Hệ thống Cử Tri Đoàn của Mỹ: ‘Phép vua thua lệ làng’

Hệ thống Cử Tri Đoàn giúp một người đang vướng vào nhiều hồ sơ pháp lý nguy hiểm cho quốc gia, nhiều cáo trạng hình sự, như Donald Trump, trở thành tổng thống (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)

Mặc dù bị Bộ Tư pháp truy tố hình sự về việc cất giữ trái phép cái tài liệu bí mật, đứng sau âm mưu gian lận bầu cử, và vụ bạo loạn tấn công Điện Capitol ngày 6 Tháng Giêng, cựu Tổng Thống Donald J. Trump vẫn đang vượt mặt các ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2024. Điều đáng nói, cho tới tận lúc này, Trump vẫn không bày tỏ sự hối hận về các hành vi sai trái của mình. Chính vì vậy, khá nhiều cử tri lo lắng rằng ông Trump có thể đắc cử tổng thống thêm một lần nữa nhờ hệ thống Cử Tri Đoàn (Electoral College).

Trong hơn hai thế kỷ, cứ bốn năm một lần, cử tri Mỹ lại đi bỏ phiếu bầu tổng thống dựa trên cử tri đoàn. Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên thế giới bầu tổng thống theo hệ thống này, bao gồm 538 đại cử tri, do cơ quan lập pháp bang chỉ định. Số lượng đại cử tri của mỗi bang dựa trên số thành viên dân biểu và thượng nghị sĩ tại quốc hội. Ứng cử viên tổng thống cần ít nhất 270 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng.

Hình ảnh của Cử Tri Đoàn New York Electoral College bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống Franklin D. Roosevelt. (Ảnh: Getty Images)

Theo hiếp pháp và các luật ở mỗi bang, các đại cử tri của mỗi bang sẽ bỏ phiếu cho cho ứng viên Tổng thống và Phó Tổng thống giành được nhiều phiếu bầu nhất của bang. Tuy nhiên, một trong những khía cạnh phức tạp nhất của Cử Tri Đoàn là quy định ở gần như tất cả các tiểu bang: người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tại tiểu bang sẽ được tất cả các phiếu đại cử tri của bang, bất kể khoảng cách nhỏ đến đâu.

Tại sao các nhà lập hiến chọn Cử Tri Đoàn?

Sử gia James MacGregor Burns đã mô tả hệ thống chính trị Hoa Kỳ vào năm 1787, là thời điểm soạn thảo hiến pháp, như một cuộc thử nghiệm. Thế giới lúc đó tồn tại chế độ quân chủ, nhưng không quốc gia nào tồn tại chế độ dân chủ đúng nghĩa, hay một chính phủ mà người dân có thể lựa chọn những người lãnh đạo theo nguyện vọng.

Khi các nhà lập hiến tranh luận về cấu trúc của chính phủ mới, từ “sợ hãi” đã được nhiều lần nhắc đến. Các bang ủng hộ chế độ nô lệ sợ phải trả tự do cho những người nô lệ; trong khi các bang nhỏ sợ các bang lớn hơn. Vào thời điểm đó, miền Nam tìm cách bảo vệ chế độ nô lệ. Nhưng những người nô lệ lại không được coi là một phần của dân số Mỹ, vì thế họ không thể bỏ phiếu. Những bất đồng này đã dẫn đến việc hội nghị thông qua thỏa hiệp ba phần năm, bằng cách tăng số phiếu đại cử tri cho các bang miền Nam vì có số nô lệ cao.

Quan trọng hơn, một cuộc nổi dậy của những người nông dân vào thời điểm đó đã khiến nhiều nhà lập hiến lo ngại rằng cử tri có thể không đủ khả năng, hoặc kiến thức để bỏ phiếu. Anthony Chergosky, giáo sư ngành Khoa học Chính trị, cho biết những người soạn thảo Hiến pháp lúc đó nghĩ rằng cử tri Mỹ không có kiến thức hoặc thông tin cần thiết để đưa ra quyết định hợp lý về việc bầu cho ai làm tổng thống. Trong khi đó, cách bầu cử tổng thống trực tiếp lại không nhận được nhiều sự ủng hộ vì hầu hết các bang ít dân hơn lo rằng lợi ích của họ sẽ bị bỏ qua.

Đại luật gia James Madison lo lắng rằng với các cuộc bầu cử trực tiếp sẽ không an toàn vì các cường quốc nước ngoài sẽ “tận dụng cơ hội để trộn lẫn các mưu đồ và ảnh hưởng của họ với cuộc bầu cử.” Pierce Butler, một nhà soạn thảo hiến pháp khác, lo lắng rằng “hai mối nguy lớn cần tránh là bè phái trong nước và ảnh hưởng ở nước ngoài.” Các nhà lập hiến tin rằng hệ thống Cử Tri Đoàn sẽ giải quyết các lo lắng và bất đồng. Chính vì thế, hệ thống Cử Tri Đoàn đã được quyết định tại Hội nghị Lập hiến năm 1787.

Phong trào bãi bỏ Cử Tri Đoàn

Sự chia rẽ đảng phái ngày càng nghiêm trọng đã làm xói mòn mục đích ban đầu của các nhà lập hiến với Cử Tri Đoàn, khi mà nhiều bang đã tìm cách kiểm soát các đại cử tri và cách họ bỏ phiếu. Vì sợ rằng các đại cử tri có thể không bỏ phiếu theo đúng các phiếu bầu của cư tri, các bang đã ban hành các điều luật để buộc họ phải bỏ phiếu theo đúng nguyện vọng của đại đa số cử tri.

Trong 5 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây nhất, người chiến thắng cuối cùng không đã không giành được đại đa số phiếu phổ thông. Ví dụ, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ứng viên Đảng Dân chủ, Hillary Clinton, đã giành được số phiếu phổ thông nhiều hơn ứng viên Đảng Cộng hòa, Donald J. Trump, gần 2.9 triệu phiếu. Rất nhiều người Mỹ coi kết quả này là phi dân chủ và kêu gọi bãi bỏ, hoặc cải cách hệ thống Cử Tri Đoàn.

Diện mạo của Điện Capitol ngày 7 Tháng Giêng, một ngày sau cuộc nổi loạn tấn công của những người đòi xóa bỏ kết quả bầu cử 2021, qua lời kêu gọi của Donald Trump. (Ảnh: Robert Nickelsberg/Getty Images)

Lý do chính khiến Cử Tri Đoàn không thể bị thay thế là do rất khó có thể sửa đổi Hiến pháp Hoa Kỳ. Loại bỏ hệ thống Đại Cử Tri Đoàn đòi hỏi 2/3 thành viên Hạ viện và Thượng viện phải đồng ý, cũng như sự ủng hộ từ 38 tiểu bang.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy phần lớn cử tri Mỹ ủng hộ thay thế Cử Tri Đoàn bằng hiệp ước phổ thông đầu phiếu trên phạm vi toàn quốc. Hiệp ước này đề nghị các bang phải đồng ý thống nhất bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống đã thắng cử trong cuộc phổ thông đầu phiếu, dù ứng cử viên đó thắng hay thua tại các bang này.

Tính tới thời điểm này, cơ quan lập pháp của 16 tiểu bang và District of Columbia, đại diện cho 205 phiếu đại cử tri, đã thông qua hiệp ước National Popular Vote (NPV), cho phép trao phiếu đại cử tri của bang cho người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông toàn quốc và sẽ chỉ có hiệu lực khi các bang thành viên đạt được 270 phiếu đại cử tri. Cơ quan lập pháp bang Nevada cũng đang xem xét thông qua NPV trong phiên họp lập pháp tiếp theo, và dự tính sẽ được phê duyệt vào năm 2026.

Khá nhiều nỗ lực của các chính trị gia và các tổ chức xã hội dân sự Hoa Kỳ kêu gọi các bang ủng hộ và phê duyệt NPV, như một giải pháp thay thế Cử Tri Đoàn. Robert Alexander, giáo sư khoa học chính trị và là giám đốc của Viện Công dân và Chính sách Công tại Đại học Ohio Northern, cho biết Cử Tri Đoàn đã chứng tỏ là mảnh đất màu mỡ cho những âm mưu và hỗn loạn. Giáo sư Alexander tin rằng phong trào NPV đã đạt được bước tiến đáng kể và con đường dẫn đến sự sụp đổ Cử Tri Đoàn đã tìm thấy được hy vọng mới tại các cơ quan lập pháp bang.

Còn đối với David Schultz, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hamline, nếu hệ thống Cử Tri Đoàn vận hành theo cách các nhà lập hiến dự định ban đầu, thì không đời nào ông Trump có thể trở thành ứng cử viên khả thi cho chức vụ tổng thống.

Một trong những vị Lập Quốc Hoa Kỳ và “kiến trúc sư trưởng” của hệ thống kinh tế, Alexander Hamilton, đã nhấn mạnh: “Quá trình bầu cử mang lại một sự chắc chắn về mặt đạo đức, rằng chức vụ Tổng thống sẽ không bao giờ rơi vào tay bất kỳ người nào không có bằng cấp xuất sắc và được trang bị những phẩm chất cần thiết.” Thiết nghĩ, nếu các nhà lập hiến sống vào thời nay, họ có lẽ sẽ tìm cách thay thế hệ thống đã giúp một người đã và đang vướng vào nhiều hồ sơ pháp lý nguy hiểm cho quốc gia, nhiều cáo trạng hình sự, như Donald Trump, trở thành tổng thống. Bởi thế, đối với giáo sư Schultz và rất nhiều người đồng quan điểm, không có lý do gì để giữ lại Cử Tri Đoàn, trừ khi muốn một người như Doanld Trump tái đắc cử tổng thống.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: