Người Việt chỉ cần gõ chữ “công án đánh dân” trên Google sẽ thấy hàng triệu kết quả. Nạn công an bạo hành dân không xa lạ với người Việt. Trong thực tế, nạn bạo hành cảnh sát xảy ra ở tất cả mọi quốc gia. Ngay cả ở quốc gia dân chủ tiến bộ như Hoa Kỳ, người dân cũng đã và đang phải đau đầu với nạn bạo lực cảnh sát.
Thế nào là bạo lực cảnh sát?
Bạo lực cảnh sát (hoặc ‘bạo hành công an’ khi nói về Việt Nam) xảy ra khi lực lượng này sử dụng vũ lực quá mức, không cần thiết trong các cuộc đối mặt với dân thường. Bạo hành cảnh sát cũng có thể là đe dọa tâm lý, bắt giữ sai trái, và lạm dụng tình dục. Hầu như mỗi quốc gia có đạo luật quy định cách thức và thời điểm cảnh sát có thể sử dụng vũ lực, đặc biệt là vũ lực gây chết người.
Theo luật pháp quốc tế, cảnh sát chỉ nên sử dụng vũ lực gây chết người như là phương sách cuối cùng. Có nghĩa là chỉ khi lực lượng an ninh cảm thấy thực sự cần thiết để bảo vệ bản thân hoặc những người khác trước nguy cơ tử vong, hoặc thương tích nghiêm trọng sắp xảy ra và không thể thực hiện các giải pháp khác. Nghĩa vụ cao nhất của các cơ quan nhà nước, kể cả cảnh sát, là tôn trọng và bảo vệ quyền sống.
Nhiều vụ bạo lực dã man, thậm chí giết người do cảnh sát gây ra ở khắp thế giới rõ ràng không đáp ứng tiêu chí này. Tại Hoa Kỳ, Tyre Nichols, George Floyd, Michael Brown, Breonna Taylor, Eric Garner và nhiều người da đen khác đã bị cảnh sát giết mà không có vũ khí. Ở Philippines, các nhân chứng đã mô tả nhìn thấy cảnh sát bắn những người nghèo bị nghi ngờ sử dụng, hoặc bán ma túy khi họ đang nằm trên mặt đất để van xin tha mạng.
Nguyên nhân gây ra nạn bạo lực cảnh sát?
Ở những quốc gia có tỷ lệ cảnh sát giết người cao, nguyên nhân bao gồm luật pháp không nghiêm minh, nạn phân biệt chủng tộc, và tình trạng mất an ninh. Việc cảnh sát không bị trừng phạt sau những vụ giết người thường dẫn đến vòng tròn bạo lực chết người. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, ở Brazil, các sĩ quan thường giết những người ‘thấp cổ bé họng’, phần lớn là thanh niên da đen, vì biết rằng những vụ giết người này hiếm khi bị điều tra hoặc truy tố.
Bạo lực cảnh sát ở Hoa Kỳ
Trong vài thập kỷ qua, người Mỹ thường phải đối mặt với nhiều vụ bạo lực cảnh sát. Theo dữ liệu của Washington Post, cảnh sát đã bắn chết ít nhất 1.055 người trên toàn quốc năm 2021, nhiều nhất kể từ năm 2015 khi tạp chí này bắt đầu theo dõi các vụ bắn chết người của các cảnh sát.
Một trong những vụ bạo lực cảnh sát gây chấn động Hoa Kỳ và thế giới xảy ra vào ngày 25 Tháng Năm năm 2020. George Floyd, một người đàn ông da đen 46 tuổi, bị một cảnh sát ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota tước đoạt quyền sống bằng cách đè đầu gối lên cổ trong gần chín phút. Vụ giết người kinh hoàng này đã châm ngòi hàng loạt cuộc biểu tình trên khắp Hoa Kỳ, yêu sách công lý và chấm dứt sự tàn bạo của cảnh sát đối với người da màu.
Cứ ngỡ người Mỹ sẽ không phải đối mặt với cảnh tượng đau lòng như bi kịch George Floyd. Nhưng, mới đây, ngày 7 Tháng Giêng năm 2023, dư luận Mỹ lại phẫn nộ khi năm cảnh sát da đen ở thành phố Memphis, bang Tennesse, đã đánh đập dã man Tyre Nichols (29 tuổi). Nạn nhân chết sau ba ngày nhập viện. Theo video được công bố, năm cảnh sát đã không ngừng đá, đấm, xịt hơi cay, chích điện bằng súng Taser, và dùng dùi cui tấn công Nichols. Trong lúc bị cảnh sát tấn công, Nichols gào khóc gọi mẹ.
Hiện tại, năm cảnh sát Memphis và hai nhân viên sở cứu hỏa đã bị đuổi việc và đối mặt với tội giết người cấp độ hai cùng các tội danh nghiêm trọng khác. Dư luận phần nào được xoa dịu khi công tố viên thành phố đưa ra các cáo buộc nghiêm trọng với năm cảnh sát trong một khoảng thời gian ngắn, chưa tới ba tuần sau vụ việc.
Phân biệt chủng tộc là một trong những yếu tố trong các vụ bạo lực cảnh sát ở Hoa Kỳ. Theo tổ chức Mapping Police Violence, một nhóm phi lợi nhuận chuyên theo dõi các vụ bạo hành cảnh sát, người da đen, chiếm 13% dân số Hoa Kỳ, nhưng chiếm 27% trong số những người bị cảnh sát bắn chết vào năm 2021. Tỷ lệ cảnh sát bắn chết người Da đen không vũ khí ở Hoa Kỳ cao hơn gấp 3 lần so với người Da trắng, theo nghiên cứu của Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng.
Trong vụ Tyre Nichols, cả 5 cảnh sát và nạn nhân đều là người da đen. Vì thế, một số người cho rằng nếu cảnh sát và nạn nhân đều là người da đen, thì chuyện phân biệt chủng tộc là không thể xảy ra. Tuy nhiên, các chuyên gia và luật sư nói với USA TODAY rằng chủng tộc của cảnh sát không phải là yếu tố quan trọng so với chủng tộc của nạn nhân. Họ nói rằng “văn hóa hệ thống cảnh sát có lịch sử thiên vị” đối với người Da đen, khiến họ thường gặp rủi ro, bất kể cảnh sát thuộc chủng tộc nào.
Joanna Schwartz, giáo sư tại Trường Luật UCLA nhấn mạnh: “Hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác cho thấy người Da đen dễ bị chặn lại hơn, dễ bị khám xét hơn, dễ bị hành hung hơn, dễ bị giết hơn. Tôi không nghĩ bạn có thể nói rằng đây không phải về chủng tộc vì các cảnh sát là người Da đen. Không có gì ở đất nước chúng ta tách biệt khỏi vấn đề chủng tộc. Cả vấn đề này cũng vậy.”
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), thảm kịch Tyre Nichols nhắc nhở người Mỹ “về những thay đổi cơ bản cần thiết” đối với hệ thống cảnh sát, đặc biệt là trong cách hành xử với cộng đồng người Da đen. Sự phẫn nộ của công chúng Mỹ sau vụ Tyre Nichols được thấy qua các cuộc biểu tình ở khắp kêu gọi hệ thống tư pháp Hoa Kỳ phải cải cách hệ thống để chấm dứt tình trạng bạo lực gây chết người đang tàn phá các cộng đồng da màu, đặc biệt là cộng đồng Da đen, trên khắp nước Mỹ.
Bạo lực cảnh sát ở Việt Nam
Tình trạng công an ở Việt Nam hoặc ở các quốc gia độc tài dùng bạo lực quá mức là “căn bệnh không có thuốc chữa.” Nguyên nhân chính là do lực lượng công an và quân đội là “thanh kiếm bảo vệ chế độ chống lại các thế lực thù địch”. Điều kiện đầu tiên để tuyển chọn lực lượng công an Việt Nam không phải là trình độ, mà là “trung thành với chế độ”. Vì thế, lực lượng công an Việt Nam không được đào tạo chuyên nghiệp về luật pháp, lẫn nghiệp vụ. Mục đích chính của lực lượng công an tập trung vào việc bảo vệ đảng, hơn là an toàn của người dân.
Thêm nữa, pháp luật là sản phẩm và công cụ của nhà cầm quyền Việt Nam trong việc bảo vệ sự tồn vong của chế độ. Bởi thế, luật pháp Việt Nam không nghiêm minh, dẫn đến coi thường pháp luật trong mọi tầng lớp, đặc biệt là sự lạm quyền của tầng lớp công an và quân đội. Hơn nữa, nền tư pháp Việt Nam không áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với các bị can, nên việc công an bắt người rồi tra tấn để buộc nhận tội thường xuyên xảy ra.
Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nhà cầm quyền Việt Nam “không có hệ thống để trừng phạt những công an viên bạo hành.” Và khi công an phạm tội, họ chỉ bị kỷ luật nội bộ rất nhẹ, hiếm khi nào bị buộc ra khỏi ngành. Công an gây ra bạo lực gần như không bị truy tố hay kết án và nếu có bị xử, thì chỉ nhận mức án nhẹ hoặc án treo. Thêm vào đó, truyền thông và báo chí bị nhà cầm quyền kiểm soát và kiểm duyệt khắt khe, nên thông tin về các vụ bạo hành của công an “chưa đầy đủ, thiếu chiều sâu, và không đi đến truy cứu trách nhiệm.”
Trường hợp công an đánh dân gần đây xảy ra ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, khi đại úy công an Phan Văn Trung đã đánh, đá liên tục vào một người đàn ông. Cảnh bạo lực này được chia sẽ trên mạng xã hội ngày 27 Tháng Một năm 2023 và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Ngày 29 Tháng Một, trưởng công an huyện Châu Thành ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phan Văn Trung. Điều cần nhấn mạnh là vụ việc này đã xảy ra vào tối ngày 20 Tháng 12 năm 2022 theo các tờ báo trong nước, như Thanh Niên hoặc Dân Trí. Nghĩa là vụ này không bị xử lý sau gần một tháng. Thử tưởng tưởng nếu đoạn clip không được công bố, thì chuyện Phan Văn Trung đánh dân có lẽ mãi là “bí mật quốc gia!”
Vấn nạn bạo hành cảnh sát luôn gây ra nỗi đau tột cùng cho những người thân của nạn nhân. Hình ảnh người thân nhất của mình bị cảnh sát (công an) hành hạ bạo lực, dã man là vết thương khó có thể được chữa lành. Vấn nạn này sẽ không bao giờ giảm đi, nếu người dân ở quốc gia đó im lặng chấp nhận nó. Tất nhiên, cần nhiều yếu tố để giảm tình trạng bạo hành cảnh sát, gồm áp dụng luật pháp nghiêm minh & công bằng, điều tra kỹ lưỡng các khiếu nại liên quan đến nạn bạo hành cảnh sát, và đặt ra các quy định hạn chế cảnh sát sử dụng vũ lực giết người.
Bởi thế, các nhà hoạt động và đoàn thể ở Hoa Kỳ đã và đang vận động kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực cảnh sát và trừng phạt thích đáng những cảnh sát dùng bạo lực quá mức với người dân. Ở Việt Nam, trước khi mạng xã hội phổ biến, rất nhiều vụ công an đánh dân đã bị cho “chìm xuồng”. Nhưng từ khi mạng xã hội phổ biến, các đoạn clip bạo hành công an phần nào giành được sự chú ý của nhà cầm quyền Việt Nam trong thời gian ngắn.
Sẽ mất nhiều thời gian và nỗ lực để làm giảm nạn bạo lực cảnh sát. Chỉ cần đông đảo người dân không từ bỏ vai trò giám sát của mình và kiên trì đồng thanh phản đối vấn nạn này, thay đổi tích cực có thể chậm, nhưng sẽ đến!