Hồ sơ nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tồi tệ

Nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù giam. Ảnh: rsf.org

Một báo cáo dài hơn 60 trang gửi Liên Hợp Quốc của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), Freedom House, và Tổ chức Nhân quyền Robert F. Kennedy, cho biết, các nhà báo Việt Nam trong nước vẫn tiếp tục đối mặt với các mối đe dọa, tra tấn, và thường xuyên bị bắt giữ, vì biểu đạt quyền tự do ngôn luận. Báo cáo sẽ được công bố vào ngày 2 Tháng Mười Một, trước đợt Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva, vào Tháng Tư và Năm năm 2024. 

Hồ sơ nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ kể từ lần kiểm định UPR lần trước vào Tháng Giêng năm 2019. Trong đợt kiểm định UPR năm 2019, Việt Nam không chấp thuận một khuyến nghị nào về sửa đổi các điều luật vi phạm nhân quyền liên quan tới “an ninh quốc gia”. Từ năm 2019 đến năm 2023, nhà cầm quyền Việt Nam đã truy tố ít nhất 139 người theo các điều luật hà khắc, chỉ vì họ dám lên tiếng phản đối bất công, phê phán chính quyền, hoặc bày tỏ sự ủng hộ đối với các nhà hoạt động. 

Việt Nam đã chấp thuận các khuyến nghị về sửa đổi luật tố tụng hình sự để bảo đảm quy trình pháp lý thích đáng và xét xử công bằng, cũng như “xóa bỏ hình thức xét xử (lưu động) ngoài trời,” trong đợt UPR năm 2019. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Việt Nam không có bất kỳ hành động nào để thực hiện cam kết đó. Những người bị đưa vào danh sách “nghi can” chính trị vẫn bị đối xử bất công và bị giam giữ hàng tháng trời, mà không được gặp gia đình hoặc luật sư. 

Nhà báo Phạm Chi Dũng (phải) và Nguyễn Tường Thuỵ (trái) trong phiên toà “bỏ túi”. Ảnh: VOVOnline

Theo báo cáo mới nhất của CPJ, Việt Nam là một trong những quốc gia bỏ tù các nhà báo tồi tệ nhất thế giới, với ít nhất 21 người bị giam cầm tính đến ngày 1 Tháng 12 năm 2022. Trong một báo cáo nhân quyền vào tháng trước, Elaine Pearson, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nhấn mạnh:

Các vi phạm nhân quyền của Việt Nam cho thấy rằng những lời hứa hẹn của chính quyền nước này với Liên minh Châu Âu và các quốc gia khác về nhân quyền chẳng có chút giá trị nào. Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần có phản ứng cứng rắn hơn với việc chính quyền Việt Nam đàn áp có hệ thống các quyền tự do dân sự và chính trị, chứ không phải ngó lơ để xúc tiến các lợi ích được coi là chiến lược. Họ cần phải nhận thấy rằng thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam chính là phục vụ cho lợi ích chiến lược của mình.”

So với bản báo cáo năm 2019, các mối đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí vẫn tăng khắp Việt Nam: các nhà báo tử vong do bị tra tấn trong lúc bị giam giữ, các án tù dài hạn, các vụ bắt cóc, từ chối quyền được xét xử công bằng và quy trình kháng cáo, biệt giam, quản thúc tại gia, thời gian xét xử kéo dài và giam giữ tùy tiện; ngăn cản xuất cảnh, và cản trở hoạt động của nhà báo.

Các điểm then chốt trong báo cáo

Việc ngược đãi và tra tấn các nhà báo bị cầm tù là rất phổ biến ở Việt Nam. Trong 5 năm qua, ít nhất một nhà báo, Đỗ Công Đương, thường xuyên bình luận về các vấn đề chính trị, đã chết vì bệnh trong tù. Gia đình Đỗ Công Đương cho biết anh rất khỏe mạnh trước khi bị bắt và tống giam. Mặc dù gia đình nhiều lần yêu cầu điều trị y tế, nhà báo này vẫn bị bỏ mặc.

Ít nhất bảy nhà báo khác bị giam giữ đã chứng kiến nhiều trường hợp bị quản giáo trại giam đánh đập thể xác và/hoặc bị từ chối khám chữa bệnh mặc dù bệnh nặng. Một trường hợp công an đã đánh đập và bóp cổ một nhà báo đang mang thai, Huỳnh Thục Vy, người đã vận động yêu cầu các nữ tù nhân khác lên tiếng về điều kiện vi phạm nhân quyền của trại giam.

Anh Nguyễn Văn Hóa, cộng tác viên thường xuyên của Đài Á Châu Tự do, đã bị tra tấn dã man và biệt giam, sau khi bị bắt vào Tháng Một năm 2017. Hóa cũng không được chăm sóc y tế và bị buộc phải làm chứng chống lại các nhà hoạt động khác, sau khi bị cưỡng ép và hành hung. Hiện nay Hóa vẫn đang thường xuyên bị ngăn cản gọi điện thoại liên lạc với gia đình. 

Nguyễn Văn Hóa, bút danh “Con kiến con” bị kêu án 7 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Ảnh: Vietnamnet

Những trường hợp này vi phạm Điều 5 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, bảo vệ các cá nhân khỏi bị tra tấn và trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo, hoặc sỉ nhục nhân phẩm. Nó cũng vi phạm quyền tự do ngôn luận quy định trong Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. 

Trong 5 năm qua, đã có nhiều vụ về các nhà báo ở Việt Nam do các bài viết đã bị bỏ tù oan và bị kết án nặng nề. Chẳng hạn, nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã bị kết án 15 năm tù, sau khi đăng bài bình luận về thỏa thuận thương mại EU-Việt Nam.

Các nhà báo khác đã bị bỏ tù vì các bài viết trên mạng xã hội, với cáo buộc mơ hồ “chống nhà nước”. Nguyễn Quốc Đức Vượng đã bị kết án 8 năm tù theo Điều 117 Bộ luật Hình sự, vì đăng và chia sẻ các bài viết trên Facebook có nội dung bị cáo buộc “phỉ báng nhà nước Việt Nam.” Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền đã nhấn mạnh rằng không có bài đăng nào trên mạng xã hội của các nhà báo bị bắt “liên quan đến kích động tội phạm, bạo lực, ngôn từ kích động thù địch.”

Nhà văn, nhà thơ Trần Đức Thạch bị bắt và bị kết án 12 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 109 Bộ luật Hình sự, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Đạo luật mơ hồ này cũng thường xuyên được dùng để truy tố các nhà báo. Trần Đức Thạch viết về trải nghiệm của ông với tư cách là một cựu quân nhân Bắc Việt và những tội ác chiến tranh mà ông chứng kiến, cũng như bình luận về hệ thống pháp luật ở Việt Nam. 

Đã có ít nhất hai nhà báo bị xét xử kín trong 5 năm qua. Nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù sau phiên tòa kéo dài một ngày mang tính thủ tục. Rõ ràng, điều này đã vi phạm các quyền cơ bản của Phạm Đoan Trang khi luật sư của cô bị cấm gọi nhân chứng hoặc tranh cãi một cách có ý nghĩa về bằng chứng mà cơ quan công tố đưa ra.

Đội ngũ pháp lý cho cô chỉ có vài tuần để chuẩn bị cho phiên tòa, mặc dù có 11.000 trang bằng chứng cần xem xét. Điều 11 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đảm bảo rằng mỗi người bị buộc tội hình sự đều có quyền được xét xử công khai tại nơi họ được xét xử, và được cung cấp mọi đảm bảo cần thiết cho việc bào chữa của họ.

Trong sáu tháng đầu năm 2023, ít nhất 20 nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền đã bị bắt giữ. Nhiều nhà báo ở Việt Nam cũng nhiều lần bị quản thúc tại gia, thường là trong các chuyến thăm của quan chức nhà nước ngoài nhằm bịt miệng bất đồng chính kiến. Ít nhất ba nhà báo đã bị quản thúc tại gia trong vòng 5 năm qua, mà không có lý do chính đáng và hợp pháp.

Trong 5 năm qua, nhà nước Việt Nam đã tăng cường kiểm duyệt Internet và các mạng truyền thông xã hội, nhằm hạn chế quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, thông qua dự thảo thay thế Nghị định 72 năm 2013, trong đó cho phép giám sát và gỡ bỏ nội dung, đồng thời mở rộng phạm vi quyền hạn ngăn chặn của chính phủ. Điều này hạn chế quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, khi nhiều người Việt Nam sử dụng mạng xã hội để cập nhật và chia sẻ các vấn đề xã hội và chính trị. 

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã liên tục áp lực các mạng xã hội gỡ bỏ nội dung không thích. Năm 2022, Facebook chặn hoặc xóa 2.751 bài viết bị Bộ Thông tin và Truyền thông dán nhãn “sai trái, chống Đảng, chống nhà nước, bôi xấu thương hiệu, cá nhân, tổ chức”. Google đã xóa 7.935 video khỏi YouTube. TikTok đã xóa 329 video và 10 tài khoản.

Bằng cách hạn chế quyền truy cập thông tin trực tuyến và kiểm duyệt thông tin, chính phủ Việt Nam đang bằng mọi giá chà đạp quyền tự do ngôn luận và báo chí. Các biện pháp do nhà cầm quyền thực hiện đã ngang nhiên vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một thành viên. Kết quả là, nhà nước Việt Nam đã ‘thành công’ tạo ra một hiệu ứng khiếp sợ đối với giới truyền thông.

Kết thúc bản báo cáo, các tổ chức bảo vệ nhà báo và nhân quyền quốc tế kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy chấm dứt sử dụng vũ lực quá mức, tra tấn thể xác, và biệt giam kéo dài đối với các nhà báo và nhà hoạt động. Quan trọng, họ yêu cầu giới chức Việt Nam ngay lập tức trả tự do cho tất cả các nhà báo bị bắt giữ, hoặc bị giam giữ tùy tiện, chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận, đồng thời chấm dứt việc bắt giữ các nhà báo vì những hành vi đó.

Dưới quyền lực cai trị độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam, việc nhà nước cam kết sẽ tôn trọng quyền tự do ngôn luận của các nhà báo và công dân chỉ là chuyện viển vông. Nguyên nhân duy nhất thì dường như ai cũng hiểu. Nhưng có lẽ Trung tướng Trần Độ, nguyên ủy viên trung ương đảng kiêm phó chủ tịch quốc hội, diễn giải súc tích nhất:

Bộ máy cai trị bây giờ ngày đêm chỉ lo xây dựng bộ máy tuyên truyền, lo cổ động rầm rộ, dùng những “lưỡi gỗ” xây dựng và truyền lan các thứ “lý luận” “nói lấy được”, dùng mọi thủ đoạn lừa bịp, dối trá, ngụy biện để nhằm một mục đích duy nhất là duy trì và giữ vững bộ máy cai trị mà họ gọi là “sự lãnh đạo của Đảng.

Nói như vậy, không có nghĩa là mặc kệ ‘muốn làm gì thì làm’. Tình trạng chà đạp quyền tự do ngôn luận và báo chí của nhà cầm quyền Việt Nam sẽ chỉ thay đổi theo chiều hướng tích cực, khi dư luận dứt khoát phản đối, cũng như liên tục yêu sách minh bạch thông tin và điều tra công bằng.

Dù sao, ‘thắp lên một ngọn nến’ thì hy vọng ‘hơn là nguyền rủa bóng đêm.’

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: