Bạo lực súng ở Mỹ: Mối đe dọa an ninh quốc gia thật sự

Bạo lực súng đạn ở Mỹ đã trở thành vấn đề khẩn cấp về an ninh quốc gia
Sinh viên biểu tình trước trụ sở Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ sáng nay 28 tháng Năm 2022 đòi chấm dứt bạo lực súng đạn và tôn trọng quyền sinh sản an toàn. Ảnh Tasos Katopodis/Getty Images

Vụ thảm sát kinh hoàng ở trường tiểu học Robb Elementary School tại thị trấn Uvalde, Texas hôm thứ Ba vừa qua gây chấn động nước Mỹ. Đã có nhiều ý kiến phân tích, bình luận về sự kiện này, tình trạng bạo lực súng đạn ngày càng tăng và giải pháp cho vấn đề. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến sâu sắc của Đại tướng John Allen, nguyên chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ và NATO tại các chiến trường Iraq, Afghanistan và hiện là Chủ tịch Viện Brookings, cơ quan nghiên cứu chính sách hàng đầu Hoa Kỳ. Ông Allen viết bài này từ tháng Tám 2019, cách đây ba năm, nhưng đến nay vẫn đầy tính thời sự.

Đó là tháng Tư năm 2007 và tôi đang ở sở chỉ huy của mình ở tỉnh Al Anbar, khu vực bạo lực nhất Iraq trong năm bạo lực nhất của cuộc chiến. Trong một cuộc điện thoại từ Hoa Kỳ, tôi được trấn an rằng con gái tôi ở Đại học Virginia Tech còn sống và không hề hấn gì nhưng một trong những bạn thân của cô bé đã thiệt mạng, một số bạn bè khác đang vật lộn giành sự sống trong các ca phẫu thuật khẩn cấp. Ngày hôm đó, 32 người đã bị sát hại trong khuôn viên trường đại học, nhiều hơn rất nhiều so với số thương vong của chúng tôi ở Iraq và Afghanistan trong cùng ngày.

Bạo lực súng đạn ở Mỹ đã trở thành vấn đề khẩn cấp về an ninh quốc gia. Chỉ trong tuần qua, đã có ít nhất 36 người thiệt mạng và 50 người khác bị thương trong bốn vụ xả súng hàng loạt riêng biệt. Trong hai thập niên qua, hàng trăm nghìn người Mỹ đã bị giết bởi súng đạn – và mặc dù số liệu thống kê khác nhau tùy từng nguồn dữ liệu, nhiều ước tính cho rằng số người chết vì bạo lực súng đạn đã ngang bằng với tổng số quân nhân thiệt mạng của quân đội Hoa Kỳ kể từ khi Thế chiến thứ Nhất bắt đầu.

Là một cựu chiến binh trong các cuộc chiến Iraq và Afghanistan – và đã chỉ huy các lực lượng Hoa Kỳ và NATO ở Afghanistan – tôi đã quá quen thuộc với mối đe dọa của bạo lực súng đạn vô cớ và sự lan tràn của vũ khí giết người. Từ kinh nghiệm đó, tôi càng thấy xót xa khi người Mỹ ngày nay có nhiều khả năng phải hứng chịu bạo lực súng đạn hơn cả ở những nơi mà tôi được cử đến với danh nghĩa bảo vệ đất nước của chúng ta.

Không quốc gia nào khác có số người chết vì súng đạn thậm chí chỉ bằng một nửa Hoa Kỳ và không quốc gia nào sánh được với Hoa Kỳ về số lượng súng đạn đang lưu hành bên trong biên giới. Về vấn đề này Hoa Kỳ là một ngoại lệ trong cộng đồng các quốc gia và bất kể quan điểm về Tu chính án thứ Hai như thế nào, chỉ riêng dữ kiện đó cũng phải khiến mọi người Mỹ phải dừng lại và suy nghĩ.

Hơn nữa, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa dân tộc da trắng cũng như thượng tôn da trắng đang gia tăng ở Hoa Kỳ — và nhiều vụ xả súng hàng loạt gần đây nhất đã được thúc đẩy bởi những lời lẽ bạo lực, phân biệt chủng tộc. Vụ xả súng ở El Paso diễn ra sau khi [hung thủ] đăng một bản tuyên ngôn nêu rõ “cuộc xâm lược của người gốc Tây Ban Nha tại Texas” và các chi tiết nhằm phân chia nước Mỹ thành các vùng lãnh thổ theo chủng tộc. Những ý tưởng đáng khinh bỉ và hoàn toàn đáng lên án này đang được nuôi dưỡng trong những cái đầu xấu xa ở ngày càng nhiều nơi; các chuyên gia dự đoán rằng xu hướng này sẽ tiếp tục. Và trên thực tế, chính luận điệu phân biệt chủng tộc của tổng thống [Donald Trump] đã làm trầm trọng thêm động lực này, làm tê liệt các hành động có trách nhiệm của các đại diện dân cử và củng cố sự chia rẽ trong xã hội chúng ta.

Trong ​​cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (Islamic State – ISIS) tôi đã tận mắt chứng kiến bằng cách nào mà sự cực đoan hóa – đặc biệt là thông qua internet – có thể là một nhân tố chính trong việc tuyển mộ quân khủng bố. Chúng ta cần thành thật về thực tế là người Mỹ đang bị cực đoan hóa ngay tại thời điểm này trên các nền tảng Internet như mạng 4chan, hoặc gần đây là mạng 8chan. Chúng ta cần thức tỉnh trước thực tế rằng sự khoan dung của quốc gia chúng ta đối với bạo lực và sự cực đoan hóa trên mạng của người Mỹ — và đặc biệt là của những người đàn ông da trắng bất mãn — là mối đe dọa an ninh quốc gia trước mắt và ngày càng gia tăng. Hiến pháp mà tôi và rất nhiều người khác đã tuyên thệ bảo vệ đã bảo vệ quyền sở hữu và sử dụng súng của người Mỹ. Điều đó không phải nghi vấn. Nhưng chúng ta không thể cho phép sự tự do đó ngăn cản chúng ta cứu mạng sống và bảo vệ đất nước.

Nếu 36 người bị giết trong một tuần bởi các tổ chức al Qaeda, ISIS, Boko Haram hoặc bất kỳ nhóm khủng bố nào khác mà tôi đã chiến đấu chống lại trong sự nghiệp của mình, thì bất kỳ tổng thống nào – kể cả tổng thống hiện nay – sẽ ra lệnh cho quân đội Mỹ ra nước ngoài để loại bỏ tận gốc mối đe dọa đó. Các nhóm thánh chiến Hồi Giáo (jihadist) cực đoan hóa những người đi theo họ để chúng căm ghét và hành động theo sự căm ghét nhằm tiêu diệt toàn bộ cộng đồng và dân tộc. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, khi mối đe dọa giống như vậy đến từ bên trong thì chúng ta không thể huy động các nguồn lực và tiềm năng đáng kể của chúng ta để xử lý chúng một cách có ý nghĩa. Sự thật khủng khiếp là kể từ sự kiện ngày 11 tháng Chín, nhiều người Mỹ bị giết bởi những kẻ khủng bố trong nước và những kẻ cực đoan da trắng dưới nhiều hình thức kỳ dị hơn là số người Mỹ bị giết bởi những kẻ khủng bố nước ngoài. Hậu quả là, trên khắp nước Mỹ, các không gian công cộng, bao gồm cả những nơi thờ tự, đang phải lập ra các kế hoạch an ninh tương tự như kế hoạch của các căn cứ quân sự của chúng ta.

Nếu đó không phải là mối đe dọa đối với cuộc sống của chúng ta, đối với an ninh quốc gia của chúng ta, thì tôi không biết cái gì mới là mối đe dọa.

Người biểu tình ở New York hôm 26 tháng Năm 2022 mang hình ảnh những học sinh bị giết chết trong vụ xả súng hàng loạt ở Texas hai ngày trước đó để đòi hỏi chấm dứt bạo lực súng đạn. Ảnh Alexi Rosenfeld/Getty Images

Phản ứng của chúng ta với tư cách một quốc gia là phải có cả các biện pháp bảo vệ và phòng ngừa để các trường học và cộng đồng của chúng ta được an toàn. Các cộng đồng thực thi pháp luật và an ninh quốc gia của chúng ta có các hướng dẫn rất rõ ràng và các phản ứng thậm chí rõ ràng hơn đối với các kiểu đe dọa như vậy và rất nhiều công việc về bảo vệ đã được tiến hành. Khu vực dân sự trong nước – những người sản xuất, mua hoặc bán súng – cũng có nghĩa vụ đạo đức phải tham gia thành một phần của giải pháp. Nhưng chúng ta chưa được tổ chức hiệu quả ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương để thực hiện nhiệm vụ to lớn là bảo vệ một danh sách gần như vô tận các mục tiêu tiềm năng trong khắp xã hội mở của chúng ta.

Các biện pháp ngăn chặn phải được thực hiện ngay lập tức để ngăn chặn những kẻ xấu có được vũ khí tấn công hỏa lực lớn. Không người dân nào cần sở hữu một vũ khí tấn công giống với vũ khí mà tôi đã mang ở Iraq. Và cũng vậy, không người Mỹ nào cần sở hữu một kiểu súng trường mà kẻ thù của chúng ta đã mang ở Iraq và Afghanistan. Việc bạn và tôi thấy những thứ này và những vũ khí nguy hiểm tương tự được mua bán dễ dàng trên khắp nước Mỹ là một chuyện hết sức điên rồ.

Chúng ta phải phẫn nộ khi các đơn vị SWAT tinh nhuệ lao đến bảo vệ chúng ta nhưng họ phải đối đầu với những sát thủ mặc áo giáp và có hỏa lực gần tương đương với hỏa lực của họ. Nhưng thay vì phẫn nộ, chúng ta đã trở nên vô cảm. Chúng ta đã bị điều kiện hóa và thích nghi với thực tế đó và giờ đây chúng ta đã quen với những cuộc tranh luận vô tận, được diễn tập kỹ lưỡng diễn ra trên các mạng trực tuyến và trong hội trường Quốc Hội. Những lời hùng biện đau buồn và phẫn nộ của các chính trị gia là vô nghĩa khi họ không thông qua luật và thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ người Mỹ. Chúng ta không thể để chu kỳ này tiếp tục và nếu chúng ta không sẵn sàng làm mọi thứ trong khả năng của chúng ta để kết thúc cái vòng luẩn quẩn này, thì thật là xấu hổ cho chúng ta với tư cách một dân tộc.

Bạo lực súng đạn là tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, hòa bình và thịnh vượng trong tương lai của người Mỹ phụ thuộc vào việc tìm ra các giải pháp có ý nghĩa.

(*) John Rutherford Allen hiện là Chủ tịch Viện Brookings – một cơ quan nghiên cứu tầm cỡ về chính sách, chiến lược và quốc tế tại Washington. Trước khi nghỉ hưu và hoạt động dân sự, ông là đại tướng (bốn sao) chỉ huy lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế của NATO (ISAF) và tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ ở Afghanistan; phó tư lệnh Lực lượng Đa quốc ở Iraq. Ông cũng là tác giả nhiều công trình nghiên cứu về địa chính trị, chiến tranh tương lai và tham gia nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng của Mỹ ở châu Âu, Israel-Palestine và Đông Á. 

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: