Công an thay ông Noel đến thăm nhà mùa Giáng Sinh

Bà Nghiên trong lễ trao giải Nhân quyền 2024 (PTN)

Cần nói ngay, “nhà” ở đây là nhà của cha mẹ tôi ở Việt Nam, chứ không phải ở Mỹ. Sang đến tận Mỹ rồi mà còn để công an Việt Nam mò tới tận nhà thì còn ra thể thống cống rãnh gì nữa.

Số là vầy, buổi đêm hôm đó khi tôi còn đang “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” thì nghe tín hiệu rung từ điện thoại. Cái tật khó ngủ, mất ngủ, thính ngủ khiến tôi khổ sở, nên dù đã để cái điện thoại tận phòng khách, tôi vẫn tỉnh như thường. “Không biết cha già dân tộc hay mẹ già quốc gia nào cần đến đầy tớ nhân dân mà đêm hôm khuya khoắt cũng không cho người ta ngủ?”, tôi làu bàu. Nhưng vì quá mệt sau đợt cảm cúm kéo dài cả hai tuần lễ, tôi cứ nằm ỳ ra. Nằm mãi vẫn không thể kéo giấc ngủ trở lại, đành phải dậy, mở điện thoại lên. Có đến cả chục cuộc gọi nhỡ, kèm một tin nhắn từ chị gái tôi “Chiều nay công an đến nhà, tra hỏi vài thứ rồi lập biên bản. Họ về rồi”.

Đúng là người cộng sản, rất khéo lựa thời điểm. Cứ khi nào người ta cần vui, cần hạnh phúc, cần yên ổn là giáng họa. Thử tưởng tượng, hàng ngàn con người đang cười cười nói nói, xum vầy, đoàn tụ với gia đình vào đêm Giao thừa thiêng liêng, trong tích tắc trở thành những các chết bị vùi trong các hố chôn tập thể? Cuộc thảm sát tết Mậu Thân 1968, mấy chục năm rồi, nghĩ tới vẫn rùng mình, ghê rợn.

Chắc là công an cộng sản sợ tôi quên, nên phải nhắc: “Này Nghiên, thế giới này không chỉ có Chúa, mà luôn luôn có cả ác quỷ nữa.” Họ kéo đến nhà tôi ở Hải Phòng, chỉ một ngày trước đêm Giáng sinh, ngày đại lễ của người Công giáo và là thời khắc được nhân loại đón chờ.

Họ tới, biến căn nhà của bố mẹ tôi thành trụ sở công an, biến chị gái tôi thành “đối tượng” bị thẩm vấn, để hạch hỏi những điều về tôi. Họ yêu cầu chị gái tôi cung cấp địa chỉ của tôi ở Mỹ. Họ muốn biết công việc, hoạt động của tôi và một số chi tiết khác. Rồi còn hỏi tôi và gia đình có thường xuyên liên lạc với nhau không, liên lạc bằng phương tiện gì…? Không những thế, họ còn tra hỏi chị gái tôi về cuốn sách “Những mảnh đời sau song sắt” mà tôi đã xuất bản năm 2017.

Thế rồi họ thông báo về việc sẽ cắt hộ khẩu của tôi tại Hải Phòng, “can tội” đã tị nạn ở Mỹ. Xong việc, họ bắt chị gái tôi ký vào biên bản.

Đây không phải lần đầu tiên người thân của tôi ở quê nhà bị sách nhiễu sau khi tôi phải rời Việt Nam sang Mỹ tị nạn. Chỉ vài giờ sau khi tôi đặt chân trên đất Mỹ, công an thành Hồ đã vội vã xông vào nhà trọ của tôi ở Sài Gòn, khủng bố tinh thần hai chị gái của tôi. Họ lập biên bản về tội “không khai báo tạm trú” và về hành vi “giúp em gái dọn đồ đạc, trả lại nhà thuê” để gia đình tôi đi Mỹ định cư.

Khi còn ở Việt Nam, bà Nghiên cũng tham gia nhiều hoạt động mà CSVN khó chịu, như Tri Ân TPB-VNCH (PTN)

Hai mươi tháng sau, họ lại kéo đến nhà tôi ở Hải Phòng, để làm những việc như tôi vừa kể trên. Cuối Tháng Năm 2024, tức là tròn 13 tháng tôi ở Mỹ, an ninh cộng sản Việt Nam nhắn tin mời tôi đi gặp, nhưng tôi từ chối. Tôi đã báo cáo vụ việc cho Cục điều tra Liên bang và Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Một viên chức ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng họ lo ngại về tình trạng đàn áp xuyên quốc gia đối với các nhà hoạt động nhân quyền người Việt Nam và đề nghị tôi thông báo mọi thông tin liên quan đến tình trạng của tôi.

Tôi chợt nhớ đến cuộc đối thoại cuối cùng giữa tôi với an ninh thành Hồ vào Tháng Năm 2022, chừng mười một tháng trước khi chúng tôi rời nước. Họ lấy cớ mời vợ chồng tôi tới đồn công an để làm thủ tục đăng ký tạm trú, nhưng đến nơi thì họ tách chúng tôi sang hai phòng khác nhau và thẩm vấn suốt gần 4 tiếng đồng hồ, bởi những viên an ninh thành phố. Một trong những viên an ninh đã nói với tôi rằng : “Sau này nếu thời thế thay đổi, chắc những người như chị trả thù chúng tôi “ác” lắm nhỉ?”.

Đây chính là điều an ninh Hải Phòng từng nói với tôi trong một cuộc thẩm vấn hồi năm 2008, trước khi tống tôi vào tù. Như lần trước, tôi đáp lại: “Không phải ai cũng giống các anh. Các anh nên biết rằng, nếu sau này thời thế thay đổi, thì chính những người như chúng tôi sẽ phải bảo vệ mạng sống của các anh trước sự phẫn nộ của số đông quần chúng. Nhưng những người như chúng tôi ít ỏi lắm, không thể bảo vệ được tất cả các anh. Nên tôi khuyên các anh hãy dừng lại hoặc ít nhất là hạn chế bớt việc gây tội ác với đồng bào đi là vừa”. Tôi nhắc đến một vài câu chuyện từ các cuộc cách mạng đòi Dân chủ trên thế giới, hay thân phận của nhà độc tài Gaddafi ở Libya cho họ nghe. Một viên an ninh gằn giọng: “Chị dọa chúng tôi đấy à?” Lúc đó tôi chỉ cười, chìa hai bàn tay ra trước mặt họ: “Các anh thấy đấy, tôi chẳng có gì ngoài hai bàn tay không. Thậm chí đến mạng sống của tôi, các anh cũng có thể định đoạt được, thì tôi lấy cái gì ra để dọa được các anh?” Họ im lặng rồi chuyển sang đề tài khác.

Tôi không ảo tưởng mình là người quan trọng hay “đáng gờm” gì để bị nhà cầm quyền “quan tâm” cho dù đã không còn ở Việt Nam nữa. Tôi không có nhu cầu tìm hiểu xem tại sao họ lại làm như thế, vì có những con người, có những đảng phái, coi việc gây tội ác là niềm vui. Trong mắt người cộng sản, đến đồng chí còn bị biến thành kẻ thù, huống hồ những người bất đồng chính kiến.

Gia đình tôi đã là nạn nhân của sự sách nhiễu, khủng bố gần 20 năm nay rồi, kể từ khi tôi công khai chọn cho mình thái độ trước thời cuộc. Nhà cầm quyền nên từ bỏ chính sách sử dụng con tin, lấy người thân để tạo áp lực, hầu khiến tôi ngừng các hoạt động tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam khi tôi đã ở Mỹ. Dù ở đâu, tôi vẫn sẽ hướng về Quê hương ruột thịt với trái tim của một người Việt Nam. Tôi vẫn phải làm những việc cần làm, và bảo vệ những điều cần được bảo vệ, xuất phát từ tình thương yêu chứ không phải lòng thù hận.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: