Biển sự thật chìm trong tiếng cười

Xuân Bắc, một diễn viên hài đang trở thành “biểu tượng” của một loại làm văn hóa nhưng vô văn hóa (ảnh: VTV)
Thời Sự
Thời Sự
Biển sự thật chìm trong tiếng cười
/

Cách đây không lâu ngồi cafe với một anh bạn, trong lúc lướt qua các trang mạng xã hội, anh chợt tổng kết là không hiểu sao bây giờ, ở đâu cũng thấy chuyện hài, trò cười, hay mọi thứ như chỉ tập trung để cười vui nhiều đến vậy. “Cứ lướt trên Tiktok hay Facebook Reels, YouTube shorts… mới thấy mọi thứ gần như 90% các bản upload là để vui, là để cười thôi. Chắc là đất nước mình giờ nhộn nhịp vui vẻ hơn xưa nhiều rồi hả”, anh ta nói.

Nhưng anh bạn đó không sống lâu đủ ở quê nhà, để biết nếu là một người Việt Nam, sống qua các giai đoạn biến động của xã hội như vụ Formosa xả thải độc ra biển, vụ Dự luật cho Trung Quốc thuê đất làm đặc khu, những thảm cảnh bất bình trong Đại dịch Covid… những cay đắng ấy có xuất hiện nhiều đến mức nào, rồi cũng dần dần biến mất.

Giờ nếu quay lại tìm trên internet, chắc nhiều người rất vất vả mới có thể tìm lại được một phần. Rõ ràng như là có những bàn tay nào đó đã im lặng phối hợp với các tập đoàn mạng xã hội quốc tế để tháo dỡ dần dần những điều khiến con người Việt Nam nhìn thấy mà phải suy nghĩ, phải day dứt hay thôi thúc muốn thực hiện quyền công dân chính đáng của mình. Tất cả nhường chỗ cho những từ khóa tìm kiếm chỉ hiện hình trò vui, tấu hài, giật gân…

Có thể đây là một nhận định cá nhân, cũng không cần phải quan tâm. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi có bao giờ như lúc này, tấu hài, làm hề, dựng các trò vui khiến các nhân vật biểu trưng trong dòng chảy đó nổi bật hơn bao giờ hết. Nghệ sĩ kịch nói, cải lương, văn sĩ, họa sĩ… trí thức nói chung khác dòng đều lu mờ trong lộ trình cả nước vào hội cùng cười, cười xuề xòa rồi quên hiện tại trong ký ức mờ ảo. Quên cả biển sự thật của đời, đang bị nhấn chìm ngay trước mắt mình.

Từ thế kỷ 19, gây cười hay hài hước được xem như một bộ môn khoa học, một công cụ được lạm dụng để dẫn dắt. Nói thẳng thừng như Lenin “nghệ sĩ là chiến sĩ” – nhưng ở thời đại văn minh ngày nay, người ta cũng nên có lúc tự vấn là loại chiến sĩ ấy phục vụ cho ai, và mục đích tồn tại để làm gì.

Trong tập nghiên cứu của mình có tên Dealing with Angry Crowds, tiến sĩ Frank Benest, giáo sư về quản trị công từ California State University, Long Beach, chỉ ra rằng những nhóm người ở thế yếu hoặc bất lực trước quyền lực thường là tác nhân của các làn sóng bất mãn trong xã hội. Nếu muốn chế ngự hoặc triệt tiêu sự giận dữ luôn âm ỉ trong họ – thường thấy ở các chế độ kiểm soát con người – nhà cầm quyền thường dùng đến công cụ trò vui, hài hước như có vẻ chỉ trích, có vẻ nói thẳng, phô bày sự thật, nhưng thật ra là tạo một cảm giác công bằng lên tiếng giả tạo, để hạ nhiệt những gì đã diễn ra.

Những điều như vậy đã được giới làm chính trị nhận ra từ thế kỷ 19, và đến giờ đã trở thành bài học giáo khoa cho các phương thức thao túng đám đông.

Giữa sự thật và gian dối, luôn có một lằn ranh, dù mỏng manh, nhưng vẫn dễ dàng hiện ra khi đám đông tỉnh táo quan sát và đặt câu hỏi, đặt lại giá trị về cuộc sống mà họ đang ở trong đó. Năm 2017, trong lúc thế giới đang chao đảo bởi các chuyện tin giả nói như thật, những chuyện cười cợt chính trị vô lý nhưng lại được đám đông thích thú cổ vũ, tổ chức PEW đã thực hiện một nghiên cứu và tập hợp nhiều chuyên gia, trí thức để nhận định về làn sóng truyền thông này.

Văn bản những nhận định và phân tích đó được để lại trong tập The Future of Truth and Misinformation Online. Giám đốc dự án nghiên cứu Michel Grossetti, thuộc French National Center for Scientific Research, đã tổng kết rằng việc sự thật bị cố ý xóa nhòa vẫn luôn diễn ra trong các âm mưu để duy trì quyền lực hay sự ổn định tạm thời – luôn có một cuộc giành giật giữa lẽ phải và sai trái, luôn như vậy (There will be a competition between the true and the false, as always).

Ở Việt Nam, nổi bật với chương trình Táo quân hàng năm của Đài Truyền hình Trung ương (VTV), người ta nhìn thấy sự thật và những vấn đề nhức nhối của xã hội luôn bị cào bằng với tiếng cười. Sự bất bình trong cuộc sống của đám đông không có thực quyền cải tạo xã hội, mà chỉ có thể bày ra nỗi niềm của mình trên mạng, thì các câu chuyện đau đớn hoặc cay đắng bị xóa nhòa lằn ranh công lý qua tiếng cười, và tạo ra một đám đông tự an ủi với lòng mình đại khái như kiểu “hóa ra ‘ở trên’ họ cũng biết và cũng bất bình như mình”.

Dĩ nhiên, đó là cách thao túng được đầu tư, để đám đông, sẽ có những thành phần tối thiểu, cảm thấy nhẹ lòng và tự huyễn hoặc rằng công lý tiếng cười cũng là một cách thực thi tinh thần pháp luật cộng đồng.

Tạm chọn một chương trình nổi bật nhất để minh họa: Bạn đã nghe Táo nào trong đêm 30 nói về những quan chức Việt Nam cấu kết với đường dây buôn người bị Liên Hiệp Quốc cảnh báo chưa? Bạn đã nghe bình luận nào xác đáng – dù là cười thôi – về Việt Á và trùm cuối của nó?

Hay bạn đã nghe một nhận định hài hước nào về tính hệ thống của các quan lại từ trung ương đến địa phương róc xương thịt đồng bào qua các chuyến bay giải cứu rực rỡ? Ngay cả việc cứu hộ quái lạ mất đến 21 ngày – dù chỉ đưa thi thể một đứa bé lên mặt đất, cũng không có loại Táo nào đứng ngoài cây bút kiểm duyệt để dám nhếch mép. Tất cả đại án quốc gia được tổ chức nắm tay nhau chằng chịt và công phu, được quy đổi về chuyện chỉ là vấn đề cá nhân hư hỏng sai lầm, và nếu có cười, thì cũng là những nụ cười được cho phép, cười trơ trẽn.

Nói cho cùng, cười khoác áo “minh bạch phê phán” như Táo quân của truyền hình Việt Nam, chỉ là cười vào những ai không thể chống lại mình, cười vào những kẻ đã ngã ngựa cùng đường – hung hăng và rất an toàn. Học giả Nguyễn Văn Vĩnh từ xưa đã nhận ra bóng tối của nụ cười Việt. Ông từng viết “An Nam ta có cái lạ thế nào cũng cười… Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang”.

Đất nước hôm nay quả vậy, có những chuyện thật đáng để lặng người, thì khi được tổ chức cười vui, lập tức ý nghĩa sự kiện cũng mất dần sự nghiêm trọng. Có lẽ đến lúc người Việt cần loại bớt nhu cầu cười đã thành thói quen của mình sau nhiều năm được rèn giũa một cách công phu từ nhiều hướng. Đất nước Việt bây giờ thật sự cần những người nhìn, nghe và biết đau hơn là chỉ biết vui cười theo những kịch bản vụng về.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: