“Các đợt nắng nóng sắp tới và tần suất nắng nóng sẽ là thách thức mới cho cư dân ở những nơi nóng bức,” Braden Kay, Giám đốc Chương trình Chống chịu Nhiệt độ Cực cao và Cộng đồng (Extreme Heat and Community Resilience Program) thuộc Văn phòng Kế hoạch và Nghiên cứu của Thống đốc California, cho biết tại buổi hội thảo mới đây, liên quan đến sự hỗn loạn của khí hậu: California thích ứng thế nào với những cái nóng kinh hoàng, do Ethnic Media Services tổ chức.
Mặc dù mùa hè ở California đã kết thúc nhưng tình trạng nắng nóng cực độ vẫn đang trở nên trầm trọng hơn trong thời gian dài.
“Mùa hè thứ hai”
Braden Kay mở đầu cuộc họp với cái nhìn tổng quan về những nỗ lực chống chỏi với sự bất bình thường của khí hậu trên toàn tiểu bang, được nêu rõ tại heatreadyca.com. Mặc dù phần lớn California không nằm trong “chảo lửa” của đợt nắng nóng kỷ lục trên toàn thế giới, nhưng Kay nhấn mạnh, “tác động của nắng nóng, bao gồm cả tử vong và bệnh tật liên quan đến nhiệt, không chỉ xảy ra vào những ngày được chú ý mà có khi nó còn xuất hiện vào mùa đông tới”.
Kay nói rằng khi các đợt nắng nóng gia tăng, để bảo vệ người dân California – đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất trước sức nóng như trẻ em, người lớn tuổi, người khuyết tật, người làm việc ngoài trời và những người không có nhà ở, giới chức có liên quan cũng như báo giới cần nói chuyện và chuẩn bị cho nắng nóng không chỉ ở mùa hè, mà còn từ mùa xuân sang mùa thu, hay ‘mùa hè thứ hai.’”
Ông nói thêm: “Một thách thức chính đối với biến đổi khí hậu, đó không chỉ là sự thay đổi mà còn là sự hỗn loạn. Mọi người thường nói ‘Bạn nói trời sẽ nóng, nhưng mùa hè này đã bớt nóng hơn.’ Đó không phải là một con đường tuyến tính mà mỗi mùa hè sẽ nóng hơn; thời tiết sẽ trở nên khó lường.”
Tiếp cận cộng đồng
Bác sĩ Maggie Park, viên chức Dịch vụ Y tế Công cộng San Joaquin County cho biết, khi thời tiết ngày càng khó lường hơn, tác động của nó cũng tăng theo. Quận hạt này có khoảng 750,000 cư dân, đa số sống bằng nghề nông, có 88% là đất nông nghiệp..
“Ngay cả trong một thành phố, gánh nặng nhiệt độ cũng không được chia đều. Các khu dân cư có thu nhập thấp với dân số da đen, gốc Tây Ban Nha và Á châu phải chịu sức nóng đô thị cao hơn đáng kể so với các khu dân cư giàu có và chủ yếu là người da trắng, “Park mô tả những tác động không đồng đều của sự hỗn loạn khí hậu đối với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất, và giải thích lý do là các nhóm người nghèo và thiểu số sống ở những khu vực có nhiều tòa nhà, bê tông, mật độ cao, ít thảm thực vật, ít cây cối hơn, ít hấp thụ nhiệt hơn bề mặt.”
Người vô gia cư gánh chịu nhiều nhất, trong đó có 2,319 người ở San Joaquin County không nơi trú ẩn, tính đến năm 2022. Park cho biết, vì nhiều người vô gia cư không muốn rời lều và đồ đạc của mình để đến trung tâm làm mát, nhân viên y tế công cộng của quận đã tiếp cận họ để cung cấp chai nước đông lạnh, vòi sen di động và thông tin về bảo quản thực phẩm an toàn, cảnh báo các dấu hiệu của bệnh liên quan đến nhiệt và các mẹo để hạ nhiệt.
Đối với những công nhân nông trại nhập cư, một nhóm dân số dễ bị tổn thương đặc biệt khác, Park cho biết thách thức chính mà nhân viên của cô phải đối mặt – và đang phải vượt qua, là nhận được “các tài liệu nhiệt và giáo dục được dịch sang ngôn ngữ bản địa của họ”.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Inés Ruiz-Huston, Phó Chủ tịch, Chương trình Đặc biệt & Sự Tham gia của Công dân El Concilio (Special Programs & Civic Engagement, El Concilio) có trụ sở tại Stockton, cho biết tin nhắn đa ngôn ngữ là chìa khóa để tiếp cận cộng đồng.
Cả phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến và tiếp cận trực tiếp từng nhà đều là chìa khóa để tiếp cận những người “đi làm từ sáng sớm, những người có thể bỏ lỡ tin tức buổi sáng về thời tiết sẽ nóng như thế nào và làm cách nào để họ có thể giữ an toàn,” cô nói thêm.
“Nhiều gia đình không muốn mở máy lạnh vì tốn điện, sợ trả nhiều tiền điện,” Ruiz-Huston nói. “El Concilio tập trung thông điệp đa ngôn ngữ vào các trung tâm làm mát sẵn có và phương tiện vận chuyển đến các địa điểm đó. Tờ rơi quảng cáo thôi là chưa đủ. Chúng tôi còn phải tìm những người đại diện cho khu phố để nói chuyện, những người biết mọi thứ về cộng đồng là người đầu tiên nói cho mọi người biết chuyện gì đang và sẽ xảy ra.”
Gánh nặng nhất: người vô gia cư, người già, người khuyết tật
Ngay sau đó, Patrizia Hironimus chia sẻ những câu chuyện thành công về hỗ trợ nhiệt trong cộng đồng. Hironimus là Giám đốc Điều hành của Hội đồng Môi trường Butte, lưu ý rằng có rất nhiều người sống sót sau trận cháy rừng và sinh viên đại học hoạt động vì môi trường ở Butte County.
Theo Hironimus, các hội thảo liên quan đến nhận thức về thời tiết tại nhà và nhiệt độ cực cao, nơi học sinh và các thành viên khác trong cộng đồng học cách sử dụng các vật liệu gia dụng như bìa cứng để làm chệch hướng nhiệt và phản xạ ánh sáng từ cửa sổ, là cách đặc biệt hiệu quả để thúc đẩy khả năng phục hồi nhiệt.
Tuy nhiên, sức nóng càng tệ thì việc tiếp cận hiệu quả càng khó khăn hơn. “Nếu nhiệt độ ở chợ là 105, vỉa hè sẽ vượt quá 110 và chúng tôi không thể ngồi ngoài trời. Chúng tôi không thể nói với mọi người về các dấu hiệu cảnh báo nhiệt độ cực cao vì đó là sự bất đồng về nhận thức,” Hironimus nói.
Nhóm người gặp khó nhất khi đối phó với khí hậu khắc nghiệt, chính là người khuyết tật và người cao niên. Susan Henderson, Giám đốc Điều hành, Quỹ Bảo vệ và Giáo dục Quyền của Người khuyết tật (Disability Rights Education and Defense Fund), cho biết, có tới một phần tư số người ở Hoa Kỳ bị khuyết tật, phần lớn trong số đó là người lớn tuổi.
Việc tiếp cận nhà ở an toàn và có máy điều hòa là chìa khóa để bảo vệ người khuyết tật và người lớn tuổi khỏi tác động của nhiệt độ cực cao, cũng như việc vận chuyển đến các nguồn tài nguyên như trung tâm làm mát và bệnh viện cũng như điện dự phòng trong trường hợp mất điện.
Bà cho biết, để sắp xếp chỗ ở, hãy hỏi người khuyết tật xem họ cần gì và bằng cách nào, vì tâm lý người lớn tuổi không muốn di chuyển nhiều ra khỏi nơi mà họ gắn bó hàng chục năm.