Cảm nghĩ về cuộc phỏng vấn Nguyễn Thanh Việt trên Đài VOA

Nguyễn Thanh Việt (Viet Thanh Nguyen)  – ảnh: Carlos Avila Gonzalez/San Francisco Chronicle via Getty Images

Ông Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn The Sympathizer (Cảm Tình Viên), cuốn sách được giải Pulitzer năm 2016 vừa có một cuộc phỏng vấn do cơ quan truyền thông VOA thực hiện. Sẽ không có gì đáng nói nếu ông Việt không có những phát ngôn vừa thiếu hiểu biết vừa vô trách nhiệm của một người có học vị giáo sư tại trường đại học Nam California (University of Southern California).

Sau khi được tin ông Nguyễn Thanh Việt đoạt giải Pulitzer năm 2016, tôi đã tìm đọc quyển The Sympathizer (Cảm Tình Viên). Chỉ sau khoảng 1/3 quyển sách, tôi thấy thật thất vọng. Sách được giải Pulitzer vì đã khéo léo sáng tác, tưởng tượng (fiction) theo đúng nhận định, suy nghĩ, hiểu biết, mong muốn của đa số sử gia Mỹ thiên tả về cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài 21 năm (1954-1975). Tuy nhiên, đó không phải là điều chính muốn nói trong bài viết này.

Điểm chính là trong cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh do VOA thực hiện ngày 21 Tháng Mười 2023 – được dịch sang tiếng Việt, ông Nguyễn Thanh Việt đã đưa ra nhận định về ngày 30 Tháng Tư 1975 – ngày người Việt tị nạn cộng sản thường gọi là Tháng Tư Đen, cho rằng “hàng triệu người Việt tị nạn Cộng Sản phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ”.

Trước khi có cuộc phỏng vấn này, một tổ chức của người Do Thái ở New York City – 92NY – đã hủy bỏ buổi nói chuyện với sự tham dự của Nguyễn Thanh Việt vào ngày 20 Tháng Mười 2023, lý do được cho là ông Việt đã ký vào bức thư ngỏ lên án sự tàn bạo của Do Thái trong cuộc tấn công vào Dải Gaza, khu dân cư của người Palestine.

Ông Việt rời khỏi đất nước, cùng với gia đình chạy trốn chế độ cộng sản Việt Nam vào những ngày cuối Tháng Tư 1975, khi đó ông mới bốn tuổi. Ông không hề có một ngày nào, giờ nào sống với chế độ cộng sản Việt Nam. Ông cũng không lớn lên dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Sống, đi học từ mẫu giáo, trưởng thành dưới chế độ tự do, dân chủ, nhân bản của Mỹ, trở thành nhà văn, giáo sư đại học, ông không rành tiếng Việt nhưng lại rất can đảm, mạnh mẽ khi nhận định, phát biểu về một vấn đề to lớn mà ông hoàn toàn thiếu hiểu biết, không có kinh nghiệm, chưa hề trực nghiệm thực tế một ngày nào. Kiến thức, sự hiểu biết của ông Việt về cuộc chiến Việt Nam 1954-1973 chắc chắn chỉ được thu thập từ sách vở, tài liệu của các tác giả, sử gia phản chiến Hoa Kỳ được giảng dạy, phổ biến trong các trường đại học.

Ông Việt nói:

“Những người Mỹ gốc Việt đang tưởng nhớ về những mất mát, những sự ngược đãi mà họ phải gánh chịu nhưng chính bản thân họ cũng ‘quên mất’ những điều mà họ đã gây ra cho người khác và tôi nghĩ rằng chính những người Mỹ gốc Việt đó, những người sống trong tại miền Nam Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề và những hành động của mình tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ. Vậy nên, điều quan trọng ở đây là khi chúng ta ghi nhớ những điều mà ‘phía bên kia’ gây cho mình thì cũng đừng quên những thứ mình gây ra cho với họ.”

Hành động của họ là hành động gì? Có người dân miền Nam, đơn vị quân đội nào đem quân tấn công, xâm chiếm, pháo kích bừa bãi vào xóm làng, trường học miền Bắc không, hay chỉ ngược lại? Chính vì âm mưu, chủ trương xâm chiếm miền Nam nên ngay sau khi hiệp định Genève được ký kết và cán binh cộng sản tập kết ra Bắc theo các điều kiện trong hiệp định, cộng sản đã âm thầm gài lại cán bộ, binh sĩ, chôn giấu vũ khí… để sau đó phá hoại hiệp định, tấn công vào nền dân chủ non trẻ của miền Nam.

Ông Việt có biết rằng, Tháng Ba 1972, quân đội Bắc Việt đã đồng loạt đưa xe tăng T54, hỏa tiễn 122 ly, đại pháo 130ly, hàng chục sư đoàn quân chính quy vượt sông Bến Hải tấn công vào tỉnh Quảng Trị của miền Nam? Cộng quân Bắc Việt đã pháo kích vô tội vạ vào dòng người dân chạy loạn trên Quốc lộ 1 tạo thành một đoạn đường dài 9km toàn xác người, đoạn đường sau đó được gọi là Đại Lộ Kinh Hoàng.

Hay ông Việt cho rằng, cộng đồng người Việt hải ngoại phải chịu trách nhiệm về tình trạng đất nước hiện nay vì họ đã để cho xã hội Việt Nam suy đồi, giáo dục tụt hậu, kinh tế yếu kém, tham nhũng tràn lan, công an tùy tiện bắt bớ, giam giữ, kết án bất kỳ ai họ muốn…?

Chắc chắn một điều rằng ông Việt không hề biết đến không khí ngột ngạt, tù túng, hoang mang, lo sợ của người dân miền Nam, cảm giác đói triền miên của người dân trên cả nước dưới chế độ cộng sản Việt Nam sau ngày 30 Tháng Tư 1975 kéo dài đến thập niên 1990 đến độ hàng triệu người phải liều chết ra đi tìm đường sống.

Tôi thắc mắc rằng một người được xem là trí thức có hiểu biết như ông tại sao lại không biết những chính sách tàn bạo, thất nhân tâm của chế độ cộng sản, khi họ giam giữ hàng trăm ngàn sĩ quan, viên chức, cán bộ hành chánh VNCH trong các trại cải tạo mà không có án; cưỡng bức người dân thành phố đi kinh tế mới, cải tạo công thương nghiệp để hợp thức hóa việc cướp bóc tài sản, nhà cửa, vườn tược, đất đai của người dân miền Nam; cướp vàng, xua đẩy người Hoa ra biển, đuổi về nước…

Thay vì lên án, kết tội chế độ cộng sản Việt Nam gây ra cuộc nội chiến 1954-1975, cướp miền Nam bằng vũ lực rồi đưa đất nước đến tình trạng hiện nay, ông Việt dường như lại trút trách nhiệm đó lên đầu người Việt hải ngoại? Hay ông muốn tìm kiếm tín dụng chính trị (political credit) cho một mục đích nào đó sau này? Hơn nữa, ông lấy tư cách gì để phê phán, kết tội cộng đồng người Việt hải ngoại về những việc họ không có trách nhiệm?

Quyển The Sympathizer được giải Pulitzer năm 2016 thuộc dạng fiction tức là hư cấu, không có thật. Là nhà văn, ông Việt có quyền hư cấu một tác phẩm nhưng khi nhận định tình trạng một xã hội, một đất nước, một cộng đồng, ông Việt cần phải có kinh nghiệm sống thực. Ông không thể hư cấu, tưởng tượng rồi phát ngôn bừa bãi, thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm như vậy.

Nếu thông thạo tiếng Việt, chịu khó tìm hiểu tài liệu, báo chí, nói chuyện với các bậc cha anh từng tham dự, đổ máu hoặc bỏ lại một phần thân thể cho cuộc chiến Quốc-Cộng, có thể cuốn Cảm Tình Viên sẽ được viết theo chiều hướng khác và ông Việt sẽ không nhận được giải Pulitzer.

Tôi không nghĩ ông Việt là kẻ ăn cháo đá bát, tôi chỉ cho rằng ông là một người Mỹ hoàn toàn từ trong tâm thức, chỉ có gốc gác, màu da, dòng máu là Việt Nam. Nói cho dễ hiểu hơn là “ngoài vàng trong trắng” như một trái chuối, giờ có được chút danh vọng, địa vị trong xã hội nên ông đã đại ngôn về một vấn đề mà ông hoàn toàn thiếu hiểu biết.

Ông Việt chẳng những phê phán, nhận định về cộng đồng người Việt hải ngoại một cách ấu trĩ, thiếu hiểu biết mà còn chỉ trích Do Thái về một cuộc chiến tàn bạo có nguyên do tôn giáo cách đây cả ngàn năm giữa hai dân tộc Do Thái-Palestine. Đó chính là lý do tổ chức 92NY ở New York của người Do Thái hủy bỏ cuộc nói chuyện có sự tham dự của ông.

Lên án tội ác chiến tranh do một bên gây ra trong bất cứ một cuộc chiến tranh nào, nếu không tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân là một sự thiếu sót trầm trọng, nếu không muốn nói là thiếu đạo đức, nhất là với một người học vị giáo sư. Ông sẽ truyền đạt sự thiếu hiểu biết hoặc quan điểm méo mó lệch lạc như thế trong giảng đường đại học Mỹ sao?

____________

Lịch sử không thể bị chà đạp, thưa ngài giáo sư

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: