Hà Nội không dễ đối phó TT Trump trong mặt trận thương mại

(VnEconomy)

Ngày 6 Tháng Mười Một, ông Donald Trump đã trở thành tổng thống Mỹ lần thứ 2 sau khi chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, đánh dấu sự trở lại của một nhân vật gây nhiều tranh cãi. Chính sách “Nước Mỹ Trên Hết” đã định hình nhiệm kỳ trước của ông Trump và tiếp tục được dự đoán sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Sự kiện này đặt ra một loạt câu hỏi về tương lai kinh tế toàn cầu, và Việt Nam, với mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ, chắc chắn sẽ cảm nhận được những tác động rõ nét.

Cuộc bầu cử Mỹ cũng tác động mạnh đến kinh tế các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam.

Báo cáo vĩ mô mới nhất của ACBS Research về tác động của bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đến nền kinh tế Việt Nam chỉ ra rằng: với Việt Nam, một nền kinh tế mở mà doanh thu thương mại chiếm 158% GDP, Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu lớn nhất (xuất siêu 83 tỷ USD) và Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất (nhập siêu 49 tỷ USD), thì kết quả bầu cử Mỹ cũng sẽ có tác động đáng kể.

Mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ hiện là then chốt trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là đối tác xuất khẩu lớn nhất, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Theo số liệu thống kê, thương mại hai chiều Việt – Mỹ sau 10 Tháng Năm 2024 đã đạt gần 111 tỷ USD, cao hơn cả con số cả năm 2023. Sự phụ thuộc này khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ.

Lý do cho mối lo ngại này là chính sách “Nước Mỹ Trên Hết” của ông Trump được coi là có xu hướng bảo hộ. Lập trường cứng rắn của ông về thâm hụt thương mại với các nước, bao gồm cả Việt Nam, có thể dẫn đến việc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại như tăng thuế nhập khẩu 10-20%, điều tra chống bán phá giá và trợ cấp, hoặc thậm chí là hạn ngạch nhập khẩu. Việc tăng cường điều tra chống lẩn tránh thuế cũng được dự báo sẽ làm tăng chi phí và gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ và thép – những ngành phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ – sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt. Việc Việt Nam trở thành mục tiêu áp thuế do kim ngạch thương mại chênh lệch giữa xuất và nhập khẩu với Mỹ cũng là một lo ngại lớn.

Trong quý III/2024, hàng Việt Nam xuất sang Mỹ đạt gần 33 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng kim ngạch 9 tháng đầu năm lên gần 88,2 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy mối quan hệ Mỹ-Việt Nam không chỉ đơn thuần là “truyền thống” về việc áp đặt thuế quan. Sau khi Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) có hiệu lực năm 2001, Mỹ đã giảm thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ 40% xuống 4%. Nhưng liệu lịch sử này có lặp lại hay không vẫn là một câu hỏi lớn.

Ngoài những thách thức, việc tái đắc cử của ông Trump cũng mang đến cơ hội cho Việt Nam. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là một yếu tố quan trọng. Nếu căng thẳng leo thang, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng theo chiến dịch “Trung Quốc +1”. Các doanh nghiệp quốc tế có thể xem Việt Nam là điểm đến sản xuất thay thế hấp dẫn, mở ra cánh cửa cho tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế của Việt Nam hiện tại không hoàn toàn tích cực. Làn sóng thông tin tiêu cực về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tác động đến niềm tin của nhà đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) đã cảnh báo về nguy cơ “chảy máu” vốn đầu tư, nhận định chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam “lập lờ nước đôi”, không còn phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế.

Làn sóng “thuế tối thiểu toàn cầu” đang tác động đến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, đặt ra một thách thức mới cho Việt Nam trong việc thu hút vốn. Chính sách này được thiết kế để “siết chặt vòng kim cô”, ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có mức thuế thấp hơn. Điều này khiến nhiều tập đoàn đã quyết định “dứt áo ra đi”, chuyển hướng đầu tư sang những nơi khác, bởi Hà Nội chưa có những chính sách hỗ trợ kịp thời từ ngân sách nhà nước.

Theo giới chuyên gia đầu tư quốc tế, Việt Nam đã gặp bất lợi khi cạnh tranh với các nước trong khu vực, bởi nhiều hạn chế về thủ tục đầu tư, cơ sở hạ tầng, cũng như thể chế chính trị… không khuyến khích các nhà đầu tư ngoại quốc.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia đầu tư quốc tế, Việt Nam đang gặp bất lợi so với các nước trong khu vực do những hạn chế về thủ tục đầu tư, cơ sở hạ tầng và thể chế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ về thực trạng nhiều nhà đầu tư nước ngoài ban đầu quan tâm đến Việt Nam nhưng sau đó lại quyết định đầu tư ở nơi khác. Ông so sánh sự khác biệt về hiệu quả hành chính giữa Việt Nam và Dubai, nơi một thành phố với 500 tòa nhà chỉ mất 5 năm để xây dựng, trong khi với “rừng quy định” hiện tại, Việt Nam có thể mất tới 1.500 năm để đạt được kết quả tương tự.

Thực trạng này được minh chứng bằng báo cáo của Ngân hàng Thế giới, cho thấy thời gian trung bình một doanh nghiệp hoàn thành thủ tục hành chính tại Việt Nam là 384 giờ/năm, cao gấp 3 lần Singapore và gấp 2 lần Malaysia.
Đáng chú ý, 58% doanh nghiệp FDI coi thủ tục hành chính phức tạp là rào cản lớn nhất khi đầu tư vào Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài thường xuyên phàn nàn về cơ chế xin-cho, luật pháp chồng chéo và mâu thuẫn. Điển hình như trường hợp được Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam nêu trong kiến nghị về Nghị định 38/2012: một doanh nghiệp sản xuất bánh sôcôla sử dụng 12 nguyên liệu nhập khẩu phải xin 12 giấy phép nhập khẩu riêng biệt cho từng nguyên liệu, cộng thêm một giấy xác nhận công bố thành phẩm. Như vậy, một chiếc bánh sô-cô-la có thể phải “cõng” tới 13 giấy phép.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn có thể gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ nhờ lợi thế về các mặt hàng mà Mỹ đã áp thuế với Trung Quốc. Nhưng rủi ro bị áp thuế chống bán phá giá do chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường tự do vẫn tồn tại. Đặc biệt khi nhiều hiệp hội thương mại và nghiệp đoàn Mỹ lo ngại việc Trung Quốc lách thuế quan qua Việt Nam, ví dụ như mặt hàng thép.

Hay mới đây một loạt các nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc là Longi và Trina Solar đã bắt đầu thu hẹp sản xuất và rút khỏi Việt Nam do tổng mức thuế mà Mỹ có thể áp lên một số nhà sản xuất ở Việt Nam có thể lên tới hơn 300%. Trong khi đó, dữ liệu nhập khẩu tấm pin mặt trời của Mỹ cho thấy các lô hàng từ Việt Nam tăng gần 74% trong tháng 8.

Vì vậy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là then chốt để Việt Nam tận dụng làn sóng chuyển dịch sản xuất cũng tránh khỏi thế bị kẹp giữa cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung của ông Trump. Song những bất ổn chính trị và sự chậm chạp trong chính sách lại khiến Việt Nam rơi vào thế “chậm chân” khi Việt Nam không đơn độc trong cuộc đua thu hút đầu tư này.

Tình trạng “dậm chân tại chỗ” này phản ánh sự ngần ngại, thiếu quyết đoán trong việc hoạch định chính sách của giới quan chức Việt Nam. Trong bầu không khí “đốt lò” ngột ngạt hiện nay, không ai dám trở thành “vật tế thần”, hứng chịu hậu quả từ những quyết định “nhạy cảm” có thể động chạm đến lợi ích của các phe phái trong cuộc chiến quyền lực. Đặc biệt là khi vị Tổng Bí thư Tô Lâm đương nhiệm nổi tiếng với “bàn tay sắt” và không ngại sử dụng “luật rừng” để trừng trị những kẻ “chống đối”.

Về thị trường tài chính cũng thường là nơi phản ứng nhanh nhạy nhất với các biến động chính trị. Trong ngày Trump đắc cử, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng điểm mạnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, phù hợp với dự báo của Công ty Chứng khoán Ngân Hàng Á Châu (ACBS) rằng các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp và doanh nghiệp xuất khẩu có chứng minh xuất xứ nguồn gốc sẽ hưởng lợi từ chiến lược chuyển dịch sản xuất đã nói ở trên.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác đưa ra những quan điểm thận trọng hơn. Ông Nguyễn Thế Minh của Chứng khoán Yuanta lo ngại sự can thiệp của Trump vào FED có thể gây ra “cú sốc” cho thị trường tài chính toàn cầu. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson dự báo lạm phát Mỹ tăng lên 6 – 9,3% vào năm 2026 nếu các cam kết kinh tế của Trump được thực hiện. Fitch Ratings cảnh báo nguy cơ suy giảm GDP ở các nước châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ, bao gồm Việt Nam. Việc phá giá đồng USD có thể hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam nhưng cũng sẽ gây biến động tỷ giá.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: