Trước thềm lễ Giáng Sinh năm nay ở Mỹ và Đức đã xảy ra vài vụ giết người tuy không lớn nhưng gây chấn động cả thế giới và có thể làm thay đổi cơ cấu chính trị nghiêng về phía những đảng chính trị cực hữu và bài ngoại. Trong tương lai không xa, di dân sẽ không còn được chào đón, sẽ bị trục xuất, thậm chí bị ngược đãi.
Di dân và những vụ giết người tàn ác
Thứ Sáu tuần trước, 20 Tháng Mười Hai, một kẻ khủng bố lái chiếc xe BMW lao thẳng vào một khu chợ Giáng Sinh đông đúc ở thành phố Magdeburg miền Đông nước Đức, giết chết năm người và làm bị thương hơn 200 người. Ngày hôm sau, một người đàn ông vô cớ thiêu sống một phụ nữ trên toa tàu điện ngầm ở New York và thản nhiên ngồi nhìn nạn nhân quằn quại trong đau đớn trước khi mất; thậm chí nghi can còn dùng áo sơ mi quạt cho lửa cháy to hơn.
Nghi can của hai vụ giết người máu lạnh này có điểm chung là đều là dân nhập cư. Hành vi tội ác của họ không chỉ phủ bóng đen lên ngày Chúa Giáng Sinh mà còn biện minh cho chính sách chống di dân của các đảng chính trị cánh hữu ở cả Mỹ và Âu Châu.
Trong vụ ở Đức, nghi can tên là Taleb al-Abdulmohsen, 50 tuổi, gốc người Saudi Arabia di cư đến Đức năm 2006 và được cấp quy chế thường trú nhân một thập niên sau đó. Theo thông tin của cảnh sát, ông ta là một bác sĩ tâm lý làm việc cho một bệnh viện địa phương, nhưng các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy ông ta có quan điểm chống Hồi Giáo, tức giận với chính sách về nhập cư của chính phủ Đức và ủng hộ thuyết âm mưu về “Hồi Giáo hóa” Âu Châu được những người cực hữu truyền bá. Có thể nỗi bất mãn với chính sách nhập cư “rộng rãi” của Đức là động cơ khiến ông ta gây tội ác dù bản thân ông ta được hưởng lợi từ chính sách đó.
Tại Mỹ, nghi can Sebastian Zapeta-Calil, 33 tuổi, là công dân Guatemala, vượt biên vào Mỹ ở khu vực Arizona và bị trục xuất Tháng Sáu, 2018. Sau đó không rõ bằng cách nào và khi nào, nghi can quay lại Mỹ và thực hiện hành vi tội ác ở New York. Đây không phải là lần đầu tiên một kẻ nhập cư bất hợp pháp phạm tội giết người ở Mỹ, trước nghi can đã có nhiều vụ tương tự.
Hồi Tháng Hai năm nay, cô sinh viên ngành y tá Laken Riley, 22 tuổi, Đại Học Georgia ở Athens bị sát hại trong khi chạy thể dục buổi sáng; thủ phạm được xác định là Jose Antonio Ibarra, một di dân bất hợp pháp từ Venezuela đến Mỹ năm 2022.
Di dân thành vũ khí chính trị
Những vụ án chấn động, được loan tải chi tiết trên truyền thông như vậy dễ làm cho người nhập cư bất hợp pháp bị coi là tội phạm dù thực tế không hẳn như vậy. Các công trình nghiên cứu của giới khoa học Mỹ và Âu Châu đều kết luận, người nhập cư bất hợp pháp nói chung ít phạm trọng tội hơn người bản xứ nhưng dư luận thường phẫn nộ hơn khi phát hiện kẻ thủ ác là người nhập cư bất hợp pháp.
Trong báo cáo công bố Tháng Chín, 2024, Viện Nghiên Cứu Quốc Gia Về Công Lý (National Institute of Justice) viện dẫn số liệu của Texas Department of Public Safety cho biết trong bảy năm, từ 2012 đến 2018, tỷ lệ phạm trọng tội, bao gồm tội giết người và những tội bạo lực khác, của thành phần di dân bất hợp pháp đều thấp hơn một nửa so với người Mỹ bản xứ, còn các tội về tài sản thì chỉ bằng một phần tư.
Trong ba nhóm dân số được nghiên cứu (người bản xứ, di dân hợp pháp và di dân bất hợp pháp) thì di dân bất hợp pháp có tỷ lệ phạm trọng tội thấp nhất, người bản xứ chiếm tỷ lệ cao nhất và người nhập cư hợp pháp nằm ở giữa hai nhóm này. Năm 2018 chẳng hạn, trong 100,000 dân Texas thì có 1,100 người bản xứ phạm trọng tội, 800 di dân hợp pháp và 400 di dân bất hợp pháp.
Di dân bất hợp pháp cả ở Mỹ và Âu Châu bị coi là nguyên nhân gây ra tình trạng trộm cướp và bạo lực lan tràn, mất an toàn ở các đô thị, tăng áp lực lên hệ thống y tế, giáo dục của các nước tiếp nhận. Cử tri, một mặt phản đối chính sách nhập cư “lỏng lẻo” của các chính phủ, một mặt đòi phải có những biện pháp cứng rắn hơn đối với di dân bất hợp pháp như trục xuất hàng loạt, đóng cửa biên giới. Để thực hiện yêu cầu đó, họ bỏ phiếu cho các đảng cánh hữu.
Tại Mỹ, đề tài “chống di dân bất hợp pháp” là đòn bẩy có tính quyết định đưa đến thắng lợi của ông Donald Trump, tổng thống đắc cử, và các ứng cử viên Cộng Hòa. Vụ sát hại cô Riley kể trên đã trở thành một điểm nhấn, được nhắc đi nhắc lại trong chiến dịch tranh cử của ông Trump nhằm lên án cái chính sách gọi là “mở cửa biên giới cho bọn tội phạm” của chính quyền Biden-Harris.
Cam kết của ông Trump chống nhập cư, siết chặt biên giới và trục xuất hàng loạt những di dân không giấy tờ đang sống ở Mỹ là thông điệp được cử tri ủng hộ nhiều nhất, đem lại chiến thắng cho ông. Với đảng Cộng Hòa giành được cả Tòa Bạch Ốc và đa số ở cả hai viện Quốc Hội, chính trường nước Mỹ đang chuyển dần sang cánh hữu với phương châm nước Mỹ trên hết.
Tại Đức, vụ thảm sát chợ Giáng Sinh đã làm gia tăng sự ủng hộ của cử tri dành cho đảng cực hữu Lựa Chọn Khác Cho Nước Đức (Alternative for Germany – AfD) chỉ hai tháng trước ngày tổng tuyển cử. Nghi can Abdulmohsen được biết là người theo đảng AfD, cổ xúy cho đường lối bài ngoại của đảng này và quyết trừng phạt nước Đức vì đã khoan dung tiếp nhận quá nhiều người nhập cư Hồi Giáo.
Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy đảng AfD từ vị trí “bên lề” đã vươn lên vị trí đảng lớn thứ hai của chính trường Đức. Trong cuộc bầu cử cấp tiểu bang Tháng Chín, đảng AfD chiếm vị trí dẫn đầu ở tiểu bang Thuringia, thứ nhì ở các tiểu bang Saxony và Brandenburg. Dự báo, trong cuộc tổng tuyển cử ngày 23 Tháng Hai, 2025, đảng AfD cực hữu sẽ giành được 19% số phiếu, chỉ sau Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo trung hữu gồm hai đảng CDU+CSU với 31% nhưng vượt qua đảng cánh tả lâu đời của Đức là đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD) với 17% số phiếu.
Chống di dân trên toàn cầu
Cho đến nay, làn sóng di dân bất hợp pháp đã dần dần làm thay đổi bối cảnh chính trị Âu Châu, các đảng cánh hữu và cực hữu lần lượt giành được quyền cai trị, đẩy các đảng cánh tả vào hậu trường. Hungary, Ý, Slovakia, Hòa Lan và Ba Lan đã nằm trong tay các đảng dân tộc chủ nghĩa; sắp tới có thể sẽ là Đức và Pháp – hai quốc gia đông dân nhất, cũng là hai nền kinh tế mạnh nhất Âu Châu.
Nếu Pháp và Đức chuyển sang cánh hữu và cực hữu như bốn nước vừa kể thì tương lai của khối EU có thể chao đảo. Hình ảnh của Liên Âu như một thế giới đa dạng và bao dung, miền đất hứa của những người khốn khổ chạy trốn chiến tranh và nghèo đói sẽ không còn nữa. Ngay một vấn đề cụ thể như cuộc chiến tranh ở Ukraine cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì các chính phủ cánh hữu không muốn hỗ trợ người dân Ukraine chống xâm lược.
Một số nhân vật hàng đầu trong chính quyền mới của Mỹ dường như đang thúc đẩy xu thế chuyển dịch chính trị ở hai bờ Đại Tây Dương, trong cái được coi là một chiến dịch toàn cầu ủng hộ các hệ tư tưởng cực hữu. Tỷ phú Elon Musk, một nhân vật thân cận của ông Donald Trump còn cố can thiệp vào nội tình chính trị các đồng minh Âu Châu và cổ xúy cho các đảng cực hữu.
Mới đây ông Musk khẳng định trên mạng X rằng “chỉ có đảng AfD mới cứu được nước Đức,” chê bai ông Olaf Scholz, thủ tướng đương nhiệm, là kẻ ngu ngốc. Ông Musk đòi sa thải các thẩm phán tòa án tối cao Ý đã đặt nghi vấn về tính hợp pháp của chính sách ngăn chặn di dân bất hợp pháp mà chính phủ của bà Giorgia Meloni, thủ tướng, ban hành.
Với nước Anh, ông Musk phê phán chính phủ trung tả của ông Keir Starmer, thủ tướng, là “nhà nước cảnh sát chuyên chế,” kêu gọi người Anh bầu một chính phủ mới. Trong bữa ăn tối hôm đầu tuần này với ông Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, tỷ phú Musk hứa hẹn với ông Nigel Farage, nhà lãnh đạo đảng cực hữu Reform UK, rằng ông ta sẽ tài trợ cho chiến dịch tranh cử của đảng này thông qua các chi nhánh công ty của ông Musk tại Anh. Ông Nigel Farage chính là nhân vật đã vận động cử tri Anh lựa chọn “chia tay” Liên Âu, gọi là Brexit, trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.
Từ chỗ một tỷ phú trung dung về chính trị, ông Elon Musk càng ngày càng theo đuổi các hệ tư tưởng cực hữu mà nội dung chính là chống di dân, bài ngoại, dù bản thân ông cũng là một di dân thành đạt nhờ môi trường chính trị bao dung của nước Mỹ. Với tầm ảnh hưởng vô đối, ông Musk có thể là kẻ mà di dân phải lo ngại nhất.
Cánh cửa ngày càng hẹp
Cánh cửa cho di dân vào Mỹ và Âu Châu đang dần khép lại, và ngay cả những người đã định cư ở hai miền đất hứa này cũng phập phồng lo ngại cho tương lai. Rồi đây những người bị bần cùng hóa, bị bức hại trong các nước độc tài và lạc hậu sẽ không còn chỗ nào để trú ẩn và làm lại cuộc đời.
Có nhiều lý do phức tạp nhưng rõ ràng sự trỗi dậy của đường lối chính trị dân túy cực hữu cộng với những hành vi tội phạm của chính người di dân bất hợp pháp đang làm cho vấn đề di dân khó mà giải quyết được, ngay cả ở Mỹ, đất nước của di dân.