Hà Nội lãnh hậu quả từ việc độc quyền vàng trong nước

GIá vàng trồi sụt, khiến người dân cũng không yên (Kintedothi)

Gần đây, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (SBV – State Bank of Vietnam) được nói là đã phải tìm cách để “hạ nhiệt” giá vàng SJC khi vàng liên tục lập đỉnh giá mới, vượt xa giá vàng thế giới. Do chính sách của nhà nước CSVN là độc quyền sản xuất và phân phối vàng đã khiến giá vàng trong nước luôn bất định. Nhưng các chuyên gia kinh tế nói gì về các thủ thuật này của Hà Nội?

Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn khi hàng loạt đại án kinh tế lớn nổ ra như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thinh Phát làm thị trường Bất Động Sản mất thanh khoản (không thể chuyển nhượng) và gần như đóng băng.

Thêm vào đó, việc Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát Mỹ đã khiến dân Mỹ và Châu Âu thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu làm các tập đoàn lớn thu hẹp sản xuất làm hàng loạt các công ty gia công đơn hàng phá sản đã làm cho Việt Nam mất một dòng tiền ngoại hối lớn chảy vào nền kinh tế gây áp lực lên giá trị đồng Việt Nam.

Có thể nói, đây là một hệ quả nhãn tiền của nền kinh tế chạy đua thành tích tăng trưởng quá vội vàng của chính quyền CSVN khi sản xuất thì phụ thuộc lớn vào gia công nước ngoài, còn tăng trưởng trong nước lại tới chủ yếu từ bong bóng bất động sản với hàng loạt sai phạm và tham nhũng.

Với tình hình kinh tế xã hội “vỡ trận” như vậy, chính quyền CSVN đã ra lệnh cho Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương và Ngân Hàng Nhà Nước phải cứu bất động sản và duy trì tăng trưởng bằng mọi giá, để mị dân với thông điệp kinh tế vẫn ổn định bất chấp khó khăn, mặc cho tình hình kinh tế thế giới đang thời kỳ siết chặt để cân bằng lạm phát.

Để thực hiện nhiệm vụ chính trị mị dân an sinh của đảng CSVN giao phó, SBV đã quyết định hạ lãi suất cơ bản ngân hàng để kích thích cho vay dù đi ngược xu hướng chung của thế giới. Nhưng thực tế, nếu hạ lãi suất không đúng thời điểm sẽ để lại những hậu quả khó lường.

“Ngược dòng” hạ lãi suất: Lợi bất cập hại.

SBV đã hạ lãi suất cơ bản từ cuối Quý 1 năm 2023 bất chấp việc FED tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, dẫn đến “nghịch lý” lãi suất Việt Nam thấp hơn lãi suất USD của FED. Điều này khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển khỏi Việt Nam sang các thị trường có lợi nhuận cao hơn và rủi ro thấp hơn, chủ yếu là Mỹ, làm cho giá trị của đồng tiền nội tệ Việt Nam mất giá chóng mặt.

Ngay trong tháng 3, 2023, Lãi suất cơ bản của Việt Nam đã thấp hơn cả FED. Nguồn: Trading Economics.

Tính đến đầu Tháng Bảy năm 2024, giá trị rút ròng của khối ngoại qua các quỹ đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán ngoại biên có thứ hạng tín dụng thấp Việt Nam đã vượt 17.100 tỷ đồng, gấp 10,7 lần cả năm 2023. Dòng vốn này chủ yếu chảy vào trái phiếu chính phủ và tiền gửi ngân hàng Mỹ, vàng, yên Nhật hoặc các thị trường chứng khoán mới nổi xếp hạng tín dụng cao hơn như Trung Quốc, Ấn Độ.

Việc rút ròng khoảng $48 tỷ của khối FDI khỏi Việt Nam trong năm ngoái càng làm trầm trọng thêm tình trạng mất giá của đồng nội tệ. Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất cũng làm các phần sai lỗi như mua gom USD, vàng, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài… khiến các yếu tố tích cực như $28 tỷ xuất siêu, dòng kiều hối đổ về cũng không đủ bù đắp cho dòng vốn đôla Mỹ chạy ra khỏi Việt Nam.

Hậu quả là chỉ trong vòng 2 năm (2022 – 2024), khi SBV duy trì lãi suất thấp hơn FED, đồng Việt Nam đã mất giá 11% so với USD, nhanh hơn nhiều so với mức giảm 8% trong cả giai đoạn 10 năm kinh tế ổn vĩ mô ổn định (2012 – 2022) trước đó.

Tỷ giá VNĐ mất tới 11% giá trị với USD chỉ trong hai năm 2022 – 2024. Thêm lưu ý là trước năm 2012 VNĐ cũng mất giá trầm trọng với USD do thời điểm đó vàng đang được tự do lưu thông và dùng để mua bán tài sản có giá trị lớn như Bất Động Sản. Nguồn biểu đồ: Tradingview

Lạm phát tăng trở lại khiến người dân lại đổ xô đi mua đô, trữ vàng

Còn riêng thị trường Việt Nam, mọi thứ cũng không sáng sủa hơn. Sau thời gian SBV tăng lãi suất để kiểm soát và đưa lạm phát về mức 2%, việc hạ lãi suất gần đây đã khiến lạm phát tăng trở lại, vượt mức 4% và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Lạm phát VN đang tăng trở lại lên trên 4% – Nguồn: Trading Economics.

Điều này khiến người dân lo ngại đồng tiền nội tệ Việt Nam mất giá, dẫn đến tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội đầu tư, đổ xô đi mua chứng khoán, vàng, USD, bất động sản phát lý đầy đủ,… thay vì gửi tiết kiệm ngân hàng.

Hậu quả là giá trị của đồng Việt Nam càng giảm mạnh, niềm tin vào đồng nội tệ – vốn được gây dựng trong suốt 10 năm qua – cũng dần lung lay khi lãi suất hạ quá sâu. Nên việc Vàng SJC tăng giá phi mã như thời gian vừa qua khiến cho SBV phải can thiệp sau 12 năm đứng ngoài là một hệ quả tất yếu cho sai lầm trong chính sách lãi suất chỉ để làm đẹp thành tích cho chính phủ Việt Nam.

Vàng là một loại tài sản đặc biệt khi nó có tính bảo toàn giá trị và là một kênh đầu tư phòng hộ an toàn. Do đó, lãi suất thấp của SBV càng thúc đẩy người dân đổ xô đi mua vàng vì nó cho lợi tức và giữ giá tốt hơn.

Giá vàng ở Việt Nam liên tục lập đỉnh lịch sử, chạm mức hơn 90 triệu đồng một lượng, khiến người dân đua nhau mua gom. Sự khan hiếm nguồn cung vàng SJC do độc quyền của SBV cộng với đà tăng giá vàng thế giới do Trung Quốc tích trữ vàng liên tục trong những nhiều tháng đã đẩy giá chênh lệch giữa vàng SJC và vàng thế giới lên đến 20-30 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng $1,500).

Hậu quả khó lường về sau từ chính sách lãi suất sai lầm

Để ngăn đà lao dốc của tỷ giá Việt Nam đồng, SBV đã phải bán ra thị trường $5 tỷ từ nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia từ Tháng Tư tới Tháng Sáu năm nay. Nhưng giải pháp bán ngoại tệ và duy trì lãi suất thấp chưa bao giờ là bền vững. Dự trữ ngoại hối cạn kiệt có thể dẫn đến thiếu hụt thanh khoản hệ thống ngân hàng, trong khi lãi suất vẫn sẽ tăng.

Thực tế đã chứng minh, những giai đoạn ưu tiên tăng trưởng bằng mọi giá, nới lỏng tiền tệ như 2007, 2009, 2021 chỉ tạo ra những con sóng đầu cơ ngắn hạn, để lại nhiều hệ lụy. Người dân bị cuốn vào vòng xoáy “FOMO”, tìm mọi cách chạy đua mua tài sản để rồi phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn cả việc VNĐ mất giá.

Tất cả những điều trên cho thấy, nền kinh tế thị trường định hướng theo xã hội chủ nghĩa chạy theo thành tích chính trị đã làm kinh tế Việt Nam trở nên bất ổn và suy thoái đến thế nào chứ hoàn toàn không hẳn nằm trong tầm kiểm soát như Thủ Tướng Phạm Minh Chính đã nói. Và liệu sắp tới kinh tế Việt Nam có trở thành một Venezuela hay Zimbabwe thứ hai khi đồng nội tệ mất giá trầm trọng với lạm phát không thể kiểm soát hay không thì tương lai sắp tới sẽ càng sáng tỏ hơn lo ngại này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: