Kê khống giá – bệnh di căn của bộ máy công quyền Việt Nam

Minh họa: báo Dân Trí

Dư luận xã hội Việt Nam liên tục khủng hoảng niềm tin đối với bộ máy công quyền qua các vụ án tham nhũng nghiêm trọng được phát hiện gần đây. Mấu chốt của các vụ án là việc kê khống giá lên để hưởng chênh lệch và ăn tiền hoa hồng. Cụ thể là vụ Việt Á, nơi kê khống giá kit test từ 21,000 đồng ($0.90) lên 470,000 đồng ($20.12) và hơn thế nữa, để lại quả cho cán bộ các cơ quan phòng chống dịch (CDC) ở 62 tỉnh thành, tổng cộng 800 tỷ đồng (hơn $34 triệu)…

Minh họa: báo Đời sống và Pháp luật

Một vụ điển hình nữa là trường hợp Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội, kê khống giá máy móc thiết bị y tế từ 4.1 tỷ ($175,532) lên 9.5 tỷ đồng ($406,721) để hưởng chênh lệch 5.4 tỷ ($231,189). Điều này đặc biệt tàn nhẫn vì việc kê khống giá trang thiết bị y tế không phải thâm lạm vào ngân sách quốc gia do toàn thể người dân đóng thuế, mà nó đánh thẳng vào túi tiền của người bệnh, vốn đã khổ đau khốn đốn vì bệnh tật. Tính ra trong vụ Nguyễn Nhật Cảm, người bệnh đã phải chi trả gấp đôi tiền viện phí so với giá thực.

Kê khống giá không phải chỉ vài vụ án như vậy, cũng không phải mới phát hiện đây. Nó là căn bệnh trầm kha của bộ máy công quyền, từ rất lâu, ở mọi ngành mọi cấp từ trên xuống dưới, từ những doanh nghiệp “nắm đấm thép” của Nhà nước đến tận phường xã khóm ấp… Việc kê khống để chi hoa hồng đâu đâu cũng có – như một thứ luật bất thành văn trong mọi cuộc hợp tác làm ăn với Nhà nước. Nếu không tuân theo luật “rừng” này, doanh nghiệp coi như khỏi làm ăn.

Làm lớn ăn nhiều

Tôi có anh bạn làm trưởng phòng kinh doanh của một công ty Nhật Bản chuyên về điện công nghiệp. Khi đấu thầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện, do là người Việt Nam am hiểu “luật hoa hồng” và tỷ lệ phần trăm cần phải chi, anh bạn tôi tư vấn cho các sếp Nhật về việc này, nhưng họ không đồng ý. Người Nhật ngay thẳng và chính trực, coi trọng chất lượng và chữ tín nên không thể chấp nhận cách làm ăn của người Việt Nam như thế. Họ thà chịu thua cuộc, bỏ thầu chứ không chấp nhận giảm chất lượng công trình hoặc nâng khống giá thầu để chi hoa hồng.

Hầu hết công ty công nghiệp của các nước tư bản đều đấu thầu thua Trung Quốc trong các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện. Chiêu bài của Trung Quốc là hạ giá thầu đến mức thấp nhất, đến mức phi lý, đồng thời chi hoa hồng thật hậu hĩnh, miễn là trúng thầu, trúng thầu bằng mọi giá. Tất nhiên chất lượng công trình không thể kiểm soát. Sau đó, khi bắt tay vào thực hiện, dự án sẽ phát sinh đủ thứ chi phí, đẻ ra thêm hàng đống “công trình phụ”. Phóng lao phải theo lao, phía quan chức Việt Nam đã ăn tiền đành phải ngậm miệng, nhắm mắt làm theo mọi yêu sách của Tàu. Cuối cùng, dự án đội vốn lên gấp hàng trăm lần so với giá thầu ban đầu. Việt Nam thiếu vốn đầu tư, Trung Quốc sẽ cho vay. Bẫy nợ là đây. Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông là ví dụ cụ thể rõ ràng nhất về thủ đoạn này của Trung Quốc.

Làm nhỏ cũng ăn bộn!

Hầu hết người dân Việt Nam đều hiểu rất rõ luật chi hoa hồng, bất cứ công trình lớn nhỏ nào, mua bán cái gì, ngay cả cung cấp giấy bút văn phòng phẩm cho cơ quan nhà nước cũng phải chi phần trăm. Tỉ lệ thấp nhất là 10%, nhiều là 20-30%. Hàng triệu đôla bây giờ là bình thường, như trường hợp chi $3 triệu cho (cựu) Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son.

Có những quan chức bị người dân khinh miệt gọi biệt danh tùy theo tỷ lệ phần trăm mà người đó đòi: Thí dụ “ông 10%”, “ông 20%”, thường đó là trưởng phòng hành chính quản trị của các cơ quan công quyền, là người có quyền mua sắm mọi thứ cho cơ quan. Một người bạn của tôi là chủ thầu xây tượng đài. Nghề xây tượng đài ở Việt Nam làm giàu rất nhanh. Anh ấy cho biết, tay giám đốc Sở Văn hóa Thông tin của tỉnh nhà ở quê tôi đã đòi “ăn” tới 30% trong công trình tượng đài nghĩa trang liệt sĩ. Như vậy tất nhiên anh bạn ấy phải kê khống dự toán kinh phí xây dựng lên hơn 30% để chi hoa hồng cho tên giám đốc sở.

Cơ sở dịch vụ của chúng tôi, khi hợp đồng làm ăn với các cơ quan nhà nước, trước hết là phải tổ chức “nhậu”. Việc bàn thảo ký kết hợp đồng phải thực hiện trên bàn nhậu! Thường chúng tôi đưa ra giá gốc của mình và phần trăm sẽ chi, sau đó phía “đối tác” sẽ đưa ra giá trị hợp đồng được kê khống lên, tùy theo số tiền kinh phí mà họ có thể duyệt. Phần chênh lệch do kê khống là của họ; nhiệm vụ của chúng tôi là soạn bảng hợp đồng theo đúng số tiền mà họ yêu cầu.

Nếu gặp người tử tế, họ sẽ chi trả lại cho chúng tôi phần thuế giá trị gia tăng bị đội lên do kê khống hợp đồng; còn gặp thứ ham ăn, thì chúng nuốt trọn. Cuối cùng, gần như doanh nghiệp nào cũng phải kê khống hợp đồng lên để bù vào chi phí. Trước mắt là nắm được tờ hợp đồng với nhà nước trong tay cái đã, việc thực hiện như thế nào tính sau. Đã chi hoa hồng rồi thì trăm bề trở nên dễ, tội gì không kê? Bên nào cũng có lợi mà!

Thông thường, hoa hồng là 10%, nhưng ít khi chỉ 10%. Vì sao ư? Giám đốc ăn 10%, kế toán trưởng ngốn 10%, bộ phận nghiệm thu nuốt 10%, công đoàn tọng 10%. Tổng cộng 40%!  Buồn cười nhất là công đoàn cũng ăn. Số tiền này hẳn nhiên nằm ngoài sổ sách, cho nên, có trời mới biết số tiền đó đi về đâu, chứ đừng tưởng nó tới tay công nhân – dù là “tiền của công đoàn”.

Hầu hết dự án, công trình “ăn” nhiều là thể loại chỉ định thầu, như vụ CDC Hà Nội với Nguyễn Nhật Cảm chẳng hạn. Nhưng nói chung, khi sếp đã chịu “ăn hoa hồng” rồi thì trăm bề dễ, khó khăn nào cũng vượt qua, kiểu gì gì thì cũng thắng. Ngay cả hình thức đấu thầu đã không ổn rồi, huống hồ xảy ra tình trạng ăn chia hoa hồng. Để gọi là “đấu thầu” thì thường phải có ba nhà thầu trở lên, theo quy định về đấu thầu; tuy nhiên, thực chất chỉ có một “thằng” thầu, đứng ra làm ba bộ hồ sơ dự thầu, trong đó bộ hồ sơ chính có giá thầu thấp nhất dù đã kê khống lên nhiều lần.

Minh họa: báo Đấu Thầu (baodauthau.vn)

Không làm gì, chỉ ăn nhậu và… ăn mày

Các cơ quan nhà nước Việt Nam luôn có khoản kinh phí gọi là “tiền tiếp khách”. Đây là khoản dôi dư để chia nhau, bởi chỉ có dàn lãnh đạo mới có quyền tiếp khách. Cứ đến cuối tháng thì kế toán trưởng “chạy” kiếm hóa đơn nhà hàng để kết toán khoản tiền này. Hầu như cơ quan nào cũng có quán quen mối ruột để xin hóa đơn, kê khống tiền hóa đơn để rút tiền ngân sách.

Bạn tôi – chủ một quán nhậu – kể chuyện quan chức nhậu nhẹt nghe mà khinh. Bọn quan chức đi nhậu, nhậu gần xong bèn kêu “doanh nghiệp đối tác” ra quán trả tiền cho chúng. Người dân nào từng có hợp đồng làm ăn với nhà nước đều rành sáu câu vụ này, phải ngậm đắng nuốt cay mà chi trả. Dù bắt doanh nghiệp trả nhưng chúng luôn vô tận quầy thu ngân xin hóa đơn để về kết toán “tiền tiếp khách” rồi sau đó lấy tiền từ “ngân sách tiếp khách” ra chia nhau.

Phải nói là chúng không từ một thủ đoạn nào, kể cả việc… ăn mày. Chúng không từ một đồng bạc lớn bạc nhỏ nào, kể cả tiền ăn nhậu. Bà cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng nói “người ta ăn của dân không từ một cái gì”. Bà ấy nói giữa cái không khí nóng hừng hực của công cuộc đốt lò. Nghe tức cười lắm. Mỉa mai cay đắng lắm. Đốt cái gì cho đất nước này trở nên tử tế? Họa chăng là đốt chính cái đảng của “người đốt lò vĩ đại”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: