Nhại theo Hegel, điều gì hợp lý thì tồn tại hay cái gì tồn tại thì hợp lý. Tuy nhiên, trong cuộc sống chúng ta thấy vô số điều bất hợp lý vẫn tồn tại. Tồn tại một cách ngang nhiên và thách thức bất chấp lý trí. Và con người vẫn sống trong những mâu thuẫn, nhiều khi là tai ương ấy.
Trong năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã càn quét Sài Gòn còn hơn một nỗi thù. Chưa bao giờ số người chết lại nhiều và nhanh như thế. Cũng chưa bao giờ người Sài Gòn lại khốn khổ đến thế. Sợ hãi và tù túng ngay trong mỗi căn nhà bất kể giàu nghèo. Con người va chạm vào cái chết và bị trói buộc trong những hàng rào kẽm gai, những cánh cổng hàn kín, những khối bê tông nặng nề… Con người bị hạch hỏi giấy đi đường, bị đè xuống ngoáy mũi để tìm kiếm kẻ khủng bố vô hình.
Nhưng điều đau đớn nhất là không mấy ai nhận ra, con người bị hạ nhục.
Với những biện pháp hành chánh cấm đoán thô bạo bởi những kẻ muốn “kéo đám mây điện toán” vào Việt Nam, không biết bao nhiêu số phận đau thương đã phải hứng chịu những mất mát và sự cùng cực của cuộc sống. Từng đoàn người dắt díu nhau tháo chạy khỏi thành phố, bởi không chết vì bệnh thì cũng chết vì đói. Từng gia đình ngóng đợi cứu trợ mỗi ngày. Và không một ai thoát khỏi nỗi ám ảnh tìm kiếm lương thực, kể cả những người không hề thiếu tiền.
Giữa sợ hãi và cái vô lý, con người như vẫn ngoan như cừu. Và trớ trêu thay, khi được chích vaccine cũng không một ai lại không hí hửng như một ân huệ được ban, một điều mà lẽ ra phải là tất yếu. Dường như Việt Nam luôn là một trường hợp ngoại lệ so với những chuẩn mực chung của thế giới. Sự khác biệt ấy phải gọi là gì? Tôi ngại phải nói ra những từ khó nghe. Với tư cách là một nhà văn, tôi sẽ viết gì về những ngày tháng kinh khủng như một biến cố lớn lao của lịch sử nhân loại thế này?
Quả thật, tôi thấy mình bất lực trước nỗi đau khổ và cái chết của đồng bào mình phải gánh chịu. Tôi thấy mọi thứ vô nghĩa. Nhưng dù thế nào tôi vẫn phải sống. Không trốn chạy cũng không quị lụy. Hơn bao giờ hết, tôi vẫn là người quan tâm đến ý nghĩa cuộc sống. Và lại đến lúc tôi một lần nữa nhại theo Hegel, cái gì hạnh phúc thì có ý nghĩa hay cái gì có ý nghĩa thì hạnh phúc. Ở đây, cũng một lần nữa chúng ta thấy một nghịch lý nói như kiểu người Sài Gòn là “nói vậy mà không phải vậy”.
Vâng, điều có ý nghĩa, rất nhiều khi cũng là nỗi đau khổ hay sự hy sinh, mất mát. Con người dẫu sao vẫn có thiên hướng về sự cao cả. Và giữa những bi thương, người Sài Gòn không chỉ biết lo sợ mà còn biết đùm bọc nhau. Những nhóm thiện nguyện nở rộ như sự trượng nghĩa vốn có của người Sài Gòn. Và tôi nhìn thấy ở đấy ý nghĩa của cuộc sống, sự lân tuất với tha nhân. Tất nhiên, cứu trợ nhau trong hoạn nạn chỉ là một biểu hiện đơn giản nhất của lòng lân tuất.
Tôi muốn nói đến vấn đề phẩm giá. Sự lân tuất giữa con người với nhau đầu tiên và sau cùng vẫn phải là sự tôn trọng phẩm giá con người như một cá thể tự do. Chúng ta có được sống trong phẩm giá của một con người không? Dường như Việt Nam vẫn là một ngoại lệ. Có thể đấy là điều tôi sẽ phải viết như cách của một nhà văn theo đuổi sự khác biệt về phẩm giá con người.
Không biết từ bao giờ, người ta đã không còn nhận ra phẩm giá của mình bị chà đạp. Và vì thế, người ta chấp nhận bị chà đạp như một điều hiển nhiên. Không thắc mắc, không phản đối. Ai sao mình vậy. Đấy là một tâm thức khốn cùng của kẻ nô lệ.
Xưa nay, tôi vẫn nghĩ nhà văn không có trách nhiệm với ai ngoài chính mình. Sự cô độc ngạo nghễ của một con người vĩ đại là từ khước tất cả. Nhưng nếu không có tương tác thì sự sáng tạo có ý nghĩa gì? Ngay cả điều mà tôi muốn nói đến là phẩm giá, nếu không đặt trong mối tương quan xã hội thì liệu phẩm giá có cần thiết không? Và chỉ trong mối tương quan xã hội, tự do mới cần được nhìn nhận như một phẩm giá cốt lõi nhất của con người. Và cũng chưa bao giờ như lúc này, con người chẳng những mất tự do mà còn mất cả các điều kiện tối thiểu để tồn tại.
Và chúng ta im lặng.
Không phải sự im lặng triết học hay tâm linh. Hố thẳm hay đỉnh trời. Đó là sự im lặng của vô tri.
Từ bao giờ con người trở nên tăm tối? Hay con người vốn dĩ tăm tối?
Tôi nghĩ đến những giấc mơ con người, giấc mơ của tự do và vượt thoát. Nhưng dường như sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đang phản bội con người. Nó kiểm soát con người từ trong suy nghĩ đến thị hiếu biểu đạt. Nó tinh vi hơn các nhà chính trị. Nó mị dân hơn nhà cầm quyền. Nếu các nhà chính trị hay cầm quyền chỉ có thể kiểm soát hành vi cụ thể của con người, thì các big tech đã kiểm soát con người đến cả cảm xúc cá nhân.
Đến lúc này, những đối kháng giữa các thể loại ý thức hệ đã bị xóa mờ. Con người đang chứng kiến sự bắt tay giữa các thế lực cầm quyền vốn xung đột nhau, cũng như sự cấu kết giữa các big tech với các nhà cầm quyền mà chúng ta gọi một cách mỹ miều là toàn cầu hóa, không gì khác là chia chác quyền lợi của họ trên số phận từng con người bất kể đâu trên mặt đất. Thế giới chỉ còn là một công xưởng.
Cuối cùng con người đã bị nhào nặn và ngược trở lại thành công cụ phục vụ cho những tham vọng của họ.
Con người hoàn toàn mất tự do từ tư cách cá nhân đến danh xưng nhân loại. Càng ngày càng lệ thuộc vào họ.
Ở một góc độ khác, chúng ta cũng đang chứng kiến một thái độ đạo đức giả của những kẻ tự nhận đứng về phe nước mắt. Họ nhân danh sự bất công này để cổ xúy hay im lặng về một sự bất công khác, không chỉ ở xứ sở khốn khổ này mà còn ở những nơi được coi là văn minh tiến bộ. Chính điều này, nó đã làm nhiễu loạn các giá trị. Và làm cho phẩm giá con người bị bôi nhọ.
Vì thế tìm kiếm tự do thật ra chỉ là một quá trình tháo bỏ gông cùm. Một chân lý rất cũ. Nhưng xem ra đó lại là một vòng luẩn quẩn của ràng buộc và tháo bỏ. Cái mới mà chúng ta mong ước đến một lúc lại trở thành gông cùm. Dường như con người không có lối thoát.
Nhà văn – nhân chứng, nhà tiên tri hay kẻ rong chơi trên mặt đất – cũng là một nạn nhân của thời thế và thân phận con người. Tiếng kêu thét trong anh có làm anh vỡ lồng ngực hay dội vào đám đông thì cũng “mua vui cũng được một vài trống canh”. Ý nghĩa tồn sinh mặt đất mỉa mai, phù phiếm.
Tuy nhiên, dịch bệnh, cái chết và giam hãm có làm anh điêu đứng vì tự do và phẩm giá bị bó gối của mình? Số phận anh và nhân loại này chẳng lẽ chỉ để cho bọn kền kền kiếm chác? Anh có muốn kiếm chác tí không? Hay anh muốn làm gì khác?
Viết à? Viết cái gì? Thế nào?
Dặm trường vẫn ở trước mặt. Dẫu sao thì tôi cũng không bao giờ quên đánh thức phẩm giá của mình. Cái tự do suy nghĩ và biểu đạt, như ý nghĩa cuộc sống tôi. Và tôi muốn sống với nó một cách hạnh phúc.