“Dân chủ nhân dân toàn diện” của Trung Quốc là cái gì?

Biểu tình đòi dân chủ của người dân Hong Kong năm 2019. Ảnh minh họa Unsplash.com

Để chống lại hội nghị thượng đỉnh về dân chủ toàn cầu mà Hoa Kỳ vừa chủ trì vừa qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh một chiến dịch tuyên truyền chưa từng có. Bắc Kinh đã huy động các tổ chức truyền thông nhà nước, các viện nghiên cứu và quan chức ngoại giao các cấp đăng tải hàng loạt nghiên cứu, bài bình luận trên hệ thống truyền thông chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc lẫn trên các mạng xã hội toàn cầu như Twitter để lên án những khiếm khuyết của thể chế dân chủ tự do của Mỹ và phương Tây; đồng thời quảng bá cái gọi là “nền dân chủ nhân dân toàn diện”, hay “dân chủ xã hội chủ nghĩa mang đặc điểm Trung Quốc”. 

Luận điểm chính của chiến dịch tuyên truyền này là thể chế của Trung Quốc “dân chủ hơn”, “ưu việt hơn”, “hiệu quả hơn” và tránh được những căn bệnh kinh niên của thể chế dân chủ đa đảng của Phương Tây mà Hoa Kỳ là đại diện. Vậy “nền dân chủ nhân dân toàn diện” hay “dân chủ xã hội chủ nghĩa” của Trung Quốc là gì, có phải đó là “lựa chọn thay thế” cho mô hình dân chủ tự do ở phương Tây hiện nay hay không?

Từ ngày thành lập nước vào tháng Mười năm 1949 đến nay, Trung Quốc là một nước độc tài đảng trị, theo mô hình nhà nước chuyên chế của Lenin-Stalin ở nước Nga, chỉ có một đảng chính trị duy nhất là đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) nắm tất cả các nhánh quyền lực. Tổng bí thư đảng CSTQ Tập Cận Bình kiêm nhiệm Chủ tịch nước Trung Quốc, cùng với Bộ Chính trị của đảng có quyền ban hành mọi quyết định chính sách; người dân Trung Quốc không có tiếng nói nào trong việc đưa các nhân vật này lên đỉnh quyền lực, dù vẫn phải đóng thuế và không được phản đối các quyết định mà những người này đưa ra. 

Bề ngoài, Trung Quốc có hiến pháp, có quốc hội được bầu lên theo kiểu đảng cử dân bầu phi tự do để chỉ để “đóng dấu cao su” vào các quyết định đã được Bộ Chính Trị đảng CSTQ đề ra trước đó trong một quy trình bàn luận bí mật; có hệ thống tòa án các cấp nhưng không có tư pháp độc lập vì tất cả quan tòa đều do đảng bổ nhiệm và làm việc theo chỉ thị của đảng. Đảng đứng trên pháp luật và pháp luật được ban ra chỉ để cai trị người dân. Đất nước này cũng không có báo chí độc lập, tất cả các phương tiện truyền thông đều do đảng kiểm soát, mọi tiếng nói bất đồng đều bị bóp nghẹt cả trong đời sống lẫn trên mạng xã hội. Gần đây, tân dụng tiến bộ của công nghệ điện toán, Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới giám sát kỹ thuật số khổng lồ, nhất cử nhất động của người dân đều bị theo dõi sát.

Một đất nước độc tài toàn trị như vậy có thể là một nền dân chủ hay không?

Hôm Thứ Bảy ngày 4 Tháng Mười Hai, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện, tức chính phủ Trung Quốc, công bố một “bạch thư” (sách trắng) có nhan đề: “Trung Quốc: Nền Dân Chủ Hoạt Động Được” (China: Democracy That Works), cùng lúc với việc tổ chức Diễn đàn Dân chủ toàn cầu tại Bắc Kinh. Ngoài nội dung phê phán thể chế dân chủ tự do của Mỹ và phương Tây, “bạch thư” Trung Quốc trình bày những đặc điểm của “dân chủ xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc”.

Tài liệu này cho rằng, cái gọi là “nền dân chủ nhân dân toàn diện” (whole-process people’s democracy) mà Chủ tịch Tập mới sáng tạo ra gần đây là sự kế thừa hợp lý và chính đáng ý tưởng quyền cai trị thuộc về mọi công dân mà người Hy Lạp cổ đại đã thực thi vào khoảng 2,000 năm trước.

Bạch thư cho rằng, thể chế dân chủ đa đảng phương Tây chỉ là dân chủ một phần; dân chủ nhân dân toàn diện của Trung Quốc không tập trung vào một quá trình cụ thể nào, cho dù đó là hệ thống bầu cử phổ quát mỗi cử tri một lá phiếu để trực tiếp bầu ra người lãnh đạo; hoặc hệ thống tam quyền phân lập, kiểm tra và cân bằng giữa các nhánh quyền lực. 

Chỗ dị biệt giữa hai quan niệm dân chủ, theo “bạch thư”, nằm ở chỗ “dân chủ nhân dân toàn diện” của ông Tập tập trung vào kết quả của quản trị quốc gia, vào việc thỏa mãn các nhu cầu của nhân dân. Với một đất nước to lớn và đông đúc như Trung Quốc, việc đáp ứng các nhu cầu cơm ăn áo mặc và phát triển kinh tế để mọi người dân được sống tốt hơn thì quan trọng hơn rất nhiều so với việc để cho người dân được bầu cử người đại diện và thực hiện quyền tự do dân sự. Và để phát triển đất nước, ổn định trật tự xã hội thì một thể chế tập trung quyền lực vào một đảng chính trị, một nhóm quan chức tinh hoa thì quan trọng hơn là phân chia quyền lực giữa các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp hoặc dung nạp các nguyên tắc tự do ngôn luận, tự do lập hội v.v…

Những quan niệm này có gốc gác từ mô hình nhà nước toàn trị kiểu Lenin, được huênh hoang là “dân chủ gấp vạn lần tư bản” và không xa lạ với người dân các nước cộng sản như Việt Nam. Vài mươi năm trước, lãnh tụ đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn đã vận dụng những ý tưởng này vào các khái niệm “làm chủ tập thể”, “dân chủ tập trung” để biện minh cho thể chế độc tài đảng trị ở Việt Nam.

Bạch thư của Trung Quốc liệt kê những thành quả mà đất nước này đã đạt được như tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển khoa học công nghệ và nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế như là kết quả cốt lõi của sự lãnh đạo của đảng CSTQ. Tài liệu này cho rằng, phiên bản “dân chủ của Trung Quốc” hoạt động được bởi vì nó “thúc đẩy sự ổn định chính trị, đoàn kết quốc dân và phát huy sự sáng tạo”. Thành quả dễ thấy nhất của thể chế dân chủ đó là Trung Quốc đã ngăn chặn được đại dịch Covid-19: Trung Quốc là nước đầu tiên kiểm soát được đại dịch, nước đầu tiên khôi phục kinh tế và đạt được tăng trưởng. 

Từ đó, bạch thư của Trung Quốc khẳng định, sự cai trị độc đảng – mà truyền thông phương Tây thường gọi là độc tài đảng trị – chẳng những không phải là trở ngại cho công cuộc dân chủ hóa mà còn là nhân tố bảo đảm sự dân chủ đó. “Thật không phải là một việc dễ dàng để một quốc gia rộng lớn và đông đúc như Trung Quốc được đại diện đầy đủ và xử lý những mối quan tâm của hơn 1.4 tỷ người dân. Nó phải có một sự lãnh đạo tập trung và mạnh mẽ,” bạch thư viết.

Trên nền tảng tư tưởng “dân chủ là hiệu quả”, “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, Bắc Kinh ra sức biện hộ cho những chính sách đàn áp phản dân chủ của họ: việc giam hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ vào trại tập trung ở Tân Cương là “phương thức mới để loại trừ chủ nghĩa khủng bố”, việc bỏ tù hàng ngàn luật sư nhân quyền và nhà báo của Trung Quốc cũng như ban hành luật an ninh quốc gia khắc nghiệt để đập tan phong trào dân chủ Hồng Kông là để củng cố “nhà nước pháp quyền”; việc theo dõi toàn bộ dân chúng bằng camera có tính năng nhận diện khuôn mặt và công nghệ xử lý dữ kiện bằng trí tuệ nhân tạo là để duy trì sự ổn định chính trị và đoàn kết quốc gia, chống bạo loạn và khủng bố v.v…

Với công chúng phương Tây, quan niệm “dân chủ nhân dân toàn diện” của Trung Quốc chỉ là xảo thuật  ngôn từ để che giấu bản chất độc tài toàn trị, không lừa bịp được ai. Bảng xếp hạng toàn cầu các định chế dân chủ 2020 của Viện V-Dem Institute thuộc Đại học Gothenburg xếp Trung Quốc vào vị trí thứ 174 trong 179 quốc gia được khảo sát và cho rằng đây là một nước độc tài chuyên chế. Trong bảng Chỉ số Dân chủ (Democracy Index) 2020 do Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU) của báo The Economist (Anh) – xếp hạng 167 quốc gia dựa trên 60 tiêu chuẩn trong năm nhóm vấn đề lớn: quy trình bầu cử và đa nguyên chính trị, quyền tự do dân sự, hoạt động của chính phủ, sự tham gia chính trị của người dân và văn hóa chính trị – Trung Quốc đứng ở vị trí 151 trong nhóm nước độc tài chuyên chế. 

Nhưng mô hình dân chủ giả hiệu của Trung Quốc có sức hấp dẫn mạnh mẽ với các nước nhỏ, đang tìm một mô hình phát triển giữa một thế giới đa cực mà trọng lực đang nghiêng dần về phía châu Á. Các nhà lãnh đạo độc tài còn tìm thấy ở mô hình Trung Quốc những yếu tố giúp cho họ duy trì sự độc quyền cai trị và tước đoạt những quyền tự do căn bản của công dân – yếu tố tạo nên một thể chế dân chủ. 

Ở Đông Nam Á, quan niệm về dân chủ của Trung Quốc được các nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam, Philippines, Miến Điện, Cambodia và Lào tán thành. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính chẳng hạn, trong chuyến công du Anh Quốc vừa qua, đã cao ngạo tuyên bố: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới này về vấn đề nhân quyền. Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho một trăm triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau”. Chính phủ của ông Chính có lo được cơm ăn áo mặc, không bỏ ai lại phía sau hay không thì thực tế hằng ngày ở Việt Nam hiện nay là một lời phản bác mạnh mẽ. Các nhà cầm quyền cộng sản còn luôn miệng nói, chưa thể thực hiện dân chủ hóa – ví dụ để người dân trực tiếp bầu ra người đại diện cho mình – vì dân trí còn thấp! Thực tế cho thấy quan trí mới thấp và sự trì hoãn dân chủ hóa chỉ nhằm duy trì ách áp bức bóc lột của thiểu số cầm quyền kiểu cha truyền con nối.

Mô hình “dân chủ xã hội chủ nghĩa” Trung Quốc có sức thu hút các nước đang phát triển một phần do đà suy thoái của thể chế dân chủ ở Mỹ và phương Tây, gây thất vọng cho người dân. Những cuộc khủng hoảng kinh tế liên tiếp xảy ra theo chu kỳ; sự phân liệt đảng phái gay gắt làm cho guồng máy chính phủ bị tê liệt – chính phủ Hoa Kỳ nhiều lần đứng trước tình trạng bị đóng cửa vì ngân sách hoạt động không được phân bổ kịp thời chẳng hạn, việc quản trị xã hội ngày càng rối rắm với tệ nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị vùng miền v.v… Sự kiện cựu Tổng thống Donald Trump và các chính trị gia đảng Cộng Hòa liên tục tố cáo cuộc bầu cử năm 2020 là “gian lận”, nhiều tiểu bang đưa ra các đạo luật hạn chế quyền bầu cử, làm mọi cách cản trở đảng Dân Chủ cầm quyền, từ việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tới đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng; cũng như sự đối lập không khoan nhượng giữa hai đảng đã làm cho chính phủ Mỹ gần như không thể hoạt động hiệu quả, xã hội chia rẽ sâu sắc và đặt ra nguy cơ nền dân chủ Mỹ có thể sụp đổ trong tương lai.

Tổng thống Biden nhiều lần nói rằng, thách thức lớn nhất của thế kỷ 21 là cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa dân chủ và độc tài, phần thắng sẽ thuộc về thể chế nào đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, không chỉ về đời sống vật chất mà cả về tinh thần và phẩm giá. Việc tổ chức hội nghị toàn cầu về dân chủ nhằm kết nối nỗ lực của các quốc gia “cùng chí hướng” để bảo vệ nền dân chủ có thể là một bước khởi đầu tốt, nhưng vấn đề khó khăn hơn nằm ở nội bộ nước Mỹ và các thể chế dân chủ lớn khác như Ấn Độ. Nếu nước Mỹ không vượt qua được sự chia rẽ đảng phái gay gắt hiện nay để quay lại với một xã hội đoàn kết, một chính phủ hiệu quả thì sẽ không có triển vọng thắng cuộc trong cuộc cạnh tranh ý thức hệ với Trung Quốc dù thể chế dân chủ của Bắc Kinh chỉ là một món giả cầy!

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: