Trong quyển sách về toàn cầu hóa The Lexus and The Olive Tree ra đời cách đây hơn 20 năm (1999), nhà bình luận Thomas Friedman đã đưa ra hình ảnh sống động về sự tương phản giữa chiếc xe hạng sang Lexus và cây olive. Theo Friedman, trong khi ngày càng nỗ lực vươn lên để sở hữu chiếc Lexus (bằng chứng của đời sống kinh tế vật chất cao), người ta cũng đồng thời muốn duy trì sự yên bình dưới bóng mát cành olive (hình ảnh của cội nguồn văn hóa dân tộc). Người Việt không có cái bóng cây olive. Chúng ta chỉ có bóng tre, gốc đa, giếng nước… Vấn đề là chúng ta, những người Việt ở hải ngoại nói chung, liệu có thể giữ được cái gốc đa?
Dịp Tết cổ truyền vừa qua, như bao cái Tết xa quê khác hàng bao chục năm nay, người ta vẫn thấy áo dài, vẫn nghe tiếng pháo đì đùng, vẫn ăn bánh chưng bánh tét, vẫn cuốn bánh tráng với thịt kho hột vịt… Nhưng những hình ảnh đó có phải là bằng chứng cho việc cái gốc và cội nguồn vẫn được duy trì và vẫn mạnh? Liệu mấy đứa con của chúng ta vẫn sáng sáng đi ăn phở là bằng chứng cho thấy chúng chưa bị “mất gốc”? Tôi hoài nghi điều đó.
Xét ở một góc độ, món ăn truyền thống không hẳn là dấu chỉ cho thấy sợi dây kết nối duy trì cội nguồn. Bọn trẻ Việt sinh ở Mỹ ăn thịt kho cũng như ăn taco thôi. Thứ gì hợp miệng thì ăn. Chẳng lẽ cứ mỗi lần ăn thịt kho tàu thì tâm thức chúng lại liên tưởng đến giá trị truyền thống ẩm thực Việt! Nói cách khác, bằng vào việc căn cứ rằng thế hệ trẻ Việt sinh ở nước ngoài còn biết đến bánh chưng hay bún mắm là còn biết cội nguồn thì e rằng hơi lố. Và việc nghĩ rằng, bằng cách dùng ẩm thực để níu kéo bọn trẻ “trở về cội nguồn”, thì càng lố. Đặc biệt ở cái xứ “melting pot” như Mỹ, nơi ẩm thực đa quốc gia là một đặc điểm, thì chuyện ăn uống chỉ thuần túy là thưởng thức. Nỗi thèm bánh ú cũng tương tự như cơn thèm hamburger. Đừng nói rằng chúng thèm bánh ú là chúng “còn nhớ đến Việt Nam”.
Việt Nam, với những đứa trẻ sinh ở Mỹ, thật ra cũng chỉ là “another country”. Bạn bè tôi, rất nhiều người, thường than thở giống nhau: Bây giờ rủ tụi nhỏ về Việt Nam chơi, chúng giãy nãy như đĩa phải vôi. “Con đi mấy lần rồi, con không muốn đi nữa. Việt Nam đâu có gì đâu”. Nghe chua xót chứ. Việt Nam “đâu có gì đâu”, ngoài cái nghĩa du lịch Việt Nam chẳng có gì thú vị, còn có nghĩa Việt Nam “đối với con” không có ý nghĩa cội nguồn gì cả. “Nó” là quê hương của bố mẹ, chứ không phải của con. Con sinh ra ở đất nước này (Mỹ), con mang quốc tịch đất nước này, con nói tiếng “mẹ đẻ” của đất nước này, con đi làm, đóng thuế và hưởng những phúc lợi của đất nước này. Việt Nam là “gì” hả ba?! Nghe đau như ai thọc dao vào tim. Nhưng mà là sự thật.
Tôi sống ở Mỹ từ năm 1982 đến giờ. Con cái tôi đều trưởng thành và lập gia đình ở Mỹ. Có đứa thành hôn với người Mỹ trắng. Tôi nói vậy để nhấn mạnh rằng tôi từng níu kéo bầy con tôi ngồi dưới bóng cây đa… tưởng tượng. Tôi từng nhồi nhét vào đầu chúng những thứ văn hóa truyền thống “của tôi” vào cái văn hóa được Mỹ hóa “của chúng”. Tôi từng ép chúng phải nói tiếng Việt trong nhà. Tuy nhiên, tôi thất bại. Nhiều người bạn tôi cũng thất bại. Cái không gian gia đình của tôi là quá nhỏ bé và lạc lõng trong cái không gian xã hội bên ngoài. Chúng đi học, rồi đi làm, chúng sống nhiều hơn với bạn bè của chúng. Làm sao có thể bắt và trói chúng ngồi dưới gốc cây đa “của tôi”. Tôi còn nhớ mình buồn như thế nào khi thấy miếng giấy của đứa con gái (lúc đó 15 tuổi) dán ở tủ lạnh. “Tối nay về trễ”. Nó viết bằng tiếng Anh. Nói trống không. Chẳng thèm “I” iếc gì cả.
Ngôn ngữ là thứ mà người ta tin rằng giúp duy trì cội nguồn. Thì không sai. Nhưng cái gọi là “ngôn ngữ” ở đây nên được hiểu như thế nào? Là ngôn ngữ giao tiếp hay ngôn ngữ sách vở văn chương? Chỉ với vài câu chào hỏi và vài từ ngữ sinh hoạt thông dụng thì tôi e rằng nhiêu đó không đủ và không thể được coi là cái neo để con cái chúng ta còn bám được vào cái gốc. Chúng có đọc báo tiếng Việt không? Không đời nào! Chúng có đọc sách văn học tiếng Việt không? Càng không bao giờ. Chỉ với vài câu đơn giản như “ba ăn cơm chưa?” thì có khác gì chúng biết vài câu xã giao trong tiếng Spanish hoặc tiếng Nhật?! Hơn nữa, điều buồn cười nữa là nhiều phụ huynh thuộc thế hệ tôi (sinh vào thập niên 1950) không có trình độ tiếng Việt đủ để dạy con. Và trong khi bắt chúng phải nói tiếng Việt với mình thì mình lại cứ xí xô xí xa tiếng Việt xen lẫn tiếng Anh ba rọi. “Hôm qua tôi gọi mà sao ông không pick up the phone?”
Để cái gốc cây đa không bị mối mọt theo thời gian thì nhất thiết văn hóa truyền thống cộng đồng phải mạnh. Sức mạnh này đến từ việc phủ sóng và truyền lại những giá trị văn hóa dân tộc thông qua nền tảng của văn hóa là chữ nghĩa. Trong khi đó, báo chí Việt ngữ ngày càng suy yếu và ngày càng bỏ lơ ngọn cờ văn hóa. Nhiều tờ báo lớn một thời bây giờ chỉ đăng toàn mẩu tin lụn vụn có khi tào lao để câu khách. Cùng lúc, những gương mặt đại diện văn hóa cộng đồng một thời cũng lần lượt mất đi. Hồi những năm 1980-1990, sự vẫy vùng của họ còn mang lại chút sinh khí văn hóa cho cộng đồng. Bây giờ, sự thiếu vắng của họ cho thấy không gian văn hóa cộng đồng trống hụt như thế nào, khi mà thế hệ kế thừa hoàn toàn không đủ sức vun bồi văn hóa truyền thống cho mai sau. Vài năm nữa, những ông già bà cả cũng theo “ông bà” đi hết, cái gốc đa trong cộng đồng người Việt hải ngoại cũng sẽ khô héo mà lụi tàn?
Tôi cho rằng đến giờ mới nhận thức được điều này là đã muộn. Cuộc khủng hoảng văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung đang trầm trọng. Khoảng cách và sự không thông hiểu lẫn nhau giữa thế hệ trẻ và thế hệ già ngày càng rộng. Nếp sống văn hóa trong môi trường Mỹ đã tạo ra khoảng cách trong tư duy và tất nhiên thể hiện trong sinh hoạt. Rào cản ngôn ngữ tiếp tục dẫn tới nhiều áp lực và mâu thuẫn thế hệ trong gia đình. Gần như tất cả chúng ta đang chứng kiến điều này với sự bất lực. Và không chỉ ở Mỹ. Cộng đồng người Việt ở Úc, Canada hay gần như bất cứ nơi nào khác – mà tôi có dịp trao đổi và tâm sự – đều gặp tình trạng tương tự. Hai thế hệ già-trẻ như hai dòng nước chảy ngược.
Vấn đề lớn nhất chính là ở chỗ “chảy ngược”. Rất nhiều người, dù sống ở Mỹ cả hàng chục năm, vẫn không hòa nhập thực sự vào cái melting pot. Họ không chỉ không bước ra ngoài mà còn tự vây họ bằng những bụi tre chặn kín luồng văn hóa đa dạng bên ngoài. Họ xây dựng pháo đài cho một kiểu Việt Nam riêng của họ. Và hậu quả là con cái họ ngày càng tránh xa họ vì chúng thấy bố mẹ quá khác biệt với mình (trong khi bố mẹ chúng thì nghĩ rằng chúng quá chướng mắt với họ). Để duy trì văn hóa truyền thống ở hải ngoại, đừng có gây sức ép, đừng có cưỡng cầu.
Phải hiểu rằng văn hóa truyền thống ở một đất nước không thuộc quê hương chỉ có thể duy trì bằng việc bắt cầu cho nó liên thông với văn hóa đa dạng bên ngoài. Chỉ vậy mới có thể tránh được những mâu thuẫn với thế hệ sau, chỉ vậy mới có thể thuyết phục thế hệ sau rằng văn hóa cội nguồn của chúng ta cũng có những giá trị cao và đáng gìn giữ tương tự như văn hóa các quốc gia khác. Đừng ép thế hệ trẻ. Hãy để tự chúng tìm đến và được chinh phục. Và quan trọng hơn hết là đừng có tiếp tục “tự hào Việt Nam” với riêng mình. Hãy kiến tạo cái “tự hào Việt Nam” bằng việc lập ra nhiều hơn những trung tâm Việt ngữ, tổ chức nhiều hơn những cuộc thi tiếng Việt, dựng nên nhiều hơn những bảo tàng văn hóa Việt, và đặc biệt hãy gắn kết với nhau nhiều hơn để làm gương cho thế hệ trẻ nhằm cho chúng thấy cái cộng đồng này là nơi mà chúng đáng để thuộc về.