Trong tuyên bố chung của nhiều quốc gia, đưa ra vào ngày 20 Tháng Chín, về án tử hình của ông Lê Văn Mạnh, có đoạn rất đáng chú ý. Trong đó, việc tử hình Mạnh, được nhận định rằng “đây là hình phạt tàn ác, vô nhân đạo, hèn hạ và không bao giờ có thể biện minh được”.
Đây là đoạn văn nói về án tử hình của Việt Nam được nói một cách mạnh mẽ nhất, kể từ thời án tử hình dành cho các ngài Thích Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát… vào giai đoạn những bản án được đưa ra chỉ thể hiện ý chí của nhà cầm quyền, chứ không có ý nghĩa luật pháp hay lý cứ đúng nghĩa.
Đoạn văn nói trên là tuyên bố chung của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cùng với các phái đoàn ngoại giao của Canada, Na Uy và Vương quốc Anh, đồng loạt phản đối quyết định thi hành án số 02/2015/QD-CA, đối với ông Lê Văn Mạnh, vì chuyện buộc tội ông Mạnh, được coi cũng là việc hoàn toàn duy ý chí của cơ quan điều tra tỉnh Thanh Hoá. Những chứng cứ ngoại phạm của Mạnh, thậm chí có cả nhân chứng về tình trạng ngoại phạm của Mạnh đều bị toà làm ngơ trong vụ án đã kéo dài suốt hơn 18 năm.
“Hèn hạ” là một cách diễn đạt thú vị, nó diễn đạt việc quyết định tử hình Mạnh của công an tỉnh Thanh Hoá như để nói rằng, cơ quan điều tra của tỉnh này không đủ dũng khí để nhìn vào sự thật, và việc bất ngờ ra án tử hình Mạnh, ẩn chứa những điều có thể là sâu xa hơn.
“Hèn hạ”, bởi vì một vụ án oan, đã nức tiếng về khả năng điều tra của công an tỉnh Thanh Hoá, bắt cho có một người gần nơi xảy ra án mạng, gán cho tội giết người để báo công. Mạnh đã khóc kêu oan trước toà nhiều lần, vì bị đánh trối chết để bắt viết thư về gia đình thú tội. Bà Lê Thị Việt sững người khi đọc lá thư đó, vì ngày xảy ra án mạng, Mạnh đang ở cùng với bà và chị gái. Mạnh bị bà giục cùng mọi người đi ra phụ tìm vớt xác nạn nhân. Cái ngày định mệnh đó, đã khiến Mạnh bỏ lại chiếc quần rách trên bờ, và bất ngờ trở thành chứng cứ cho các điều tra viên khăng khăng Mạnh là hung thủ.
”Hèn hạ”, bởi vì trong cả vụ án, không có một chứng cứ nào ngoài lời khai nhuộm máu của Mạnh. Thậm chí khi tìm thấy tinh dịch trong xác nạn nhân, Mạnh và gia đình, luật sư kêu nài cho đi lấy mẫu ADN để xác định thủ phạm, điều ra viên và toà đều làm ngơ. Thậm chí, khi ra toà, Mạnh nói mình bị đánh nhiều quá nên mới viết lá thư nhận tội, toà cũng phớt lờ, hèn hạ phớt lờ.
Đây là một vụ án được xác định là “hèn hạ”. Bởi vì những tiếng kêu oan của gia đình nạn nhân, sự đau đáu theo dõi của lương tâm xã hội trong suốt nhiều năm, được đổi trả bằng cách giết vội, giết lạnh lùng một con người để kết thúc một sự việc chứa đằng sau đó bao nhiêu là dấu hỏi về sự hèn hạ.
Trước vài ngày án tử thi hành, bà Việt cùng những gia đình nạn nhân đang kêu oan sau song sắt đến trước cửa Tòa án Tối cao và Ủy ban Tư pháp ở Hà Nội để nộp đơn xin cứu xét. Mọi thứ im lặng. Im lặng trong sự phát triển rộn rịp của xã hội đầy son phấn nhưng thiếu những trần trụi cần thiết.
Ngày 22 Tháng Chín, một văn bản trắng bệch gửi đến cho gia đình Lê Văn Mạnh, thông báo án tử hình đã thi hành lúc 7g00 sáng, và được mai táng ở nghĩa trang Chợ Nhàn, TP Thanh Hoá. Những câu hỏi về sự hèn hạ đã được khép lại trên bia đá tảng, là tiếng kêu gào công lý còn vọng đến mai sau.
Và tại sao là tử hình Lê Văn Mạnh, dứt khoát và gấp rút như vậy? Nhiều người tin rằng đây chỉ là tiếng kèn xung trận cho đợt tử hình sắp tới với Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng… trước khi tiếng nói phẫn nộ của đám đông có thể bùng lên một lần nữa. Tử hình Lê Văn Mạnh chứng minh sức mạnh của toà án, của những người quyết tâm kết tội, quyết tâm chứng minh cơ quan công quyền phải đúng, và nhân dân phải sai. Việc tử hình cũng bất chấp Viện Kiểm sát tối cao từng phản đối, và yêu cầu xét xử lại.
Chỉ biết chết lặng khi đọc được văn bản về việc thi hành án tử hình Mạnh. Buổi sáng mây mù Tháng Chín Việt Nam, như dày đặc hơn trong tiếng kèn xung trận ráo riết giữa đời nhân dân.