Biển Đông vào mùa biển động

Các máy bay được phân công cho Cánh quân Hàng Không Mẫu Hạm (CVW) 17 bay qua các Nhóm tấn công Hàng Không Mẫu Hạm Roosevelt và Nimitz ở Biển Đông. (U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist Seaman Deirdre Marsac)
HIẾU CHÂN

Những người đi biển dày dạn kinh nghiệm đều biết, thời gian cuối Đông đầu Xuân là thời điểm nguy hiểm nhất. Lúc này chưa có những cơn bão lớn có sức tàn phá dữ dội bùng lên rồi tan trong vài ngày, nhưng biển có những luồng chảy ngầm, những trận gió Đông Bắc dai dẳng có thể nhấn chìm những con tàu cứng cáp nhất. Trong vài tháng qua, tình hình Biển Đông cũng có những luồng chảy ngầm như vậy, khi các cường quốc tăng cường phô diễn ý chí, làm tăng nguy cơ xung đột, đòi hỏi tất cả các bên liên quan phải cảnh giác.

Hàng không mẫu hạm Nimitz dẫn đầu đội hình các tàu từ nhóm tàu tấn công Nimitz và Theodore Roosevelt cùng hoạt động trong Biển Đông. (Hình: US Navy/Mass Communication Specialist 2nd Class Markus Castaneda)

Bắt đầu từ Trung Quốc – quốc gia có tham vọng thống trị vùng biển huyết mạch của thương mại thế giới. Lợi dụng lúc nước Mỹ đang “bối rối” sau cuộc bầu cử tổng thống nhiều tranh cãi, và các nước láng giềng trong khu vực đang chật vật chống dịch COVID-19, Bắc Kinh đã đẩy mạnh các hành động xâm lấn trên các quần đảo ở Biển Đông. Sau khi đã bồi đắp và quân sự hóa các đảo ở Trường Sa mà Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1988, Trung Quốc xoay sang bồi đắp mở rộng đảo Phú Lâm – đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa với kế hoạch đưa khoảng 500 gia đình ra định cư ở đảo này.

Nhưng đáng ngại hơn cả là ngày 22 Tháng Giêng, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký ban hành Luật Hải Cảnh mới, cho phép lực lượng cảnh sát tuần dương nước này được nổ súng tấn công các tàu bè nước ngoài trong trường hợp cần thiết, được phá dỡ các kiến trúc mà các nước khác xây dựng trong khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố thuộc chủ quyền của họ, tức là trong vùng biển đường lưỡi bò chín đoạn bao quanh mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra một cách bất hợp pháp.

Cùng với việc gia tăng sức ép lên Đài Loan bằng cách đưa phi cơ chiến đấu liên tục xâm nhập vùng nhận diện phòng không phía Nam đảo quốc, liên tục tập trận ở phía Tây bán đảo Lôi Châu trong Vịnh Bắc Bộ cuối Tháng Giêng và đầu Tháng Hai để gây sức ép với đại hội đảng CSVN, với Luật Hải Cảnh mới và hiếu chiến rõ ràng Trung Quốc đang đẩy căng thẳng ở Biển Đông lên một bước mới, vừa nhắm đạt được mục tiêu chiến lược là bành trướng lãnh thổ, vừa thăm dò phản ứng của tân chính phủ ở Hoa Kỳ.

Tất nhiên nước Mỹ đã phản ứng. Mặc dù mới lên cầm quyền, nhiều vị trí quan trọng chưa có người đảm nhiệm và phải giải quyết nhiều thách thức khủng khiếp về đối nội, chính quyền của Tổng Thống Joe Biden vẫn phản ứng rất kịp thời và mạnh mẽ với sự leo thang gây hấn của Trung Quốc. Hai ngày sau khi nhậm chức, chính phủ Biden đã cho hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đi vào Biển Đông và bỏ neo tại đó hậu thuẫn cho các cuộc hành quân bảo vệ tự do hàng hải của khu trục hạm USS John S. McCain ở eo biển Đài Loan và quần đảo Hoàng Sa. Trong thời gian này, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Nimitz cũng rời vùng Vịnh Ba Tư để trở lại Biển Đông, phối hợp với USS Theodore Roosevelt thực hiện cuộc tập trận quy mô lớn của hai nhóm hàng không mẫu hạm bắt đầu từ Thứ Ba, 9 Tháng Hai, trong sự tức tối của Trung Quốc.

Tham gia cùng Hải Quân Hoa Kỳ ở Biển Đông mới đây Pháp đã cử tàu ngầm tấn công nguyên tử SNA Emeraude cùng với hộ tống hạm BSAM Seine đi tuần tra Biển Đông, Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly thông báo trên Twitter vào cuối ngày Thứ Hai sau khi cuộc hành quân vừa hoàn tất.

Anh Quốc và Đức cũng đã xác nhận kế hoạch đưa chiến hạm – và cả hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth mới nhất của Hải Quân Hoàng Gia Anh – tới vùng Biển Đông, tập trận cùng với Hải Quân Nhật Bản trong mùa Xuân này và tham gia các cuộc hành quân bảo vệ tự do hàng hải do Hoa Kỳ khởi xướng. Như vậy, chỉ trong hai mươi ngày đầu tiên cầm quyền, chính phủ Hoa Kỳ đã không những không “mềm yếu” với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông mà còn tỏ ra cứng rắn không kém chính quyền tiền nhiệm của ông Donald Trump. Hơn thế nữa, chính sách liên minh với các quốc gia “có cùng tư tưởng” trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh đã bắt đầu khởi động. Nhìn rộng ra, ngoài cam kết tham gia hoạt động hành quân bảo đảm tự do hàng hải từ các nước Âu Châu như Anh, Pháp, Đức, các đồng minh Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng đã tăng tốc phối hợp, hình thành một thế trận bao vây Trung Quốc trên Biển Đông.

Vào Thứ Tư, 10 Tháng Hai, lực lượng không quân ba nước Mỹ, Nhật, Úc sẽ bắt đầu cuộc tập trận Cope North 2021 kéo dài đến ngày 19 Tháng Hai nhằm chuẩn bị cho việc đối phó với âm mưu tấn công bằng hỏa tiễn của Nga và Trung Quốc. Một hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ (Quad – gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ) cũng sắp được tổ chức theo đề nghị của Hoa Kỳ, như là một bước đệm tiến tới hình thành một liên minh quân sự Á Châu theo kiểu NATO để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

Rõ ràng trên bàn cờ Biển Đông, các quân cờ đang di chuyển rất nhanh và rất quyết liệt, va chạm là khó  tránh khỏi, còn va chạm có bùng phát thành xung đột vũ trang hay không là chuyện chưa biết trước được, nhất là sau khi Trung Quốc cho phép cảnh sát biển của họ được phép nổ súng tấn công tàu bè nước ngoài.

***

Tại sao Biển Đông nổi sóng trong thời điểm này? Tham vọng bá chủ của Trung Quốc thì ai cũng đã rõ; Bắc Kinh sẽ càng ngày càng leo thang để biến Biển Đông thành ao nhà của họ, tận dụng mọi thời cơ mà tình hình quốc tế đem lại.

Hoa Kỳ, từ khi xác định Biển Đông là “lợi ích quốc gia” của mình như tuyên bố của cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton năm 2010, đã ngày càng hoạt động mạnh tại vùng biển chiến lược này, bởi vì Hoa Kỳ hiểu biết rõ nếu Biển Đông rơi vào sự thống trị của Trung Quốc thì chẳng những giao thương quốc tế bị trở ngại mà quân đội Hoa Kỳ cũng bị cản trở trong việc cứu viện các đồng minh Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Philippines khi chiến sự xảy ra.

Trung Quốc đánh giá cuộc chuyển giao quyền lực quốc gia ở Mỹ là thời điểm thuận lợi nhất để lấn tới, còn Hoa Kỳ cũng coi việc chính phủ Biden lên thay chính phủ Trump là cơ hội để củng cố lại các mối quan hệ đồng minh ở Á Châu, lập mặt trận thống nhất kiềm chế Trung Quốc sau bốn năm Mỹ “đơn thương độc mã” đấu với Bắc Kinh.

Hành động được coi là tiêu biểu nhất cho chính sách Biển Đông của Mỹ hiện nay là duy trì và tăng cường các cuộc tuần tra bảo vệ an ninh hàng hải, gọi tắt là FONOPs (Freedom of Navigation Operations), đưa các chiến hạm liên tục hành quân trên Biển Đông. Nhiều người nghĩ rằng, FONOPs của Mỹ chỉ là trò “rung cây nhát khỉ,” không đủ sức làm cho Trung Quốc phải e sợ mà thúc thủ, bằng chứng là từ khi chương trình FONOPs được Mỹ bắt đầu năm 2013 dưới thời Tổng Thống Barack Obama đến nay, Bắc Kinh chẳng những đã không giảm mà còn leo thang các hành động gây hấn trên Biển Đông, cao điểm là bồi đắp và quân sự hóa các đảo đá ở Trường Sa. Nhận định đó không hoàn toàn sai nhưng trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, khi chưa có một liên minh như NATO Á Châu và không muốn kích hoạt một cuộc chiến tranh trên quy mô lớn thì chiến thuật FONOPs của Mỹ là lựa chọn tối ưu nhất.

FONOPs, với sự hiện diện thường trực của các chiến hạm tối tân của Mỹ có tác dụng duy trì không gian tự do đi lại trên Biển Đông phù hợp với các quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), duy trì hiện trạng của Biển Đông, vô hiệu hóa nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng đó, phủ nhận chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố trong phạm vi đường lưỡi bò và gửi thông điệp cho Bắc Kinh rằng những căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng trên các hải đảo cách xa đất liền hàng ngàn dặm hoàn toàn có thể bị Hải Quân Mỹ xóa sổ dễ dàng khi có chiến sự.

Bắc Kinh do vậy rất tức tối mỗi khi có chiến hạm Mỹ đi tuần tra Biển Đông trong chương trình FONOPs, đi sát các hòn đảo mà Trung Quốc bồi đắp, nói rằng họ có chủ quyền không thể bác bỏ và cáo buộc Hoa Kỳ cố tình gây căng thẳng.

Sáng 9 Tháng Hai, trả lời việc hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ tập trận ở Biển Đông vùng giữa Philippines và quần đảo Hoàng Sa, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói các hoạt động thường xuyên của tàu chiến và máy bay Hoa Kỳ ở Biển Đông là để “phô trương vũ lực,” không có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực. “Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia, và hợp tác với các nước trong khu vực để bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định ở Biển Đông,” hãng Reuters dẫn lời ông Uông cho biết.

Xu thế của cuộc đối đầu trên Biển Đông hiện nay có thể là Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới, đơn phương tuyên bố “Vùng Nhận Diện Phòng Không” (Air Defence Identification Zone, ADIZ) trong phạm vi đường lưỡi bò chín đoạn, buộc các phương tiện hàng không và hàng hải của các nước phải khai báo và có sự chấp thuận của Bắc Kinh mỗi khi đi vào vùng này, giống như họ đã tuyên bố vùng ADIZ trên Biển Hoa Đông cách đây vài năm. Hoa Kỳ cũng sẽ không dừng lại ở chương trình FONOPs mà sẽ đẩy mạnh các chương trình hình thành liên minh đối phó với Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quân sự, như xác nhận của Tổng Thống Joe Biden rằng Trung Quốc “là đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất” của Hoa Kỳ về mặt chiến lược.

Biển Đông tuy thuộc Thái Bình Dương nhưng đã không còn phẳng lặng nữa vì tham vọng bá chủ của Trung Quốc và phản ứng của tất cả các bên liên quan. Cơn biến động của Biển Đông sẽ còn kéo dài và ngày càng căng thẳng cho đến khi các bên thỏa hiệp được một giải pháp chung hoặc một cuộc chiến tranh hao người tốn của, biến vùng này thành một lò lửa.

***

Việt Nam là nước có quyền lợi lớn nhất ở Biển Đông vì đó là không gian sinh tồn của cả dân tộc. Máu của người Việt Nam hòa vào sóng Biển Đông vì đạn thù của Trung Quốc cũng nhiều hơn các dân tộc khác, từ cuộc hải chiến Hoàng Sa hồi Tháng Giêng, 1974, tới cuộc hải chiến Trường Sa vào Tháng Ba, 1988, và vô số những vụ đàn áp, đánh đập ngư dân của cảnh sát biển Trung Quốc. Nhưng trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc, đảng Cộng Sản cầm quyền ở Việt Nam đã cố ý giữ im lặng suốt mấy thập niên qua.

Hầu hết các nhà quan sát chính trị đều cho rằng, Việt Nam không thể ra mặt phản đối Trung Quốc như Philippines vì bị vướng trong cái kim cô là “quan hệ đồng chí” giữa hai đảng Cộng Sản cầm quyền hay nói cách khác là sự lệ thuộc của đảng CSVN vào “đàn anh” phương Bắc. Chừng nào còn sự phụ thuộc đó thì Việt Nam chưa thể tách ra khỏi sợi dây điều khiển của Bắc Kinh để độc lập trong chính sách đối ngoại vì lợi ích của cả dân tộc. Mới đây, sau khi được “trúng cử” làm tổng bí thư đảng CSVN nhiệm kỳ thứ ba dù tuổi cao sức yếu, ông Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm “rất thân thiết” với Tổng Bí Thư Tập của Trung Quốc, trong đó ông Trọng tái khẳng định với ông Tập rằng phát triển và củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn là “ưu tiên hàng đầu” của đảng CSVN, và của đất nước, theo Tân Hoa Xã. Giáo Sư Carl Thayer của Úc lưu ý trong nhiệm kỳ của mình, ông Trọng đã ít nhất ba lần nhượng bộ hành động xâm lấn của Bắc Kinh trên Biển Đông khi buộc các công ty dầu khí nước ngoài phải hủy bỏ hợp đồng, rút ra khỏi các dự án khai thác dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam do Trung Quốc phản đối.

Việt Nam không nhất thiết phải trở thành đối thủ của Trung Quốc nhưng phải tích cực hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đang chuyển mình

Nhưng thế cuộc đang thay đổi rất nhanh. Trong công cuộc xây dựng liên minh Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ đã nhiều lần tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam có vai trò tích cực hơn trong đối sách với Trung Quốc. Các bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ từ Leo Panetta, Jim Mattis đến Mark Esper đều đi thăm Việt Nam nhiều lần trong nhiệm kỳ của họ; Tổng Thống Obama quyết định nới lỏng cấm vận vũ khí để Việt Nam có thể mua được những khí tài tân tiến của Hoa Kỳ, huấn luyện nhân viên và trao tặng một số tàu tuần dương cỡ lớn giúp Cảnh Sát Biển Việt Nam quản lý tốt hơn vùng biển của mình; đặc biệt Việt Nam cùng với New Zealand và Nam Hàn được mời tham gia khối Bộ Tứ (Quad) với tư cách quan sát viên… Nhưng Việt Nam không mấy hào hứng với các động tác giúp đỡ này, có thể vì e ngại Trung Quốc.

***

Có thể nào Việt Nam lựa chọn tiếp tục đu dây với Trung Quốc để được yên ổn làm ăn kinh tế, phó thác vấn đề Biển Đông cho lực lượng của Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ như nhận định của một số nhà quan sát? Theo các nhà phân tích, lựa chọn đó sẽ không còn phù hợp với chính sách Á Châu của chính quyền Biden, theo đó Hoa Kỳ đòi hỏi các đồng minh phải cùng chia sẻ hệ giá trị dân chủ-tự do và phối hợp hành động chống Trung Quốc; sẽ không còn chuyện Mỹ đơn phương và đơn thân độc mã giao đấu với Bắc Kinh để các nước khác “tọa sơn quan hổ đấu” và vơ vét quyền lợi của riêng mình. Nói cách khác, Việt Nam không nhất thiết phải trở thành đối thủ của Trung Quốc nhưng phải tích cực hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đang chuyển mình.

Trong đảng Cộng Sản từ lâu phổ biến một quan niệm rằng “theo Tàu thì mất nước, theo Mỹ thì mất đảng” và cố gắng cân bằng giữa hai thế lực giống như một diễn viên xiếc trên sợi dây thừng biểu diễn. Nhưng quan niệm đó sai lầm ở chỗ người Mỹ đã không còn muốn thay đổi thể chế đảng trị ở Việt Nam, thậm chí ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng đã được Tổng Thống Obama đón tiếp trọng thị trong Tòa Bạch Ốc dù ông ta không phải là nguyên thủ quốc gia được bầu lên trong cuộc đầu phiếu phổ thông tự do và công bằng.

“Theo Tàu mất nước” là sự thực nhãn tiền nhưng “theo Mỹ mất đảng” chỉ là một thủ đoạn tuyên truyền để khoét sâu nỗi lo sợ của đám đảng viên “còn đảng còn mình” trước viễn cảnh Việt Nam trở thành nước dân chủ tự do như Mỹ. Nếu như đảng CSVN thức tỉnh, từ bỏ cái chủ nghĩa giáo điều xuẩn ngốc, lạc hậu và chế độ công an trị hà khắc để cải cách chính trị hướng tới dân giàu nước mạnh, độc lập tự chủ thì đảng này hoàn toàn có thể có một chỗ đứng xứng đáng trong cơ cấu chính trị mới của đất nước tương lai.

Cơ hội đang mở ra cho một nước nhỏ như Việt Nam tận dụng cuộc tranh đua ảnh hưởng của hai cường quốc Mỹ-Trung Quốc để tìm hướng đi mới, tốt đẹp hơn cho dân tộc, đi tới dân chủ tự do và phú cường. Trong thời Chiến Tranh Lạnh Mỹ-Liên Xô trước đây, nhiều nước nhỏ ở Tây Âu và Đông Á (Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore) đã tận dụng tốt thời cơ địa chiến lược để vươn lên thành những nền dân chủ giàu mạnh về kinh tế, phát triển về xã hội. Việt Nam cũng có thể làm như thế trong bối cảnh địa chính trị hiện nay nếu có một lớp lãnh đạo biết nhìn xa trông rộng và đặt quyền lợi của tổ quốc lên trên hết.

Đáng tiếc là với đội ngũ lãnh đạo được đảng Cộng Sản Việt Nam chọn ra trong Đại Hội 13 vừa rồi, cơ hội mới đang dần xa khỏi tầm tay trong sự thất vọng và nuối tiếc của biết bao người lo lắng cho vận mệnh dân tộc. [qd]

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: