Cuba và bài toán khó của Tổng thống Biden

Tiếp tục cấm vận hay hòa giải với chính phủ Cuba?

Cuộc biểu tình phản kháng của người dân Cuba bất ngờ bùng nổ hôm Chủ Nhật đang đẩy chính phủ Hoa Kỳ dưới quyền Tổng thống Joe Biden trước một lựa chọn khó khăn: Hòa giải với Havana như lời hứa của ông Biden khi tranh cử hay tiếp tục duy trì và siết chặt chính sách cấm vận đã có từ nửa thế kỷ nay.

Tổng thống Joe Biden là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ người biểu tình ở Cuba sau khi hàng ngàn người đổ xuống đường trong một cuộc phản kháng lớn nhất ở đảo quốc này trong nhiều thập niên. Chỉ vài giờ sau khi cuộc biểu tình nổ ra ở Havana và các thành phố lân cận, ông Biden tuyên bố từ Tòa Bạch ốc: 

“Hoa Kỳ đứng cùng người dân Cuba trong tiếng kèn báo hiệu tự do và giải thoát khỏi sự đàn áp và đói khổ mà họ phải chịu đựng dưới chế độ độc tài Cuba bao thập niên qua. Người dân Cuba đang can đảm khẳng định các quyền căn bản của con người khắp mọi nơi. Những quyền ấy, gồm có cả quyền biểu tình ôn hoà và quyền tự quyết tương lai mình, cần phải được tôn trọng. Hoa Kỳ kêu gọi nhà cầm quyền Cuba hãy lắng nghe tiếng nói của người dân và hãy cố gắng phục vụ họ trong thời điểm nguy ngập này thay vì làm giàu cho bản thân.”

Nhưng sau lời tuyên bố hùng hồn này, Washington sẽ làm gì để “đứng cùng người dân Cuba trong tiếng kèn báo hiệu tự do và giải thoát”?  

Cuộc xuống đường vì tự do

Như tin tức đã đưa vài ngày nay, hôm Chủ Nhật 11 Tháng Bảy, hàng ngàn người Cuba đã biểu tình phản đối chính quyền cộng sản cai trị nước này. Họ phẫn nộ vì không có lương thực thực phẩm, hàng hóa chỉ mua được trong các cửa tiệm chỉ nhận đô la Mỹ, giá cả leo thang, điện cúp thường xuyên, còn bệnh viện và tiệm thuốc thì không có cả những dược phẩm căn bản như aspirin hoặc penicillin, trong lúc dịch COVID-19 hoành hành trước sự bất lực của chính quyền.

Tuy nhiên, với những khẩu hiệu “Tự Do”, “Đả đảo Cộng sản”, “Đả đảo Độc tài”, “Tổ quốc và cuộc sống”, cuộc biểu tình – được coi là lớn nhất từ trước đến nay – không chỉ đòi các nhu cầu vật chất như cơm áo, thuốc men mà nhắm tới những điều cao cả hơn: Quyền sống và tự do đã bị tước đoạt trong nhiều thập niên dưới chế độ cộng sản toàn trị. 

Chủ tịch nhà nước, kiêm Bí thư Thứ Nhất đảng Cộng sản Cuba, ông Miguel Diaz-Canel – người đầu tiên ngoài dòng tộc Castro lên lãnh đạo đất nước kể từ Cách mạng Cuba năm 1959 – lên án vụ phản kháng là sản phẩm của chính phủ Hoa Kỳ, lợi dụng “tình cảm” của người dân Cuba và tình trạng thiếu thốn của đất nước ông để kích động bạo loạn. Xuất hiện trên truyền hình cùng với toàn bộ các bộ trưởng trong nội các của ông, ông Diaz-Canel tố cáo Mỹ “bóp nghẹt kinh tế” và các chiến dịch truyền thông xã hội của một số ít người phản cách mạng. Và đúng với giọng lưỡi của một nhà độc tài cộng sản, ông ta kêu gọi: “Chúng tôi kêu gọi tất cả những người cách mạng trong nước, tất cả những người cộng sản, hãy ra đường, ngay bây giờ và trong những ngày tới, nơi những hành động khiêu khích đang xảy ra. Và hãy đối mặt với chúng một cách kiên quyết, vững vàng và can đảm.” Trên trang nhất báo Granma, cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng sản Cuba, ông Diaz-Canel gào thét: “Chúng sẽ phải bước qua xác chúng ta nếu chúng muốn hủy diệt cách mạng”

Và chính quyền Cuba đã thẳng tay đàn áp: Họ huy động tối đa các phương tiện chống bạo loạn, bắn lựu đạn cay và đạn cao su vào đám đông, cắt phần lớn đường liên lạc vô tuyến với thế giới bên ngoài, bố trí các lực lượng an ninh và chống bạo loạn ra khắp nước; đánh đập và bắt giam hơn 100 người biểu tình. Hôm Thứ Ba 13 Tháng Bảy, tổ chức Ân Xá Quốc tế (Amnesty International) công bố danh sách 150 người bị bắt trong cuộc biểu tình, còn Movimiento San Isidro – một nhóm các nhà bất đồng chính kiến Cuba – nhận được 171 báo cáo về những người bị cảnh sát bắt hoặc mất tích, không rõ bị đưa đi đâu. 

Các nhà phân tích cho rằng, guồng máy an ninh và tình báo mạnh mẽ của Cuba – đã không chỉ áp đặt thành công một nhà nước cảnh sát ở trong nước suốt sáu thập niên qua mà còn hỗ trợ đắc lực cho các chính thể độc tài ở Venezuela, Nicaragua và các nơi khác – sẽ ngăn chặn được cuộc biểu tình phản kháng, không để bùng lên thành một cuộc cách mạng, một phiên bản Caribbean của các cuộc cách mạng lật đổ chế độ cộng sản ở Đông Âu năm 1989.

Quả thật, dưới sự trấn áp của các lực lượng an ninh của chính phủ, thủ đô Havana đã yên tĩnh trong những ngày đầu tuần. Nhưng nỗi căm phẫn của người dân vẫn âm ỉ và chực bùng lên trở lại trong những ngày tới. Nhà văn Cuba bất đồng chính kiến Ernesto Hernandez Busto nhận xét với báo The Wall Street Journal: “Đã kết thúc một thời đại mà nỗi sợ hãi ngự trị. Cuộc xuống đường biểu tình phản kháng đánh dấu một bước chuyển lớn lao”. Nhà báo tự do Yoani Sanchez nói trong một bản tin trực tuyến hôm Thứ Ba: “Ngọn lửa đã được nhóm lên, thưa các anh các chị, không còn quay trở lại được nữa. Mọi người đều cảm nhận được tiếng thét đòi tự do trên các đường phố Cuba”.

Nóng lạnh quan hệ Cuba – Mỹ

Cuộc phản kháng bất ngờ của nhân dân Cuba liệu có thể làm thay đổi chính sách cấm vận của Hoa Kỳ đối với đảo quốc này hay không? Cần xem lại lịch sử quan hệ căng thẳng giữa hai nước.

Sự thù địch giữa Hoa Kỳ và Cuba bắt đầu sau khi lãnh tụ cộng sản Cuba Fidel Castro làm cuộc cách mạng năm 1959, lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista. Nhưng thay vì đưa Cuba vào một kỷ nguyên mới dân chủ và tự do, ông Fidel Castro và đảng Cộng sản Cuba thiết lập một chế độ toàn trị theo mô hình Liên Xô và trở thành một “chư hầu” của Liên Xô ở Tây Bán cầu. 

Theo đúng đường lối cộng sản, ngay sau năm 1959, Cuba quốc hữu hóa toàn bộ các ngành sản xuất, xóa bỏ sở hữu tư nhân và thiết lập mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung giống như các nước cộng sản khác. Những chính sách kinh tế sai lầm đó đã đẩy Cuba từ một quốc gia giàu có nhất vùng Caribbean trở thành một đất nước bần cùng, kéo dài đến tận ngày nay. Trong chiến dịch quốc hữu hóa nền kinh tế, Fidel Castro đã tịch biên tài sản nhiều công ty Mỹ đã đầu tư trong các lĩnh vực trồng mía, chế biến đường, khách sạn và du lịch, chiếm đến 40% quy mô kinh tế của nước này… Hành động đó gây phẫn nộ trong chính giới Mỹ và ngày 19 Tháng Mười năm 1960, Tổng thống Dwight D. Eisenhower ra lệnh cấm xuất cảng hàng hóa Mỹ sang Cuba ngoại trừ sản phẩm y tế – chính sách cấm vận của Mỹ chống Cuba chính thức bắt đầu. 

Một sai lầm có tính lịch sử của Fidel Castro là cho phép Liên Xô thiết lập các bệ phóng nguyên tử tại Cuba, đổi lấy viện trợ kinh tế và sự bảo kê chính trị của Moscow. Sai lầm đó suýt dẫn tới một cuộc chiến tranh nguyên tử giữa Hoa Kỳ và Liên Xô vào Tháng Mười năm 1962. Đáp lại, Tổng thống John F. Kennedy ra lệnh cấm các sản phẩm Cuba nhập cảng vào Mỹ; quan hệ thương mại giữa hai nước chỉ cách nhau một vùng biển hẹp chính thức bị cắt đứt hoàn toàn.

Từ đầu thập niên 1960 đến nay, quan hệ Cuba-Mỹ lúc nóng lúc lạnh nhưng chính sách cấm vận không hề thay đổi mà có xu hướng ngày càng siết chặt theo đà gia tăng các biện pháp đàn áp người dân trong nước của chính quyền cộng sản Cuba, làn sóng người tị nạn từ Cuba tràn vào Hoa Kỳ và hoạt động “xuất cảng chủ nghĩa cộng sản” của Cuba ra các nước chung quanh. Cái gọi là chế độ “xã hội chủ nghĩa” mà cố tổng thống Hugo Chavez thực thi ở Venezuela chẳng hạn, là một sản phẩm nhập cảng từ Cuba, do các chuyên gia Cuba bên cạnh ông Chavez chỉ đường dẫn lối và đưa Venezuela cùng với Cuba “xuống hố cả nút”.

Chính sách của Hoa Kỳ với Cuba có sự thay đổi đáng kể vào thời Tổng thống Barack Obama, thời mà ông Joe Biden đảm nhiệm chức vụ phó tổng thống. Ông Obama cho rằng, hơn năm thập niên cấm vận Cuba đã không mang lại sự thay đổi cần thiết, không làm cho Cuba được tự do dân chủ hơn hoặc bớt thù địch với Hoa Kỳ. Ông coi quan hệ ngoại giao với Cuba là một điểm nhấn trong chính sách đối ngoại của mình và ông nhấn mạnh tới việc gạt sang một bên mối thù địch kéo dài nhiều thập niên giữa hai nước, gỡ bỏ “những xiềng xích của quá khứ”. Chính quyền Obama vì vậy đã chọn một cách tiếp cận khác, hòa dịu hơn so với các chính quyền tiền nhiệm. Tổng thống Obama đã cho mở lại tòa đại sứ tại thủ đô hai nước, cho công dân Mỹ được đi du lịch và đầu tư thương mại ở Cuba, nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất cảng sang Cuba và các giới hạn về kiều hối mà người Cuba ở Mỹ được phép gửi về nước. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã hân hoan viết trên Twitter trong ngày mở cửa Đại sứ quán Mỹ tại Havana: “Tòa Đại sứ mới của Hoa Kỳ tại Havana giúp chúng ta gắn kết với người dân Cuba và xây dựng những nỗ lực hỗ trợ sự thay đổi. Bước đi tốt đẹp cho người dân Cuba và người Mỹ”. Những người tỉnh táo hơn thì cho rằng, chính quyền Obama đã “ngây thơ” khi hòa giải với những người cộng sản.

Có điều cần lưu ý là chính sách của Hoa Kỳ đối với Cuba phải tuân theo nhiều đạo luật do Quốc Hội ban hành như luật “Trading with the Enemy Act 1917”, luật “Foreign Assistance Act” mà cho đến nay Quốc Hội Hoa Kỳ chưa ban hành một đạo luật mới nào thay thế những đạo luật đó. Do vậy, những nỗ lực cải thiện quan hệ với Cuba của chính quyền Obama chỉ được thực thi bằng những sắc lệnh hành pháp của tổng thống và dễ dàng bị hủy bỏ khi ông Donald Trump lên thay ông Obama ở Tòa Bạch Ốc năm 2017. Trong bốn năm cầm quyền của Tổng thống Trump, quan hệ với Cuba quay trở lại thời kỳ lạnh nhạt như trước năm 2012, thậm chí căng thẳng hơn: những chính sách của ông Obama bị đảo ngược; công dân Mỹ bị cấm buôn bán và du lịch tới Cuba; kiều hối bị hạn chế. Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Havana vẫn còn đó nhưng số nhân viên làm việc bị giảm xuống mức tối thiểu, một phần do quan hệ đã xấu đi, phần khác do các nhà ngoại giao bị nhiễm một chứng bệnh bí mật, được gọi là “hội chứng Havana” – bị đau đầu, giảm trí nhớ mà không rõ nguyên nhân.

Tháng Một 2021, chỉ chín ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ và bàn giao cho chính phủ Biden, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dưới quyền cựu Bộ trưởng Mike Pompeo đã quyết định đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố – một bước leo thang đối đầu, đặt chính phủ mới vào một tình huống khó xử nếu muốn hòa giải với Cuba. 

Cuba và chính trị nội bộ: Dân Chủ vs. Cộng Hòa

Trong thời gian vận động tranh cử, ông Joe Biden đã hứa nếu trúng cử tổng thống ông sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt Cuba do chính quyền Trump áp đặt, mà ông cho là “gây thiệt hại cho người dân Cuba và không có tác dụng thúc đẩy dân chủ và nhân quyền”. Nhưng đến nay, sau sáu tháng cầm quyền, ông Biden vẫn chưa thực hiện lời hứa đó. 

Trước khi cuộc biểu tình nổ ra ở Havana hôm Chủ Nhật, khi được báo chí hỏi về chính sách Cuba, một cố vấn cao cấp của ông Biden nói rằng việc điều chỉnh chính sách với Havana không phải là ưu tiên trong nghị trình của tổng thống. “Chúng tôi có cả thế giới và cả một khu vực đang hỗn loạn. Chúng tôi đang chiến đấu với một đại dịch, đang xử trí sự thoái hoá của nền dân chủ ở nhiều nước. Đó là tình cảnh của chúng tôi hiện nay. Liên quan tới Cuba, chúng tôi sẽ làm những gì phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”, quan chức ẩn danh này nói với nhà báo Karen DeYoung của báo The Washington Post

Tổng thống Biden không vội thực hiện việc nới lỏng cấm vận Cuba sau khi ông bị cử tri Florida – mà trong đó một phần đáng kể là người gốc Cuba, Venezuela, Nicaragua đào thoát khỏi các chế độ cộng sản độc tài – quay lưng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua vì họ không chấp nhận lời hứa khi tranh cử của ông. Quận hạt Miami-Dade, một thành trì của đảng Dân Chủ ở Florida, đã bỏ phiếu cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử vừa qua, buộc các chiến lược gia Dân Chủ phải tính lại nếu không muốn tiếp tục thất bại trong các kỳ bầu cử 2022 và 2024 sắp tới. Quan điểm của cử tri Florida – cương quyết chống cộng, phản đối mọi kế hoạch hòa giải với Cuba – chắc chắn sẽ có tác động mạnh tới chính sách của chính quyền Biden trong những ngày tới.

Vụ biểu tình ở Cuba hôm Chủ Nhật là cơ hội để các chính trị gia Dân Chủ và Cộng Hòa tranh đua để biểu thị ai là người thực sự giương ngọn cờ dân chủ tự do, chống cộng sản độc tài, ai là người đứng cùng nhân dân Cuba trong cuộc đấu tranh. Cho đến nay, dư luận ở Florida có phần nghiêng về hướng cho rằng đảng Cộng Hòa mới cứng rắn với chính quyền cộng sản Cuba trong khi đảng Dân Chủ thiên về chủ trương hòa dịu với Cuba nói riêng, với các chế độ cộng sản nói chung. Và đó hiển nhiên là điều bất lợi cho ông Biden.

Bên đảng Dân Chủ, ngoài lời tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Joe Biden đã trích dẫn nguyên văn ở trên, các nhà lãnh đạo khác cũng tỏ ra mạnh mẽ hẳn. Thượng Nghị Sĩ Robert Menendez (Dân Chủ – New Jersey), con của một gia đình Cuba nhập cư, hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, tuyên bố: “Đây là một cơ hội cho chúng ta thay đổi tiến trình các sự kiện ở Cuba. Nếu chúng ta có thể giúp thay đổi tiến trình của Cuba và gây âm vang cho những tiếng kêu cứu của người dân Cuba thì điều đó sẽ bảo đảm lợi ích cho chính quyền này”. Thay đổi thế nào thì chưa thấy ông Menendez nói rõ.

Bên đảng Cộng Hòa, các chính trị gia tận dụng cơ hội này để phê phán chính quyền Biden mềm yếu với Havana. Cựu Tổng thống Donald Trump phát tuyên bố nhắc lại lời hứa tranh cử của ông Biden để phê phán; các dân cử Cộng Hòa lên án ông Biden đã không phản đối chủ nghĩa cộng sản Cuba trong tuyên bố đầu tiên của ông về cuộc biểu tình. Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa – Florida) còn đăng một tấm ảnh chụp màn hình bản nháp viết tay lời tuyên bố của Tổng thống Joe Biden, trong đó cụm từ “chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” bị gạch bỏ và thay bằng từ “chuyên chế” khi đề cập tới chính thể ở Cuba. “Ông ấy đã quên điều gì đó,” ông Rubio viết. “Ông ấy không hiểu được cái gốc của vấn đề ở đây,” Dân biểu Carlos A. Gimenez (Cộng Hòa – Florida) nhận xét. Cả hai vị dân cử Rubio và Gimenez đều là người gốc Nam Mỹ tị nạn.

Lựa chọn khó khăn

Ông Biden không phải là không hiểu cái gốc của vấn đề Cuba như ông đã nhấn mạnh trong tuyên bố của mình: “Người dân Cuba đang can đảm khẳng định các quyền căn bản của con người khắp mọi nơi. Những quyền ấy, gồm có cả quyền biểu tình ôn hoà và quyền tự quyết tương lai mình, cần phải được tôn trọng.” Nhưng làm sao để người dân Cuba có được các quyền căn bản đó trong một xã hội tự do là một câu hỏi không dễ dàng. 

Tiếp tục siết chặt các biện pháp cấm vận có tác dụng rõ ràng là làm cho kinh tế Cuba sụp đổ, cuộc sống của người dân rơi vào bần cùng mà không mang lại sự thay đổi thể chế, không làm lay chuyển được đảng cộng sản; hay là thực hiện hòa giải, nối lại quan hệ ngoại giao với niềm hy vọng rằng sự mở cửa, thông thoáng và kinh tế tăng trưởng sẽ dẫn tới thay đổi về chính trị? 

Thực tế sáu mươi năm qua chứng tỏ cấm vận không phải là giải pháp, nhưng hòa giải với cộng sản cũng không mang lại kết quả mong đợi. Tấm gương của Trung Quốc sau cuộc hòa giải của cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger năm 1971, của Việt Nam sau cuộc bãi bỏ cấm vận năm 1995 dưới thời Tổng thống Bill Clinton cho thấy các chế độ cộng sản có thể thích nghi nhanh chóng với kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và công nghệ điện toán nhưng vẫn duy trì vững chắc guồng máy kiểm soát và trấn áp xã hội, thậm chí còn tàn bạo hơn. Như những con tắc kè luôn thay đổi màu da để lẩn trốn và tồn tại.

Sau sự kiện phản kháng hôm Chủ Nhật, chính sách với Cuba đã không còn là một vấn đề “không ưu tiên” trong nghị trình của Tổng thống Biden. Nhưng làm thế nào giúp người dân Cuba giải quyết vấn đề của đất nước họ là một bài toán quá khó.

Đọc thêm:

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: