đợ, là làm đĩ, là công nhân hạng bét. Là đói khát, là chui lủi, là bất hợp pháp nếu là nam. Là bạo hành, là cưỡng đoạt, là hiếp đáp nếu là nữ. Những cái “là” ấy chắc Nhà nước biết rõ trong lòng bàn tay nên hiếm khi nghe một viên chức nào phát biểu như ông cả, bởi họ ít ra còn một chút lương tri, không ăn càn nói bậy như ông vì tận cùng cái mục đích của xuất khẩu lao động là đem con bỏ chợ, là khước từ trách nhiệm của một nhà nước đối với nhân dân của mình.
Đành rằng nghèo lắm họ mới đùm túm nhau để chết chùm một lúc ba mươi chín con người trong một chiếc container. Đành rằng gia đình đã đụng tới bến bờ tuyệt vọng mới đẩy con đi làm những Thúy Kiều thời đại. Đành rằng sau khi tốn tiền tốn công ngồi mài đũng quần trong các đại học hoành tráng vẫn không xin được việc khi ra trường họ mới buộc lòng nộp đơn đi làm cu li ở Nhật ở Hàn… Nhưng những cái “đành rằng” ấy do ai mà ra nếu không phải từ những cái đầu bần cố nông đang ở trong mọi vị trí lãnh đạo đất nước này?
Ông có biết rằng mỗi năm họ gửi về gia đình nhiều tỷ mỹ kim có ý nghĩa như thế nào không? Đó là mồ hôi, là nước mắt là những đêm thức trắng làm việc ngoài giờ. Là những cay đắng trộn lẫn trong chén cơm ăn vội giữa giờ, là tuyết giá, là cái nóng nung người, là nước mắt phải nuốt vào trong khi chủ nhân giày xéo tra khảo bằng lời lẽ hay tay chân.
Đáng lẽ là người hoạt động trong Đoàn thanh niên Cộng sản ông phải lợi dụng đại hội để nêu lên những điều đau lòng này và kêu gọi nhà nước nghĩ ra kế sách giúp cho thanh niên có kiến thức trong tay nghề, có lòng tự trọng và danh dự giống nòi. Thay vì ra chỉ tiêu ông nên lên tiếng cho các đại sứ quán có công nhân xuất khẩu phải thực hiện đúng bổn phận trách nhiệm của họ đối với công dân của mình thay vì tịch thu hộ chiếu, ngăn cản khiếu nại, đè ép đơn từ như vẫn đang làm.
Năm trăm ngàn thanh niên nếu nộp đơn xin gia nhập đội quân xuất khẩu lao động thì nhà nước kiếm liền tay 37 tỉ tiền lệ phí. Nhưng cái con số ấy nghĩa lý gì khi quốc gia mỗi năm một nhiều số lượng ăn mày trên khắp thế giới?