Chiến dịch khủng bố người tỵ nạn cộng sản đã ‘mở màn’

Phỏng vấn tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga
Cựu TNLT Huỳnh Thị Tố Nga xác nhận đã phải đào thoát khỏi sự săn đuổi của công an. (Hình: Tác giả cung cấp)

Tin tức cho biết Tòa án hình sự Thái Lan vừa ra phán quyết vào Thứ Hai, ngày 30 Tháng Chín, rằng nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap sẽ bị dẫn độ về Việt Nam, nơi nhà cầm quyền CSVN đang chờ anh với bản án 10 năm tù với cáo buộc “khủng bố.”

Diễn biến này cho thấy Tòa án Thái Lan – hay nói chung là chính quyền Thái Lan đã thỏa hiệp với CSVN để mở đầu cho một chiến dịch đàn áp xuyên biên giới, bắt và trục xuất người tỵ nạn từ Việt Nam. Cuộc trò chuyện với chị Huỳnh Thị Tố Nga, một trong những người theo dõi chặt chẽ sự kiện của ông Y Quynh Bdap và cũng là một người chạy trốn gọng kìm đàn áp của CSVN, giới thiệu thêm về tình cảnh và tâm trạng của người tỵ nạn CSVN lúc này.

*Chị có cảm giác gì và suy nghĩ như thế nào khi nghe về tin Tòa Án Thái Lan sẽ dẫn độ anh Y Quynh Bdap về Việt Nam chịu tội?

-Huỳnh Thị Tố Nga: Việc tòa án Thái Lan vừa có phán quyết chính thức cho dẫn độ anh Y Quynh Bdap, tôi cho rằng đây là một phán quyết mang tính chất áp đặt. Riêng về phía nhà cầm quyền Việt Nam, việc cáo buộc tội danh khủng bố cho anh Y Quynh Bdap trong một phiên tòa vắng mặt mà chứng cứ cho thấy không điều tra trực tiếp nghi can, không được nghi can xác nhận chứng cứ một cách trực tiếp, chỉ điều tra một cách gián tiếp, điều này tương tự như trường hợp nghi can bị “mớm cung.”

Về phía chính phủ Thái Lan, để giữ quan hệ ngoại giao chính trị, đã không quan tâm nhiều đến động cơ, nguyên nhân vụ án, cũng như những điều tôi vừa đề cập ở trên, họ chỉ xử lý trên hiện tượng được xác định từ nhà nước Việt Nam, rằng anh Y Quynh Bdap là tội phạm khủng bố đã bị kết án và đồng ý cho Việt Nam dẫn độ.

Anh Y Quynh Bdap chỉ còn có 30 ngày để kháng cáo, nhưng theo dõi diễn biến, việc kháng cáo này sẽ không khả quan, điều này có thể nói, nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục tạo thêm vết nhơ rất lớn đối với việc cam kết công ước nhân quyền quốc tế, công khai thách thức việc thực thi nhân quyền ở Việt Nam.

*Mới đây trên facebook của mình chị có nói về chuyện dù đã ra đi rất lâu, nhưng công an vẫn tiếp tục quấy rối và đàn áp những người thân, lẫn những người quen biết ở quê nhà, tương tự như trường hợp anh Y Quynh Bdap.

-Đây là tiền lệ nguy hiểm. Nhà cầm quyền Việt Nam hiện công khai chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia, ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của những người Việt Nam đang tị nạn ở Thái Lan. Bản thân tôi đang là người tỵ nạn cộng sản ở Thái Lan, và cũng đang là mục tiêu tìm kiếm của nhà cầm quyền.

An ninh Việt Nam giữ hộ chiếu của tôi từ 6 năm trước, mục đích của họ muốn cấm xuất cảnh vĩnh viễn đối với tôi. Vậy nên, khi tôi cố gắng đi khỏi Việt Nam để lánh nạn, vì đối mặt với nguy cơ bị bắt vào tù lần thứ hai, nhà cầm quyền Việt Nam không để yên cho tôi. Họ tìm mọi cách để truy tìm tung tích tôi ở Thái Lan thông qua bạn bè và những gia đình hàng xóm của tôi ở Việt Nam. Hành động này cho thấy, họ muốn giam tôi ở Việt Nam, chứ không phải tôi đi khỏi Việt Nam thì họ không còn quan tâm nữa.

Đi khỏi Việt Nam là điều không ai mong muốn, đó là quyết định không được chọn lựa. Tù tội là vấn đề cá nhân, nhưng về mặt cộng đồng, nếu tôi tiếp tục ở tù, mà thời gian lần ở tù thứ hai này chắc chắn sẽ rất dài, tôi sẽ không thể tiếp tục công việc đấu tranh của mình. Tôi rời Việt Nam là vì lánh nạn cộng sản, và vì để tiếp tục lý tưởng của mình. Sự trải nghiệm ở các quốc gia văn minh, sẽ là vốn tri thức đáng quý để tôi có thể chuyển tải cho người dân trong nước.

Y Quynh Bdap, nhà tranh đấu cho quyền tự do tín ngưỡng của người Thượng Tây Nguyên, đang bị CSVN áp tội “khủng bố.” (Facebook)

*Trở lại vụ án của anh Y Quynh Bdap, và phán quyết đầy tính áp đặt, được bình luận là đã có hiệp ước bí mật giữa nhà nước Thái Lan và Việt Nam trong việc dẫn độ người tỵ nạn, việc này có cho chị một suy nghĩ, ra đi khỏi Việt Nam là một sai lầm? Và tương lai của những người tị nạn khỏi Việt Nam, theo chị sẽ như thế nào sau phán quyết của tòa án Thái Lan?

-Nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng khắc nghiệt hơn đối với người bất đồng chính kiến, họ triển khai đàn áp từ trong nước ra ngoại quốc, dùng mọi thủ đoạn một cách bất chấp. Họ có đủ nhân lực, tiền bạc và phương tiện để làm việc này. Vì vậy, việc áp bức trong nước hay áp bức từ xa đều như nhau. Họ dễ dàng thực hiện hành vi áp bức ở mọi nơi.

Hiện tại, người tỵ nạn ở Thái Lan như tôi chỉ an toàn hơn ở Việt Nam chút ít. Bản thân tôi hạn chế đi ra ngoài, không đi đâu một mình, chỉ đi khi cần thiết, cuộc sống như vậy cũng không khác gì bị giam lỏng. Đối với trường hợp những người tỵ nạn bình thường chưa bị kết án, nhà cầm quyền Việt Nam không thể “dẫn độ” như trường hợp anh Y Quynh Bdap, nhưng tệ hại hơn, nhà cầm quyền CSVN có thể bắt cóc để “xử lý” mục tiêu mà họ muốn, và chính phủ Thái Lan cũng không có khuynh hướng can thiệp vì người tỵ nạn cộng sản thuộc dạng nhập cư bất hợp pháp, nên về lý sẽ không được chính phủ Thái Lan bảo vệ.

*Cuối cùng, hãy tưởng tượng điều xấu nhất, là trong một hoàn cảnh nào đó cũng tương tự như anh Y Quynh Bdap, chị thấy thế nào về chọn lựa hành động của mình, và chị chuẩn bị điều gì cho tương lai?

-Nếu bản thân tôi bị bắt về Việt Nam, chắc chắn sẽ bị tống vào tù. Vì vậy, để tránh trường hợp xảy ra như anh Y Quynh Bdap, hiện tại chỉ có phương hướng là kêu gọi Cao Ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn ở Thái Lan (UNHCR) tăng cường xét duyệt cấp quy chế tị nạn cho những người thật sự bị cộng sản áp bức. Song song đó, UNHCR cũng nhanh chóng kết hợp với những quốc gia thứ ba có công ước nhận người tị nạn giải quyết cho họ được đi định cư.

Nếu chậm trễ thì những người bị nhà cầm quyền Việt Nam truy bắt như tôi, có thể sẽ bị bắt. Nếu bị bắt về Việt Nam như anh Y Quynh Bdap, các tổ chức nhân quyền quốc tế sẽ không có hy vọng để vận động họ ra khỏi nhà tù. Chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam đã thay đổi, họ siết chặt việc đàn áp và muốn triệt tiêu tư tưởng người đấu tranh một cách triệt để, bằng cách giam giữ người đấu tranh ở trong nước, chứ không phải “đẩy đi nước ngoài” như trước đây.

Bản thân tôi, tôi có thể chịu đựng được tù tội, nhưng không muốn phí hoài thời gian ở tù lần thứ hai, những gì cần trải nghiệm để rèn luyện bản lĩnh, ở tù một lần đã đủ. Tôi cần sự tự do để có thể tiếp tục góp phần cống hiến cho đất nước.

*Cám ơn chị về cuộc phỏng vấn này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: