Được mất từ chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng

CÂU CHUYỆN THỨ NĂM
Share:
Ông Nguyễn Phú Trọng được ông Tập Cận Bình trao tặng Huân chương Hữu Nghị của Trung Quốc tại Đại lễ đường ở Bắc Kinh ngày 31 Tháng Mười 2022 (Hình: Zhai Jianlan/Xinhua via Getty Images)

Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc và trở về Hà Nội hôm thứ Tư 2 tháng Mười Một 2022. Chuyến đi này đem lại điều gì cho đất nước?

Truyền thông của cả hai nước – đều dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ban tuyên giáo hai đảng cộng sản – đã mở hết công suất viết và đăng bài ca ngợi hết lời cuộc gặp gỡ giữa ông Trọng và ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ). Nhưng đọc hàng loạt các bài báo với lời lẽ sáo rỗng và đại ngôn, vẫn không thấy được điều gì mới mẻ, cứ như là nhà báo lấy các bài đã đăng cách đây năm năm trong dịp ông Trọng đến Bắc Kinh đầu năm 2017 hoặc ông Tập đến Hà Nội cuối năm đó.

Nên để ý trong chuyến đi này, ngoài ông Tập, ông Trọng chỉ hội kiến với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc (Quốc Hội) Lật Chiến Thư, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc (Mặt Trận) Uông Dương. Nhưng cả ba ông Lý, Lật và Uông đều đã “rớt đài” trong cuộc tranh giành quyền lực ở thượng tầng đảng CSTQ vừa qua và chắc đang rất lo lắng không biết có được hạ cánh an toàn hay không sau khi thủ lãnh của họ là cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào bị xốc nách đưa ra khỏi nghị trường trong buổi lễ bế mạc đại hội 20 một cách nhục nhã trước ống kính truyền hình của các hãng thông tấn quốc tế. Họ còn tâm trạng nào để bàn bạc chuyện quốc sự tương lai với ông Trọng ngoài những lời lẽ xã giao! 

Về nội dung các cuộc thảo luận giữa ông Trọng và các nhà lãnh đạo Trung Quốc, báo chí hai nước đã đăng nhiều bài dài nhưng rập khuôn theo những nghị quyết đã có sẵn. Nhưng nếu chịu khó tìm giữa các dòng chữ và các bản tin ngắn của truyền thông quốc tế thì cũng thấy được đôi chỗ được mất trong chuyến đi của ông Trọng. 

Về hợp tác kinh tế, ai cũng thấy Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc. Việt Nam phải nhập cảng từ Trung Quốc hầu như mọi thứ, từ hàng hóa tiêu dùng giá rẻ đến nguyên vật liệu và thiết bị cho các ngành sản xuất trong khi chỉ xuất cảng sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, giá trị thấp lại thường bị Trung Quốc chèn ép. Kết quả là thương mại giữa hai nước tăng rất mạnh nhưng Việt Nam luôn bị thiệt thòi: Nhập cảng từ Trung Quốc cao hơn nhiều lần so với xuất cảng.

Năm 2010 Việt Nam xuất sang Trung Quốc $7.74 tỷ và nhập về $20.2 tỷ, nhập siêu $12.46 tỷ; sau mười năm, con số này tăng hơn bốn lần: Năm 2021 Việt Nam xuất được $55.93 tỷ nhưng nhập về $110.53 tỷ, nhập siêu $54.6 tỷ – cứ lấy được của Trung Quốc một đồng thì phải bỏ ra hai đồng. Chín tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập từ Trung Quốc $91.16 tỷ, nhưng chỉ bán sang bên kia biên giới được $41.22 tỷ, chênh lệch gần $50 tỷ nghiêng về phía Trung Quốc. 

Sở dĩ Việt Nam còn chịu nổi sự chênh lệch thương mại triền miên như vậy phần lớn là nhờ các thị trường Hoa Kỳ và châu Âu (EU) mua nhiều hàng hóa Việt Nam và giúp Hà Nội có thặng dư lớn để bù đắp thâm hụt trong cán cân thương mại với Trung Quốc.

Nông sản xuất sang Trung Quốc bị ách tắc ở biên giới. Nhiều chủ hàng đành “xé lẻ” bán với giá thấp, bèo bọt – Ảnh: Lao Động

Các doanh nghiệp hy vọng chuyến đi Bắc Kinh của ông Trọng sẽ vận động để chính phủ Bắc Kinh nới lỏng những biện pháp hạn chế hàng xuất cảng của Việt Nam bằng các biện pháp phi thuế như đóng cửa biên giới, kéo dài thời gian kiểm dịch… Nhưng kết thúc chuyến đi của ông Trọng, phía Trung Quốc chỉ đồng ý mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam có giá trị thương mại không lớn như khoai lang, chuối, các loại hoa quả có múi, tổ yến và một số nông thủy sản; đổi lại Việt Nam phải mở cửa thị trường cho sản phẩm sữa Trung Quốc – loại sản phẩm từng bị tai tiếng pha trộn hóa chất melamine gây chết trẻ em và bị dân Trung Quốc tẩy chay! 

Vấn đề gai góc nhất trong quan hệ hai nước là tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, cho biết:

“Phía Việt Nam đề nghị đưa vào Tuyên bố chung rằng vấn đề trên biển là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong quan hệ giữa hai Đảng và hai nước và mong muốn rằng hai bên xử lý các vấn đề đó bằng các biện pháp hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước 1982 về luật biển”.

Nhưng bản Tuyên bố chung chỉ khẳng định: “Hai bên đồng ý tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả ‘Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông’ (DOC), trên cơ sở hiệp thương, nhất trí, sớm đạt được ‘Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông’ (COC) hiệu quả, có nội dung thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác trên biển.”

“Xử lý các tranh chấp dựa trên Công ước 1982” với “đạt được bộ quy tắc ứng xử COC phù hợp với Công ước 1982” là hai chuyện rất khác nhau; văn bản Tuyên bố chung cho thấy phía Trung Quốc đã không chấp nhận đề nghị của Việt Nam lấy Công ước 1982 làm nền tảng pháp lý để giải quyết tranh chấp.

Cần nhắc lại rằng cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông kéo dài đã nhiều năm mà vẫn bế tắc vì Trung Quốc khăng khăng cho rằng tranh chấp chủ quyền Biển Đông là vấn đề nội bộ giữa các nước ven biển, sẽ giải quyết bằng thương lượng “song phương”, trong khi các nước khác cho rằng Biển Đông là vùng biển quốc tế, là hải lộ quan trọng liên quan tới lợi ích của nhiều quốc gia nên phải tuân theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS) mà tất cả các bên đã ký kết và phê chuẩn. Lập trường của Bắc Kinh luôn né tránh UNCLOS không khó hiểu vì các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông chồng lấn với Philippines đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ tháng Bảy năm 2016, căn cứ vào các nguyên tắc của UNCLOS 1982.

Tiếp ông Trọng, ông Tập đã viện dẫn ý thức hệ cộng sản để buộc đảng CSVN phải từ bỏ ý định dựa vào các “thế lực bên ngoài”, ám chỉ Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước dân chủ phương Tây. Ảnh Yao Dawei/Xinhua via Getty Images

Như chúng tôi đã phân tích trong một bài trước, một trong những chiến lược đối ngoại quan trọng nhất của ông Tập Cận Bình là củng cố khối liên minh với Trung Quốc để đối phó Hoa Kỳ trong hoàn cảnh thế giới ngày càng bất ổn. Việt Nam, tuy cùng do đảng cộng sản độc quyền cai trị như Trung Quốc, tuy có mối quan hệ bền chặt và lâu dài giữa “hai đảng anh em” nhưng chưa “toàn tâm toàn ý” đi theo sự dẫn dắt của Bắc Kinh khi giữa hai nước còn tồn tại vấn đề tranh chấp lãnh thổ và nhiều chuyện khác.

Gần đây, chính sách ngoại giao “cây tre” của đảng CSVN có dấu hiệu bị gió thời cuộc thổi sang hướng Hoa Kỳ; Hà Nội liên tục đón tiếp các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Mỹ và đang vận động Tổng thống Joe Biden đến thăm chính thức. Thái độ đó của đảng CSVN làm cho ông Tập Cận Bình không hài lòng và ông ta phải sớm ra tay chấn chỉnh.

Tiếp ông Trọng, ông Tập đã viện dẫn ý thức hệ cộng sản để buộc đảng CSVN phải từ bỏ ý định dựa vào các “thế lực bên ngoài”, ám chỉ Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước dân chủ phương Tây. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời ông Tập nói với ông Trọng:

“Sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa đang đối mặt với hoàn cảnh quốc tế rất phức tạp với những rủi ro và thách thức nghiêm trọng… Hai đảng CSTQ và CSVN phải đẩy mạnh hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa bằng tất cả sức mạnh và không bao giờ để cho ai can thiệp vào tiến bộ của chúng ta, không cho bất kỳ thế lực nào lay chuyển nền tảng thể chế [cộng sản] của sự phát triển của chúng ta”.

Đáp lại lời “huấn thị” đó, ông Trọng vội vã tái khẳng định với ông Tập rằng Việt Nam vẫn tiếp tục kiên định với chính sách quốc phòng “Bốn Không”. Ông cam kết với ông Tập rằng Việt Nam không cho phép bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không sử dụng vũ lực chống lại bất kỳ nước nào, và không liên kết với quốc gia này chống lại quốc gia khác.

“Bốn Không” không phải là cái gì mới, nhưng trong hoàn cảnh các nước lớn và chuyên chế sử dụng vũ lực để thâu tóm lãnh thổ các nước láng giềng – như cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine đang chứng tỏ – thì Việt Nam đang tự trói mình, tự tách ra khỏi các liên minh dân chủ chống độc tài chuyên chế trên thế giới và ngầm khuyến khích một cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc trong tương lai.

Vài phân tích ở trên đã cho thấy chuyến đi chầu của ông Trọng được ít mất nhiều. Ông Trọng được tân “hoàng đế” Trung Hoa tiếp đãi trọng thị, được tặng Huân chương Hữu Nghị. Cá nhân ông được, nhưng đất nước Việt Nam thì chẳng được gì mà chỉ lún sâu hơn vào sự lệ thuộc Trung Quốc. 

Có khi nào nhờ những công trạng đó mà ông Trọng được thiên triều hậu đãi như vậy chăng? 

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: