Ngày đen tối của Vingroup và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam
Ngày 26 Tháng Mười 2023 là một ngày tuyệt vọng của các con bạc khát nước ở chiếu bạc mang tên HoSE, HNX, Upcom khi chứng kiến cuộc bán tháo đầy hoảng loạn. Chỉ số VnIndex giảm 46,21 điểm, tương đương 4,19%. Đây là một ngày tồi tệ nhất sau chuỗi ngày giảm giá cầm chừng mặc dù Ngân hàng Trung ương đã bơm 73.545 tỷ ra thị trường trong sáu phiên liên tiếp gần đây nhưng không có tác dụng tích cực. Thậm chí tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh và người dân chấp nhận rút tiền từ các kênh đầu tư như chứng khoán để gửi tiết kiệm, bất chấp lạm phát và tỷ giá leo thang.
Điều mỉa mai là các doanh nghiệp công bố “lãi khủng” lại là những mã cổ phiếu bi đát nhất thị trường như VHM, VRE, VIC. Trước đó một phiên, Vingroup công bố doanh thu và lợi nhuận trong quý 3, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tài chính đạt 47.955 tỷ đồng, (tương đương gần US$2 tỷ) tăng 66,5% so với quý 3-2022. Lợi nhuận kế toán trước thuế, tuy nhiên, vẫn giảm 14,7% đạt 4.475 tỷ đồng. Thế nhưng, có vẻ như mọi nỗ lực truyền thông và các bảng kết quả kinh doanh được tô hồng đang có tác dụng ngược nhiều hơn.
Nhóm cổ phiếu dòng họ Vin trở thành nhóm “lau sàn” ngay sau khi Blomberg đưa tin về việc Vingroup huy động $250 triệu để đảo nợ từ việc bán trái phiếu ở Singapore với mức lãi suất lên tới 10%/năm bằng tiền USD – một mức lãi suất rất cao so với mặt bằng chung. Ngoài ra, thông tin về việc tập đoàn này có kế hoạch phát hành 10 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000đ/cổ phiếu cho nhân viên tập đoàn trong hai tháng cuối năm có thể coi là những dấu hiệu rõ ràng về việc Vingroup đang “khát nước” như thế nào.
Giá trị cổ phiếu VFS của Vingroup tiếp tục rơi tự do. Ngày 26 Tháng Mười, cổ phiếu VFS chỉ còn 4.9 USD/cổ phiếu nhưng cũng không có tính thanh khoản. Tình trạng tương tự Vin cũng phổ biến ở tất cả các doanh nghiệp và mã chứng khoán liên quan tới bất động sản (BĐS) và chứng khoán trong hai ngày 26-27 Tháng Mười. Nhóm sản xuất cũng không ngoại lệ. Riêng trong ngày 26 tháng Mười, toàn sàn HoSE chỉ có 24 mã tăng giá trong khi có tới 505 mã giảm giá; trong đó có 114 mã giảm kịch sàn. Tính cả ba sàn HoSE, HNX và UpCoM có gần 1.000 cổ phiếu giảm giá, trong đó 164 mã rơi hết biên độ.
Hãy để chúng chết đi!
Những ngày qua, tin tức liên quan tập đoàn BĐS lớn nhất Trung Quốc đứng về mặt doanh số bán hàng năm là Country Garden chính thức vỡ nợ về mặt kỹ thuật khi không thể trả được US$15.3 triệu tiền lãi trái phiếu có lẽ ít nhiều khiến giới đầu tư Việt Nam không khỏi bất an. Nền kinh tế Việt Nam là một phiên bản thu nhỏ, lạc hậu hơn Trung Quốc rất nhiều.
Giờ đây khi Trung Quốc đối diện cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, những hạn chế về mô hình cũng như thể chế, kinh tế lẫn chính trị bộc lộ, thì Việt Nam cũng gặp những khó khăn tương tự. Câu chuyện “Bên ni biên giới là mình. Bên kia biên giới cũng tình quê hương” mà “đại thi hào” tuyên truyền Tố Hữu từng viết, và sự gắn kết “cùng chung vận mệnh” hai thể chế chính trị, sẽ dẫn đến kết cục tương tự về mặt kinh tế.
Vingroup, Novaland, Sungroup, FLC… của Việt Nam so với Evergrande hay Country Garden của Trung Quốc thì chỉ là những người tí hon đứng cạnh gã khổng lồ. Thế nhưng, quá trình phát triển vượt bực của những tập đoàn này lại giống nhau một cách kỳ lạ. Tất cả đều dựa vào chênh lệch địa tô hàng ngàn lần từ việc thu hồi đất giá rẻ, xây nhà và bán với giá trên trời.
Thể chế chính trị độc tài ủng hộ các tập đoàn BĐS tiếp cận tài nguyên đất đai không giới hạn thông qua việc thu hồi cưỡng chế cướp đất của người dân, được hưởng tín dụng ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, có quyền tự do phát hành hàng trăm tỷ USD trái phiếu, cổ phiếu, cũng như huy động vốn góp, vốn đầu tư từ người dân và giới đầu tư nhỏ lẻ.
Các tập đoàn BĐS Việt Nam cũng như Trung Quốc trong nhiều thập niên qua đã tăng trưởng theo cấp số nhân và hút cạn nguồn vốn xã hội và tài nguyên đất nước, bành trướng phát triển nhưng sau đó trở thành những khối u di căn đến mọi ngóc ngách kinh tế ăn mòn sức khỏe cơ thể quốc gia.
Cái gọi là hoạt động kinh doanh BĐS chỉ là mua đi, bán lại những thửa đất, phân lô bán nền từ miền núi cho đến hải đảo, xây dựng hàng triệu căn hộ, biệt thự, nhà phố rồi bỏ hoang – cả Trung Quốc và Việt Nam đều như vậy. Chỉ cần đánh cụm từ “đô thị ma”, Google sẽ cho ra 126 triệu kết quả và bạn có thể thấy mức độ lãng phí tài nguyên và nguồn lực xã hội kinh hoàng ra sao đối với “nền kinh tế BĐS”.
Trong một thời gian dài, giới chính trị luôn tự hào với những dự án BĐS qui mô, thành phố có hạ tầng qui hoạch đẹp đẽ và coi đó là biểu hiện rõ ràng nhất về tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, mô hình “đặc sắc Trung Hoa” hay nền kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa” Việt Nam đã không thể tiếp tục thổi phồng những quả bóng BĐS căng phồng cực đại và nổ tung.
Một tháng trở lại đây, có những dấu hiệu kỳ lạ về thị trường BĐS Việt Nam. Những nhà đầu tư thứ cấp không thể tiếp tục “gồng” lãi ngân hàng và trả góp sau khi hết thời gian ân hạn đã thông báo trên các hội nhóm BĐS về việc “tặng” những căn biệt thự, căn hộ có giá trị từ 3 cho đến 10 tỷ đồng đã trả được 15-20%. Với điều kiện người nhận phải tự trả các khoản phí sang nhượng tài sản và có khả năng trả được phần góp còn lại và lãi suất ngân hàng. Các dự án của Vinhomes, Novaland ở Phú Quốc, Bình Thuận đang sale off với mức hạ giá 30% thấp hơn so với thời điểm cách đây hai năm.
Những ngày gần cuối năm, nền kinh tế đang có phần trầm lắng khi khối doanh nghiệp sản xuất tiếp tục không có đơn hàng và đối diện nguy cơ phá sản hàng loạt. Báo Tuổi Trẻ ngày 27 Tháng Mười cho biết, Garmex Sài Gòn – một trong những công ty dệt may lớn nhất Sài Gòn từng sử dụng gần 4.000 công nhân – nay chỉ còn 37 người vì trong suốt nhiều tháng không nhận được bất kỳ đơn hàng nào!
Tính chung chín tháng đầu năm 2023, Garmex Sài Gòn có doanh thu 8,1 tỉ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 44 tỉ đồng, lỗ 6,8 tỉ đồng. Trong khi đó, những dự án tỷ đô vào lĩnh vực bán dẫn và chip vẫn còn ở thì tương lai và cần một lộ trình chuẩn bị nhân sự lâu dài…
Bối cảnh này khiến tôi nhớ tới câu nói đầy ấn tượng của ông Alan Phan khi được báo CafeBiz phỏng vấn trong một hội thảo cách đây đúng 10 năm về giải pháp cho nền kinh tế trước bối cảnh các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng và thị trường BĐS sụp đổ có thể kéo theo sự sụp đổ của cả nền kinh tế. Alan Phan nhún vai trả lời “Hãy để cho chúng chết đi!
_______________
Nếu không có giải pháp quyết liệt mà cứ giật gấu vá vai, lấy băng gạc dán lên vết thương hay dùng thuốc giảm đau cho bệnh ung thư thì không thể nào giải quyết được vấn đề. Điều quan trọng là chúng ta cần giải quyết nó tận gốc – Alan Phan (trả lời phỏng vấn CafeBiz ngày 22 Tháng Ba 2013)
_______________
Có lẽ các nhà lãnh đạo Việt Nam nên đọc lại bài phỏng vấn này. Kinh tế Việt Nam không thể phát triển khi dồn toàn bộ nguồn lực quốc gia và tài nguyên đất nước để nuôi những khối u mang tên Vingroup, Novaland, Sungroup… và phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ các siêu đại gia BĐS và ngân hàng. Nền kinh tế Việt Nam đã và đang là con tin của nhóm lợi ích khổng lồ này. Cách tốt nhất là hãy để chúng chết đi cho một cuộc tái sinh mới được bắt đầu, từ hôm nay.
***