Bên cạnh hiện tượng Thầy Minh Tuệ, sự việc Thầy Minh Đạo bị Giáo Hội Phật Giáo (GHPGVN) kiểm điểm, và thầy xin thôi giữ các chức vụ trong GHPGVN đang là sự kiện được nhiều người quan tâm.
Đến hôm nay, tôi mới có thời gian nghe trọn nội dung clip thầy Thích Minh Đạo nói về thầy Minh Tuệ. Với suy nghĩ của mình, tôi nghĩ không đơn giản chỉ vì Thầy Minh Đạo khen ngợi Thầy Minh Tuệ, hoặc khuyên Phật tử không nên quấy nhiễu việc tu hành của thầy Minh Tuệ mà bị giáo hội Phật giáo quốc doanh Việt Nam kiểm điểm, mà vì hàng triệu người Việt đang tán thán Thầy Minh Tuệ, và trong giáo hội Phật giáo quốc doanh cũng sẽ có nhiều vị tuy không công khai nhưng đều tán thán việc hành cước tu sĩ của thầy Minh Tuệ.
Lời khen không phải là vấn đề để Thầy Minh Đạo gặp khó khăn như bây giờ. Mấu chốt là Thầy Minh Đạo đề cập đến Tôn Sư Minh Đăng Quang bị mất tích. Đây mới là vấn đề mà nhà cầm quyền cộng sản rất nhạy cảm và xuống tay chỉ đạo giáo hội Phật giáo quốc doanh kiểm điểm thầy Minh Đạo.
Nói đến Tôn Sư Minh Đăng Quang, chúng ta cùng nhau nhìn về lịch sử Việt Nam giai đoạn những năm 1920. Giai đoạn này, Việt Nam tập trung nhân tài rất nhiều, trong đó, phải kể đến ba nhân tài (có thể nói là thiên tài) kiệt xuất của lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, cả ba đều có đặc điểm rất giống nhau từ bối cảnh thời thơ ấu cho đến khi không còn hiện diện. Đó là Đức Huỳnh Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ, Ngài Lý Đông A và Tôn Sư Minh Đăng Quang.
Cả ba vị đều sinh vào thời kỳ những năm 1920. Thầy Huỳnh Phú Sổ và Ngài Lý Đông A cùng sinh năm 1920, cùng bắt đầu tu học Phật giáo vào năm 15 tuổi, và cùng mất năm 1947. Tôn Sư Minh Đăng Quang sinh năm 1923, và mất tích (bị giết?) năm 1954. Cả ba vị đều tu học vào thời niên thiếu và được xem là đã chứng ngộ. Rất trùng hợp và giống nhau đến khó tả, nhất là Thầy Huỳnh Phú Sổ và Ngài Lý Đông A, thời gian sinh ra, tu học, hoạt động chính trị và bị giết giống nhau kỳ lạ, hai vị cùng chứng ngộ Phật pháp và cùng là lãnh đạo chính trị cực kỳ tài giỏi, bị Việt Minh truy sát cùng năm, Đức Huỳnh giáo chủ bị Việt Minh hãm hại rõ ràng.
Về Ngài Lý Đông A, Việt Minh công khai giết ngài, nhưng có tin đồn ngài thoát vòng vây và ẩn tu, từ đó mất tông tích. Tôn Sư Minh Đăng Quang thì bị bắt cóc và cũng mất tông tích. Trường hợp Đức Huỳnh giáo chủ và cụ Lý Đông A thì rõ ràng đối lập với Việt Minh, là hai con người lãnh đạo kiệt xuất của tổ chức mà họ lập ra, nhằm đưa dân tộc Việt Nam đến tự cường, thoát khỏi họa cộng sản, nên việc họ bị cộng sản triệt tiêu không bất ngờ.
Riêng Tôn Sư Minh Đăng Quang, chỉ là người tu không hoạt động chính trị, ngài là người khai sáng hệ phái khất sĩ Việt Nam, mang một sắc thái Phật giáo đặc thù, biệt truyền tại miền Nam Việt Nam. Có lẽ vì sợ ảnh hưởng sâu rộng như Đức Huỳnh giáo chủ nên ngài bị Việt Minh triệt tiêu.
Cả ba vị đều là thiên tài của Việt Nam, nếu họ không bị hại chết, Việt Nam chắc chắn sẽ thay đổi. Đức Huỳnh giáo chủ và cụ Lý Đông A là những người có tinh thần dân tộc, cùng xiển dương đạo pháp. Tu nhưng không quên hành đạo giữa đời thường, đã để lại cho hậu thế những tư tưởng vô cùng lớn lao, cao đẹp và sự can trường khó ai sánh nổi. Trí huệ sáng suốt cùng của đạo pháp với bản lĩnh chính trị can trường kết hợp với nhau tạo nên tư tưởng xây dựng đất nước rất hữu dụng và thực tế. Chính những tư tưởng này đã làm cộng sản run sợ và bằng mọi cách triệt tiêu họ.
Tôn Sư Minh Đăng Quang, tuy không phải là lãnh đạo của tổ chức chính trị nào, nhưng như con chim yếu ớt sợ cành cong, cộng sản thấy có khả năng được người dân kính vọng, đã xuống tay với ngài. Cả ba thiên tài kể trên đều bị hại khi còn rất trẻ, Đức Huỳnh giáo chủ và cụ Lý Đông A chỉ mới 27 tuổi, và ngài Minh Đăng Quang chỉ 31 tuổi.
Sơ lược về lịch sử để thấy rằng, từ khi mới thành lập cho đến bây giờ, cộng sản vẫn duy trì đàn áp triệt tiêu người đối lập, nhất là những nhân tài có tư tưởng lớn, cộng sản không bao giờ tha.
Làm lụn bại đất nước không phải chỉ bởi điều hành yếu kém, mà đảng cộng sản hôm nay còn tham nhũng, tham lam chỉ vì lợi ích nhóm, bị cộng sản Tàu nắm đầu, đứng đầu trong các việc trên là triệt tiêu nhân tài của đất nước.
Con người là nhân khí quốc gia, yếu tố con người phải được bảo vệ đầu tiên nếu muốn đất nước phát triển. Thế nhưng, qua một thế kỷ, với chính sách triệt tiêu con người khác biệt chính kiến, Việt Nam trở nên tăm tối vì dân trí xuống thấp, sự sợ hãi và bị nhồi sọ đã làm cho người dân Việt trở nên mất lập trường, mất chánh kiến, mất tư duy, dựa dẫm và cuồng tín về mặt tâm linh.
Đất nước tan hoang như bây giờ, nhưng chính quyền vẫn run sợ khi nghe nhắc đến những gì mà tội ác của họ đã ghi trong lịch sử.