Khác với với cái chết của Lê Đức Anh hay Đỗ Mười, là những nguyên thủ cấp cao đời đầu, người ta nhận ra ngay việc ca ngợi và đánh bóng cho những nhân vật này hoàn toàn rất yếu ớt. Điều này hoàn toàn khác biệt với đám tang của Nguyễn Phú Trọng: bộ máy tuyên truyền của Hà Nội đã hoạt động hết công suất, thúc ép ca ngợi và khóc than, cho nhiều ý nghĩa khác nhau.
Có hai ý nghĩa quan trọng nhất, mà Hà Nội muốn nhấn mạnh trong đám tang của Nguyễn Phú Trọng. Thứ nhất, đó là đánh bóng lại bộ mặt chính danh cầm quyền được dựng lên của Hà Nội, mà qua vài thập niên qua đã lộ rõ là một đảng cầm quyền ăn tàn phá hại đất nước, coi nhân dân chỉ là thành phần để bóc lột và cai trị.
Ý nghĩa thứ hai, là dùng cái chết được dựng lên đầy màu sắc ý nghĩa thanh liêm của Nguyễn Phú Trọng như một phép thử, xem liệu sau 50 cưỡng chiếm miền Nam và thống nhất địa lý đất nước, đã thật sự thống nhất được lòng người dưới sự chỉ huy của đảng CSVN hay không.
Cả hai vấn đề này, có thể tìm thấy đáp số ngay sau khi phút quốc tang cuối cùng vừa chấm dứt, xã hội Việt Nam bùng lên những sự chỉ trích về ông Trọng, cũng như chỉ ra sự mục ruỗng của đảng CSVN.
Suốt một giai đoạn dài, hình tượng ông Hồ Chí Minh qua cuộc chiến tranh tấn công miền Nam, cùng những sai lầm được nhắc đi nhắc lại hàng năm như cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm… đã khiến mọi thứ của chủ nghĩa cộng sản mòn mỏi. Thậm chí người ta nhìn thấy những thế hệ lớn lên ở phía Bắc, gia đình cách mạng, thậm chí trưởng thành từ mô hình giáo dục xã hội chủ nghĩa cũng đã mỉa mai và bỡn cợt hình tượng ông Hồ không ngại ngùng.
Nhưng nhân sắp đến ngày kỷ niệm 50 năm cưỡng chiếm miền Nam, Hà Nội rắp tâm muốn những dựng lên một hình ảnh ông Hồ mới, qua hình ảnh “Bác Trọng” như một điểm tựa tinh thần mới.
Một đoạn video trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh khi xe tang của ông trọng diễu qua đường phố, một thanh niên – thành phần đã được chuẩn bị trước – đứng gào thét và bắt nhịp khẩu hiệu “bác Trọng,” lớp đoàn viên thanh niên đứng đằng sau nhịp nhàng hô to đáp lời “muôn năm.” Đây là một điều chưa bao giờ có, kể cả trong đám tang của ông Võ Văn Kiệt, hoặc ông Võ Nguyên Giáp, ông tướng mà hệ thống truyền thông CSVN Việt Nam cố gắng đẩy lên như một nhân vật để thờ phụng, ngang hàng ông Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo cộng sản kỷ trị, cả đời chưa bao giờ cầm một khẩu súng ra trận trong cả hai cuộc chiến với Mỹ và với Trung Quốc, đã khéo vẽ cho mình một hình ảnh như một người thanh liêm, và cũng được bộ máy tuyên truyền của nhà nước tung hô theo hướng đó như một sinh lộ, khi đảng cộng sản không còn một nhân vật nào xứng đáng để được nhân dân coi trọng.
Nói về ý nghĩa thứ hai ở trên, tức là một phép thử của Hà Nội để xem lòng dân lúc này thực sự có toàn phần ủng hộ đảng cộng sản hay không, đặc biệt với một nhân vật được dày công tô vẽ như một hình tượng đáng kính trọng.
Nếu không có một miền Nam có truyền thống dân chủ và nhận định rõ ràng công tội, không bị nhồi sọ về việc thần phục lãnh đạo như nhiều lớp người ở miền Bắc, Hà Nội đã thực sự thắng lợi toàn phần. Tiếc là những tiếng nói của đa số, khởi đi từ phía Nam – ngày càng nhiều – đã chỉ ra những sai lầm của ông Trọng, sự bất lực lãnh đạo trong một hệ thống thối nát, đồng thời là một người cầm quyền không có trái tim dành cho quê hương và đất nước.
Trong những ngày đảng CSVN đang vận hành cho đám tang, thì những lời chỉ trích xuất hiện tương đối kín đáo và ít, do việc bắt bớ bùng phát. Nhưng cho đến khi ngày quốc tang qua đi thì thực sự mọi thứ lộ rõ với tất cả những bình luận và nhận định trực diện rộ lên về ông Trọng.
Người ta đem hình ảnh của ông Lê Đình Kình, một đảng viên gần 60 năm tuổi đảng, con người luôn luôn lý tưởng với chủ nghĩa cộng sản nhưng bị chính những người lãnh đạo của mình xua quân đến tận giường và bắn chết, vì ông tranh đấu cho đất đai của làng ông, cho những người dân quê quanh ông. Trọng chưa bao giờ nói một lời nào về con người cộng sản lão thành đó, và cũng chưa bao giờ lên tiếng về những sai phạm mà công an cũng như chính quyền địa phương là đối xử với gia đình ông Lê Đình Kình. So với cả ông Lê Đình Kình, rõ là ông Trọng thâm hiểm và thủ đọa hơn, kể cả hèn hạ hơn.
Những tay nhiếp ảnh của báo chí nhà nước cố gắng săn tìm hình ảnh ra vẻ cô đơn và chịu đựng của bà Mận, vợ ông Trọng trong lễ tang, để đưa lên nhằm để mủi lòng người nhìn thấy. Nhưng người ta cũng không quên hình ảnh của bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, đeo khăn tang và đau đớn khóc kể về câu chuyện công an ập vào bắn nát người một cụ già đang ngồi xe lăn. Bà cũng mạnh mẽ tố cáo nói công an vu cho ông Kình là cầm lựu đạn. Đã vậy công an còn tra tấn, ép cả làng phải nói dối, nhận tội và áp án tử hình cho hai người con của ông Lê Đình Kình. Sự cô đơn và chịu đựng nào có thể so được với bà Dư Thị Thành?
Gượng gạo, một số trí thức xã hội chủ nghĩa vội đưa ra lý lẽ là với ông Trọng “hãy để lịch sử về sau phán xét”. Nhưng nói như bà Phạm Thanh Nghiên, thì “tại sao ông Trọng lại được đặc cách để lịch sử phán xét”, khi tội ác và sự hèn kém của ông ta lộ rõ qua từng vụ xử đại án, từng vụ cho quan chức từ chức để hạ cánh an toàn, hay vỗ tay cho Bộ Công an tung hoành với điều 331 và 117 để bắt bớ, đánh đập người yêu nước nhưng không yêu đảng?
Lợi dụng cái chết của ông Trọng, đảng cầm quyền thao túng nhằm cố nối dài hơi thở tàn của chủ nghĩa cộng sản trên đất Việt Nam. Nhưng đáp số có thể thấy ngay là thất bại. Hà Nội không thể nào vui mừng với những lời tung hô và khóc than giả tạo do chính họ tạo ra, mà lúc này, họ không thể ăn ngon ngủ yên với sự im lặng nặng nề và những nụ cười mỉa mai của cả nước trước chiêng trống rùm beng, từ đám tang của một tay lãnh đạo.